quyết địnhQUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH NGHỆ AN
Về việc ban hành điều lệ tạm thời Bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND các cấp (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994.
Căn cư Luật lao động ngày 26/06/1994.
Căn cứ Quyết định 1113/1998/UB-NN ngày 28/04/1998 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thành lập Bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An.
Xét đề nghị của Chủ tịch hội nông dân Nghệ An và Giámđốc Bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An .
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1
: Nay ban hành kèm theo Quyết định này điều lệ tạm thời Bảo hiểm xã hội (BHXH) nông dân Nghệ An (làm thí điểm).
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Các ông: Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hội nông dân Nghệ An, Giám đốc BHXH nông dân Nghệ An, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
ĐIỀU LỆ TẠM THỜI BHXH NÔNG DÂN NGHỆ AN .
(ban hành kèm theo Quyết định 1210 ngày 30/07/1998 của UBND tỉnh Nghệ An ).
Chương I
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1: Điều lệ này quy định BHXH đối với nông dân Nghệ An, nhằm góp phần ổn định đời sống cho gia đình và bản thân người tham gia BHXH khi hết tuổi lao động chết.
Điều 2: Điều lệ này quy định các chế độ:
- Chế độ hưu.
- Chế độ tử tuất.
Điều 3: Điều lệ này áp dụng cho lao động trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn, thành thị có độ tuổi lao động từ 18 tuổi trở lên tự nguyện tham gia đóng BHXH .
Điều 4: Người lao động tự nguyện tham gia đóng BHXH ở mức nào thì được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ở mức tương ứng đó theo quy định tại điều lệ này.
Điều 5: Qũy BHXH nông dân được hình thành chủ yếu do người lao động tham gia BHXH đóng góp, lãi hoạt động bảo tồn và các nguồn thu khác, Nhà nước hỗ trợ và bảo hộ quá trình hoạt động của quỹ BHXH.
Chương II
MỨC ĐÓNG - HÌNH THỨC ĐÓNG QUỸ BHXH
Điều 6: Mức đóng: Có 3 mức;
Mức 10.000 đ/tháng; Mức 20.000 đ/tháng; Mức 30.000 đ/tháng.
Điều 7:
1 - Đóng góp quỹ BHXH thực hiện 6 tháng 1 lần, một năm nộp hai lần vào tháng 5 và tháng 11. Nếu nộp chậm sau thời gian quy định phải nộp thêm phần lãi suất ngân hành tại thời điểm nộp. Thời gian nộp chậm tối đa không quá 6 tháng hết thời hạn tính theo mức thời gian quy định trên.
2 - Đóng 1 lần cho nhiều năm hoặc đóng 1 lần để có chế độ hưu có quy định riêng.
Điều 8: Người đang đóng BHXH mà bản thân hoặc gia đình tạm thời gặp khó khăn đặc biệt không có khả năng đóng BHXH thì làm đơn xin dừng đóng, thời gian dừng đóng không được tính vào thời gian đóng BHXH.
Điều 9: Thời gian để tính hưởng BHXH là tổng thời gian người lao động nộp BHXH.
Điều 10: Khuyến khích người lao động tham gia BHXH đóng gấp đôi, gấp 3 mức quy định ở điều 6 để sau này hưởng BHXH gấp đôi, gấp 3 lần theo mức hưởng quy định ở điều lệ này.
Điều 11:
1- Quỹ BHXH được quản lý thống nhất hạch toán độc lập - sử dụng chi trả các chế độ BHXH và được trích một phần để lập quỹ dự phòng và chi phí quản lý sự nghiệp BHXH theo Quy định của Hội đồng quản lý BHXH.
2 - Quỹ BHXH được thực hiện các biện pháp để bảo tồn và tăng trưởng giá trị bằng cách mua tín phiếu kho bạc, trái phiếu ngân hàng, gửi tiết kiệm. Trong trường hợp đầu tư bằng các hình thức khác để tăng trưởng thì phải có đề án của Hội đồng quản lý trình UBND tỉnh phê duyệt.
Chương III
ĐIỀU KIỆN VÀ MỨC HƯỞNG CÁC CHẾ ĐỘ BHXH
1 - Chế độ hưu:
Điều 12:
Người tham gia BHXH được hưởng chế độ hưu khi đủ 2 điều kiện sau:
- Nam 60 tuổi ; Nữ 55 tuổi.
- Có sổ BHXH xác nhận đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
Điều 13: Người tham gia đóng BHXH đủ điều kiện hưu theo quy định tại Điều 12 Điều lệ này được hưởng hưu hàng tháng như sau:
1- Đủ 20 năm đóng BHXH hàng tháng được hưởng:
- 50.000 đ đối với mức đóng 10.000 đ
- 100.000 đ đối với mức đóng 20.000 đ
- 150.000 đ đối với mức đóng 30.000 đ
2 - Nếu có thời gian đóng BHXH trên 20 năm thì mỗi năm đóng thêm. hàng tháng được hưởng thêm:
- 4.000 đ đối với mức đóng 10.000 đ
- 8.000 đ đối với mức đóng 20.000 đ
- 12.000 đ đối với mức đóng 30.000 đ
Điều 14: Người tham gia BHXH không đủ điều kiện hưu theo quy định tại Điều 12 thì được trợ cấp 1 lần nếu có trong các Điều kiện sau :
- Nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi, không đủ 20 năm đóng BHXH có đơn xin hưởng trợ cấp 1 lần.
- Mất sức lao động 61% trở lên, có đơn xin hưởng trợ cấp 1 lần.
- Di chuyển đến chỗ ở mới mà nơi đó không có BHXH nông dân.
- Chết .
Điều 15: Người tham gia BHXH được hưởng trợ cấp 1 lần theo quy định tại Điều 14 của Điều lệ này được quy định như sau :
1 - Có thời gian đóng BHXH từ 3 năm đến dưới 20 năm.
- Từ 3-5 năm được trả trợ cấp 1 lần bằng 100% tổng số đã nộp.
- Từ 6 - 10 năm được trả trợ cấp 1 lần bằng 110% tổng số đã nộp.
- Từ 11 - 15 năm đã được trợ cấp 1 lần bằng 125 % tổng số đã nộp.
- Trên 16 năm được trả trợ cấp một lần bằng 145% tổng số đã nộp.
2- Có thời gian đóng BHXH dưới 3 năm nếu chết thì được trợ cấp 100% số nộp. Các trường hợp khác nếu chưa đóng đủ Bảo hiểm xã hội 3 năm trở lên thì không được trả trợ cấp.
Điều 16: Người tham gia Bảo hiểm xã hội nông dân khi nghỉ hưu hưởng chế độ hưu thì hàng năm được tổ chức bảo hiểm xã hội nông dân cấp thẻ bảo hiểm y tế.
2- Chế độ tuất
Điều 17: Người đang hưởng trợ cấp hưu mà chết thì gia đình hoặc người thừa kế hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng được nhận trợ cấp 1 lần như sau:
Đơn vị tính : đồng
DIỄN GIẢI | MỨC TRỢ CẤP |
| Mức 10.000đ | Mức 20.000đ | Mức 30.000 |
-Nếu người chết từ năm thứ nhất | 3.600.000 | 7.200.000 | 10.800.000 |
-Chết từ năm thứ 2 đến năm thứ 5 | | | |
trên mỗi năm trừ đi | 150.000 | 300.000 | 450.000 |
-Chết từ năm thứ 6 đến năm thứ 9 | | | |
trên mỗi năm trừ đi | 170.000 | 340.000 | 510.000 |
-Chết từ năm thứ 10 đến năm thứ | | | |
12 thì mỗi năm trừ đi | 200.000 | 400.000 | 600.000 |
-Chết từ năm thứ 13 trở đi thì | | | |
được trợ cấp 1 lần | 250.000 | 500.000 | 750.000 |
Chương IV
TỔ CHỨC QUẢN LÝ
Điều 18:
Thành lập Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội nông dân dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND Tỉnh.
Hội đồng quản lý (HĐQL) bao gồm:
- Đại diện Sở lao động thương binh xã hội, Sở Tài chính vật giá, Ban tổ chức chính quyền Tỉnh, Hội đồng Liên minh các hợp tác xã và doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Hội nông dân tỉnh và Giám đốc BHXH nông dân.
- Hội đồng quản lý BHXH nông dân có một chủ tịch HĐQL do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm.
- HĐQL có nhiệm vụ chỉ đạo hướng dẫn giám sát việc thực hiện các chế độ BHXH nông dân; Xây dựng kế hoạch tài chính trong năm: Quyết định chi phí quản lý sự nghiệp BHXH xét duyệt quyết toán thu-chi quỹ bảo hiểm xã hôi do Giám đốc BHXH báo cáo, xây dựng các cơ chế chính sách hưu nông dân trình UBND tỉnh quyết định: Đề nghị bổ nhiệm, miễm nhiệm giám đốc, Phó Giám đốc BHXH nông dân.
Điều 19: BHXH nông dân Nghệ An được tổ chức thành hệ thống từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.
BHXH nông dân Nghệ An có con dấu và tài khoản riêng. Được mở tài khoản tiền gửi quỹ BHXH tại hệ thống kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại Nhà nước.
BHXH nông dân Nghệ An do Giám đốc BHXH nông dân Nghệ An trực tiếp quản lý và điều hành theo chế độ thủ trưởng. Giúp việc cho Giám đốc là Phó giám đốc và một số phòng Ban nghiệp vụ . Giám đốc BHXH nông dân có nhiệm vụ điều hành toàn bộ hoạt động BHXH theo quy định của điều lệ này.
Điều 20: BHXH nông dân Nghệ An được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí để trang bị phương tiện, điều kiện làm việc ban đầu và cho ứng chi phí quản lý sự nghiệp từ 1 đến 2 năm đầu, sau phải hoàn trả lại ngân sách tỉnh.
Chương V
QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC BÊN THAM GIA BHXH
Điều 21:
1 - Người tham gia BHXH có quyền:
- Được cấp sổ BHXH để ghi nhận tuổi đời, thời gian đóng BHXH.
- Được trợ cấp hưu hoặc trợ cấp 1 lần khi đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ này.
- Khiếu nại lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi tổ chức BHXH có hành vi vi phạm Điều lệ BHXH .
- Được bồi thường thiệt hại khi tổ chức, cán bộ BHXH vi phạm điều lệ này gây thiệt hại cho mình.
2 - Người tham gia BHXH có trách nhiệm:
- Nộp BHXH đủ, đúng thời gian quy định.
- Sử dụng, quản lý sổ BHXH đúng quy định.
Điều 22:
1 - Cơ quan BHXH có quyền:
- Soạn thảo để Hội đồng quản lý trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách BHXH nông dân hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định thu - chi BHXH.
- Tổ chức quản lý quỹ BHXH có hiệu quả.
- Tuyên truyền vận động người lao động tham gia BHXH.
- Từ chối việc chi trả chế độ BHXH cho đối tượng được hưởng chế độ BHXH khi có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi man trá.
2 - Cơ quan BHXH có trách nhiệm:
- Tổ chức thu - chi quản lý sử dụng quỹ BHXH đúng quy định.
- Thực hiện các chế độ BHXH đúng theo quy định của Điều lệ.
- Tổ chức chi trả cấp hưu và trợ cấp 1 lần đúng đủ - kịp thời - thuận tiện cho các đối tượng được hưởng .
- Giải quyết tranh chấp khiếu nại về BHXH theo quy định của Điều lệ.
- Thông báo định kỳ, hàng năm quyết toán thu - chi BHXH - Tình hình thực hiện các chế độ BHXH đối với đối tượng tham gia BHXH.
- Bồi thường thiệt hại cho người tham gia đóng BHXH, do tổ chức, cán bộ của mình gây ra, lập dự toán chi phí quản lý hàng quý năm, trình Hội đồng quản lý Quyết định - Báo cáo quyết toán tài chính quý, năm gửi Hội đồng quản lý, các Sở ngành chức năng và UBND tỉnh.
Chương VI
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ XỬ LÝ
VI PHẠM VỀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BHXH NÔNG DÂN.
Điều 23:
Khi xẩy ra tranh chấp giữa người tham gia BHXH với cơ quan thực hiện chế độ BHXH thì giải quyết theo quy định tại điều lệ tạm thời về BHXH nông dân.
Điều 24: Việc đóng BHXH và hưởng quyền trợ cấp hưu bị đình chỉ trong thời gian bị tù giam. Hết thời hạn người tham gia BHXH hoặc tiếp tục hưởng trợ cấp theo quy định.
Điều 25: Người hưởng BHXH bị cắt bỏ hoặc ra nước ngoài ở lại nước ngoài bất hợp pháp . Ngoài việc cắt giảm hoặc huỷ bỏ quyền hưởng chế độ BHXH, người giả mạo sửa chữa hồ sơ còn phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã hưởng vào quỹ BHXH nông dân và tuỳ thuộc theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy tố trách nhiệm hình sự.
Điều 26: Người làm việc thuộc cơ quan quản lý BHXH nông dân vi phạm các quy định tại Điều lệ BHXH đối với nông dân thì cũng tuỳ theo mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật,phát hành chính hoặc truy tố trách nhiệm hình sự; Nếu có thành tích thì được khen thưởng theo chế độ hiện hành.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 27:
Hội đồng quản lý BHXH nông dân tỉnh phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, BHXH nông dân các cấp, các Sở, Ban, ngành có liên quan, người tham gia BHXH nông dân kịp thời phản ánh với Giám đốc BHXH nông dân Nghệ An để tập hợp, báo cáo Hội đồng quản lý và Hội đồng nông dân tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.