Văn bản pháp luật: Nghị định 52/2012/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo số 405+406, năm 2012
Nghị định 52/2012/NĐ-CP
Nghị định
Hết hiệu lực toàn bộ
05/08/2012
14/06/2012

Tóm tắt nội dung

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy

Thủ tướng
2.012
Chính phủ

Toàn văn

NGHỊ ĐỊNH

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy

__________________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy,

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, nguyên tắc xử phạt, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt, khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.

2. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy hoặc có liên quan đến lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy chưa được quy định tại Nghị định này nhưng đã được quy định trong các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính thì thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các nghị định đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị xử phạt theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 4. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Nghị định này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Ngoài các hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra;

b) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ hạng mục công trình, công trình xây dựng trái phép;

c) Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính gây ra;

d) Buộc giảm khối lượng, số lượng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo định mức quy định;

đ) Buộc di chuyển chất nguy hiểm về cháy, nổ do vi phạm hành chính gây ra đến kho, địa điểm theo quy định;

e) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác được quy định tại Chương II Nghị định này.

4. Người có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.

5. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy trên lãnh thổ Việt Nam có thể bị trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất được áp dụng có thể là hình thức xử phạt chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính.

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT

Điều 5. Hành vi vi phạm trong việc ban hành, phổ biến và tổ chức thực hiện quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chấp hành không đầy đủ nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy;

b) Làm mất tác dụng hoặc để nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy cũ mờ, không nhìn rõ chữ, ký hiệu chỉ dẫn.

c) Trang bị nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy không đúng quy cách theo quy định.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không bố trí, niêm yết tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

b) Không chấp hành nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy;

c) Không phổ biến nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy cho những người trong phạm vi quản lý của mình;

d) Ban hành các nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy không đầy đủ nội dung hoặc không phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí, niêm yết nội quy về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành hoặc ban hành quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này gây ra;

b) Buộc ban hành, phổ biến, niêm yết các nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy đúng quy định đối với hành vi quy định tại Điểm a, Điểm c, Điểm d Khoản 2, Khoản 4 Điều này.

Điều 6. Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không xuất trình hồ sơ, tài liệu phục vụ cho kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các kiến nghị về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản;

b) Không cử người có trách nhiệm tham gia Đoàn kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

c) Không tự tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền;

b) Không thực hiện các kiến nghị về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản;

c) Gây cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy của cơ quan chức năng.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sau khi cơ sở được thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa cơ sở vào hoạt động người đứng đầu cơ sở không có văn bản thông báo và ký cam kết cơ sở đã đáp ứng đủ các yêu cầu và duy trì các điều kiện để đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nhà, công trình và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.

Điều 7. Hành vi vi phạm về hồ sơ quản lý công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện việc thống kê, báo cáo về công tác phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

b) Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy không đủ tài liệu theo quy định;

c) Không cập nhật những thông tin thay đổi liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy trong hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ sở.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không lập hồ sơ quản lý, theo dõi phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, bảo quản và sử dụng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không có sổ sách, hồ sơ theo dõi, quản lý chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi bảo quản, bố trí, sắp xếp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ vượt quá số lượng, khối lượng hoặc sắp xếp không đúng khoảng cách, không theo từng nhóm chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị, phương tiện chứa, đựng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ không có giấy chứng nhận kiểm định hoặc không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đối với hành vi quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xây dựng, thành lập hồ sơ, sổ sách theo dõi, quản lý chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

b) Buộc bảo quản, bố trí, sắp xếp, giảm số lượng, khối lượng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này;

c) Buộc di chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đến kho, địa điểm theo quy định đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.

Điều 9. Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sản xuất, kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không có biện pháp, phương tiện ngăn ngừa tích tụ tĩnh điện theo quy định;

b) Không có biện pháp thông gió tự nhiên hoặc không có thiết bị thông gió cưỡng bức theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không lắp đặt các thiết bị phát hiện và xử lý rò rỉ của các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ ra môi trường xung quanh theo quy định;

b) Không có phương án hoặc thiết bị xử lý sự cố bục, vỡ bể chứa, thiết bị, đường ống chứa, đựng, dẫn dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ và các chất lỏng dễ cháy khác;

c) San, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ sang các thiết bị chứa không đúng chủng loại, không phù hợp với chất, hàng nguy hiểm cháy nổ.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép theo quy định.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ thuộc danh mục cấm kinh doanh.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đối với hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định đối với hành vi quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều này.

Điều 10. Hành vi vi phạm quy định trong vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm hư hỏng, nhàu nát Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

b) Không mang theo Giấy phép vận chuyển khi vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định;

c) Không bóc, gỡ biểu trưng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ gắn trên phương tiện vận chuyển khi chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đã được di chuyển khỏi phương tiện vận chuyển;

d) Làm mất Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ nhưng đã thông báo kịp thời với cơ quan chức năng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sắp xếp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trên phương tiện vận chuyển không đúng theo quy định;

b) Dừng, đỗ phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ ở những nơi không được phép theo quy định.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không duy trì đầy đủ các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy khi sử dụng phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trong suốt thời gian được phép vận chuyển theo quy định;

b) Vận chuyển hàng hóa khác cùng với chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trên cùng một phương tiện vận chuyển mà không được phép theo quy định;

c) Chở người không có nhiệm vụ trên phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ vượt quá số lượng, khối lượng, chủng loại quy định trong giấy phép;

b) Không niêm yết biểu trưng vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trên phương tiện vận chuyển theo quy định;

c) Không chấp hành các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy hoặc không tuân theo sự hướng dẫn của người điều hành có thẩm quyền khi bốc, dỡ, bơm, chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ ra khỏi phương tiện vận chuyển theo quy định;

d) Bốc, dỡ, bơm, chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ tại địa điểm không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

đ) Bốc, dỡ, bơm, chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đang trên đường vận chuyển sang phương tiện khác khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền;

e) Chữa, tẩy xóa Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

g) Làm mất Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ nhưng không báo cho cơ quan chức năng.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định;

b) Làm giả hoặc sử dụng giấy phép giả để vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đối với hành vi quy định tại Điểm e Khoản 4 Điều này;

b) Tịch thu chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1, Điểm a, Điểm b Khoản 5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc sắp xếp lại chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

b) Buộc giảm số lượng, khối lượng, chủng loại chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này;

c) Buộc di chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đến kho, địa điểm theo quy định đối với hành vi quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 5 Điều này.

Điều 11. Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Bố trí nơi đun nấu, thờ cúng không đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

b) Mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm;

b) Hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong thiết kế, lắp đặt, quản lý, sử dụng điện

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không có quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng điện tại cơ sở.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị điện không theo đúng chỉ dẫn của nhà chế tạo.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống chiếu sáng sự cố;

b) Thay đổi thiết kế hoặc thay đổi kết cấu, thông số chủ yếu của hệ thống điện, thiết bị điện mà không được người hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

c) Lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện hoặc thiết bị đóng ngắt, bảo vệ hoặc thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy;

d) Sử dụng thiết bị điện quá tải so với thiết kế;

đ) Sử dụng thiết bị điện ở những nơi đã có quy định cấm.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng thiết bị điện không đảm bảo yêu cầu phòng cháy, nổ theo quy định trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ;

b) Không có nguồn điện dự phòng theo quy định.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thiết kế, lắp đặt các hệ thống điện phục vụ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính quy định tại các Khoản 3, 4 và 5 Điều này gây ra.

Điều 13. Hành vi vi phạm quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong thiết kế, thi công, kiểm tra, bảo trì hệ thống chống sét

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không có hồ sơ theo dõi hệ thống chống sét theo quy định.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không khắc phục các sai sót, hư hỏng làm mất tác dụng của hệ thống chống sét.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không lắp đặt hệ thống chống sét cho nhà, công trình thuộc diện phải lắp đặt hệ thống chống sét theo quy định.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính quy định tại Khoản 3 Điều này gây ra.

Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công, xây dựng công trình.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thiết kế hệ thống phòng cháy và chữa cháy đối với công trình thuộc diện phải có thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào sử dụng không đảm bảo một trong các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Thi công, lắp đặt không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt;

b) Không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình trong quá trình thi công, sử dụng theo quy định.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có “Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy” theo quy định;

b) Chế tạo mới hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy mà chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khắc phục các điều kiện để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Buộc thi công, lắp đặt lại hạng mục phòng cháy và chữa cháy theo đúng thiết kế đã được thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này;

c) Buộc tổ chức khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này.

Điều 15. Hành vi vi phạm quy định về khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy và ngăn cháy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy và ngăn cháy theo quy định;

b) Không tổ chức vệ sinh công nghiệp dẫn đến khả năng tạo thành môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi xây tường ngăn cháy, vách ngăn cháy hoặc làm cửa ngăn cháy và các giải pháp ngăn cháy khác không bảo đảm yêu cầu theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm trần, sàn, vách ngăn, mái che hoặc tập kết vật liệu dễ cháy ở những nơi không được phép theo quy định;

b) Làm nhà ở trong rừng hoặc ven rừng không đảm bảo an toàn về chống cháy lan theo quy định.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không dọn sạch chất dễ cháy nằm trong hành lang an toàn tuyến ống dẫn dầu mỏ, khí đốt và sản phẩm dầu mỏ;

b) Xây dựng công trình vi phạm khoảng cách ngăn cháy.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không làm tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, cửa ngăn cháy và các giải pháp ngăn cháy theo quy định;

b) Làm mất tác dụng ngăn cháy của tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, cửa ngăn cháy và các giải pháp ngăn cháy.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm b Khoản 5 Điều này gây ra;

b) Buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3, Điểm b Khoản 4 Điều này;

c) Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2, Điểm a Khoản 3, Điểm a Khoản 4, Điểm a Khoản 5 Điều này gây ra.

Điều 16. Xử phạt vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi thiết kế cửa thoát nạn không mở theo hướng thoát nạn, lắp gương trong cầu thang thoát nạn.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn;

b) Tháo, gỡ hoặc làm hỏng các thiết bị chiếu sáng sự cố, biển báo, biển chỉ dẫn trên lối thoát nạn;

c) Không lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn thoát nạn trên lối thoát nạn.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ cứu nạn theo quy định;

b) Không có thiết bị thông gió, thoát khói theo quy định cho lối thoát nạn;

c) Không có thiết bị chiếu sáng sự cố trên lối thoát nạn hoặc có nhưng không đủ độ sáng theo quy định hoặc không có tác dụng;

d) Thiết kế, xây dựng cửa thoát nạn, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn không đủ số lượng, diện tích, chiều rộng hoặc không đúng theo quy định.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi khóa, chèn, chặn cửa thoát nạn.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi làm mất tác dụng của lối thoát nạn.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này gây ra.

Điều 17. Hành vi vi phạm về phương án chữa cháy của cơ sở

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không quản lý phương án chữa cháy theo quy định.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Xây dựng phương án chữa cháy không đảm bảo yêu cầu theo quy định;

b) Không phổ biến phương án chữa cháy theo quy định.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không trình phê duyệt phương án chữa cháy theo quy định;

b) Không tham gia thực tập phương án chữa cháy theo quy định;

c) Không bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy theo quy định;

d) Không thực tập đầy đủ các tình huống chữa cháy trong phương án chữa cháy đã được phê duyệt.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không xây dựng phương án chữa cháy theo quy định;

b) Không tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo quy định.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này gây ra.

Điều 18. Hành vi vi phạm về thông tin báo cháy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi để phương tiện, thiết bị thông tin báo cháy hỏng hoặc mất tác dụng.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không có hiệu lệnh, thiết bị thông tin báo cháy theo quy định;

b) Báo cháy chậm, không kịp thời; báo cháy không đầy đủ.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Báo cháy giả;

b) Không báo cháy hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy;

c) Đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin không kịp thời khắc phục những hỏng hóc đối với thiết bị tiếp nhận thông tin báo cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khi đã có yêu cầu bằng văn bản.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khắc phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 Điều này gây ra.

Điều 19. Hành vi vi phạm về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Di chuyển, thay đổi vị trí lắp đặt phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Làm che khuất phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy và chữa cháy định kỳ theo quy định;

b) Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đầy đủ hoặc không đồng bộ theo quy định;

c) Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên, phương tiện giao thông cơ giới chuyên dùng để vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy chưa được kiểm định về chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo quy định;

b) Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở theo quy định;

c) Sử dụng phương tiện chữa cháy ở vị trí thường trực chữa cháy dùng vào mục đích khác;

d) Không dự trữ đủ nước chữa cháy theo quy định.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho nhà, công trình theo quy định;

b) Làm mất, hỏng hoặc làm mất tác dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy theo quy định.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điểm a Khoản 4 và Khoản 5 Điều này gây ra;

b) Buộc khắc phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều này gây ra.

Điều 20. Hành vi vi phạm về công tác chữa cháy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vào khu vực chữa cháy khi không được phép của người có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không kịp thời thực hiện việc cứu người, cứu tài sản hoặc chữa cháy.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ về lực lượng, phương tiện, nguồn nước và các điều kiện khác phục vụ chữa cháy theo quy định;

b) Không bố trí đường giao thông, vị trí tiếp cận tòa nhà, công trình và các khoảng trống khác cho xe chữa cháy và các phương tiện chữa cháy cơ giới khác hoạt động theo quy định.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy;

b) Không chấp hành lệnh huy động tham gia chữa cháy của người có thẩm quyền;

c) Cản trở hoạt động của lực lượng và phương tiện phòng cháy và chữa cháy;

d) Không tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy khi có yêu cầu của người có thẩm quyền;

đ) Không bảo vệ hiện trường vụ cháy theo quy định.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không tổ chức việc thoát nạn, cứu người hoặc chữa cháy;

b) Lợi dụng việc chữa cháy để xâm hại đến sức khỏe, tài sản hợp pháp của công dân và tài sản của nhà nước.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính quy định tại Khoản 3 Điều này gây ra.

Điều 21. Hành vi vi phạm về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, học tập, bồi dưỡng và huấn luyện về phòng cháy và chữa cháy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi làm hỏng băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích, tranh ảnh tuyên truyền, cổ động về phòng cháy và chữa cháy.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

b) Sử dụng người làm lực lượng chữa cháy cơ sở, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới 4 chỗ ngồi trở lên, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ nhưng chưa qua lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận đã qua lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 Điều này gây ra.

Điều 22. Hành vi vi phạm về thành lập, tổ chức, quản lý lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không đảm bảo số lượng về con người, thời gian trong một ca trực, kíp trực về an toàn phòng cháy và chữa cháy;

b) Lực lượng chữa cháy cơ sở không sử dụng thành thạo phương tiện phòng cháy và chữa cháy được trang bị tại cơ sở.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không tổ chức phân trực tại cơ sở theo quy định.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc chuyên ngành không đảm bảo yêu cầu theo quy định;

b) Không quản lý, không duy trì hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc chuyên ngành theo quy định.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi được người có thẩm quyền yêu cầu.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hay chuyên ngành theo quy định.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này gây ra.

Điều 23. Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy và thiết kế về phòng cháy và chữa cháy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của đơn vị thiết kế về phòng cháy và chữa cháy mà không đủ tư cách pháp nhân, năng lực chuyên môn kỹ thuật theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi của cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy khi chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chuyên môn kỹ thuật, chưa được đào tạo hoặc tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoán cải xe ô tô chữa cháy, tàu, thuyền chữa cháy chuyên dùng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi của đơn vị thi công, lắp đặt hạng mục phòng cháy và chữa cháy mà không đủ tư cách pháp nhân, năng lực chuyên môn kỹ thuật theo quy định.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều này gây ra.

Điều 24. Hành vi vi phạm về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không có biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất cho đối tượng tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định;

b) Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành;

c) Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không tách riêng hợp đồng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm trọn gói theo quy định;

d) Không trích nộp phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Điều 25. Hành vi để xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại dưới 25.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại trên 50.000.000 đồng nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 26. Xử phạt cá nhân, tổ chức để xảy ra cháy, nổ

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại dưới 2.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 10.000.000 đồng đến dưới 25.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại trên 50.000.000 đồng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 27. Xử phạt trục xuất

Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 18, 20 và Điều 21 của Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương III

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 28. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân

1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

3. Trưởng Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng.

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

4. Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

5. Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an cấp tỉnh và Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp huyện thuộc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

6. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng.

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

e) Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Công an.

7. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu hàng hóa, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

8. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Điều 29. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng.

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

c) Tịch thu hàng hóa, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

Điều 30. Thẩm quyền xử phạt hành chính của các cơ quan khác

Ngoài những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 28 và Điều 29 của Nghị định này, những người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc địa bàn và lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì có quyền xử phạt theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 28; Khoản 1, 2 và 3 Điều 29 Nghị định này có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Cấp phó được ủy quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật.

Điều 32. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền thì thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể, trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

2. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.

3. Trong trường hợp người có thẩm quyền xử phạt thuộc Công an nhân dân đang xử lý đối với cá nhân, tổ chức có vi phạm về phòng cháy và chữa cháy theo Nghị định này mà phát hiện cá nhân, tổ chức đó còn có hành vi vi phạm hành chính được quy định trong các Nghị định khác của Chính phủ thì có quyền xử phạt hành chính về hành vi đó.

Chương IV

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 33. Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, người có thẩm quyền xử phạt phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm.

2. Trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện như sau:

a) Đối với vi phạm hành chính mà hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ theo thủ tục đơn giản được quy định tại Điều 54 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

b) Đối với vi phạm hành chính mà hình thức xử phạt là phạt tiền trên 200.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản về vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 55 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và ra quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002; nếu vụ vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì người đó phải gửi biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để ra quyết định xử phạt theo đúng quy định.

c) Biểu mẫu để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy được áp dụng thống nhất theo biểu mẫu quy định trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

3. Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt đối với hành vi đó được quy định tại Nghị định này; trường hợp vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; trường hợp vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên, nhưng không vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt đã được quy định. Khi phạt tiền, phải công bố cho người bị phạt biết khung hình phạt và mức phạt cụ thể.

4. Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính nếu bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền thì mức tiền phạt không được quá một phần hai mức phạt đối với người thành niên; trong trường hợp họ không có tiền nộp phạt thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải nộp thay.

Điều 34. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy

Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy thì áp dụng các biện pháp tạm giữ người; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Điều 35. Thu nộp tiền phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị phạt tiền về vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy phải nộp tiền phạt đúng thời hạn tại Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt tại chỗ theo quy định tại Điều 54 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và được nhận biên lai thu tiền phạt. Việc thu nhận tiền phạt phải sử dụng biên lai do Bộ Tài chính phát hành theo đúng quy định.

2. Tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, trên sông, trên biển, những vùng mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc ngoài giờ hành chính thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp vào Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Người bị phạt có quyền chưa nộp tiền phạt nếu không có biên lai thu tiền phạt do Bộ Tài chính phát hành theo đúng quy định.

Điều 36. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt. Quá thời hạn trên mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân bị xử phạt từ 500.000 đồng trở lên có thể được hoãn chấp hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 65 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

3. Khi xét thấy cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt hoặc cơ quan tiến hành xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy có quyền thông báo công khai về hành vi vi phạm hành chính, quyết định xử phạt đến cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi cá nhân vi phạm công tác hoặc cư trú và đến cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý hoặc chính quyền địa phương nơi tổ chức vi phạm đăng ký hoạt động.

Điều 37. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề

Việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề chỉ được thực hiện đối với hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này, các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy và phải thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Điều 38. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hoặc đối với trường hợp đã ra quyết định xử phạt, nếu sau đó phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền theo đúng quy định tại Điều 62 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 39. Khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền.

Mọi cá nhân đều có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những hành vi trái pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.

2. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Việc khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 40. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2012 và thay thế Nghị định số 123/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2005 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.

Điều 41. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27594&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận