THÔNG TƯ
Hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí các cuộc
tổng điều tra do Thủ tướng Chính phủ quyết định
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cuộc tổng điều tra do Thủ tướng Chính phủ quyết định, cụ thể như sau:
Phần I
QUY ĐỊNH CHUNG
1. Kinh phí để thực hiện cuộc tổng điều tra do Thủ tướng Chính phủ quyết định do ngân sách trung ương bảo đảm, được giao trong dự toán ngân sách của cơ quan được giao chủ trì tiến hành cuộc tổng điều tra.
2. Trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước về kinh phí tổng điều tra đã được giao, cơ quan được giao chủ trì thực hiện có trách nhiệm phân bổ kinh phí cho các đơn vị trực thuộc để tổ chức thực hiện, hoặc ký hợp đồng với các đơn vị bên ngoài để thực hiện.
3. Kết thúc cuộc tổng điều tra, các đơn vị trực thuộc phải thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng với cơ quan được giao chủ trì tổng điều tra để tổng hợp quyết toán với Bộ Tài chính theo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành.
4. Cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 theo Quyết định số 187/2006/QĐ-TTg ngày 15/08/2006 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng các quy định tại Thông tư này.
Phần II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. NỘI DUNG CHI GỒM
1. Chi điều tra thí điểm, điều tra thử để hoàn thiện phương án, phương pháp, chỉ tiêu, biểu mẫu điều tra;
2. Chi hội nghị triển khai tổng điều tra;
3. Chi chọn mẫu tổng điều tra;
4. Chi tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành và các chuyên gia;
5. Chi xây dựng phương án, biểu mẫu, quy trình điều tra và các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ;
6. Chi dịch, biên soạn tài liệu nước ngoài phục vụ cho tổng điều tra (nếu có);
7. Chi tập huấn nghiệp vụ tổng điều tra;
8. Chi hoạt động của Ban Chỉ đạo tổng điều tra các cấp;
9. Chi công tác tuyên truyền về tổng điều tra các cấp;
10. Chi in, vận chuyển phiếu điều tra và các tài liệu nghiệp vụ phục vụ cho công tác tổng điều tra;
11. Chi xây dựng sổ tay nghiệp vụ cho điều tra viên;
12. Chi vẽ sơ đồ địa bàn điều tra ở những địa bàn xét thấy cần thiết do cơ quan được giao chủ trì thực hiện tổng điều tra xem xét, quyết định (nếu có);
13. Chi lập danh sách các đơn vị điều tra;
14. Chi trả công thuê phiên dịch tiếng dân tộc và người dẫn đường tại địa bàn điều tra;
15. Chi công tác phí cho cán bộ trong biên chế tham gia tổng điều tra;
16. Chi trả công thuê điều tra, phúc tra, thu thập số liệu;
17. Chi văn phòng phẩm, đồ dùng thiết yếu trực tiếp phục vụ công tác điều tra cho điều tra viên;
18. Chi tổng hợp nhanh số liệu cấp huyện, cấp tỉnh;
19. Chi xử lý kết quả tổng điều tra và lập báo cáo kết quả tổng điều tra (bao gồm kiểm tra, chỉnh sủa, hoàn thiện phiếu điều tra); trong trường hợp cơ quan thực hiện tổng điều tra có đủ năng lực xây dựng phần mềm để xử lý kết quả tổng điều tra thì được tự quyết định mức chi nhưng không cao hơn mức thuê ngoài.
20. Chi xây dựng cơ sở dữ liệu, trang Web, xuất bản các sản phẩm điện tử phục vụ tổng điều tra và xuất bản kết quả điều tra cho đối tượng phải cung cấp;
21. Chi thuê bảo quản phiếu điều tra (nếu có);
22. Chi tổng kết, khen thưởng;
23. Các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác tổng điều tra.
II. MỘT SỐ MỨC CHI CỤ THỂ
Mức chi, chế độ chi cho cuộc tổng điều tra thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành được cấp có thẩm quyền quy định; Thông tư này hướng dẫn thêm một số mức chi cụ thể như sau:
1. Về chế độ công tác phí, hội nghị phí:
- Đối với cán bộ công chức thuộc các cơ quan trung ương đi công tác, hội nghị tập huấn phục vụ cho công tác tổng điều tra ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mức thanh toán tiền công tác phí và chi tiêu hội nghị thực hiện theo mức quy định của cơ quan chủ trì thực hiện tổng điều tra cụ thể hóa mức chi quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;
- Đối với cán bộ công chức thuộc các địa phương đi công tác; hội nghị tập huấn phục vụ cho công tác tổng điều tra thanh toán tiền công tác phí và chi tiêu hội nghị theo mức quy định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cụ thể hóa mức chi quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Chi xây dựng phương án tổng điều tra: Mức chi tối đa cho 1 phương án điều tra (bao gồm đề cương tổng quát đến chi tiết được duyệt) bằng mức chi xây dựng đề cương chi tiết của đề tài khoa học cấp nhà nước do Liên tịch Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính quy định.
