Văn bản pháp luật: Quyết định 01/2007/QĐ-BLĐTBXH

Nguyễn Thị Hằng
Toàn quốc
Công báo số 49 & 50/2007;
Quyết định 01/2007/QĐ-BLĐTBXH
Quyết định
05/02/2007
04/01/2007

Tóm tắt nội dung

Ban hành Quy định về chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề

Bộ trưởng
2.007
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

QUY?T Đ?NH C?A B? TRU?NG

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Ban hành Quy định về chương trình khung trình độ trung cấp nghề,

chương trình khung trình độ cao đẳng nghề

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 139/2006/NĐ-CP ngày 20/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động về dạy nghề;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; các chương trình dạy nghề được xây dựng theo Quyết định số 212/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 27 tháng 02 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy định nguyên tắc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề đang áp dụng giảng dạy cho học sinh học nghề dài hạn tuyển sinh trước ngày 30 tháng 06 năm 2007 được triển khai đến hết khoá học.

Điều 3. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Người đứng đầu cơ quan Trung ương các Tổ chức chính trị – xã hội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; Hiệu trưởng các trường cao đẳng nghề, các trường trung cấp nghề và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY ĐỊNH

Về chương trình khung trình độ trung cấp nghề,

chương trình khung trình độ cao đẳng nghề

(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BLĐTBXH
ngày 04/ 01/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Văn bản này quy định chương trình khung trình độ trung cấp nghề (viết tắt là CTKTĐTCN), chương trình khung trình độ cao đẳng nghề (viết tắt là CTKTĐCĐN) và việc tổ chức xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề cho từng nghề.

Điều 2. Chương trình khung trình độ trung cấp nghề, Chương trình khung trình độ cao đẳng nghề

Chương trình khung trình độ trung cấp nghề, Chương trình khung trình độ cao đẳng nghề quy định mục tiêu đào tạo; thời gian của khoá học, thời gian thực học tối thiểu; danh mục, thời gian của các môn học, mô-đun; tỷ lệ thời gian giữa lý thuyết và thực hành, nhằm trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng nghề bảo đảm mục tiêu đào tạo trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề.

Điều 3. Yêu cầu cơ bản của chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề

1. Bảo đảm được mục tiêu dạy nghề.

2. Bảo đảm tính khoa học, tính hệ thống, tính thực tiễn và linh hoạt đáp ứng sự thay đổi của kỹ thuật công nghệ, của thị trường lao động.

3. Phân bố hợp lý thời gian giữa các khối kiến thức, kỹ năng nghề và trình tự thực hiện các môn học, mô-đun để thực hiện mục tiêu đào tạo nghề có hiệu quả.

4. Bảo đảm tính liên thông giữa các trình độ đào tạo nghề, đồng thời có tính đến liên thông với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

5. Tiếp cận với trình độ đào tạo nghề tiên tiến của khu vực và thế giới.

Điều 4. Thời gian và phân bổ thời gian của khoá học

1. Thời gian của khoá học

a) Thời gian của khoá học trình độ trung cấp nghề được thực hiện ba năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; từ một đến hai năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

b) Thời gian của khoá học trình độ cao đẳng nghề được thực hiện từ hai đến ba năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông tuỳ theo nghề đào tạo và từ một năm rưỡi đến hai năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề.

2. Phân bổ thời gian của khoá học

Thời gian khoá học được tính bằng tuần và phân bổ như sau:

a) Thời gian học tập bao gồm: Thời gian thực học và thời gian ôn, kiểm tra hết môn và thi tốt nghiệp;

b) Thời gian cho các hoạt động chung bao gồm: Thời gian khai giảng, bế giảng, sơ kết học kỳ, tổng kết năm học; nghỉ hè, nghỉ lễ, tết, lao động, dự phòng.

Điều 5. Thời gian thực học tối thiểu

1. Thời gian thực học tối thiểu là thời gian cần phải thực hiện để bảo đảm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đạt mục tiêu đào tạo của khoá học được tính bằng giờ.

2. Thời gian thực học tối thiểu bao gồm:

a) Thời gian dành cho khối kiến thức, kỹ năng nghề bắt buộc để thực hiện các môn học, mô-đun có nội dung kiến thức chung, kiến thức và kỹ năng cốt lõi của nghề tuỳ theo trình độ đào tạo nghề;

b) Thời gian dành cho khối kiến thức, kỹ năng nghề tự chọn do các trường tự xây dựng để thực hiện các môn học, mô-đun đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của ngành hoặc theo vùng, miền.

Chương II

CẤU TRÚC CHƯƠNG TRÌNH KHUNG TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP NGHỀ,

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG NGHỀ

Mục 1

CẤU TRÚC CHƯƠNG TRÌNH KHUNG TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP NGHỀ

Điều 6. Mục tiêu đào tạo

Mục tiêu đào tạo trình độ trung cấp nghề nhằm trang bị cho người học nghề kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của một nghề, có khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn.

Điều 7. Thời gian và phân bổ thời gian của khoá học

1. Thời gian của khoá học trình độ trung cấp nghề đối với hệ tuyển sinh trung học phổ thông theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Quy định này. Phân bổ thời gian của khoá học được xác định theo quy định tại phụ lục 1.

2. Thời gian của khoá học trình độ trung cấp nghề đối với hệ tuyển sinh trung học cơ sở theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Quy định này. Phân bổ thời gian của khoá học: phân bổ thời gian các môn học chung, các môn học, mô-đun đào tạo nghề được xác định theo quy định tại phụ lục 1 và phân bổ thời gian học văn hoá trung học phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chương trình khung giáo dục trung cấp chuyên nghiệp.

Điều 8. Thời gian thực học tối thiểu

1. Thời gian thực học tối thiểu và phân bổ thời gian thực học tối thiểu cho các môn học chung, các môn học và mô-đun đào tạo nghề xác định theo quy định tại phụ lục 2.

2. Phân bổ thời gian cho các môn học và mô-đun đào tạo nghề được quy định như sau:

a) Thời gian dành cho các môn học, mô-đun đào tạo nghề bắt buộc chiếm 75% - 85 %, dành cho các môn học, mô-đun đào tạo nghề tự chọn chiếm 15% - 25%;

b) Thời gian giữa lý thuyết và thực hành: Lý thuyết chiếm 15% - 35%, thực hành chiếm 65% - 85%.

Mục 2

CẤU TRÚC CHƯƠNG TRÌNH KHUNG TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG NGHỀ

Điều 9. Mục tiêu đào tạo

Mục tiêu đào tạo trình độ cao đẳng nghề nhằm trang bị cho người học nghề kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của một nghề; có khả năng làm việc độc lập và tổ chức làm việc theo nhóm; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc; giải quyết được các tình huống kỹ thuật phức tạp trong thực tế; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ, tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn.

Điều 10. Thời gian và phân bổ thời gian của khoá học

1. Thời gian của khoá học trình độ cao đẳng nghề được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Quy định này.

2. Phân bổ thời gian trong khoá học được xác định theo quy định tại phụ lục 3.

Điều 11. Thời gian thực học tối thiểu

1. Thời gian thực học tối thiểu và phân bổ thời gian thực học tối thiểu cho các môn học chung và các môn học, mô-đun đào tạo nghề được xác định theo quy định tại phụ lục 4.

2. Phân bổ thời gian cho các môn học và mô-đun đào tạo nghề được quy định như sau:

a) Thời gian dành cho các môn học, mô-đun đào tạo nghề bắt buộc chiếm 70% - 80%; dành cho các môn học, mô-đun đào tạo nghề tự chọn chiếm 20% - 30%;

b) Thời gian giữa lý thuyết và thực hành: Lý thuyết chiếm 20% - 35%; Thực hành chiếm 65% - 80%.

Chương III

TỔ CHỨC XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VÀ BAN HÀNH

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP NGHỀ VÀ CHƯƠNG

TRÌNH KHUNG TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG NGHỀ CHO TỪNG NGHỀ

Điều 12. Cấu trúc của chương trình khung trình độ trung cấp nghề và chương trình khung trình độ cao đẳng nghề cho từng nghề

1. Mục tiêu đào tạo.

2. Thời gian của khoá học và thời gian thực học tối thiểu.

3. Danh mục các môn học, mô-đun đào tạo bắt buộc; thời gian và phân bổ thời gian, đề cương chi tiết của từng môn học, mô-đun đào tạo bắt buộc.

