QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Về việc ban hành Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp"
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 714/TC ngày 22 tháng 11 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Điều 3. Các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp và Thủ trưởng cơ quan Thi hành án các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp"
(ban hành kèm theo Quyết định số 102/2005/QĐ-BTP ngày 02/03/2005
của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp"
1. Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" (sau đây gọi tắt là "Kỷ niệm chương") là hình thức để ghi nhận công lao của các cá nhân đóng góp cho sự nghiệp Tư pháp Việt Nam.
2. Kỷ niệm chương được tặng một lần cho cá nhân, không có hình thức truy tặng.
3. Việc xét tặng Kỷ niệm chương phải được thực hiện đúng pháp luật, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, thủ tục theo Quy chế này, đảm bảo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai.
4. Cá nhân đã được tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" ban hành theo Quyết định số 713/TC ngày 22 tháng 11 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì không xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định này.
Chương II
ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 2. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương
1. Những cá nhân đã và đang công tác trong ngành Tư pháp hoặc làm công tác Tư pháp, bao gồm:
a) Cá nhân công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các cơ quan Thi hành án địa phương và quân đội;
b) Cá nhân công tác tại các cơ quan tư pháp địa phương (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp), các tổ chức Pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức trọng tài, luật sư, giám định tư pháp ở Trung ương và địa phương, các tổ hòa giải.
2. Những cá nhân khác không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, bao gồm: cá nhân công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài.
Điều 3. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương
1. Đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 2 của Quy chế này:
a) Cá nhân có thời gian công tác trong ngành tư pháp hoặc làm công tác tư pháp: từ đủ 20 năm trở lên đối với nam và từ đủ 15 năm trở lên đối với nữ;
b) Cá nhân ở các ngành bảo vệ pháp luật (công an, kiểm sát, tòa án) chuyển về ngành tư pháp hoặc từ ngành tư pháp chuyển sang các ngành bảo vệ pháp luật: có 20 năm công tác liên tục, trong đó thời gian công tác trong ngành tư pháp có ít nhất 5 năm trở lên đối với nam và 4 năm trở lên đối với nữ.
c) Cá nhân ở các ngành khác chuyển về ngành tư pháp hoặc từ ngành tư pháp chuyển sang các ngành khác: có 25 năm công tác liên tục, trong đó thời gian công tác trong ngành tư pháp có ít nhất 10 năm trở lên đối với nam và 8 năm trở lên đối với nữ;
d) Cá nhân có đủ 20 năm công tác nhưng bị kỷ luật dưới thức buộc thôi việc chỉ được xét tặng sau 3 năm tính từ thời điểm được xóa kỷ luật. Thời gian chịu kỷ luật không được tính để xét tặng Kỷ niệm chương;
e) Cá nhân bị kỷ luật buộc thôi việc hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được xét tặng Kỷ niệm chương.
2. Đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 của Quy chế này đạt 1 trong các điều kiện sau đây:
a) Người có công lao trong việc lãnh đạo chỉ đạo góp phần vào công cuộc phát triển sự nghiệp tư pháp Việt Nam;
b) Người có sáng kiến hoặc công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thiết thực đóng góp cho sự phát triển của ngành Tư pháp;
c) Người có công lao trong việc xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác giữa các nước, các tổ chức quốc tế với ngành tư pháp, đóng góp tích cực cho sự nghiệp tư pháp Việt Nam;
d) Người có sự giúp đỡ, ủng hộ xứng đáng về tài chính hoặc vật chất cho sự phát triển của ngành Tư pháp.
3. Những trường hợp được xét tặng sớm hơn thời gian quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này:
a) Cá nhân công tác trong ngành tư pháp hoặc làm công tác tư pháp ở các tỉnh miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo thì thời gian công tác thực tế tại các địa bàn trên được nhân với hệ số 1,2 để tính thời gian công tác trong ngành tư pháp.
b) Cá nhân trong thời gian công tác trong ngành tư pháp hoặc làm công tác tư pháp được khen thưởng các danh hiệu, hình thức khen thưởng cao của ngành tư pháp và của Nhà nước thì được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương sớm hơn thời gian quy định tùy thuộc vào danh hiệu hoặc hình thức khen cao nhất đã được khen thưởng:
- Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang: được đề nghị xét tặng ngay sau khi có quyết định khen thưởng;
- Huân chương lao động các hạng: được đề nghị xét tặng sớm hơn 5 năm;
- Chiến sỹ thi đua toàn quốc: được đề nghị xét tặng sớm hơn 3 năm;
- Cá nhân được khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ hoặc Chiến sĩ thi đua ngành tư pháp: được đề nghị xét tặng sớm hơn 2 năm.
c) Cá nhân giữ cương vị lãnh đạo thuộc ngành tư pháp chưa đủ thời gian quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này, được đề nghị xét tặng:
- Lãnh đạo Bộ Tư pháp: được đề nghị xét tặng khi đủ 1 nhiệm kỳ (5 năm);
- Lãnh đạo cấp Vụ thuộc Bộ Tư pháp và lãnh đạo Sở Tư pháp: được đề nghị xét tặng khi đủ 2 nhiệm kỳ (10 năm).
Chương III
THỦ TỤC XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 4. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 2 của Quy chế này
1. Ở Trung ương:
a) Đối với cá nhân thuộc các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Tư pháp và các đơn vị cơ sở thuộc Bộ Tư pháp:
Căn cứ kết quả xét chọn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị cơ sở hoặc Hội nghị liên tịch của chính quyền - đảng - đoàn thể đơn vị (nếu là các tập thể nhỏ thuộc cơ quan Bộ), Thủ trưởng đơn vị đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ quan Bộ và các đơn vị thuộc Bộ xem xét, đề nghị hội đồng Thi đua Khen thưởng ngành tư pháp xét trình. Bộ trưởng quyết định.
b) Đối với cá nhân thuộc tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương:
Căn cứ đề nghị của các cơ quan có tổ chức pháp chế, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ quản lý công tác pháp chế có trách nhiệm xem xét lập hồ sơ đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành tư pháp xét trình Bộ trưởng quyết định.
2. Ở địa phương:
Căn cứ đề nghị của Thủ trưởng các cơ quan tư pháp, thi hành án, tổ chức pháp chế, trọng tài, luật sư và giám định tư pháp ở địa phương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xét, lập hồ sơ và Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị Hội đồng thi đua Khen thưởng ngành Tư pháp xét trình Bộ trưởng quyết định.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ được giao phụ trách quản lý lĩnh vực công tác chuyên môn có trách nhiệm rà soát, xem xét và cho ý kiến về các trường hợp thuộc lĩnh vực mình quản lý trước khi trình Hội đồng thi đua - Khen thưởng ngành tư pháp xem xét.
Điều 5. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương đối với cán bộ thuộc ngành tư pháp đã nghỉ hưu
1. Cán bộ thuộc cơ quan Bộ đã nghỉ hưu do Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị lập hồ sơ gửi Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ quan Bộ và các đơn vị thuộc Bộ xem xét, đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành tư pháp xét trình Bộ trưởng quyết định.
2. Cán bộ thuộc các đơn vị cơ sở thuộc Bộ Tư pháp ở Trung ương đã nghỉ hưu do Thủ trưởng các đơn vị phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ lập hồ sơ gửi Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ quan Bộ và các đơn vị thuộc Bộ xem xét, đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành tư pháp xét trình Bộ trưởng quyết định.
3. Cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp địa phương đã nghỉ hưu của địa phương nào thì do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Sở Tư pháp địa phương đó lập hồ sơ đưa ra xem xét và Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành tư pháp xét trình Bộ trưởng quyết định.
Điều 6. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Quy chế này
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm xem xét, lập hồ sơ đối với các trường hợp thuộc lĩnh vực, địa bàn mình quản lý để đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành tư pháp xét trình Bộ trưởng quyết định.
2. Trong các trường hợp đặc biệt, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành có trách nhiệm đề xuất, lập hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định.
Điều 7. Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương
1. Văn bản đề nghị xét tặng (theo mẫu quy định) .
2. Danh sách đề nghị xét tặng (theo mẫu quy định).
3. Biên bản họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu là ở địa phương) hoặc Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ quan Bộ và các đơn vị thuộc Bộ.
4. Bản kê khai tóm tắt thành tích và quá trình công tác của cá nhân, có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị quản lý cán bộ (theo mẫu quy định). Cá nhân đã nghỉ hưu do cơ quan quản lý ra Quyết định nghỉ hưu xác nhận.
5. Bản sao các Quyết định khen thưởng liên quan đến việc xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 của Quy chế này.
6. Đối với cá nhân công tác ở các Bộ, ngành (ở địa phương là các Sở, ban, ngành), các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội phải có ý kiến hiệp y bằng văn bản của Bộ, ngành chủ quản (ở địa phương là Sở, ban, ngành), các tổ chức chính trị - xã hội.
7. Đối với cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài thì phải có văn bản nhận xét và đề nghị của đơn vị chức năng của Bộ.
Điều 8. Thời gian nộp hồ sơ xét tặng Kỷ niệm chương
1. Hàng năm, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp xét, lập hồ sơ và gửi về Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành tư pháp trước ngày 01 tháng 7.
Đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 thì thời gian nộp hồ sơ không nhất thiết thực hiện theo quy định này.
2. Căn cứ đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, ra quyết định tặng Kỷ niệm chương vào dịp kỷ niệm "Ngày truyền thống ngành Tư pháp" hàng năm (28/8).
Chương IV
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI,
TỐ CÁO VỀ XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 9. Xử lý vi phạm về xét tặng Kỷ niệm chương
1. Cá nhân nào báo cáo không trung thực về các tiêu chuẩn quy định để được xét tặng Kỷ niệm chương thì bị thu hồi Kỷ niệm chương và giấy chứng nhận, quyết định tặng Kỷ niệm chương.
2. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành tư pháp có trách nhiệm xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc thu hồi Kỷ niệm chương.
Điều 10. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về xét tặng Kỷ niệm chương
Trình tự, thủ tục, thời hạn và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về xét tặng Kỷ niệm chương thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo./.