3. Chi hội thảo nghiệp vụ, lấy ý kiến chuyên gia các ngành liên quan về phương án, biểu mẫu, quy trình điều tra: Việc tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn để triển khai công tác tổng điều tra được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg ngày 25/05/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước;
Mức chi cụ thể: Bằng mức chi hội thảo nghiệp vụ khoa học do Liên tịch Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính quy định đối với đề tài khoa học cấp nhà nước do Liên Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và công nghệ quy định.
4. Chi in ấn tài liệu, hướng dẫn phiếu điều tra, biểu mẫu, sổ tay nghiệp vụ của điều tra viên phục vụ cho công tác điều tra: Việc in ấn tài liệu, phiếu, biểu mẫu điều tra, sổ tay nghiệp vụ cho điều tra viên phải thực hiện đấu thầu rộng rãi theo quy định hiện hành.
5. Chi xây dựng sổ tay nghiệp vụ cho điều tra viên mức chi thực hiện theo chế độ chi trả nhuận bút theo quy định hiện hành.
6. Mức chi thù lao cho giảng viên tham gia tập huấn nghiệp vụ điều tra: Mức chi theo quy định tại Thông tư số 79/2005/TT-BTC ngày 15/09/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.
7. Chi công điều tra:
- Chi thuê điều tra viên là người không hưởng lương từ NSNN, chi thuê người phiên dịch tiếng dân tộc kiêm người dẫn đường: Mức tiền công 1 người/ngày tối đa không quá 200% mức lương tối thiểu chung tính theo lương ngày do nhà nước quy định cho khu vực quản lý hành chính; (450.000đ : 22 ngày x 200%).
- Chi thuê người dẫn đường (không phải phiên dịch): Mức tiền công 1 người/ngày tối đa không quá 130% mức lương tối thiểu chung tính theo lương ngày do nhà nước quy định cho khu vực quản lý hành chính; (450.000đ : 22 ngày x 130%).
Mức chi cụ thể do Thủ tưởng cơ quan, đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện cuộc tổng điều tra căn cứ vào đặc thù từng vùng, miền để quy định cho phù hợp, nhưng không được vượt quá mức tối đa quy định tại Thông tư này và trong phạm vi dự toán kinh phí tổng điều tra đã được cấp có thẩm quyền giao.
- Đối với người hưởng lương từ NSNN trường hợp làm đêm, thêm giờ được thanh toán tiền làm đêm, thêm giờ theo quy định hiện hành trên cơ sở bảng chấm công làm đêm, thêm giờ được thủ trưởng đơn vị duyệt.
III. LẬP, PHÂN BỔ, GIAO DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ TỔNG ĐIỀU TRA
1. Về lập dự toán:
Căn cứ vào khối lượng công việc, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và quy định tại Thông tư này, cơ quan được giao chủ trì tổng điều tra lập dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào dự toán ngân sách năm trình Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt để giao cùng với giao dự toán ngân sách năm của cơ quan.
2. Về phân bổ, giao dự toán:
Trên cơ sở dự toán kinh phí tổng điều tra đã được giao, cơ quan chủ trì tổng điều tra thực hiện phân bổ và giao dự toán kinh phí cho các đơn vị cấp dưới trực thuộc sau khi có ý kiến thẩm tra của Bộ Tài chính theo quy định hiện hành, nhưng không vượt quá tổng mức dự toán kinh phí được giao.
Trường hợp phải thuê các đơn vị bên ngoài tổ chức điều tra thì cơ quan chủ trì thực hiện tổng điều tra ký hợp đồng điều tra, việc thanh toán hợp đồng, thanh lý hợp đồng thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Về quyết toán kinh phí: Việc quyết toán kinh phí tổng điều tra thực hiện theo quy định hiện hành.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; các Thông tư hướng dẫn về quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí các cuộc tổng điều tra trước đây đều bãi bỏ.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết cho phù hợp./.