4. Hướng dẫn sử dụng CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề để xác định chương trình dạy nghề.

Điều 13. Quy trình xây dựng CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề

Ban chủ nhiệm xây dựng CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề (sau đây gọi là Ban chủ nhiệm) thành lập theo quy định tại phụ lục 5. Ban chủ nhiệm tổ chức xây dựng CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề theo Quy định này và quy trình sau:

Bước 1: Chuẩn bị

1. Xây dựng đề cương tổng hợp và đề cương chi tiết đề án xây dựng CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề.

2. Tập huấn phương pháp, quy trình xây dựng cho các thành viên Ban chủ nhiệm đề án xây dựng CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề.

Bước 2: Thiết kế CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề

1. Lựa chọn các nhiệm vụ và công việc cần đưa vào CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề.

Việc lựa chọn các nhiệm vụ và công việc được thực hiện theo quy định sau:

a) Đối với những nghề chưa có tiêu chuẩn kỹ năng nghề được ban hành áp dụng thống nhất trong toàn quốc: Cần phải xác định tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng nghề (theo phụ lục số 6), để làm cơ sở lựa chọn các nhiệm vụ và công việc cần đưa vào CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề.

b) Đối với các nghề đã có tiêu chuẩn kỹ năng nghề được ban hành áp dụng thống nhất trong toàn quốc: Phải nghiên cứu bản phân tích nghề, phân tích công việc (để bổ sung những công việc mới) và căn cứ vào tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng nghề để làm cơ sở lựa chọn các nhiệm vụ và công việc cần đưa vào CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề.

2. Sắp xếp kiến thức, kỹ năng nghề đã được lựa chọn theo cấp trình độ đào tạo (theo mẫu tại phụ lục 7).

3. Xác định mức độ quan trọng của các kiến thức, kỹ năng đã được lựa chọn theo cấp trình độ đào tạo: Bắt buộc phải học - Cần học – Nên học.

4. Trên cơ sở của kết quả nói trên và nghiên cứu tham khảo cấu trúc chương trình tương ứng của nước ngoài (nếu có) để soạn thảo cấu trúc CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề.

5. Lập sơ đồ các mối quan hệ giữa các mô-đun/môn học với các nhiệm vụ và công việc (theo mẫu tại phụ lục 8).

6. Lập sơ đồ quan hệ giữa các mô-đun/môn học với nhau (theo phụ lục 9).

7. Xác định yêu cầu và cách thức đánh giá kết quả học tập của học sinh.

8. Tổng hợp, hoàn chỉnh cấu trúc CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề.

Bước 3: Biên soạn CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề

Biên soạn CTKTĐTCN theo Mẫu định dạng tại phụ lục 10 và biên soạn CTKTĐCĐN theo Mẫu định dạng tại phụ lục 11.

1. Xác định mục tiêu đào tạo.

2. Xác định thời gian của khoá học và thời gian thực học tối thiểu.

3. Danh mục các môn học, mô-đun đào tạo bắt buộc; thời gian và phân bổ thời gian, đề cương chi tiết của từng môn học, mô-đun đào tạo bắt buộc:

a) Xác định danh mục các môn học, mô-đun đào tạo bắt buộc; thời gian và phân bổ thời gian của từng môn học, mô-đun đào tạo bắt buộc.

b) Xây dựng đề cương chi tiết của từng chương trình môn học bắt buộc theo mẫu quy định tại phụ lục 12 và xây dựng đề cương chi tiết của từng chương trình mô-đun bắt buộc theo mẫu quy định tại phụ lục 13.

4. Hướng dẫn sử dụng CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề để xác định các chương trình dạy nghề cụ thể.

Trong qúa trình biên soạn cần tham khảo chương trình đào tạo của nước ngoài (nếu có).

