NGH? QUY?T NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2007
Ngày 06 tháng 06 năm 2007, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5, bàn và quyết nghị các vấn đề sau:
1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Đề án tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông quốc gia đến năm 2010 và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Chính phủ cơ bản nhất trí với Đề án do Bộ Giao thông vận tải trình và thống nhất ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông nhằm huy động sự tham gia thường xuyên, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, làm chuyển biến cơ bản ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, kiềm chế và giảm thiểu vững chắc tai nạn giao thông; duy trì hệ thống giao thông nước ta thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, hội nhập kinh tế quốc tế. Để đạt được mục tiêu về kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông cần thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, đồng thời xử phạt nghiêm minh mọi hành vi vi phạm; bảo đảm hạ tầng giao thông và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp, các lực lượng chuyên trách; huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội vào việc bảo đảm trật tự và an toàn giao thông.
Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Đề án trên để tổ chức thực hiện; đồng thời, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành trong tháng 6 năm 2007.
2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Dự án Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự án Luật này.
Trong những năm qua, công tác quản lý tài sản nhà nước đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo; ngày càng đi vào nền nếp, công khai, minh bạch và hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến nay những văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản nhà nước còn chưa đồng bộ, tính quản lý chưa cao, chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh và các quan hệ về tài sản nhà nước trong điều kiện chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
Việc ban hành Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước nhằm tăng cường tính pháp lý, bao quát phạm vi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; bảo đảm cho công tác quản lý và sử dụng tài sản nhà nước được chặt chẽ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Dự án Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Chính phủ thông qua nội dung dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) do Bộ trưởng Bộ Y tế trình.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 2007.
4. Chính phủ đã thảo luận dự thảo Nghị định về hướng dẫn việc thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với các cán bộ, công chức, viên chức và việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức khi đến tuổi nghỉ hưu, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình.
Chính phủ nhất trí cần thực hiện ngay việc ban hành Nghị định về thủ tục, thời điểm được nghỉ hưu và hưởng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức khi đến tuổi nghỉ hưu, nhằm thực hiện đúng các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh Cán bộ công chức và các văn bản pháp luật có liên quan; bảo đảm sự công bằng, công khai, minh bạch trong thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về thủ tục, thời điểm nghỉ hưu và hưởng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức được nghỉ hưu (không thuộc đối tượng được xem xét cho phép kéo dài thời gian công tác), trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành trong tháng 6 năm 2007 để các cấp, các ngành trong cả nước thống nhất thực hiện; đồng thời, nghiên cứu trình Chính phủ dự thảo Nghị định về việc kéo dài thời gian công tác của một số đối tượng cán bộ, công chức, viên chức khi đến tuổi nghỉ hưu.
5. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh dịch vụ và đầu tư tháng 5 và tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2007, Báo cáo về thủ tục gia nhập thị trường và việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông; Bộ trưởng Bộ Thương mại trình Báo cáo tình hình thương mại tháng 5 năm 2007; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình báo cáo về tình hình dịch cúm gia cầm; Tổng Thanh tra Chính phủ trình Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng tháng 5 năm 2007; Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Báo cáo tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính tháng 5 năm 2007.
Tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2007, kinh tế - xã hội cả nước tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng hơn cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng. Kim ngạch xuất khẩu tăng hơn cùng kỳ năm trước. Thu hút vốn và thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao; thu hút vốn ODA đạt khá. Thu ngân sách nhà nước tăng, chi ngân sách nhà nước đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Huy động vốn tăng hơn cùng kỳ; dư nợ toàn nền kinh tế tăng, lãi suất cơ bản được giữ ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 và 5 tháng tăng cao hơn cùng kỳ nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Hoạt động giáo dục, đào tạo tiếp tục phát triển ổn định; kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2006 - 2007 được tổ chức nghiêm túc. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, quản lý giá thuốc, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng và chống dịch bệnh được quan tâm hơn. Công tác thông tin thị trường lao động, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động tiếp tục có tiến bộ. Hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình, văn hóa, thông tin, nghệ thuật, thể dục thể thao diễn ra trong 5 tháng đầu năm 2007 sôi động, thiết thực và phong phú.
Công tác phòng, chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo, nhất là các mặt về hoàn thiện thể chế và củng cố tổ chức. Việc tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ; kiểm tra phòng, chống tham nhũng tại một số bộ, ngành và địa phương được tiến hành, bước đầu có kết quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Nhiệm vụ cải cách hành chính đang được các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai. Việc rà soát để loại bỏ các giấy phép không phù hợp và việc thực hiện cơ chế "một cửa" đang được triển khai có hiệu quả. Các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, xây dựng, đất đai, hộ khẩu, hộ tịch, công chứng, cấp hộ chiếu... đã và đang được cải tiến theo hướng đơn giản hóa, công khai hóa, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, được nhân dân và doanh nghiệp đồng tình.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do hạn hán, dịch bệnh. Dịch cúm gia cầm, cúm A (H5N1) ở người đang bùng phát trở lại và có nguy cơ lan rộng. Một số sản phẩm công nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, khả năng cạnh tranh thấp, tốc độ tăng trưởng không cao. Nhập siêu tăng cao, trong khi khả năng xuất khẩu một số mặt hàng như dầu thô, cà phê, phụ tùng xe đạp... đang có xu hướng giảm.
Khối lượng thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư và vốn ODA chậm so với tiến độ đề ra. Giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống như: xăng dầu, xi măng, than, điện, thép và phân bón tăng đã gây ra những ảnh hưởng không tốt đến phát triển sản xuất và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tai nạn giao thông vẫn tăng cao.
Việc thực hiện cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, hiệu quả không rõ rệt.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007 để chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã đề ra. Trước mắt, cần tập trung chỉ đạo các công việc sau đây:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn về nguồn vốn, giải ngân, giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan khác để đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản và chuẩn bị công trình kế tiếp cho các năm sau.
Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chú trọng hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành các cân đối kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát thị trường, giá cả hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống; kiềm chế tốc độ tăng giá; thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh giá xăng dầu, chống đầu cơ. Tiếp tục tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững; bảo đảm việc thành lập mới các ngân hành cổ phần theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực.
Các Bộ, ngành, địa phương phải coi công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Chính phủ và chính quyền các cấp. Tiếp tục rà soát, phân tích tìm ra nguyên nhân cụ thể những thủ tục hành chính không còn phù hợp, cản trở để có biện pháp cải tiến hoặc bãi bỏ; đẩy mạnh cải cách thủ tục cấp phép, đăng ký kinh doanh theo hướng đơn giản, dễ kiểm soát và tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện công tác cải cách hành chính định kỳ hàng tháng của các Bộ, ngành, địa phương.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiến hành giao ban hàng tháng với các Bộ, ngành chức năng để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ có liên quan; phối hợp với các cơ quan liên quan cải cách thủ tục, trình tự thanh tra, kiểm tra, xét xử để hạn chế tình trạng mất quá nhiều thời gian cho việc kết luận và xử lý vụ việc. Thanh tra Chính phủ sớm có kết luận đối với các vụ việc đã hoàn tất thanh tra; rà soát kế hoạch thanh tra, bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ cơ chế, chính sách khuyến khích các trường đại học, cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ việc khống chế và dập tắt dịch cúm gia cầm, dịch cúm A (H5N1) ở người. Về lâu dài, cần quan tâm nghiên cứu đề ra giải pháp đồng bộ để chủ động phòng, chống có hiệu quả dịch cúm gia cầm, có giải pháp điều trị để giảm thiểu tỷ lệ tử vong do cúm A (H5N1) ở người.
Bộ Bưu chính, Viễn thông nghiêm túc kiểm điểm và chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương khẩn trương đề ra phương án khắc phục thiệt hại, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ các tuyến cáp quang biển; xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm.
Các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, phấn đấu giảm tai nạn giao thông. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ vùng khó khăn. Đẩy mạnh công tác tu bổ, cải tạo các công trình đê điều, thủy lợi; làm tốt công tác chống hạn và chủ động phương án phòng, chống bão lũ, thiên tai./.