Văn bản pháp luật: Thông tư 23/2013/TT-BCT

 
Toàn quốc
Công báo số 717+718, năm 2013
Thông tư 23/2013/TT-BCT
Thông tư
01/12/2013
18/10/2013

Tóm tắt nội dung

Quy định nội dung, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân

 
2.013
 

Toàn văn

BỘ CÔNG THƯƠNG

_________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Số: 23/2013/TT-BCT

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2013

 

THÔNG TƯ

Quy định nội dung, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế

xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân

 ________________

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 70/2010/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 83/2009/NĐ- CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về nội dung, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nội dung các bước thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân; nội dung, trình tự thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân.

Chương II

NỘI DUNG CÁC BƯỚC THIẾT KẾ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN

Điều 3. Các bước thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân

Thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân gồm các bước:

1. Thiết kế cơ sở là thiết kế được thực hiện trong giai đoạn lập Dự án đầu tư xây dựng công trình, bảo đảm thể hiện được các thông số kỹ thuật chủ yếu phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng, là căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo.

2. Thiết kế kỹ thuật là thiết kế được thực hiện trên cơ sở Thiết kế cơ sở trong dự án đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt, bảo đảm thể hiện được đầy đủ các thông số kỹ thuật và vật liệu sử dụng phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng, là căn cứ để triển khai bước thiết kế bản vẽ thi công.

3. Thiết kế bản vẽ thi công là thiết kế bảo đảm thể hiện được đầy đủ các thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng và chi tiết cấu tạo phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng, đảm bảo đủ điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình.

4. Các bước thiết kế khác theo thông lệ quốc tế do nhà thầu trình chủ đầu tư xem xét, phê duyệt.

Điều 4. Thiết kế cơ sở

Nội dung Thiết kế cơ sở theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định 70/2010/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân và bổ sung các nội dung sau:

1. Căn cứ lập thiết kế cơ sở.

2. Phương án cung cấp nhiên liệu và quản lý, lưu giữ nhiên liệu đã qua sử dụng.

3. Phương án đấu nối với hệ thống điện Quốc gia.

4. Phương án cung cấp nước kỹ thuật và nước làm mát.

5. Khối lượng xây dựng và lắp đặt chủ yếu.

6. Phương án tổ chức xây dựng sơ bộ.

7. Các tài liệu khác liên quan.

Điều 5. Thiết kế kỹ thuật

Thiết kế kỹ thuật phải phù hợp với Thiết kế cơ sở và Dự án đầu tư được duyệt, gồm các nội dung chính sau:

1. Căn cứ lập Thiết kế kỹ thuật.

2. Danh mục các tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng.

3. Thuyết minh chung

a) Thông tin chung: Mô tả chung địa điểm xây dựng; điều kiện tự nhiên, địa lý; cơ sở hạ tầng, kết nối với hệ thống giao thông và thông tin liên lạc; công suất nhà máy, công nghệ được lựa chọn; các tòa nhà, thiết bị, hệ thống chính;

b) Yêu cầu cơ bản đối với nhà máy.

4. Các yêu cầu thiết kế

a) Các yêu cầu thiết kế kỹ thuật đối với: Các thiết bị chính (lò phản ứng; tuabin, máy phát và các thiết bị khác); các hệ thống chính (hệ thống cung cấp hơi chính; các hệ thống đảm bảo an toàn; hệ thống quản lý và lưu giữ nhiên liệu đã qua sử dụng; hệ thống xử lý và lưu giữ chất thải phóng xạ; hệ thống điện; hệ thống đo lường, điều khiển, bảo vệ; hệ thống thông gió và điều hòa không khí và các hệ thống đồng bộ khác);

b) Các yêu cầu về an toàn;

c) Các yêu cầu thiết kế kiến trúc, kết cấu.

5. Đặc tính kỹ thuật của hệ thống kỹ thuật và các thiết bị

Gồm tổng quan của hệ thống kỹ thuật; nguyên lý thiết kế; đặc tính kỹ thuật chính; yêu cầu thử nghiệm, kiểm tra đối với các hệ thống, thiết bị sau:

a) Lò phản ứng;

b) Hệ thống làm mát lò phản ứng;

c) Tuabin, máy phát điện;

d) Hệ thống hơi chính, hệ thống bình ngưng và làm mát bình ngưng;

đ) Hệ thống an toàn;

e) Hệ thống đo lường, điều khiển và bảo vệ;

g) Hệ thống điện tự dùng nhà máy và hệ thống cấp điện khẩn cấp;

h) Sân phân phối và đấu nối với hệ thống điện Quốc gia;

i) Hệ thống xử lý, lưu giữ và quản lý, nhiên liệu, nhiên liệu đã sử dụng;

k) Hệ thống xử lý và lưu giữ chất thải phóng xạ;

l) Hệ thống bảo vệ và kiểm soát phóng xạ;

m) Hệ thống thông gió và điều hòa không khí;

n) Hệ thống cấp nước kỹ thuật;

o) Hệ thống hơi tự dùng;

p) Hệ thống thông tin liên lạc;

q) Hệ thống phòng cháy chữa cháy;

r) Hệ thống thiết bị của Trung tâm huấn luyện;

s) Hệ thống thiết bị của Trung tâm ứng phó sự cố;

t) Các hệ thống khác của nhà máy.

6. Giải pháp kiến trúc, kết cấu và vật liệu xây dựng

Gồm giải pháp kiến trúc, kết cấu xây dựng và vật liệu xây dựng đối với các hạng mục công trình chính và các công trình phụ trợ sau:

a) Tòa nhà lò;

b) Tòa nhà tuabin;

c) Tòa nhà ứng phó sự cố;

d) Tòa nhà điều khiển, điều hành;

đ) Tòa nhà xử lý, cấp nước và các bể chứa nước;

e) Tòa nhà cấp điện dự phòng;

g) Tòa nhà phụ trợ;

h) Trung tâm huấn luyện;

i) Cơ sở lưu giữ nhiên liệu và nhiên liệu đã sử dụng;

k) Cơ sở lưu giữ và xử lý chất thải phóng xạ;

l) Cảng và đê chắn sóng;

m) Hệ thống kho, xưởng và các công trình đồng bộ khác.

7. Tổ chức và tổng tiến độ xây dựng

a) Thiết kế tổng mặt bằng xây dựng (khu tổ hợp thiết bị, khu phụ trợ, lán trại, khu chứa vật liệu, khu bãi thải xây dựng);

b) Tổ chức xây dựng và các biện pháp thi công chính;

c) Tổng tiến độ xây dựng trong đó thể hiện tiến độ hoàn thành các hạng mục công trình, khối lượng xây lắp chính, vật tư, vật liệu, nhu cầu nhân lực, thiết bị thi công, kế hoạch thử nghiệm và vận hành.

8. Bản vẽ

a) Bố trí chung và tổng mặt bằng nhà máy;

b) Mặt bằng, mặt cắt của nhà máy và các hạng mục công trình;

c) Các sơ đồ cân bằng nhiệt;

d) Sơ đồ hệ thống đường ống hơi, nước và khí nén;

d) Phần cơ khí;

đ) Phần điện;

e) Phần đo lường, điều khiển và bảo vệ;

g) Hệ thống thông tin, theo dõi giám sát và thu thập dữ liệu;

h) Hệ thống thông gió, điều hòa không khí;

i) Kiến trúc, kết cấu;

k) Tổ chức thi công, xây dựng;

l) Các bản vẽ khác.

9. Tổng dự toán

Tổng dự toán của dự án nhà máy điện hạt nhân được xác định bằng cách cộng các dự toán chi phí của các công trình và các chi phí có liên quan thuộc dự án, gồm các nội dung chính sau:

a) Cơ sở lập Tổng dự toán;

b) Dự toán các công trình được lập phù hợp với quy định tại Điều 8, Điều 9 của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, các quy định đặc thù đối với dự án điện hạt nhân;

c) Tổng dự toán dự án nhà máy điện hạt nhân.

10. Các tài liệu khác

a) Hồ sơ thiết kế phòng cháy chữa cháy;

b) Chương trình đảm bảo chất lượng;

c) Bảo vệ thực thể;

d) Các báo cáo và tính toán khác.