Bước 4: Hoàn thiện dự thảo CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề

1. Xin ý kiến 15 – 20 chuyên gia là giáo viên giỏi của các trường có cùng nghề đào tạo để bổ sung, hoàn thiện dự thảo.

2. Tổ chức Hội thảo 40 – 50 chuyên gia (gồm đại diện các chuyên gia kỹ thuật của doanh nghiệp, các nhà quản lý, nghiên cứu và giáo viên dạy nghề).

3. Hoàn thiện dự thảo CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề.

Bước 5: Bảo vệ CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề

1. Hoàn chỉnh hồ sơ và dự thảo CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề.

2. Ban chủ nhiệm bảo vệ CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề trước Hội đồng thẩm định.

3. Giao nộp Tổng cục Dạy nghề CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề đã hoàn chỉnh.

Điều 14. Quy trình tổ chức thẩm định CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề

Hội đồng thẩm định CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề (sau đây gọi là Hội đồng thẩm định) thành lập theo quy định tại phụ lục 14. Hội đồng thẩm định phải tuân thủ Quy định này và tổ chức thẩm định theo quy trình sau:

Bước 1: Chuẩn bị

1. Lập kế hoạch thẩm định.

2. Các thành viên Hội đồng thẩm định nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến nhận xét, đánh giá mặt được, mặt chưa được của dự thảo CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề và gửi Chủ tịch Hội đồng thẩm định và làm cơ sở để tham gia ý kiến tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định.

3. Thông báo cho Ban Chủ nhiệm xây dựng CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề biết về thời gian, địa điểm và nội dung cần báo cáo trước Hội đồng thẩm định.

Bước 2: Tổ chức thẩm định

1. Báo cáo của Ban Chủ nhiệm xây dựng CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề.

2. Các thành viên của Hội đồng thẩm định thảo luận, đánh giá công khai về bản dự thảo CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề. Trong quá trình họp thẩm định, Ban chủ nhiệm xây dựng CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề có trách nhiệm giải đáp các câu hỏi của thành viên Hội đồng thẩm định.

3. Các thành viên của Hội đồng thẩm định bỏ phiếu đánh giá chất lượng của dự thảo CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề theo 3 mức: Đạt yêu cầu đề nghị ban hành ngay; đạt yêu cầu nhưng phải chỉnh sửa trước khi đề nghị ban hành; chưa đạt yêu cầu phải xây dựng lại (theo quy định tại phụ lục 15).

4. Chủ tịch Hội đồng thẩm định tổng hợp các ý kiến đánh giá của các thành viên Hội đồng và kết luận về chất lượng của dự thảo CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề đã được xây dựng theo 03 mức quy định tại điểm 3 của bước này.

Bước 3: Báo cáo kết quả thẩm định

Chủ tịch Hội đồng thẩm định báo cáo Tổng cục Dạy nghề kết quả thẩm định CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề (kèm theo biên bản thẩm định) để Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề trình Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định.

Điều 15. Ban hành CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề

1. Tổng cục Dạy nghề hoàn chỉnh hồ sơ kèm theo dự thảo CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề, chương trình các môn học chung và kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét và quyết định ban hành CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề và chương trình các môn học chung để áp dụng thống nhất trong toàn quốc.

Điều 16. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổ chức chính trị - Xã hội và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Chỉ đạo, hướng dẫn các trường căn cứ vào CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề để tổ chức xác định, thẩm định và duyệt chương trình dạy nghề áp dụng cho trường mình.

2. Tổ chức kiểm tra, phối hợp với thanh tra dạy nghề các cấp tiến hành thanh tra việc thực hiện CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề và chương trình dạy nghề.

Điều 17. Trách nhiệm của Hiệu trưởng các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học có đăng ký hoạt động dạy nghề trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng

1. Căn cứ vào CTKTĐTCN, CTKTĐCĐN cho từng nghề đã ban hành để xác định, tổ chức thẩm định, duyệt chương trình dạy nghề cho từng nghề của trường mình.

2. Tổ chức biên soạn, thẩm định, duyệt giáo trình và phát triển các học liệu dạy nghề khác./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14264&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận