Văn bản pháp luật: Quyết định 02/2003/QĐ-UB

 
Ninh Thuận
STP tỉnh Ninh Thuận;
Quyết định 02/2003/QĐ-UB
Quyết định
16/01/2003
16/01/2003

Tóm tắt nội dung

Về việc đổi tên Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Cái Phước Bình thành Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận

 
2.003
 

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Về việc đổi tên Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Cái Phước Bình thành Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định số 125/2002/QĐ-TTg, ngày 26-9-2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận tại Tờ trình số 04/TTr-SNNPTNT, ngày 08-01-2003 và ý kiến trình của Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đổi tên Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Cái Phước Bình thành Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận.

Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình (sau đây viết tắt là khu bảo tồn) là đơn vị trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam; trực thuộc và chịu sự quản lý toàn diện, trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Khu bảo tồn có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản theo quy định của pháp luật.

Trụ sở của Khu bảo tồn đặt tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Vị trí, tọa độ địa lý và quy mô diện tích:

2.1. Vị trí địa lý: Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình thuộc địa phận xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Phía Bắc và phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng: phía Nam giáp Lâm trường Tân Tiến; phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa.

2.2. Tọa độ địa lý:

Từ 11o58’32” đến 12o10’ vĩ độ Bắc.

Từ 108o41’ đến 108o49’05” kinh độ Đông.

2.3. Quy mô diện tích và các phân khu chức năng:

Tổng diện tích tự nhiên là: 19.814 ha.

Trong đó gồm:

Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 16.041 ha.

Phân khu phục hồi sinh thái: 3.755 ha.

Phân khu hành chính, dịch vụ: 18 ha.

Vùng đệm của Khu bảo tồn có diện tích 11.082 ha, theo quy hoạch dự án đầu tư xây dựng vùng đệm của Khu bảo tồn.

Điều 3. Mục tiêu và nhiệm vụ:

3.1. Bảo tồn những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo của hệ sinh thái rừng núi cao với các kiểu rừng: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; rừng hỗn hợp cây lá rộng và cây lá kim á nhiệt đới; rừng lá kim với các ưu hợp thực vật Thông 2 lá và Thông 3 lá; rừng thưa cây họ Dầu tiêu biểu cho kiểu rừng khô hạn của tỉnh Ninh Thuận.

3.2. Bảo tồn sự đa dạng sinh học và tính nguyên vẹn của hệ sinh thái; với 15 loài thực vật, 10 loài chim, 08 loài thú và 08 loài bò sát đặc hữu và quý hiếm, có giá trị trong nghiên cứu khoa học và bảo tồn tài nguyên di truyền.

3.3. Phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên BiDoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng, duy trì và phát triển các loài thực vật và động vật hoang dã, đồng thời góp phần nâng cao năng lực phòng hộ đầu nguồn của cả tỉnh Ninh Thuận.

3.4. Góp phần bảo tồn giá trị văn hóa và lịch sử cách mạng của vùng đồng bào dân tộc, từng là chiến khu trong 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Điều 4. Biên chế của Khu bảo tồn được thực hiện theo Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg, ngày 11-01-2001 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc ban hành Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên”. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ quyết định về biên chế đối với Khu bảo tồn.

Điều 5. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Khu bảo tồn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài Chính – Vật giá, Giám đốc Sở Địa chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nguồn: vbpl.vn/ninhthuan/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=18972&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận