Văn bản pháp luật: Quyết định 63/2007/QĐ-TTg

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo số 320 - 321/2007;
Quyết định 63/2007/QĐ-TTg
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
10/06/2007
10/05/2007

Tóm tắt nội dung

Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính

Thủ tướng
2.007
Thủ tướng Chính phủ

Toàn văn

QUY?T Đ?NH

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức

của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 06 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 66/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ về việc chuyển Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là tổ chức thuộc Bộ Tài chính, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu có hình quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật; có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội; có tên giao dịch bằng tiếng Anh là: State Securities Commission of Vietnam (viết tắt SSC).

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Chứng khoán và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:

1. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn và hàng năm về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

2. Tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển thị trường chứng khoán sau khi được ban hành.

3. Hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về chứng khoán, thị trường chứng khoán và các biểu mẫu theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

4. Cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; chấp thuận những thay đổi liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

5. Quản lý, giám sát hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và các tổ chức phụ trợ; tạm đình chỉ hoạt động giao dịch, hoạt động lưu ký của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán trong trường hợp có dấu hiệu ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

6. Thanh tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

7. Thực hiện công tác thống kê, dự báo về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; tổ chức quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin; hiện đại hóa hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

8. Tổ chức nghiên cứu khoa học; thông tin, tuyên truyền về chứng khoán và thị trường chứng khoán; tổ chức, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý chứng khoán và nhân viên hành nghề chứng khoán; phổ cập kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho công chúng.

9. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.

10. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức hiệp hội chứng khoán thực hiện mục đích, tôn chỉ và Điều lệ hoạt động của hiệp hội; kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật của các hiệp hội chứng khoán theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp, uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

11. Thực hiện chế độ báo cáo về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

12. Thực hiện cải cách hành chính theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

13. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong ngành chứng khoán trình cấp có thẩm quyền ban hành.

14. Quản lý kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí khác, tài sản được giao theo quy định pháp luật; được sử dụng các khoản thu từ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chế độ, chính sách trong tuyển dụng, đãi ngộ đối với chuyên gia, cán bộ, công chức, viên chức theo chế độ quản lý tài chính do Bộ Tài chính quy định.

15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1. Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gồm có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về toàn bộ hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về lĩnh vực công tác được phân công.

2. Các tổ chức hành chính và sự nghiệp:

a) Các tổ chức hành chính:

- Ban Phát triển thị trường chứng khoán;

- Ban Quản lý phát hành chứng khoán;

- Ban Quản lý kinh doanh chứng khoán;

- Ban Quản lý các công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán;

- Ban Giám sát thị trường chứng khoán,

- Ban Pháp chế;

- Thanh tra;

- Ban Hợp tác quốc tế;

- Ban Tổ chức cán bộ;

- Ban Kế hoạch - Tài chính;

- Văn phòng;

- Cơ quan Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh.

b) Các tổ chức sự nghiệp trực thuộc:

- Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán;

- Trung tâm Tin học và Thống kê;

- Tạp chí Chứng khoán.

c) Các tổ chức sự nghiệp sẽ chuyển đổi:

- Trung tâm Lưu ký Chứng khoán;

- Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội;

- Trung tâm Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm lưu ký Chứng khoán và các Trung tâm Giao dịch Chứng khoán trong khi chưa chuyển đổi mô hình tổ chức và phương thức hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán vẫn thực hiện theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị, tổ chức thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Biên chế cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong tổng biên chế của Bộ Tài chính.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 161/2004/QĐ-TTg ngày 07 tháng 09 năm 2004 của Thủ tướng chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14366&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận