THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg
ngày 24/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án
trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010
Căn cứ Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg ngày 24/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010;
Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010 (sau đây gọi tắt là Đề án) như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này quy định việc sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động trợ giúp người tàn tật quy định tại khoản 3, Điều 1, Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg ngày 24/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010.
2. Kinh phí thực hiện:
a) Kinh phí thực hiện các hoạt động của Đề án thuộc nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan trung ương do ngân sách trung ương bảo đảm trong dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao hàng năm cho các Bộ, cơ quan Trung ương.
b) Kinh phí thực hiện các hoạt động của Đề án thuộc nhiệm vụ của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm theo chế độ phân cấp ngân sách hiện hành.
c) Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện lồng ghép với các chương trình, chính sách khác và huy động từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để thực hiện Đề án.
II. NỘI DUNG VÀ MỨC CHI CHO CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN
1. Hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực và kiểm tra, đánh giá:
a) Chi công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí); xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về trợ giúp người tàn tật theo hình thức hợp đồng giữa cơ quan tuyên truyền và cơ quan thông tin đại chúng.
b) Chi xây dựng, sản xuất nhân bản và phát hành các loại sản phẩm truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, cơ quan, trường học, cơ sở sản xuất như: tranh ảnh, tờ rơi, áp phích, các cuộc thi tìm hiểu, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ để tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách và pháp luật về người tàn tật, phòng chống bạo lực, chống phân biệt đối xử với phụ nữ tàn tật theo quy định của cấp có thẩm quyền; hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa tàn tật, các loại hình và các cơ sở dịch vụ đối với người tàn tật, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người tàn tật.
c) Chi phổ biến hệ thống ngôn ngữ, ký hiệu và chữ nổi cho người khiếm thị, khiếm thính.
Mức chi thực hiện các hoạt động ở điểm a, b và c trên đây theo hợp đồng, hoá đơn, chứng từ thực tế.
d) Chi hỗ trợ người tàn tật tham gia các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng tổ chức ở cấp tỉnh, khu vực và cấp quốc gia:
- Chi bồi dưỡng người tàn tật trong quá trình tập luyện và người hướng dẫn người tàn tật tập luyện để tham gia hội thi, liên hoan văn nghệ: Mức chi cụ thể do Thủ trưởng cơ quan chủ trì tổ chức hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và dự toán ngân sách đã được giao để quyết định;
- Chi trang phục biểu diễn (nếu có): Mức chi tối đa 200.000 đồng/người/đợt biểu diễn;
- Chi tiền ăn, ở, đi lại: Mức chi do Thủ trưởng cơ quan chủ trì tổ chức hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng quyết định trên cơ sở áp dụng các mức chi theo Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
đ) Chi cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chính quyền và hội đồng nhân dân các cấp, cán bộ làm công tác trợ giúp người tàn tật, những người phiên dịch ngôn ngữ, ký hiệu của người tàn tật.
Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về hướng dẫn, quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước.
e) Chi hội nghị chuyên đề, tổng kết, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện đề án: Nội dung và mức chi thực hiện theo Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Xây dựng các văn bản pháp luật:
Xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách trợ giúp người tàn tật. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 100/2006/TT-BTC ngày 23/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
3. Điều tra, khảo sát và xây dựng cơ sở dữ liệu về người tàn tật:
a) Điều tra, khảo sát tình hình, thực trạng người tàn tật toàn quốc; khảo sát để xây dựng các tiêu chuẩn phân loại, phân hạng về hoạt động chức năng và giảm khả năng của người tàn tật theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Nội dung và mức chi hoạt động điều tra, khảo sát được thực hiện theo quy định hiện hành về hướng dẫn quản lý kinh phí chi cho các cuộc điều tra thuộc nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước.
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu về người tàn tật: Nội dung và mức chi được thực hiện theo quy định hiện hành về hướng dẫn mức chi tạo lập tin điện tử thuộc công nghệ thông tin và các quy định hiện hành về công nghệ thông tin, xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu.
4. Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, bao gồm:
a) Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về chuyên môn, phương pháp, kỹ năng dạy nghề chuyên biệt cho người tàn tật;
b) Xây dựng các chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho người tàn tật dựa vào cộng đồng;
c) Xây dựng mô hình văn hoá giáo dục hòa nhập, học văn hóa - nghệ thuật kết hợp với phục hồi chức năng;
d) Xây dựng hệ thống ngôn ngữ, ký hiệu và chữ nổi cho người tàn tật;
đ) Xây dựng chương trình bài tập thể dục thể thao để hướng dẫn người tàn tật tham gia luyện tập tại cộng đồng.
Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình khung cho các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và biên soạn chương trình các môn học.
5. Hoạt động nghiên cứu khoa học, bao gồm:
a) Nghiên cứu và hoàn thiện các tiêu chuẩn phân loại, phân hạng về hoạt động chức năng và giảm khả năng của người tàn tật;
b) Nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị dạy nghề phù hợp cho người tàn tật;
c) Nghiên cứu chế tạo các đạo cụ, nhạc cụ phù hợp cho người tàn tật;
d) Nghiên cứu các phương pháp điều trị, phục hồi chức năng, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện trợ giúp cho người tàn tật;
đ) Nghiên cứu các tiêu chuẩn tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, tuyền thông giành cho người tàn tật;
e) Nghiên cứu cải tạo, chế tạo mới các phương tiện giao thông công cộng để người tàn tật tiếp cận thuận lợi và an toàn;
f) Nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các sản phẩm phù hợp hỗ trợ người tàn tật có khả năng dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin.
Nội dung và mức chi của các hoạt động trên thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ chi tiêu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
6. Hỗ trợ người tàn tật học văn hoá, học nghề, tạo việc làm và thể thao:
a) Về trợ giúp học văn hoá:
Người tàn tật tham gia học tập văn hoá, các loại hình nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được hưởng các chính sách học bổng, trợ cấp, tín dụng đào tạo, chính sách miễn, giảm học phí, các khoản đóng góp xây dựng trường, trợ cấp mua sách vở, đồ dùng học tập và ưu tiên trong tuyển sinh theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
b) Về trợ giúp học nghề và tạo việc làm:
- Người tàn tật có nhu cầu học nghề được Nhà nước hỗ trợ học nghề ngắn hạn (một lần) tại các cơ sở dạy nghề theo quy định tại Thông tư liên tịch số 19/2005/TTLT- LĐTBXH-TC-KHĐT ngày 19/5/2005 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 và Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23/4/2004 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về lao động là người tàn tật và các văn bản hiện hành hướng dẫn kinh phí thực hiện Quyết định số 65/2005/QĐ-TTg ngày 25/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học và trẻ em nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005 - 2010".
- Người tàn tật có nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật, Quỹ Quốc gia về việc làm. Việc cho vay thực hiện theo quy định hiện hành về cho vay từ nguồn vốn cho vay xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Xây dựng thí điểm mô hình đào tạo nghề, tạo việc làm thông qua hợp tác với các cơ sở dạy nghề và các cơ sở giới thiệu việc làm để đào tạo nghề và tìm việc làm cho người tàn tật theo Đề án của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
- Hỗ trợ cơ sở dạy nghề mua sắm trang thiết bị dạy học và học nghề chuyên dùng cho người tàn tật theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Về trợ giúp thể thao:
- Hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại cho người tàn tật tham gia thi đấu tại các giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, khu vực, tỉnh và quốc tế tổ chức tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư liên tịch số 106/TTLT-BTC-UBTDTT ngày 17/11/2006 của Bộ Tài chính - Uỷ ban Thể dục thể thao quy định chế độ chi tiêu tài chính cho các giải thi đấu thể thao.
- Khi người tàn tật là thành viên các Đoàn thể thao tham gia thi đấu tại các giải thể thao người khuyết tật quốc tế (không tổ chức tại Việt Nam) được thanh toán chi phí đi lại, ăn, ở theo quy định tại Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.
- Chi khen thưởng vận động viên, huấn luyện viên là người tàn tật có thành tích trong thi đấu thể thao theo Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg ngày 18/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao.
- Hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ người tàn tật tập luyện và thi đấu thể thao theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7. Hỗ trợ phục hồi chức năng cho người tàn tật:
Người tàn tật được chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ phục hồi chức năng theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Thông tư này hướng dẫn triển khai mô hình điểm can thiệp sớm bằng phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng cho 3.000 người nghèo bị tàn tật vận động theo quyết định triển khai kế hoạch chăm sóc sức khoẻ cho người tàn tật của Bộ trưởng Bộ Y tế. Việc hỗ trợ chi phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người tàn tật dựa vào cộng đồng, đặc biệt là trẻ em tàn tật theo nội dung và mức chi sau:
a) Khám sàng lọc:
- Thanh toán tiền khám bệnh, chi phí thực hiện các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo chỉ định của bác sỹ theo giá viện phí hiện hành.
- Chi hội chẩn để chỉ định phẫu thuật và phương pháp điều trị: 100.000 đồng/người/lần hội chẩn.
b) Phẫu thuật chỉnh hình:
- Hỗ trợ tiền thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất, các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, chi phí vật tư tiêu hao y tế theo chỉ định của bác sỹ và giá viện phí hiện hành.
- Hỗ trợ tiền ăn cho người tàn tật và người nhà (chỉ hỗ trợ một người nhà) đưa người tàn tật đi trong thời gian phẫu thuật chỉnh hình tại các cơ sở khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, mức hỗ trợ 25.000 đồng/ngày/người.
- Hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình tuỳ theo mức độ khuyết tật của đối tượng và theo mức thu tại cơ sở điều trị, phục hồi chức năng.
- Hỗ trợ tiền đi lại cho người tàn tật và người nhà (một người nhà) đưa người tàn tật đi khám, điều trị theo giá vé phương tiện công cộng đã sử dụng. Trường hợp tự túc phương tiện được hỗ trợ theo quãng đường thực tế và giá phương tiện vận tải thông dụng.
c) Phục hồi chức năng:
- Đối với người tàn tật phục hồi chức năng tại nhà:
+ Được hỗ trợ chi phí thuê dụng cụ tập phục hồi chức năng thông thường (không bao gồm xe lăn, xe lắc, xe đẩy) phù hợp với nhu cầu của từng người. Mức hỗ trợ bằng mức thu tại cơ sở điều trị, phục hồi chức năng;
+ Hỗ trợ người hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho đối tượng 25.000 đồng/người/ngày (tối đa không quá 32 ngày).
- Đối với người tàn tật được bác sỹ điều trị chỉ định tập phục hồi chức năng tại các cơ sở khám chữa bệnh và phục hồi chức năng: Được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo giá viện phí hiện hành do Nhà nước quy định. Đối với những trường hợp có thẻ Bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ thanh toán các khoản chi phí ngoài phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm y tế.
d) Khám sau khi phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng:
Người tàn tật sau khi đã phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng được hỗ trợ tiền khám bệnh, các chi phí thực hiện dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo chỉ định của bác sỹ và giá viện phí hiện hành để xác định tình trạng sức khoẻ và đưa ra giải pháp điều trị tiếp.
8. Hỗ trợ thí điểm trợ giúp người tàn tật tiếp cận phương tiện giao thông công cộng thực hiện theo Quyết định của cấp có thẩm quyền.
9. Xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật để giúp người tàn tật có nguồn thu nhập duy trì cuộc sống theo Đề án do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt.
Nội dung và mức chi cho các hoạt động quy định tại khoản 8 và 9, mục này thực hiện theo Đề án của cấp có thẩm quyền phê duyệt và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và quy định tại Thông tư này. Trường hợp có phát sinh các nội dung chi đặc thù khác chưa có chế độ nhà nước quy định, các Bộ có công văn gửi Bộ Tài chính để thoả thuận nội dung và mức chi cho phù hợp.
III. LẬP DỰ TOÁN, CHẤP HÀNH VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ
Việc lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước; Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước. Thông tư này hướng dẫn bổ sung một số điểm cụ thể như sau:
1. Lập dự toán: Căn cứ vào nhiệm vụ được giao theo khoản 7, Điều 1, Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg ngày 24/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 - 2010, các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động của Đề án chịu trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí cần thiết thực hiện các nhiệm vụ của năm kế hoạch, tổng hợp chung trong dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị gửi cơ quan chủ quản tổng hợp để gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp ngân sách hiện hành.
2. Phân bổ và giao dự toán:
Dự toán thực hiện Đề án được giao cùng với dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị. Căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân bổ kinh phí cho các đơn vị trực thuộc, trong đó bao gồm kinh phí hỗ trợ thực hiện các hoạt động của Đề án được giao gửi cơ quan tài chính cùng cấp để thẩm tra. Sau khi được cơ quan tài chính thống nhất, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định giao dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc; đồng gửi cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước cùng cấp và Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để phối hợp thực hiện.
3. Sử dụng và quyết toán kinh phí:
Việc sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện các hoạt động của Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ở Trung ương: Các Bộ ngành căn cứ nhiệm vụ được giao (theo khoản 7, Điều 1, Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg ngày 24/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, có văn bản hướng dẫn thực hiện các hoạt động của Đề án theo thẩm quyền và gửi báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Ở địa phương:
- Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người tàn tật trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, trong đó quy định rõ các chỉ tiêu, các hoạt động của Đề án và trách nhiệm của từng cơ quan trong việc tổ chức thực hiện Đề án; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Đối với năm 2007, căn cứ nhiệm vụ Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao, các cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện Đề án lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để bổ sung kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Từ năm 2008 trở đi, việc bố trí kinh phí thực hiện theo quy định tại mục III của Thông tư này.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về liên Bộ để nghiên cứu giải quyết./.