NGH? Đ?NHNGHỊ ĐỊNH
Về kinh doanh vận chuyển hàng không
và hoạt động hàng không chung
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 06 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục, cơ quan thẩm định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung.
2. Nghị định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung.
Điều 2. Phạm vi hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không, hoạt động hàng không chung
1. Hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không gồm vận chuyển hàng không, quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm vận chuyển hàng không trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
2. Hoạt động hàng không chung bao gồm các loại hình sau đây:
a) Hoạt động hàng không chung vì mục đích thương mại là hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không chung, quảng cáo, tiếp thị hoặc bán dịch vụ hàng không chung trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi;
b) Hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại là hoạt động hàng không chung phục vụ cho hoạt động của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích sinh lợi.
Điều 3. Cơ quan thẩm định, cấp giấy phép, giấy chứng nhận
1. Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung, Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh hàng không chung.
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
3. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung, Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh hàng không chung, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung.
Điều 4. Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài
1. Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài đồng thời là Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung tương ứng.
2. Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như đối với việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung quy định tại Nghị định này.
Chương II
ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG,
GIẤY PHÉP KINH DOANH HÀNG KHÔNG CHUNG
Điều 5. Yêu cầu chung
1. Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung phải đáp ứng các điều kiện quy định tương ứng tại khoản 1 Điều 110, khoản 2 Điều 198 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các điều kiện cụ thể quy định tại Nghị định này.
2. Hãng hàng không đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung chỉ cần đáp ứng các điều kiện quy định tương ứng tại điểm a khoản 1 , khoản 2 Điều 6, Điều 9 của Nghị định này.
Điều 6. Phương án bảo đảm có tàu bay khai thác
1. Phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong 5 năm kể từ ngày dự kiến bắt đầu kinh doanh bao gồm các nội dung sau đây:
a) Số lượng, chủng loại tàu bay;
b) Hình thức chiếm hữu (mua, thuê mua hoặc thuê);
c) Phương án khai thác, bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo đảm khai thác, bảo dưỡng tàu bay;
d) Nguồn vốn bảo đảm chiếm hữu tàu bay;
đ) Bảo đảm số lượng tàu bay thuê có tổ lái đến hết năm khai thác thứ ba không chiếm quá 30% đội tàu bay.
2. Tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam được quy định như sau:
a) Đối với tàu bay thực hiện vận chuyển hành khách: không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê theo hợp đồng thuê;
b) Đối với tàu bay vận chuyển hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, hoạt động hàng không chung vì mục đích thương mại: không quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê theo hợp đồng thuê;
c) Đối với tàu bay ngoài quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này: không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 30 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê theo hợp đồng thuê.
Điều 7. Điều kiện về tổ chức bộ máy bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung
1. Có tổ chức bộ máy quản lý đủ năng lực giám sát hoạt động khai thác tàu bay, bảo dưỡng tàu bay, huấn luyện bay, khai thác mặt đất; phát triển sản phẩm, tiếp thị và bán dịch vụ vận chuyển hàng không; hệ thống thanh toán tài chính.
2. Người phụ trách các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này phải có chứng chỉ chuyên môn phù hợp được Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận.
Điều 8. Vốn pháp định
1. Vốn pháp định đối với hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hàng không được quy định như sau:
a) Khai thác từ 1 đến 10 tàu bay:
- 500 tỷ Đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế;
- 200 tỷ Đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.
b) Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay:
- 800 tỷ Đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế;
- 400 tỷ Đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.
c) Khai thác trên 30 tàu bay:
- 1.000 tỷ Đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế;
- 500 tỷ Đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.
2. Vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 50 tỷ Đồng Việt Nam.
Điều 9. Nội dung của phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm
1. Nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường.
2. Đánh giá thực tiễn và mức độ cạnh tranh dịch vụ được cung cấp trên thị trường.
3. Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và kế hoạch phát triển kinh doanh của 5 năm đầu.
