Văn bản pháp luật: Quyết định 116/2001/QĐ-UB

Nguyễn Quốc Triệu
Hà Nội
STP TP Hà Nội;
Quyết định 116/2001/QĐ-UB
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
29/11/2001
14/11/2001

Tóm tắt nội dung

Về việc phê chuẩn Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội Khuyến học Hà nội

Phó Chủ tịch
2.001
UBND thành phố Hà Nội

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ

Về việc  phê chuẩn Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội Khuyến học Hà nội

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ quyết định số  537/QĐ-UB ngày 04 tháng 2 năm 1998 của UBND thành phố Hà Nội cho phép thành lập Hội Khuyến học Hà  Nội;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố và Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê chuẩn Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội Khuyến học Hà Nội. Bản Quy chế ban hành kèm theo quyết định này gồm 7 chương 15 điều do Ban chấp hành mở rộng Hội Khuyến học Hà Nội thông qua ngày 24 tháng 7 năm 2001.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thành phố HN, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội thi hành quyết định này./.

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI KHUYẾN HỌC HÀ NỘI

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 116/2001/QĐ-UB

ngày 14 tháng 11 năm 2001 của UBND Thành phố Hà Nội)

Khuyến học là truyền thống tốt đẹp, lâu đời của dân tộc là chính sách của quốc gia và đạo đức, nghĩa tình của nhân dân Việt Nam.

Ngày nay, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước công cuộc “trồng người” vì lợi ích trăm năm nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là sự nghiệp của toàn xã hội.

Để làm cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của Hội Khuyến học trên địa bàn Hà Nội, Ban chấp hành Hội Khuyến học Hà Nội xây dựng quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội Khuyến học Hà nội như sau:

CHƯƠNG I

TÔN CHỈ MỤC ĐÍCH

Điều 1. Hội khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục thành phố Hà Nội (goị tắt là Hội khuyến học Hà Nội) là tổ chức tự nguyện của mọi người dân có tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, tích cực tham gia xã hội hoá giáo dục, góp sức phấn đấu cho phong trào "toàn dân tham gia giáo dục” nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và Thủ đô.

Điều 2. Hội Khuyến học Hà Nội là thành viên của Hội Khuyến học Việt Nam và là thành viên của Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài sản và tài chính riêng, có tài khoản bằng tiền ViệtNam và ngoại tệ  tại Ngân hàng Nhà nước. Hội đặt trụ sở tại 23 Quang Trung - Hà Nội.

 

CHƯƠNG II

NHIỆM VỤ, NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 3. Hội Khuyến học Hà Nội có nhiệm vụ phấn đấu nhằm đạt được 3 mục tiêu cơ bản:

Khuyến khích và hỗ trợ phong tào học tập, xây dựng một xã hội học tập, nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp của mọi người trong nhà trường và trong xã hội, góp sức phấn đấu cho công bằng xã hội và quyền lợi học tập    của mọi người dân Thủ đô đặc biệt chú ý tới những người nghèo không có điều kiện học tập, những người có năng khiếu.

Cổ vũ xã hội trân  trọng vai trò của người  thầy và chăm sóc người thầy trong sự nghiệp Giáo dục- Đào tạo, khuyến  khích người thầy phấn đấu không ngừng nâng cao trình độ nghề  nghiệp và đạo  đức, kiến nghị với nhà nước về việc ban hành chính sách và chế độ đãi ngộ người thầy tương xứng với yêu cầu đào tạo và với vị thế trong xã hội.

Làm tư vấn về giáo dục trên cơ sở tập hợp ý kiến của đông đảo các nhà giáo dục, khoa học và những nhà tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, kiến nghị với Nhà nước và Thành phố chủ trương, chính sách, biện pháp phát triển giáo dục.

Điều 4. Để thực hiện tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ, Hội thực hiện các nguyên tắc sau đây trong tổ chức và hoạt động:

Tuân thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp Nhà nước, các quy định của UBND Thành phố và chịu sự quản lý của các cấp chính quyền, hợp tác với ngành Giáo dục - Đào tạo, tranh thủ sự hướng dẫn, hỗ trợ của UBMT Tổ quốc các cấp.

Phát huy quyền chủ động, sáng tạo của các tổ chức, Hội liên kết với các tổ chức  kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội các đoàn thể nhân dân tham gia  xã hội hoá giáo dục.

Tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ về tinh thần, vật chất của mọi tổ chức, cá nhân vì sự nghiệp khuyến học.

 

CHƯƠNG III

HỘI VIÊN

Điều 5. Công dân Việt nam ở trong và ngoài nước có những tâm huyết với sự nghiệp giáo dục Thủ đô, tán thành Điều lệ Hội khuyến học Việt Nam, quy chế của Hội Khuyến học Hà Nội, tự nguyện hoạt động theo sự phân công của Hội đều được xem xét và công nhận là  hội viên.

Điều 6. Hội viên có nhiệm vụ:

Tôn trọng và thực hiện quy chế và  nghị quyết của Hội.

Tuyên truyền cho Hội và phát triển hội mới.

Đóng góp hội phí và tham gia xây dựng Hội.

Sinh hoạt trong các tổ chức của Hội

Điều 7. Hội viên có quyền lợi:

Trao đổi, thảo luận công việc của Hội, đề xuất ý kiến nhằm phát triển phong trào khuyến học và sự nghiệp giáo dục.

Bầu cử, ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của Hội.

Hưởng các quyền lợi do hoạt động của Hội mang lại.

Các thành viên của Hội được giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong hoạt động.

Điều 8. Hội viên có thẻ hội viên do  Trung ương Hội ấn hành. Các cấp Hội lập danh sách hội viên và có văn bản đề nghị xét cấp.

 

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Điều 9. Tổ chức và hoạt động của Hội Khuyến học Hà Nội bao gồm:

1. Thành Hội Hà Nội:

1.1. Đại hội đại biểu Hội khuyến học thành phố Hà Nội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội khuyến học Hà Nội được tổ chức thường kỳ 5 năm một lần; khi cần thiết có thể triệu tập sớm hơn hoặc muộn hơn nhưng không quá  1 năm nếu 2/3 số uỷ viên Ban chấp hành thành Hội  yêu cầu. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện chương trình hành động của Hội trong nhiệm kỳ, quyết định chương trình hành động nhiệm kỳ tiếp theo, sửa đổi, bổ sung “Quy chế của Hội khuyến học Hà Nội” bầu cử Ban chấp hành thành Hội mới.

1.2. Ban chấp hành Thành hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa 2 kỳ đại hội, thực hiện Nghị quyết của Đại hội cấp mình, phân công công tác các uỷ viên BCH; bầu ban thường vụ với số lượng không quá 1/3 số  uỷ viên BCH, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên: bầu Ban kiểm tra gồm  Trưởng ban, phó trưởng ban và các  uỷ viên; cử Hội đồng quản lý và Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ khuyến học của Thành phố và các ban, các tổ chức của Hội theo hướng dẫn cuẩ BCH TW Hội. BCH Thành Hội họp 6 tháng một lần, họp bất  thường khi cần thiết.

Trong quá trình hoạt động, xuất phát từ nhu cầu công tác và đề nghị của Ban thường vụ, BCH Thành Hội có thể tổ chức bầu cử bổ sung uỷ viên BCH với số lượng không quá 10% tổng số uỷ viên BCH do đại hội đã bầu.

1.3. Ban thường vụ của thành hội thay mặt BCH điều hành giữa hai kỳ họp có nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Đại hội, hướng dẫn, giúp đỡ kiểm tra hoạt động của các tổ chức Hội trong thành phố, quản lý các tổ chức của Hội thuộc Thành phố; quản lý tài chính, tài sản và lãnh đạo hoạt động của quỹ khuyến học Thành học Thành phố, triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của BCH.

1.4. Các tổ chức trực thuộc Thành hội:

a. Ban thường vụ Thành hội lập các tổ chức trực thuộc giúp việc theo hướng tinh gọn: Ban hỗ trợ giáo dục và đào tạo và phát triển phong trào khuyến học; Ban tổ chức, Ban tuyên truyền, Văn phòng thành hội (kiêm quan hệ đối ngoại, hành chính, kinh tế tài chính) .

b. Thành hội có thể có một số cơ sở đào tạo hoặc dịch vụ, sản xuất phục vụ 3 mục tiêu của Hội trên địa bàn thành phố theo hướng tự quản về tài chính và hoạt động dưới sự chỉ đạo của Thành hội. Việc tổ chức và thành lập theo đúng quy định của thành phố.

1.5. Quỹ khuyến học của Thành hội Hà Nội có chức năng vận động và tiếp nhận các nguồn tài trợ để hỗ trợ cho các hoạt động khuyến học, hoạt động theo điều lệ của quỹ và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước. Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại ngân hàng kể cả tài khoản ngoại tệ khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Hội đồng quản lý quỹ chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của quỹ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của thành Hội và sự kiểm tra  hướng dẫn về nghiệp vụ của Quỹ khuyến  học Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ là một phó chủ tịch thành Hội.

1.6. Ban kiểm tra của thành Hội có nhiệm vụ kiểm tra việc thi hành quy chế, việc thực hiện các Nghị quyết công tác, việc quẩn lý và sử dụng tài chính, kiểm tra  tư cách cán bộ, hội viên, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đối với Hội viên và tổ chức, đề xuất các vấn đề về công tác kiểm tra với ban thường vụ hoặc BCH của Hội giải quyết.

2. Quận, huyện Hội:

Quận, huyện Hội là cấp nối liền sự chỉ đạo của Thành hội với Hội cơ sở

2.1. Đại hội Quận, Huyện được tổ chức thường kỳ 5 năm một lần để đánh giá việc thực hiện chương trình hoạt động của nhiệm kỳ tiếp theo và bầu cử BCH mới.

2.2. BCH Quận, huyện Hội bầu Ban thường vụ gồm Chủ tịch, các phó chủ tịch và các uỷ viên để điều hành công việc thường xuyên của Hội, cử một phó chủ tịch làm chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ khuyến học của Quận, Huyện Hội; phân công các Uỷ viên BCH phụ trách các mặt công tác hoặc các địa phương.

BCH Quận, Huyện Hội họp 6 tháng một lần, Ban thường vụ họp 2 tháng một lần để kiểm điểm và bàn công việc.

2.3. Nhiệm vụ chủ yếu của BCH, Ban thường vụ Quận, Huyện Hội là quán triệt vận động theo dõi đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các  nhiệm vụ công tác khuyến học của Hội trong địa bàn quận, huyện, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Hội cơ sở, quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ khuyến học của quận, huyện Hội.

2.4. BCH và Ban thường vụ Quận, huyện Hội tuỳ điều kiện và khả năng có thể có một số cơ sở đào tạo hoặc trung tâm dịch vụ, sản xuất nhằm phục vụ 3 mục tiêu khuyến học trong quận, huyện. Đây là các đơn vị tự quản về tài chính, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quận, Huyện Hội.

2.5. Quỹ Khuyến học của Quận, Huyện Hội có chức năng vận động và tiếp nhận các nguồn tài trợ để hỗ trợ cho hoạt động khuyến học của quận, huyện, hoạt động theo điều lệ của Quỹ khuyến học và trong khuôn khổ pháp luật Nhà nước, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban thường vụ Quận, Huyện Hội và hướng dẫn, kiểm tra của Quỹ khuyến học Thành hội.

3. Tổ chức cơ sở:

3.1. Ở xã, phường, thị trấn có đủ điều kiện và có nhu cầu thành lập hội khuyến học xã, phường, thị trấn (gọi là Hội khuyến học cơ sở).

Hội cơ sở có dưới 15 hội viên thì cử BCH gồm Chủ tịch, phó chủ tịch và các uỷ viên.

Hội cơ sở có đông hội viên có thể chia thành nhiều chi hội, tổ hội...Chi hội cử ra Chi hội trưởng, chi hội phó hoặc BCH chi hội từ 3 đến 5 uỷ viên.

3.2. Đại hội đại biểu cơ sở có nghiệm vụ chỉ đạo thực hiện các NQ của Hội cấp trên, chương trình  của Đại hội cơ sở, xây dựng và phát triển tổ chức phối hợp với nhà trường, các đoàn thể xã hội, hội cha mẹ học sinh, câu lạc bộ các nhà giáo, các dòng họ để cùng vận động nhân dân tham gia các hoạt động khuyến học cơ sở, xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ khuyến học của Hội cơ sở.

BCH cơ sở có từ 9 uỷ viên trở lên được cử Ban thường vụ gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các uỷ viên để điều hành công việc thường xuyên của Hội, dưới 9 hội viên chỉ cử chủ tịch, phó chủ tịch.

BCH Hội cơ sở phân công một hoặc một số uỷ viên phụ trách quỹ khuyến học cơ sở và phân công uỷ viên phụ trách các mặt công tác, hỗ trợ và phát triển phong trào khuyến học, tổ chức, kiểm tra, văn phòng...đồng thời phân công công tác cho các  hội viên.

BCH Hội cơ sở sinh hoạt 3 tháng một lần, Ban thường vụ hội cơ sở sinh hoạt 1 tháng một lần.

3.4. Quỹ khuyến học của Hội cơ sở do BCH Hộ cơ sở trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý dưới sự kiểm tra, hướng dẫn của quỹ khuyến học quận, huyện.

3.5. Các cơ quan, xí ngiệp, doanh nghiệp...có “Ban khuyến học” do lãnh đạo đơn vị hoặc công đoàn phụ trách. Ban khuyến học cơ quan, xí nghiệp có nhiệm vụ động viên khuyến khích cán bộ, công nhân viên chức học tập nâng cáo trình độ, nghiệp vụ, khen thưởng, hỗ trợ học sinh là con em của đơn vị học giỏi hoặc vượt qua  hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học tập. Xây dựng quỹ  khuyến học của đơn vị để hỗ trợ cho công tác khuyến  học. Ban khuyến học cơ quan, xí nghiệp không có con dấu.

3.6. Các trường THPT, chuyên nghiệp, dạy nghề trực thuộc quận, huyện nào thì lập Hội khuyến học cơ sở trực thuộc quận, huyện đó. Trường hợp đặc biệt có thể có một số Hội trực thuộc Thành Hội.

 

CHƯƠNG V

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 10. Tổ chức Hội, cán bộ, hội viên có thành tích trong hoạt động khuyến học được hội khen thưởng theo quy định của Ban thường vụ Hội hoặc đề nghị Nhà nước khen thưởng.

Tổ chức, cán bộ hội viên hoạt động sai trái với điều lệ Hội khuyến học Việt Nam, quy chế hội khuyến học Hà Nội và các Nghị quyết của Hội thì tuỳ theo mức độ sai phạm mà bị xử  lý kỷ luật từ khiển trách đến giải thể đối với tổ chức Hôị; hoặc khiển trách, cảnh cáo, cách chức đến đưa  ra khỏi Hội đối với hội viên.

 

CHƯƠNG VI

TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Điều 11: Tài chính của Hội gồm 2 phần:

Tài chính hoạt động thường xuyên và quỹ khuyến học.

1. Tài chính hoạt động thường xuyên của Hội gồm: Hội phí của Hội viên; thu từ các hoạt động; kinh phí được cấp do tham gia từ các hoạt động khác cùng cơ quan Nhà nước; tài trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân...

2. Quỹ khuyến học được hình thành từ nguồn tài chính hợp pháp sau đây:

Sự tài trợ  dưới mọi hình thức của các tổ chức, cá nhân để thực hiện mục tiêu khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục.

Tiếp nhận sự đóng góp (nếu có) của các đơn vị trực thuộc.

Thu lãi từ quỹ mở tại ngân hàng (nếu có).

Thu từ các khoản khác.

Điều 12. Tài chính của hội được quản lý theo các quy định hiện hành của nhà nước và của Hội; được sử dụng đúng mục đích của Hội. Hàng năm. BCH các cấp Hội nghe và quyết định các vấn đề về tài chính của Hội.

CHƯƠNG VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Tổ chức và cán bộ, hội viên của Hội khuyến học Hà Nội phải chấp hành nghiêm chỉnh Quy chế của Hội khuyến học Hà Nội.

Điều 14. Ban chấp hành Thành hội có trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành Quy chế trong toàn Hội.

Điều 15.  Chỉ đại hội Đại biểu của Hội khuyến học Hà Nội mới có quyền  bổ sung, sửa đổi bản quy chế này.

Bản quy chế tổ chức hoạt động này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Chính quyền Thàn phố Hà Nội phê duyệt.

 

 

Nguồn: vbpl.vn/hanoi/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=20391&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận