Văn bản pháp luật: Quyết định 02/2005/QĐ-BNN

Hứa Đức Nhị
Toàn quốc
Công báo số 15 & 16 - 01/2005;
Quyết định 02/2005/QĐ-BNN
Quyết định
31/01/2005
05/01/2005

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Quy định về quản lý gấu nuôi nhốt

Thứ trưởng
2.005
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Về việc ban hành Quy định về quản lý gấu nuôi nhốt


BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 18/HĐBT ngày 17/01/1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý bảo vệ;

Căn cứ Nghị định số 48/2002/NĐ-CP ngày 22/04/2002 của Chính phủ sửa đổi bổ sung danh mục thực vật, động vật hoang dã quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 18/HĐBT ngày 17/01/1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý bảo vệ;

Căn cứ Công văn số 2822/VPCP-NN ngày 07/06/2004 của Văn phòng Chính phủ về phương án xử lý gấu nuôi nhốt tại Việt Nam;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm lâm,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý gấu nuôi nhốt.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


QUY ĐỊNH

Về quản lý gấu nuôi nhốt

(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2005/QĐ-BNN ngày 05/01/2005

của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tất cả cá thể gấu đang được nuôi nhốt tại Việt Nam. Những cá thể gấu thuộc các đoàn xiếc có giấy phép hoạt động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, Thảo cầm Viên Sài Gòn và Vườn thú Hà Nội thì chỉ lập danh sách gấu nuôi nhốt gửi Chi Cục Kiểm lâm sở tại, không tiến hành đánh dấu bằng thiết bị điện tử.

Điều 2. Các nguyên tắc quản lý

1. Việc nuôi nhốt gấu (trừ các đoàn xiếc và vườn thú) là trái với quy định tại Điều 3, Nghị định số 18/HĐBT ngày 17/01/1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ và Chỉ thị số 359/TTg ngày 29/05/1996 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2822/VPCP-NN ngày ngày 07/06/2004 của Văn phòng Chính phủ tất cả các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang nuôi gấu (sau đây gọi là chủ hộ nuôi gấu) có trách nhiệm đăng ký, đánh dấu bằng thiết bị điện tử (sau đây gọi là gắn chíp) và lập hồ sơ quản lý đối với tất cả các cá thể gấu thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 của Quy định này tại cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh hoặc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các tỉnh không có Cơ quan Kiểm lâm.

Thời hạn đăng ký gấu nuôi nhốt trên toàn quốc là 28/02/2005. Từ ngày 01/03/2005 trở đi tất cả các chủ hộ nuôi gấu không đăng ký, nuôi mới trái phép đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Sau khi lập hồ sơ quản lý, chủ hộ nuôi gấu có trách nhiệm tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng gấu cho đến hết đời của nó theo các quy định của pháp luật. Nhà nước chỉ tiếp nhận lại gấu trong những trường hợp đặc biệt và khi có đủ điều kiện.

3. Chủ hộ nuôi gấu phải trả chi phí cho việc gắn chíp gấu nuôi nhốt.

4. Việc lập hồ sơ quản lý và gắn chíp gấu nuôi nhốt không có nghĩa là Nhà nước công nhận sự hợp pháp của chủ hộ nuôi gấu không có nguồn gốc hợp pháp, mà chỉ nhằm mục đích quản lý số lượng gấu đang nuôi nhốt, chấm dứt tình trạng săn bắt gấu từ tự nhiên về nuôi.

Điều 3. Trình tự, thủ tục gắn chíp và lập hồ sơ quản lý

1. Tiến hành thống kê về hiện trạng gấu nuôi nhốt (theo Mẫu biểu 1 kèm theo).

2. Lập kế hoạch cụ thể về việc gắn chíp, số lượng gấu được chấp nhận chuyển giao cho trung tâm cứu hộ. 

3. Thông báo kế hoạch cụ thể về việc gắn chíp tới từng chủ hộ nuôi gấu trước 01 tuần.

4. Chủ hộ nuôi gấu phải ký cam kết thực hiện việc gắn chíp và quản lý, bảo vệ gấu (theo Mẫu biểu 2 kèm theo).

Điều 4. Tổ chức gắn chíp

1. Chíp điện tử được gắn vào dưới da tất  cả các cá thể gấu nuôi nhốt, quy định tại Điều 1 Quy định này. Thiết bị chíp điện tử gồm đầu đọc, máy gắn chíp và chíp điện tử. Mỗi con gấu được gắn 01 chíp có mã số riêng để theo dõi.

2. Việc gắn chíp do người có chuyên môn, nghiệp vụ do Chi Cục Kiểm lâm tỉnh cử thực hiện.

3. Hồ sơ quản lý số gấu gồm:

- Phiếu điều tra gấu nuôi nhốt (Mẫu biểu 1 kèm theo);

- Cam kết thực hiện việc gắn chíp và quản lý, bảo vệ gấu (Mẫu biểu 2 kèm theo);

- Biên bản gắn chíp  gấu nuôi nhốt (Mẫu biểu 3 kèm theo).

Hồ sơ được lập thành 02 bộ, chủ hộ nuôi gấu giữ 01 bộ, 01 bộ lưu tại Chi Cục Kiểm lâm.

Điều 5. Chế độ báo cáo, theo dõi, giám sát

- Sau khi gắn chíp chủ hộ nuôi gấu có trách nhiệm báo cáo theo định kỳ 6 tháng một lần về tình trạng sức khoẻ của gấu cho Hạt Kiểm lâm hoặc Chi Cục Kiểm lâm sở tại. Trường hợp đột xuất (gấu ốm, chết) phải báo ngay cho Hạt Kiểm lâm hoặc Chi Cục Kiểm lâm.

- Chi Cục Kiểm lâm sở tại cử cán bộ tiến hành kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần hoặc kiểm tra đột xuất và tổng hợp  báo cáo Cục Kiểm lâm về tình hình thực hiện quản lý gấu nuôi nhốt để Cục Kiểm lâm tổng hợp tình hình trong cả nước, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ.

- Xử lý ngay các trường hợp nuôi không đăng ký, nuôi mới sau thời hạn 28/02/2005 theo quy định hiện hành của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.

Điều 6. Xử lý số gấu do chủ hộ nuôi tự nguyện nộp lại

1. Trong quá trình thực hiện quản lý gấu nuôi nhốt, nếu chủ hộ nuôi gấu tự nguyện nộp lại gấu cho Nhà nước thì có thể được xem xét khi có điều kiện tiếp nhận. Các đơn vị sau đây được xem xét để chuyển giao nuôi gấu:

- Các trung tâm cứu hộ gấu.

- Các vườn thú, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong nước (khi có nhu cầu để phục vụ mục đích nghiên cứu và giáo dục môi trường).

- Các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế với điều kiện các tổ chức bảo tồn này cam kết  viện trợ về kỹ thuật và tài chính cho công tác bảo tồn gấu tại Việt Nam.

Việc chuyển giao phải tuân thủ các quy định của pháp luật và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã đang nguy cấp (CITES).

2. Các trung tâm cứu hộ gấu có trách nhiệm cứu hộ, thả lại rừng đối với các con gấu có khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên và không có khả năng gây xung đột với người dân địa phương.

3. Chi Cục Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan có liên quan lập biên bản và tổ chức tiêu huỷ những con gấu mắc bệnh, có khả năng gây dịch bệnh, ô nhiễm môi trường hoặc những con gấu không thể xử lý bằng các biện pháp trên đây.

4. Cục Kiểm lâm chỉ đạo các Chi Cục Kiểm lâm về việc tiếp nhận số gấu do chủ hộ nuôi tự nguyện và có yêu cầu nộp lại.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Việc tổ chức thực hiện quản lý gấu nuôi nhốt được tiến hành đồng bộ và là một phần của Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16/05/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập  một tổ công tác do 01 lãnh đạo Cục Kiểm lâm làm tổ trưởng, thành viên gồm đại diện Vụ Tài chính, Cục Thú y, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy định về quản lý gấu nuôi nhốt trên phạm vi toàn quốc.

3. Cục Kiểm lâm làm đầu mối thực hiện Quy định về quản lý gấu nuôi nhốt trên địa bàn toàn quốc, lập kế hoạch tổng thể (Phụ lục 1: Kế hoạch thực hiện Quy định về quản lý gấu nuôi nhốt) và kế hoạch mua sắm thiết bị chíp điện tử, thuốc gây mê và các vật tư cần thiết khác; chỉ đạo các Chi Cục Kiểm lâm tiến hành gắn chíp cho toàn bộ số gấu nuôi nhốt trên phạm vi toàn quốc; phân cấp cho một số Chi Cục Kiểm lâm thiết bị chíp điện tử để quản lý gấu nuôi nhốt trên địa bàn được phân công (Phụ lục 2: Phân bổ thiết bị chíp điện tử).

4. Các Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở Quy định về quản lý gấu nuôi nhốt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có trách nhiệm xây dựng dự án cụ thể để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Điều 8. Kinh phí  thực hiện

1. Ngân sách nhà nước:

 - Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí trên cơ sở dự án do các Chi Cục Kiểm lâm xây dựng, bao gồm chi phí lập hồ sơ quản lý gấu cho từng hộ, chi phí vận chuyển gấu về trung tâm cứu hộ, chi phí để thả gấu về rừng, chi phí tiêu huỷ gấu và các chi phí khác phục vụ cho công tác quản lý gấu nuôi nhốt.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo kinh phí cho Cục Kiểm lâm để phục vụ cho công tác chỉ đạo, tuyên truyền, tập huấn; xây dựng các trung tâm cứu hộ gấu (theo các dự án được duyệt).

2. Tài trợ của các tổ chức, cá nhân quan tâm đến  bảo tồn gấu: Thông qua các dự án giữa Cục Kiểm lâm, Chi Cục Kiểm lâm với các tổ chức, cá nhân quan tâm đến bảo tồn gấu và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Khoản tiền do các chủ hộ nuôi gấu phải thanh toán

Chi phí mua thiết bị chíp điện tử, thuốc mê, thuốc trợ lực khác, tiền công gắn chíp điện tử. Mức chi phí cụ thể do Chi Cục Kiểm lâm trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở thông báo giá của Cục Kiểm lâm./. 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=15801&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận