QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Về việc ban hành Quy định về vệ sinh
an toàn đối với sản phẩm thuốc lá
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/PL-UBTVQH ngày 26 tháng 7 năm 2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm;
Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa số 18/1999/PL-UBTVQH ngày 24 tháng 12 năm 1999 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá;
Căn cứ Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá trong giai đoạn 2000-2010;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định vệ sinh an toàn đối với sản phẩm thuốc lá".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định số 2019/2000/QĐ-BYT ngày 30/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế về "Quy định tạm thời về vệ sinh thuốc lá điếu".
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Vụ trưởng các Vụ: Pháp chế, Khoa học và Đào tạo; Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế các ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY ĐỊNH
Vệ sinh an toàn đối với sản phẩm thuốc lá
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-BYT
ngày 15 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về vệ sinh an toàn đối với sản phẩm thuốc lá được sản xuất, lưu thông và tiêu thụ tại Việt Nam.
2. Quy định này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Sản phẩm thuốc lá là các sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần từ cây thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điều, thuốc xì gà, thuốc lá sợi hoặc các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi hoặc mút.
2. Yêu cầu về vệ sinh an toàn đối với sản phẩm thuốc lá là việc bảo đảm thuốc lá được sản xuất tại những cơ sở đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn theo quy định và có hàm lượng nhựa thuốc lá Tar và hàm lượng Nicotine trong khói một điếu thuốc lá không vượt quá giới hạn cho phép theo Quy định này.
3. Bao bì của sản phẩm thuốc lá là bao cứng hoặc bao mềm bọc kín, chứa đựng và tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm thuốc lá.
4. Cảnh báo về sức khoẻ là các thông tin bằng hình ảnh hoặc chữ viết chứa đựng nội dung về khả năng gây hại đến sức khoẻ do việc sử dụng (nhai, ngâm, hút) thuốc lá gây ra.
Chương 2
YÊU CẦU VỆ SINH AN TOÀN ĐỐI VỚI SẢN PHẨM THUỐC LÁ
Điều 3. Yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm thuốc lá
Sản phẩm thuốc lá sản xuất, lưu thông, tiêu thụ trên lãnh thổ Việt nam phải đạt các yêu cầu chất lượng thương phẩm theo TCVN 6666 :2000, TCVN 6667 :2000 và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác đối với các sản phẩm thuốc lá.
Điều 4. Hàm lượng các chất độc hại trong sản phẩm thuốc lá
1. Hàm lượng nhựa thuốc lá (Tar) và Nicotin trong khói một điếu thuốc lá
Lộ trình | Hàm lượng Tar tối đa | Hàm lượng Nicotin tối đa |
17/3/2008 | 22 mg | 2,0 mg |
17/3/2010 | 20 mg | 1,8 mg |
17/3/2012 | 18 mg | 1,6 mg |
17/3/2014 | 16 mg | 1,4 mg |
2. Nghiêm cấm việc sử dụng các phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế trong sản xuất, chế biến và bảo quản thuốc lá.
3. Quy định về hàm lượng các chất độc hại trong sản phẩm thuốc lá quy định tại khoản 1 Điều này chỉ áp dụng cho sản phẩm thuốc lá điếu.
Điều 5. Phương pháp thử
Việc xác định hàm lượng Tar theo TCVN 6680: 2000, Nicotine theo TCVN 6679:2000 chỉ áp dụng cho sản phẩm thuốc lá điếu.
Chương 3
YÊU CẦU GHI NHÃN BẮT BUỘC TRÊN BAO BÌ SẢN PHẨM THUỐC LÁ
Điều 6. Yêu cầu về ghi nhãn sản phẩm
Việc ghi nhãn trên bao bì của sản phẩm thuốc lá thực hiện theo các quy định hiện hành về ghi nhãn hàng hoá.
Điều 7. In cảnh báo về sức khoẻ
1. Nội dung cảnh báo về sức khoẻ
a) Mẫu cảnh báo về sức khoẻ: Bao bì của sản phẩm thuốc lá đuợc sản xuất, lưu thông tiêu thụ tại Việt Nam phải in một trong các mẫu cảnh báo sức khoẻ tại Phụ lục 1 hoặc Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quy định này.
b) Phần trình bày cảnh báo về sức khoẻ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải chiếm diện tích tối thiểu là 30% của bề mặt trước và sau trên mỗi bao bì sản phẩm thuốc lá.
c) Cảnh báo về sức khoẻ bằng chữ được in trên nền trắng, chữ đen hoặc nền đen chữ trắng hoặc có màu sắc tương phản với màu của bao bì sản phẩm thuốc lá để dễ nhìn, dễ đọc, dùng kiểu chữ in hoa, thẳng, không đậm, chiều cao của chữ tối thiểu là 3 mm không kể phần dấu. Viền đen xung quanh cảnh báo về sức khoẻ.
d) Cảnh báo về sức khoẻ bằng hình ảnh: Phần hình ảnh được in không dưới 4 màu, độ phân giải khi in không dưới 300DPI (dot per inch).
2. Cảnh báo về sức khoẻ quy định tại khoản 1 Điều này phải
a) Được in trên các mặt trưng bày chính (mặt có diện tích lớn nhất) của bao bì trực tiếp của các sản phẩm thuốc lá và bảo đảm khi mở ra hay đóng lại không phần nào của lời cảnh báo bị che khuất hoặc bị cắt rời.
b) Cảnh báo về sức khoẻ bằng hình ảnh và chữ: Phần chữ được in ngay dưới phần hình ảnh.
3. Đối với bao bì của sản phẩm thuốc lá thuộc loại bao cứng hoặc bao mềm cảnh báo về sức khoẻ được in song song sát với rìa dưới của bao và tuân theo đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 1 và 2 Điều này.
4. Mỗi mẫu cảnh báo về sức khoẻ quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này được sử dụng luân phiên 2 năm một lần trên bao bì của sản phẩm thuốc lá.
5. Lộ trình thực hiện lời cảnh báo
a) Từ ngày 17/3/2008: áp dụng cảnh báo về sức khoẻ bằng chữ theo Phụ lục 1 hoặc bằng chữ và hình ảnh theo Phụ lục 2 và phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều này.
b) Sau ngày 17/3/2010 tuỳ theo điều kiện kinh tế - xã hội, Bộ Y tế sẽ quy định thời điểm cụ thể để bắt buộc áp dụng lời cảnh báo về sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh theo Phụ lục 2./.