Văn bản pháp luật: Nghị định 48/2008/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo số 249 & 250/2008;
Nghị định 48/2008/NĐ-CP
Nghị định
Hết hiệu lực toàn bộ
17/05/2008
17/04/2008

Tóm tắt nội dung

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ

Thủ tướng
2.008
Chính phủ

Toàn văn

NGH? Đ?NH C?A CHÍNH PH?

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; cơ yếu; văn thư, lưu trữ nhà nước và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Nội vụ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm, hàng năm, các dự án, công trình quan trọng quốc gia và các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

3. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được ban hành hoặc phê duyệt thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

5. Về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước:

a) Trình Chính phủ đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội; đề án, dự thảo nghị định của Chính phủ về thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; dự thảo nghị định quy định việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp nhà nước;

b) Thẩm định các dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thẩm định đề án thành lập, sáp nhập, giải thể, tổ chức lại tổng cục và tương đương do Bộ, cơ quan ngang Bộ trình Chính phủ; thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; thẩm định đề án và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, sáp nhập, giải thể, tổ chức lại các tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước và các tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ;

c) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát lại lần cuối các dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành;

d) Hướng dẫn tiêu chí chung để thực hiện phân loại, xếp hạng các tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật;

đ) Phối hợp với các Bộ quản lý ngành ban hành quy định hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân;

e) Hướng dẫn, kiểm tra việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng hợp, báo cáo Chính phủ quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

6. Về chính quyền địa phương:

a) Trình Chính phủ ban hành các quy định về: phân loại đơn vị hành chính các cấp; thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, điều chỉnh địa giới, đổi tên đơn vị hành chính các cấp; thành lập mới, đổi tên, sáp nhập, chia, tách, giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc Trung ương; chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã;

b) Thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu cử thành viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật. Tham dự các phiên họp định kỳ của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, khi cần thiết tham dự các cuộc họp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bàn về xây dựng chính quyền, quản lý địa giới hành chính và chương trình làm việc toàn khoá, hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Hướng dẫn thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp về phương thức hoạt động; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã;

e) Thống kê số lượng, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên Ủy ban nhân dân các cấp; số lượng đơn vị hành chính các cấp.

7. Về địa giới hành chính và phân loại đơn vị hành chính:

a) Thẩm định và trình Chính phủ đề án về: thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, điều chỉnh địa giới, đổi tên đơn vị hành chính các cấp; thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc Trung ương; nâng cấp về cấp quản lý hành chính đô thị thuộc tỉnh;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh;

c) Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp huyện; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân loại đơn vị hành chính cấp xã;

d) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính; chủ trì xây dựng phương án giải quyết về địa giới hành chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; tổng hợp, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết về những vấn đề chưa thống nhất liên quan đến địa giới hành chính;

đ) Quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

8. Về quản lý biên chế:

a) Quyết định giao biên chế hành chính, biên chế làm việc ở nước ngoài của tổ chức thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ và biên chế hành chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế hành chính nhà nước hàng năm;

b) Bổ sung biên chế hành chính cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong tổng biên chế dự phòng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Giao biên chế làm việc ở nước ngoài cho tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ và biên chế các tổ chức hội có sử dụng biên chế nhà nước sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

d) Tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước của các cơ quan trong cả nước.

9. Về cán bộ, công chức, viên chức nhà nước:

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch cán bộ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về: tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch, bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch; đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, biệt phái; kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật;

c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Chính phủ về chức danh, tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp trưởng phòng và tương đương đến thứ trưởng và tương đương của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; từ cấp trưởng phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đến giám đốc sở và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Quy định ngạch và mã ngạch; ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn các ngạch công chức; cơ cấu ngạch công chức; công tác quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; số hiệu, thẻ công chức, trang phục đối với cán bộ, công chức;

đ) Tổ chức thi nâng ngạch từ ngạch chuyên viên chính lên ngạch chuyên viên cao cấp; quyết định bổ nhiệm ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương theo thẩm quyền; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng ngân hàng đề thi nâng ngạch công chức, viên chức chuyên ngành; hướng dẫn về điều kiện đảm bảo thực hiện phân cấp việc tổ chức thi nâng ngạch công chức, viên chức chuyên ngành; kiểm tra, giám sát việc nâng ngạch công chức, viên chức;

e) Thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của các ngạch viên chức, cơ cấu ngạch viên chức, đánh giá, nội dung, hình thức thi tuyển, nâng ngạch viên chức chuyên ngành để các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý ngạch viên chức chuyên ngành ban hành;

g) Thẩm định về nhân sự đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

h) Tổ chức thực hiện chính sách đối với cán bộ cao cấp theo phân công và phân cấp;

i) Xây dựng và quản lý dữ liệu quốc gia về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp.

10. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước:

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở trong nước và ở nước ngoài, cán bộ, công chức cấp xã và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;

b) Hướng dẫn các quy định của Chính phủ về tổ chức của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Thống nhất quản lý về chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với cán bộ, công chức hành chính, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và cán bộ, công chức cấp xã;

d) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với cán bộ, công chức hành chính ngành nội vụ; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và cán bộ, công chức cấp xã;

đ) Phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

11. Về chính sách tiền lương:

a) Hướng dẫn thực hiện quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về: chính sách, chế độ tiền lương (tiền lương tối thiểu; bảng lương; ngạch, bậc lương; chế độ phụ cấp; quản lý tiền lương và thu nhập); các chính sách, chế độ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước từ Trung ương đến cấp xã; tiền lương lực lượng vũ trang và lao động hợp đồng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp nhà nước;

b) Hướng dẫn việc xếp ngạch, bậc lương đối với cán bộ, viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sỹ lực lượng vũ trang khi được điều động, luân chuyển về cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước;

c) Hướng dẫn, kiểm tra: việc thực hiện chính sách, chế độ tiền lương, phụ cấp, sinh hoạt phí và tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang và lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; việc nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật; việc xếp hệ số lương khi bổ nhiệm ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;

d) Làm thường trực Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước.

12. Về tổ chức hội và các tổ chức phi chính phủ:

a) Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ;

b) Hướng dẫn thực hiện các quy định của chính phủ về: trình tự, thủ tục thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; phê duyệt điều lệ, cấp giấy phép đối với hội, tổ chức phi chính phủ;

c) Quyết định việc: cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập, hợp nhất; giải thể; phê duyệt điều lệ, cấp giấy phép đối với hội, tổ chức phi chính phủ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh theo quy định của pháp luật;

d) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hội, tổ chức phi chính phủ; việc thực hiện điều lệ đối với hội, tổ chức phi chính phủ theo quy định của pháp luật.

13. Về thi đua, khen thưởng:

a) Hướng dẫn việc thực hiện quy định của Chính phủ về đối tượng, quy trình, thủ tục, thời gian xét đối với các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; hình thức, thủ tục khen thưởng đơn giản; mẫu các hiện vật khen thưởng;

b) Tổ chức, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, chính sách khen thưởng của Đảng và Nhà nước; hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về thi đua, khen thưởng đối với các ngành, các cấp;

c) Thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng do các cơ quan, tổ chức trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc để Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định khen thưởng theo quy định của pháp luật;

d) Quy định việc thu hồi, cấp, đổi hiện vật khen thưởng theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chịu trách nhiệm chuẩn bị hiện vật kèm theo các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

đ) Vận động các nguồn tài trợ và quản lý, sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng Trung ương; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý quỹ thi đua, khen thưởng ở các cấp, các ngành;

e) Làm thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

14. Về công tác tôn giáo:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác liên quan trong việc tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo và công tác tôn giáo;

b) Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về công tác tôn giáo đối với các ngành, các cấp liên quan và địa phương;

c) Thống nhất quản lý về xuất bản các ấn phẩm, sách kinh, tác phẩm, giáo trình giảng dạy, văn hoá phẩm thuần tuý tôn giáo của các tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động;

d) Thực hiện và hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc tôn giáo về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tôn giáo theo quy định của pháp luật; làm đầu mối liên hệ với các tổ chức tôn giáo trong nước và quốc tế.

15. Về công tác cơ yếu:

a) Tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác cơ yếu;

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và các đề án, dự án bảo mật, an toàn thông tin sau khi được phê duyệt;

c) Thống nhất quản lý, bảo đảm kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu trong phạm vi cả nước; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;

d) Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về mật mã dân sự, cung cấp các thiết bị và sản phẩm mật mã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng.

16. Về công tác văn thư, lưu trữ nhà nước:

a) Xây dựng các đề án, dự án về sưu tầm, thu thập, chỉnh lý, bảo vệ, bảo quản, bảo hiểm, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan nhà nước thực hiện các quy định về quản lý công tác văn thư, lưu trữ;

c) Thực hiện các quy trình nghiệp vụ về sưu tầm, thu thập, bổ sung tài liệu lưu trữ, bảo vệ, bảo quản, bảo hiểm tài liệu lưu trữ; tổ chức giải mật, công bố, giới thiệu, triển lãm, trưng bày và tổ chức phục vụ khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia;

d) Thống nhất quản lý về thống kê văn thư, lưu trữ trên phạm vi cả nước;

đ) Lưu trữ thông tin số trong các cơ quan nhà nước.

17. Về cải cách hành chính nhà nước:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án chung về cải cách hành chính nhà nước trong từng giai đoạn để trình cấp có thẩm quyền quyết định;

b) Tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định;

c) Thẩm định các đề án thí điểm cải cách hành chính do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ;

d) Tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án cải cách hành chính về lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính nhà nước;

đ) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước;

e) Làm thường trực công tác cải cách hành chính của Chính phủ.

18. Về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở:

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại xã, phường, thị trấn và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật.

19. Về hợp tác quốc tế:

a) Hướng dẫn thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; tổng hợp, báo cáo định kỳ về hội nghị, hội thảo quốc tế liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;

b) Quản lý và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của Chính phủ;

c) Thống nhất với các Bộ, ngành, địa phương về tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, cấp quốc gia và hội nghị, hội thảo do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì liên quan đến các nội dung, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ;

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc hợp tác về lĩnh vực công vụ với các nước ASEAN.

20. Quản lý nhà nước về công tác thanh niên:

a) Chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình phát triển thanh niên và công tác thanh niên;

b) Hướng dẫn việc lồng ghép các cơ chế, chính sách đối với thanh niên trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu của các cấp, các ngành;

c) Tổng kết, sơ kết, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện các quy định của pháp luật đối với thanh niên.

21. Thực hiện các dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

22. Thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

23. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành giải quyết kiến nghị của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

24. Hướng dẫn, kiểm tra việc cho phép các cơ quan, tổ chức được sử dụng con dấu và việc quản lý, sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật.

25. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học và ứng dụng nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

26. Tổ chức, chỉ đạo ứng dụng công nghệ và dữ liệu thông tin, thống kê theo các lĩnh vực quản lý của Bộ.

27. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu, chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

28. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.

29. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Vụ Tổ chức - Biên chế.

2. Vụ Chính quyền địa phương.

3. Vụ Công chức - Viên chức.

4. Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

5. Vụ Tiền lương.

6. Vụ Tổ chức phi chính phủ.

7. Vụ Cải cách hành chính.

8. Vụ Hợp tác quốc tế.

9. Vụ Pháp chế.

10. Vụ Kế hoạch - Tài chính.

11. Vụ Tổng hợp.

12. Vụ Tổ chức cán bộ.

13. Thanh tra Bộ.

14. Văn phòng Bộ.

15. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

16. Ban Tôn giáo Chính phủ.

17. Ban Cơ yếu Chính phủ.

18. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

19. Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh.

20. Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Đà Nẵng.

21. Viện Khoa học tổ chức nhà nước.

22. Tạp chí Tổ chức nhà nước.

23. Trung tâm Thông tin.

24. Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Tại Điều này, các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 20 là các đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị quy định từ khoản 21 đến khoản 24 là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Vụ Tổ chức - Biên chế, Vụ Chính quyền địa phương, Vụ Công chức - Viên chức, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh và Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Đà Nẵng được tổ chức phòng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ, trừ các đơn vị quy định tại các khoản 15, 16, 17 và 18 Điều này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và quyết định ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp khác hiện có thuộc Bộ.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bãi bỏ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

3. Quy định về thời điểm hết hiệu lực thi hành của các văn bản sau đây:

a) Nghị định số 158/2004/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ về việc thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hết hiệu lực thi hành khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương bắt đầu có hiệu lực thi hành;

b) Nghị định số 91/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ hết hiệu lực thi hành khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ  quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ bắt đầu có hiệu lực thi hành;

c) Nghị định số 140/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ hết hiệu lực thi hành khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ  quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ bắt đầu có hiệu lực thi hành;

d) Quyết định số 177/2003/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước hết hiệu lực thi hành khi quyết định  của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước bắt đầu có hiệu lực thi hành.

4. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước được tiếp tục duy trì tổ chức, con dấu, tài khoản và hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ cho đến khi các quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng đơn vị nêu trên bắt đầu có hiệu lực thi hành.

5. Bãi bỏ các quy định khác trước đây trái với Nghị định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=12690&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận