UBNDQUYẾT ĐỊNH
CỦA UBND TỈNH VĨNH PHÚ
Về quy định thành lập, công nhận, phân loại phân cấp quản lý chợ tỉnh Vĩnh Phú
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚ
Căn cứ vào luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành ngày 30/06/1989;
Để thống nhất quản lý việc thành lập chợ, công nhận, cấp đất để làm chợ và quản lý các hoạt động trong chợ góp phần ổn định trật tự xã hội, an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, lưu thông thông suốt, thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về "thành lập, công nhận, phân loại, phân cấp quản lý chợ" tỉnh Vĩnh Phú.
Điều 2: Giao Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch hướng dẫn kiểm tra tổ chức thực hiện cụ thể
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/1993. Các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị căn cứ quyết định thi hành.
Quy định của UBND tỉnh Vĩnh Phú
Về thành lập, công nhận, phân loại, phân cấp, quản lý chợ tỉnh Vĩnh Phú
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1257 QĐ - UB ngày 30/ 09/ 1993 của UBND tỉnh)
I. Quy định chung
Điều 1: Chợ là nơi tập trung mua, bán trao đổi sản phẩm, hàng hoá của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư bao gồm chợ thường xuyên, chợ không thường xuyên (chợ phiên). Chợ đã được xây dựng, hoặc hình thành nhưng chưa xây dựng, đã có hoặc chưa có bộ máy quản lý chợ (ban quản lý) đều được điều chỉnh theo quy định này.
Điều 2:
1. Chợ đủ điều kiện là chợ được UBND cấp có thẩm quyền quyết định thành lập, công nhận hoặc giải thể và giải quyết các khiếu nại tranh chấp về thành lập, giải thể chợ.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý và tổ chức hoạt động của các chợ trong tỉnh và khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư trong và ngoài tỉnh, kể cả tổ chức kinh tế và người nước ngoài (có đủ điều kiện theo quy định của Pháp luật Việt Nam) tổ chức các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ ở các chợ, không hạn chế về quy mô, hình thức.
Sở Thương mại và Du lịch giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng, quản lý Nhà nước về các hoạt động thương mại dịch vụ nói chung và các hoạt động thương mại dịch vụ ở tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh.
II. Quy định cụ thể
A. Thành lập, công nhận, phân loại phân cấp và tổ chức quản lý chợ
Điều 3: Điều kiện và thủ tục thành lập, công nhận chợ
1. Điều kiện:
a. Địa điểm lập chợ phải là nơi thực sự có nhu cầu về mua bán trao đổi sản phẩm, hàng hoá của nhân dân trong vùng và các vùng lân cận, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương; bảo đảm khoảng cách hợp lý cần thiết không quá gần các chợ đang hoạt động trong cùng địa phương, thuận tiện về giao thông, vệ sinh môi trường, bảo đảm quy định về bảo vệ công trình giao thông, khu di tích lịch sử, văn hoá và công trình phúc lợi công cộng.
b. Thủ tục hồ sơ:
Nơi có nhu cầu thành lập, công nhận chợ thuộc chính quyền cấp nào, cấp đó phải có đơn xin thành lập kèm theo luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật (đối với các chợ xã, phường...) và các thủ tục hồ sơ về đất, xây dựng cơ bản đối với chợ huyện, thành, thị.
Sở Thương mại và du lịch giúp UBND tỉnh trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, tổng hợp trình UBND tỉnh xét duyệt; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thành thị theo dõi, quản lý hướng dẫn nghiệp vụ chính sách, kinh doanh và tổ chức kiểm tra các địa phương và các ban quản lý chợ.
Phòng Tài chính Thương nghiệp giúp UBND huyện thành thị thẩm định hồ sơ trình UBND huyện, thành, thị xét duyệt những chợ thuộc thẩm quyền của địa phương theo phân cấp tại Điều 4 văn bản này và quản lý theo dõi chợ địa phương.
Điều 4: Thẩm quyền thành lập chợ và cấp đất
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh là cơ quan quyết định cấp đất xây dựng chợ có đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh, quyết định thành lập mới, công nhận chợ đang hoạt động đối với các chợ Trung tâm, của thành phố, thị xã, thị trấn, huyện lỵ, trong tỉnh.
2. UBND huyện, thành thị quyết định thành lập mới, công nhận chợ đang hoạt động của tất cả các chợ xã, phường trên địa bàn huyện, thành thị (trừ chợ trung tâm và chợ khu vực của huyện)
3. Chợ đang hoạt động chưa có quyết định thành lập, quyết định cấp đất thuộc chính quyền cấp nào quản lý cấp đó hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Chỉ khi nào đủ điều kiện và được UBND tỉnh duyệt cấp đất thì sau đó mới ra quyết định công nhận chợ.
4. Khi không có nhu cầu hoặc thay đổi quy hoạch do yêu cầu khác cần giải thể chợ, UBND cấp nào ra quyết định thành lập, công nhận thì UBND cấp đó quyết định việc giải thể. Khi quyết định giải thể chợ thì đồng thời phải làm thủ tục thu hồi đất.
Điều 5. Phân loại, phân cấp, tổ chức quản lý
1. Phân loại chợ:
Căn cứ vào mức lưu chuyển hàng hoá, quy mô xây dựng, tính chất hoạt động và hình thức kinh doanh của các tổ chức kinh tế và hộ tư nhân hoạt động trong chợ nay tạm thời phân chợ thành hai loại:
a. Chợ trung tâm và chợ khu vực của huyện, thành phố, thị xã gọi tắt là "chợ huyện thành thị"
b. Chợ được lập ở xã, phường gọi tắt là "chợ xã, phường"
2. Phân cấp quản lý:
a. Chợ huyện, thành, thị do UBND huyện, thành thị xây dựng, tu bổ trực tiếp quản lý và điều hành.
b. Chợ xã, phường do UBND xã phường xây dựng, tu bổ quản lý và điều hành.
c. Việc sử dụng các nguồn thu phí và lệ phí của chợ phải theo đúng hướng dẫn của Sở Tài chính Vật giá.
Điều 6: Quản lý trong chợ
1. Tất cả các chợ đều được lập ban quản lý phù hợp với quy mô từng chợ để quản lý, tổ chức, sắp xếp các hoạt động kinh doanh trong chợ.
2. Ban quản lý chợ của cấp nào do UBND cấp đó ra quyết định thành lập, giải thể.
3. Ban quản lý chợ huyện, thành, thị là tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu để hoạt động là đơn vị sự nghiệp có thu; tổ chức của ban quản lý chợ huyện, thành, thị gồm trưởng ban, phó trưởng ban, các uỷ viên và một số cán bộ giúp việc do UBND huyện, thành, thị quyết định bổ nhiệm.
Ban quản lý chợ không hoạt động kiêm nhiệm mà có một số biên chế riêng do UBND cấp quản lý quyết định bố trí vào một số công việc chủ yếu như phụ trách kế toán, thủ quỹ, các công việc khác sử dụng hợp đồng. Riêng bảo vệ, ban quản lý chợ phải ký hợp đồng với lực lượng công an nơi sở tại không được đưa người vào biên chế Ban quản lý chợ nếu không được UBND tỉnh cho phép.
4. Tổ chức ban quản lý chợ xã, phường hoạt động bán chuyên do UBND xã, phường quyết định và phân công.
Ban quản lý chợ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Công an quản lý thị trường, thuế, đô thị, UBND xã, phường để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn tài sản của Nhà nước, nhân dân.
Điều 7: Quản lý nguồn thu của chợ
1. Các nguồn thu ở chợ do ban quản lý chợ thực hiện mang tính chất phí, lệ phí đều phải được quản lý thông qua hệ thống sổ sách, theo chế độ kế toán nhà nước và được UBND cấp quản lý, phê duyệt. Việc thanh quyết toán phải sử dụng biên lai ấn chỉ thống nhất do cơ quan thuế phát hành.
2. Sở Tài chính Vật giá hướng dẫn sử dụng nguồn thu của ban quản lý chợ quy định khung giá thu lệ phí các hoạt động dịch vụ: Trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô, hàng hoá và các hoạt động dịch vụ khác có liên quan gắn liền với chợ.
3. Ban quản lý muốn tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô cho người vào chợ đều phải làm đơn xin UBND huyện, thành thị cấp giấy phép kinh doanh và thực hiện nộp thuế theo luật định.
Điều 8: Nhiệm vụ quyền hạn của Ban quản lý
a. Nhiệm vụ:
1. Chịu trách nhiệm trước UBND địa phương trong việc quản lý, tổ chức sắp xếp các hoạt động kinh doanh trong chợ thành các tổ ngành hàng, ngành nghề theo tính chất thương phẩm của hàng hoá, xây dựng nội quy hoạt động và quản lý chợ.
Duy trì các hoạt động kinh doanh trong chợ theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước và nội quy chợ đảm bảo trật tự an ninh, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, văn minh lịch sự.
2. Thường xuyên tuyên truyền giáo dục người kinh doanh chấp hành đúng Pháp luật Nhà nước về quản lý thị trường, thông tin giá cả và quảng cáo hoạt động kinh doanh của chợ để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Không ngừng cải tiến quản lý chợ địa phương, xây dựng phong trào thi đua giữa các tổ ngành hàng, ngành nghề để phấn đấu trở thành chợ tiên tiến, kiểu mẫu.
3. Phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra kiểm soát các hoạt động kinh doanh trong chợ theo đúng pháp luật của Nhà nước.
4. Trực tiếp quản lý toàn bộ tài sản trang thiết bị dụng cụ của chợ. Phối hợp với cơ quan chức năng có những biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng của các tổ chức kinh tế, người kinh doanh và nhân dân trong chợ.
5. Nắm vững khả năng phát triển kinh doanh, tiêu thụ hàng hoá của chợ, tình trạng tài sản trang thiết bị của chợ để lập kế hoạch xin mở rộng làm mới tu sửa với cơ quan quản lý cấp trên.
6. Giải quyết những vấn đề tranh chấp trong chợ giữa các tổ chức kinh tế và người kinh doanh thuộc phạm vi quyền hạn và báo cáo cơ quan có thẩm quyền những vấn đề ngoài phạm vi thẩm quyền của mình.
7. Chịu trách nhiệm về vật chất trước pháp luật trong việc quản lý tài sản, tiền thu từ chợ và tài sản hàng hoá do tổ chức kinh tế và người kinh doanh trong chợ gửi.
8. Báo cáo đầy đủ, kịp thời theo quy định cho cơ quan quản lý trực tiếp và cơ quan chuyên môn ngành dọc.
b. Quyền hạn:
1. Được yêu cầu các tổ chức kinh tế, hộ tư nhân kinh doanh trong chợ xuất trình các giấy tờ có liên quan đến hoạt động kinh doanh.
2. Không bố trí, thu hồi điểm kinh doanh, thôi hợp đồng đối với các trường hợp: không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh, vi phạm nội quy chợ.
3. Được tổ chức các hoạt động dịch vụ như: trông giữ hàng hoá, cho thuê tài sản, trang thiết bị, dụng cụ, vệ sinh, điện nước... bán vé chợ cho các tổ chức và hộ tư nhân không hoạt động kinh doanh cố định trong chợ.
4. Lập biên bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan quản lý ngành hàng và không cho hoạt động kinh doanh đối với mặt hàng dễ cháy, dễ nổ, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân mà không có chứng chỉ hành nghề và các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
5. Lập biên bản và phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp ngăn chặn và xử lý đối với người có hành vi gây rối trật tự trị an và những người có hành vi hung hãn gây nguy hại đến tính mạng, tài sản người khác.
Điều 9: Quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức kinh tế và người kinh doanh trong chợ
a. Quyền lợi:
1. Tổ chức kinh tế và người kinh doanh trong chợ được quyền lựa chọn ngành nghề, mặt hàng kinh doanh phù hợp với đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh, được dùng các hình thức quảng cáo phù hợp với nội quy chợ, quy định của Nhà nước.
2. Được thuê nhà, điểm bán, phương tiện, dụng cụ của chợ, được dùng tài sản thuê có giá trị phù hợp vào việc thế chấp, cầm cố, đặt cọc trong vay vốn và hoạt động đầu tư khác được chuyển nhượng quyền sử dụng các tài sản thuê khi không cần hay thay đổi nhu cầu kinh doanh. Được quyền kiến nghị xử lý khi ban quản lý chợ vi phạm hợp đồng.
3. Được bình đẳng trong kinh doanh, nộp thuế và các khoản thuê, mượn khác, giữa các tổ chức kinh tế và người kinh doanh cá thể trong chợ.
4. Được tham gia các tổ chức hội nghề nghiệp để giúp đỡ lẫn nhau trong kinh doanh và đời sống.
b. Trách nhiệm:
1. Xuất trình giấy tờ có liên quan đến các hoạt động kinh doanh cho ban quản lý chợ và các cơ quan có chức năng kiểm tra kiểm soát khi cần thiết.
2. Nộp đủ và kịp thời nộp thuế theo luật và các khoản lệ phí, nghỉ dài ngày phải làm đơn để UBND huyện, thành thị cấp giấy "cho tạm ngừng kinh doanh" làm cơ sở cho xét miễn giảm thuế.
3. Không kinh doanh các mặt hàng Nhà nước cấm, các hàng giả, hàng kém phẩm chất gây nguy hại đến sức khoẻ của người tiêu dùng hoặc làm ô nhiễm môi trường. Thực hiện cân, đong, đo, đếm đầy đủ, chính xác.
4. Hàng phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
5. Hưởng ứng, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua do cấp trên phát động ban quản lý chợ tổ chức để xây dựng chợ địa phương thành chợ tiên tiến; kiểu mẫu.
6. Tự giác thực hiện nội quy của chợ, chấp hành đầy đủ và nghiêm chỉnh các quy định, vệ sinh môi trường, phòng cháy, nổ...
Điều 10: Hoạt động của cơ quan kiểm tra kiểm soát.
Cơ quan có chức năng kiểm tra kiểm soát các hoạt động kinh doanh trong chợ thường xuyên phối hợp với ban quản lý chợ để tuyên truyền, hướng dẫn các yêu cầu quản lý kinh doanh của Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức kinh tế và người kinh doanh biết và thực hiện đúng Pháp luật.
Khi tiến hành kiểm tra, kiểm soát phải phối hợp với ban quản lý chợ, kết thúc kiểm tra phải có kết luận cụ thể. Lực lượng kiểm tra khi thi hành công vụ, phải mặc sắc phục, có phù hiệu xuất trình thẻ kiểm tra, không phiền hà sách nhiễu để ảnh hưởng đến kinh doanh, không xử lý trái thẩm quyền.
Điều 11: Giải quyết khiếu nại tranh chấp về hoạt động thành lập, công nhận và giải thể chợ.
1. Khiếu nại về Ban quản lý chợ, tranh chấp trong chợ thuộc UBND cấp nào quản lý thì cấp đó xem xét giải quyết.
2. Các khiếu nại về thành lập, công nhận, giải thể chợ xã phường do UBND huyện, thành thị xem xét giải quyết.
3. Các khiếu nại về thành lập, công nhận, giải thể đối với chợ thành, thị do tỉnh xem xét giải quyết.
III. Tổ chức thực hiện:
Điều 12:
1. Sở Thương mại và du lịch có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện bản quy định này. Trong quá trình thực hiện cần tổng hợp báo cáo đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ sung sửa đổi cho phù hợp.
2. Các ngành kinh tế kỹ thuật của tỉnh có liên quan đến các hoạt đông của chợ chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện quy định này theo chuyên ngành.
3. Uỷ ban nhân dân huyện, kiểm tra và soát xét lại chợ theo quy đinh. Chợ không có đủ điều kiện quy định theo văn bản này (kể cả các tụ điểm hoạt động như chợ) UBND huyện, thành thị chỉ đạo các ngành liên quan, UBND xã, phường giải thể trả lại mặt bằng cho các cơ quan quản lý./.