Điều 10. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
1. Hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hàng không, doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các điều kiện cụ thể sau đây:
a) Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp phải quy định rõ thành viên của bộ máy điều hành của doanh nghiệp, trong đó số thành viên là người nước ngoài không được vượt quá một phần ba tổng số thành viên;
b) Bên nước ngoài không chiếm quá 49% vốn điều lệ đối với hãng hàng không, hoặc 49% vốn điều lệ đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung; một cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ.
2. Bộ máy điều hành nêu tại điểm a khoản 1 của Điều này bao gồm:
a) Giám đốc, Phó giám đốc;
b) Kế toán trưởng;
c) Người phụ trách giám sát hoạt động khai thác, bảo dưỡng, huấn luyện tổ bay, khai thác mặt đất; phát triển sản phẩm, tiếp thị và bán dịch vụ vận chuyển hàng không;
d) Các thành viên khác thuộc Ban giám đốc điều hành theo quy định của Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp.
Chương III
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬN CHUYỂN
HÀNG KHÔNG, GIẤY PHÉP KINH DOANH HÀNG KHÔNG CHUNG
Điều 11. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung
1. Người nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung phải gửi hồ sơ đến Cục Hàng không Việt Nam.
2. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép, bao gồm các thông tin: tên doanh nghiệp, tên giao dịch, địa điểm trụ sở chính; người đại diện theo pháp luật; loại hình doanh nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có);
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung trong trường hợp đề nghị cấp giấy phép kinh doanh hoạt động hàng không chung;
c) Danh sách thành viên, cổ đông; quốc tịch và phần vốn góp của mỗi thành viên, cổ đông đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;
d) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
đ) Tài liệu chứng minh về việc đáp ứng các điều kiện cấp phép quy định tại Chương II của Nghị định này;
e) Bản sao Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp;
g) Dự thảo Điều lệ vận chuyển hàng không;
h) Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của chủ sở hữu, cổ đông, các nhà đầu tư;
i) Báo cáo năng lực tài chính của chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên, cổ đông, các nhà đầu tư;
k) Xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc văn bản hợp pháp chứng minh về số vốn của doanh nghiệp;
l) Bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của những người phụ trách quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
m) Biên lai hoặc giấy tờ xác nhận về việc nộp lệ phí.
Điều 12. Thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, báo cáo kết quả thẩm định lên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
2. Trong quá trình thẩm định, người nộp hồ sơ đề nghi cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không phải giải trình bổ sung về các vấn đề có liên quan theo yêu cầu của cơ quan thẩm định.
Điều 13. Quyết định cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thẩm định lại. Trình tự, thủ tục thẩm định lại áp dụng theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ xem xét việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
4. Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên doanh nghiệp, tên giao dịch; địa điểm trụ sở chính; chi nhánh, văn phòng đại diện;
b) Số và ngày cấp của Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không;
c) Vốn điều lệ; loại hình doanh nghiệp; phần vốn góp của mỗi thành viên, cổ đông đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;
d) Phạm vi kinh doanh, loại hình vận chuyển hàng không.
Điều 14. Thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung và ra quyết định về việc cấp giấy phép.
2. Trong quá trình thẩm định, người nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung phải giải trình về các vẩn đề có liên quan theo yêu cầu của cơ quan thẩm định.
3. Giấy phép kinh doanh hàng không chung bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên doanh nghiệp, tên giao dịch; địa điểm trụ sở chính; chi nhánh, văn phòng đại diện;
b) Số và ngày cấp của Giấy phép kinh doanh hàng không chung;
c) Vốn điều lệ; loại hình doanh nghiệp; phần vốn góp của mỗi thành viên, cổ đông đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;
d) Phạm vi kinh doanh, loại hình hoạt động hàng không chung.
Điều 15. Thông báo việc cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm:
1. Gửi Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung cho doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy phép, ngày cấp giấy phép.
2. Thông báo bằng văn bản về việc từ chối cấp giấy phép cho người nộp hồ sơ trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định từ chối cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, ngày quyết định từ chối cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung.
Điều 16. Công bố nội dung Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung, doanh nghiệp phải đăng trên một trong các loại tờ báo viết Trung ương hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp các nội dung của giấy phép.
2. Trong trường hợp nội dung Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung thay đổi, doanh nghiệp phải công bố nội dung những thay đổi đó trong thời hạn và theo phương thức quy định tại khoản 1 của Điều này.
Điều 17. Huỷ bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung
1. Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung bị huỷ bỏ trong các trường hợp sau đây:
a) Không còn đáp ứng đủ điều kiện cấp giấy phép;
b) Cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ xin cấp giấy phép;
c) Không bắt đầu khai thác vận chuyển hàng không, hoạt động hàng không chung trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép;
d) Ngừng khai thác vận chuyển hàng không, hoạt động hàng không chung 12 tháng liên tục;
đ) Không được cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép; Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay bị thu hồi, huỷ bỏ quá 12 tháng mà không được cấp lại;
e) Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép;
g) Cố ý vi phạm quy định tại Điều 16, 18 và Điều 19 của Nghị định này;
h) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh quốc phòng, an ninh hàng không, an toàn hàng không, khai thác vận chuyển hàng không, hoạt động hàng không chung;
i) Phá sản, giải thể doanh nghiệp.
2. Trong trường hợp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung bị huỷ bỏ, doanh nghiệp phải đình chỉ ngay việc kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung và có trách nhiệm giải quyết các hợp đồng vận chuyển, hợp đồng cung cấp địch vụ hàng không chung đã ký trước khi giấy phép bị huỷ bỏ.
Điều 18. Những thay đổi đối với doanh nghiệp phải được chấp thuận
1. Doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung khi có những thay đổi sau đây phải làm thủ tục đề nghị chấp thuận:
a) Bán doanh nghiệp; doanh nghiệp bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập;
b) Có những thay đổi khác với nội dung trong Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung quy định tương ứng tại khoản 4 Điều 13, khoản 3 Điều 14.
2. Doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung phải gửi hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung quy định tại khoản 1 Điều này đến Cục Hàng không Việt Nam để thẩm định.
3. Thủ tục thẩm định hồ sơ, báo cáo kết quả thẩm định theo quy định tại Điều 12, 14 Nghị định này.
4. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định đối với việc thay đổi nội dung Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, trường hợp chấp thuận thay đổi, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp bổ sung hoặc cấp mới Giấy phép; trường hợp không chấp thuận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định từ chối chấp thuận hoặc yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tiến hành thẩm định lại.
5. Trường hợp chấp thuận thay đổi nội dung của Giấy phép kinh doanh hàng không chung, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cấp bổ sung hoặc cấp mới Giấy phép.
Điều 19. Những thay đổi đối với doanh nghiệp phải được đăng ký
1. Những nội dung sau đây đối với doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung phải được đăng ký với Cục Hàng không Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thực hiện:
a) Sửa đổi Điều lệ hoạt động, Điều lệ vận chuyển;
b) Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Thay đổi mô hình tổ chức quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
d) Thay đổi người đại diện theo pháp luật, thành viên bộ máy điều hành.
2. Trong trường hợp những thay đổi quy định tại khoản 1 Điều này trái với những quy định của pháp luật, Cục Hàng không Việt Nam thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp để sửa đổi một cách thích hợp.
Chương IV
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG
HÀNG KHÔNG CHUNG
Điều 20. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung
1. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung được cấp cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại.
2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung:
a) Đối tượng được cấp: pháp nhân Việt Nam; tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam; văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam; công dân nước ngoài thuờng trú tại Việt Nam;
b) Có tàu bay khai thác;
c) Có cơ sở bảo dưỡng tàu bay hoặc có hợp đồng dịch vụ với cơ sở bảo dưỡng tàu bay được Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận;
d) Thành viên tổ lái được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp;
đ) Loại hình hoạt động hàng không chung dự định thực hiện phù hợp chức năng hoạt động của tổ chức, nhu cầu riêng của cá nhân đề nghị cấp;
e) Đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Điều 21. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung
1. Người nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung phải gửi hồ sơ đến Cục Hàng không Việt Nam.
2. Hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu sau đây:
a) Đơn đăng ký hoạt động hàng không chung, bao gồm các thông tin: tên doanh nghiệp, tên giao dịch, địa điểm trụ sở chính; người đại diện theo pháp luật (đối với tổ chức) hoặc họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, chữ ký, nơi cư trú (đối với cá nhân); loại hình hoạt động hàng không chung dự định thực hiện; cảng hàng không, sân bay dự định làm sân bay căn cứ của tàu bay; số lượng, chủng loại, số hiệu đăng ký, hình thức chiếm hữu (mua, thuê mua hoặc thuê) của tàu bay khai thác; họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, nơi cư trú, số và ngày cấp Giấy phép lái tàu bay của thành viên tổ bay;
b) Bản sao Giấy phép thành lập, Giấy phép hoạt động, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với tổ chức); bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (đối với cá nhân);
c) Bản sao giấy phép cư trú tại Việt Nam (đối với công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam); bản sao Giấy phép thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam (đối với văn phòng đại diện và chi nhánh của tổ chức nước ngoài);
d) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay, Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của tàu bay;
đ) Phương án khai thác, bảo dưỡng tàu bay;
e) Bản sao giấy phép, chứng chỉ phù hợp của thành viên tổ bay;
g) Bản sao Giấy phép hoạt động của cơ sở bảo dưỡng tàu bay; bản sao hợp đồng thuê bảo dưỡng tàu bay trong trường hợp thuê dịch vụ bảo dưỡng;
h) Biên lai hoặc giấy tờ xác nhận về việc nộp lệ phí.
Điều 22. Thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung; quyết định cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng.
2. Trong quá trình thẩm định, người nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung phải giải trình bổ sung về các vấn đề có liên quan theo yêu cầu của cơ quan thẩm định.
3. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên doanh nghiệp, tên giao dịch, địa điểm trụ sở chính; người đại diện theo pháp luật của tổ chức;
b) Họ tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số, nơi cấp và ngày cấp chứng minh nhân dân hoặc số, nơi cấp và ngày cấp hộ chiếu, nơi cư trú của cá nhân;
c) Số và ngày cấp của Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung;
d) Loại hình hoạt động hàng không chung được thực hiện;
đ) Cảng hàng không, sân bay dự định làm sân bay căn cứ của tàu bay;
e) Số lượng, chủng loại, số hiệu đăng ký của tàu bay khai thác.
Điều 23. Hủy bỏ, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung
1. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung bị huỷ bỏ trong các trường hợp sau đây:
a) Không còn đáp ứng đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký;
b) Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký;
c) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về hoạt động hàng không chung;
d) Hoạt động hàng không chung gây ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng và trật tự xã hội;
đ) Cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ đăng ký;
e) Tổ chức không còn tồn tại; cá nhân bị chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
2. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung muốn sửa đổi nội dung của giấy chứng nhận phải làm hồ sơ đề nghị gửi đến Cục Hàng không Việt Nam.
3. Nội dung và trình tự, thủ tục thẩm định, cấp sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung được thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này. Trong trường hợp chấp thuận sửa đổi, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cấp bổ sung hoặc thay thế Giấy chứng nhận.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không; tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động hàng không chung trước khi Nghị định này có hiệu lực
Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, doanh nghiệp đang kinh doanh vận chuyển hàng không, doanh nghiệp đang kinh doanh hàng không chung, tổ chức, cá nhân đang thực hiện hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung tương ứng theo quy định của Nghị định này.
Điều 25. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 26. Tổ chức thực hiện
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trục thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.