Điều 6. Thiết kế bản vẽ thi công

1. Thiết kế bản vẽ thi công do nhà thầu thực hiện theo thông lệ quốc tế và phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

a) Phù hợp với Thiết kế kỹ thuật được duyệt;

b) Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng;

c) Đảm bảo các quy định về an toàn, môi trường, phòng cháy chữa cháy;

d) Bản vẽ thi công được lập, phê duyệt đáp ứng tiến độ thi công xây dựng công trình;

đ) Các bản vẽ phải đảm bảo thể hiện đầy đủ các thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng và chi tiết cấu tạo phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng, đảm bảo đủ điều kiện để thi công xây dựng công trình, trong đó:

- Bản vẽ Tổng mặt bằng, mặt bằng, mặt cắt của các hạng mục công trình phải thể hiện đầy đủ vị trí và kích thước của các chi tiết kết cấu, thiết bị công nghệ, có biểu liệt kê khối lượng xây lắp và thiết bị của hạng mục công trình đó, chất lượng quy cách của từng loại vật liệu, cấu kiện điển hình được gia công sẵn, có thuyết minh hướng dẫn về trình tự thi công, các yêu cầu về kỹ thuật an toàn lao động trong thi công;

- Bản vẽ chi tiết các bộ phận công trình phải thể hiện đầy đủ vị trí, kích thước, quy cách và số lượng từng loại vật liệu, cấu kiện, có ghi chú cần thiết cho người thi công;

- Bản vẽ chi tiết về lắp đặt thiết bị công nghệ phải thể hiện đầy đủ vị trí, kích thước, quy cách và số lượng của từng loại thiết bị, cấu kiện, linh kiện và vật liệu, những ghi chú cần thiết cho người thi công và hướng dẫn của nhà máy chế tạo thiết bị;

- Biện pháp thi công phải thể hiện tiến độ, trình tự, nhân lực và thiết bị thi công các hạng mục công trình; biện pháp đảm bảo an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình; biện pháp phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường; biện pháp hoàn trả mặt bằng và di chuyển máy, thiết bị ra khỏi công trường sau khi hoàn thành công trình;

- Biểu tổng hợp khối lượng xây lắp, thiết bị, vật liệu của từng hạng mục công trình và toàn bộ công trình phải thể hiện đầy đủ quy cách, số lượng của từng loại vật liệu, cấu kiện, thiết bị.

2. Các bản vẽ và tài liệu

a) Tổng mặt bằng công trình;

b) Mặt bằng, mặt cắt các hệ thống, thiết bị;

c) Sơ đồ các hệ thống công nghệ của nhà máy;

d) Phần kiến trúc, kết cấu;

đ) Các bản vẽ chi tiết;

e) Tổng tiến độ, tiến độ các giai đoạn và biện pháp thi công;

g) Quy trình vận hành, bảo dưỡng và xử lý sự cố;

h) Các tài liệu liên quan khác.

Điều 7. Điều chỉnh, thay đổi thiết kế

1. Thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân được thay đổi, điều chỉnh khi có yêu cầu phải thay đổi hoặc trong quá trình thi công cần phải thay đổi, điều chỉnh thiết kế để đảm bảo an toàn, chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư của dự án.

2. Trường hợp điều chỉnh thiết kế làm thay đổi địa điểm, quy hoạch xây dựng, mục tiêu, quy mô hoặc làm vượt tổng mức đầu tư đã được duyệt của công trình thì chủ đầu tư phải trình người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt.

3. Trường hợp điều chỉnh thiết kế làm thay đổi Thiết kế kỹ thuật thì chủ đầu tư phải báo cáo Bộ Công Thương xem xét, quyết định.

4. Trường hợp thay đổi Thiết kế bản vẽ thi công mà không làm thay đổi Thiết kế kỹ thuật được duyệt thì chủ đầu tư được sửa đổi thiết kế.

5. Các thay đổi so với Thiết kế thi công đã được duyệt phải được thể hiện trong Bản vẽ hoàn công.

Chương III

THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ KỸ THUẬT VÀ THIẾT KẾ BẢN VẼ THI CÔNG

Điều 8. Thẩm định, phê duyệt Thiết kế kỹ thuật

1. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập Hồ sơ Thiết kế kỹ thuật trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt. Số bộ Hồ sơ trình là năm (05) bộ (gồm cả bản giấy và file điện tử).

2. Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt Thiết kế kỹ thuật gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt Thiết kế kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình (bao gồm cả phê duyệt Thiết kế cơ sở);

c) Hồ sơ Thiết kế kỹ thuật có nội dung phù hợp với quy định tại Điều 5 của Thông tư này;

d) Hợp đồng lập Thiết kế kỹ thuật;

đ) Hồ sơ năng lực của nhà thầu khảo sát, thiết kế xây dựng công trình;

e) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).

3. Thời gian thẩm định, phê duyệt Thiết kế kỹ thuật

a) Trong vòng mười lăm ngày (15) ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung thông tin, tài liệu theo quy định.

b) Thời gian thẩm định và phê duyệt Thiết kế kỹ thuật không quá chín (09) tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

4. Nội dung thẩm định Thiết kế kỹ thuật

a) Năng lực của tổ chức khảo sát, thiết kế so với yêu cầu của Hợp đồng và quy định của Pháp luật;

b) Sự tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các định mức, đơn giá và các chính sách hiện hành có liên quan của nhà nước;

c) Sự phù hợp của Thiết kế kỹ thuật với Thiết kế cơ sở và các quy định về kỹ thuật, an toàn và kinh tế:

- Sự phù hợp của Thiết kế kỹ thuật với Thiết kế cơ sở được duyệt;

- Sự phù hợp giữa công nghệ sử dụng với tổng mặt bằng và không gian kiến trúc;

- Sự đúng đắn của các giải pháp kết cấu công trình;

- Đánh giá mức độ an toàn, bền vững của công trình;

- Sự tuân thủ các quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy;

- Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật so với Dự án đầu tư được duyệt.

d) Sự phù hợp của khối lượng trong Tổng dự toán với Thiết kế kỹ thuật; tính đúng đắn của việc áp dụng đơn giá xây dựng công trình, định mức chi phí và dự toán các khoản chi khác trong Tổng dự toán;

đ) Các điều kiện và giải pháp kỹ thuật đảm bảo ổn định đối với công trình lân cận, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn trong khi thi công.

5. Phê duyệt Thiết kế kỹ thuật

a) Người có thẩm quyền phê duyệt Thiết kế kỹ thuật phải căn cứ vào kết quả thẩm định Thiết kế kỹ thuật, kết quả thẩm định Báo cáo phân tích an toàn, kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, các văn bản chấp thuận của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy và các yêu cầu có liên quan;

b) Nội dung phê duyệt Thiết kế kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Cơ quan tổ chức thẩm định, phê duyệt Thiết kế kỹ thuật có quyền thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra hồ sơ thiết kế trước khi phê duyệt.

Điều 9. Thẩm định, phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công

1. Thiết kế bản vẽ thi công do chủ đầu tư thẩm định và phê duyệt đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình và tiến độ thi công xây dựng công trình.

2. Nội dung chính thẩm định Thiết kế bản vẽ thi công như sau:

a) Phù hợp của thiết kế với Thiết kế kỹ thuật được duyệt;

b) Phù hợp của giải pháp kỹ thuật, công nghệ;

c) Phù hợp của thiết kế với tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng;

d) Tuân thủ các quy định về an toàn, môi trường, phòng cháy, chữa cháy và các quy định khác liên quan;

đ) Tính khả thi của thiết kế đảm bảo triển khai thi công xây dựng công trình.

3. Cơ quan tổ chức thẩm định Thiết kế bản vẽ thi công có quyền thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra hồ sơ thiết kế trước khi phê duyệt.

Điều 10. Kinh phí thẩm định, thẩm tra thiết kế

Kinh phí thẩm định, thẩm tra thiết kế được thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành và được tính vào tổng mức đầu tư xây dựng công trình.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2013.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân và các tổ chức liên quan có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Công Thương để xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Lê Dương Quang

 

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=33435&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận