QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản, bao gồm: điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, hoạt động khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất và điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản, phát hiện mỏ trong phạm vi cả nước.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Bộ trưởng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý các hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ tài nguyên khoáng sản; quy trình, quy phạm, định mức kinh tế- kỹ thuật trong điều tra địa chất và khoáng sản;
2. Trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm về công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản;
3. Thống kê, kiểm kê trữ lượng, chất lượng tài nguyên khoáng sản; khoanh định các khu vực có khoáng sản độc hại, khu vực có khoáng sản chưa khai thác cần bảo vệ, khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản và khu vực đấu thầu hoạt động khoáng sản;
4. Tham gia, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành có liên quan khoanh định khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; xây dựng chiến lược, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản theo phân công của Bộ;
5. Trình Bộ trưởng quy định thẩm quyền, thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng để thừa kế quyền hoạt động khoáng sản; quy định đấu thầu hoạt động khoáng sản;
6. Trình Bộ trưởng quyết định việc cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản, phê duyệt khu vực khai thác tận thu khoáng sản thuộc thẩm quyền của Bộ;
7. Trình Bộ trưởng phê duyệt các đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản
8. Tổ chức, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Cục thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản bao gồm: đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản, địa chất môi trường, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, địa chất đô thị, địa chất nông thôn, địa chất khoáng sản biển, địa chất tai biến, địa nhiệt và đánh giá tiềm năng khoáng sản, phát hiện mỏ. Thực hiện các chương trình, dự án, đề tài khoa học - công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học- công nghệ vào công tác điều tra về địa chất, khoáng sản và quản lý nhà nước về khoáng sản;
9. Ðăng ký, tổng hợp các số liệu, kết quả điều tra về địa chất, khoáng sản và hoạt động khoáng sản; lưu trữ, quản lý, bảo mật nhà nước các số liệu, thông tin về địa chất và khoáng sản theo quy định của pháp luật; cung cấp tài liệu, mẫu vật địa chất, khoáng sản theo quy định hiện hành; xác nhận tính hợp pháp của mẫu vật, tài liệu địa chất và khoáng sản, các khoáng sản không phải là hàng hóa được đưa ra nước ngoài theo quy định của pháp luật;
10. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra các cơ quan, các tổ chức và cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về địa chất, khoáng sản đối với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Cục;
11. Chủ trì kiểm tra hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản; phối hợp với thanh tra Bộ giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản; trả lời tổ chức, cá nhân về lĩnh vực địa chất, khoáng sản theo phân công của Bộ;
12. Thực hiện các chương trình, dự án về hợp tác quốc tế và đại diện cho ngành địa chất và khoáng sản Việt Nam tham gia các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản theo phân công của Bộ;
13. Giữ mối liên hệ với các hội, tổ chức phi chính phủ; theo dõi, báo cáo Bộ trưởng về hoạt động của các hội, tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản;
14. Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học; biên tập, xuất bản các ấn phẩm về địa chất và khoáng sản được phép công bố theo quy định của pháp luật;
15. Quản lý các hoạt động dịch vụ địa chất, khoáng sản và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật do các đơn vị trực thuộc Cục thực hiện;
16. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính, tài sản Nhà nước giao; quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định pháp luật và phân công của Bộ;
17. Quản lý về tổ chức, biên chế và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Cục theo phân cấp của Bộ;
18. Thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao;
19. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
a) Lãnh đạo Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có Cục trưởng và một số Phó Cục trưởng.
Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Cục; xây dựng quy chế làm việc và điều hành hoạt động của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Cục;
Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về lĩnh vực công tác được phân công.
b) Bộ máy giúp việc Cục trưởng:
1. Văn phòng;
2. Phòng Tổ chức cán bộ;
3. Phòng Kế hoạch- Tài chính;
4. Phòng Chính sách khoáng sản;
5. Phòng Địa chất;
6. Phòng Khoáng sản;
7. Phòng Hợp tác quốc tế;
8. Chi cục Khoáng sản miền Trung ( tại thành phố Đà Nẵng);
9. Chi cục Khoáng sản miền Nam ( tại thành phố Hồ Chí Minh);
c) Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục:
1. Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc;
2. Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam;
3. Liên đoàn Địa chất Đông Bắc;
4. Liên đoàn Địa chất Tây Bắc;
5. Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ;
6. Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ;
7. Liên đoàn Địa chất thuỷ văn- Địa chất công trình miền Bắc;
8. Liên đoàn Địa chất thuỷ văn- Địa chất công trình miền Trung;
9. Liên đoàn Địa chất thuỷ văn- Địa chất công trình miền Nam;
10. Liên đoàn Địa chất Xạ hiếm;
11. Liên đoàn Vật lý Địa chất;
12. . Liên đoàn Intergeo;
13. Liên đoàn Trắc địa Địa hình;
14. Liên đoàn Địa chất Biển;
15. Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất;
16. Trung tâm Thông tin- Lưu trữ Địa chất;
17. Bảo tàng Địa chất;
18. Tạp chí Địa chất
d) Doanh nghiệp trực thuộc Cục:
Công ty Công nghệ Địa Vật lý.
e) Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là đơn vị dự toán cấp II, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và ngân hàng. Các chi cục khoáng sản và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục có con dấu riêng và được mở tài khoản theo quy định.
Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 14/2003/QĐ- BTNMT ngày 09 tháng 01 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.