Văn bản pháp luật: Quyết định 188/QĐ-NH8

 
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Quyết định 188/QĐ-NH8
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
02/10/1993
02/10/1993

Tóm tắt nội dung

Ban hành "Quy định về văn phòng đại diện ngân hàng và công ty tài chính nước ngoài tại Việt Nam"

 
1.993
 

Toàn văn

QUYếT địNH

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 188/QĐ-NH8 NGÀY 2-10-1993

Ban hành "Quy định về văn phòng đại diện Ngân hàng và công ty Tài chính nước ngoài tại Việt Nam"

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước ngày 23-5-1990;

Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ - cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 382/HĐBT ngày 5-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quy chế đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện thường trú các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 3185/KTTH ngày 28-6-1993 về việc chuyển cấp giấy phép và quản lý hoạt động Văn phòng đại diện Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam từ Bộ Thương mại sang Ngân hàng Nhà nước;

Xét yêu cầu công tác,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành "Quy định về Văn phòng đại diện Ngân hàng và công ty tài chính nước ngoài tại Việt Nam".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký, các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng các Vụ, Cục và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thi hành quyết định này.

 

QUY ĐỊNH

VỀ VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN NGÂN HÀNG VÀ

CÔNG TY TÀI CHÍNH NƯỚC NGOÀI TẠI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 188/QĐ-NH8 Ngày 2-10-1993)

1. Về việc xét duyệt và quản lý hoạt động của Văn phòng đại diện thường trú Ngân hàng và công ty tài chính nước ngoài tại Việt Nam, về nguyên tắc thực hiện theo Nghị định Chính phủ số 382/HĐBT ngày 5-11-1990 và Quy chế ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời Ngân hàng Nhà nước áp dụng có sửa đổi Thông tư hướng dẫn số 04-TN/PC ngày 6-5-1991 của Bộ Thương nghiệp về thủ tục xin mở Văn phòng đại diện như sau:

1.1. Đối tượng được xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện:

Tất cả các Ngân hàng và các Công ty tài chính (dưới đây gọi tắt là bên nước ngoài) có quan hệ với các tổ chức kinh tế thuộc phạm vi hoạt động và đủ điều kiện quy định tại Quy chế, đều có thể đề nghị xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

2. Điều kiện để được xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện:

2.1. Bên nước ngoài phải tự nguyện làm đơn xin đặt Văn phòng đại diện gửi trực tiếp đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

2.2. Bên nước ngoài có quan hệ hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực Ngân hàng, tài chính và các tổ chức kinh tế của Việt Nam.

2.3. Phải chấp hành các luật pháp và quy định của Việt Nam đối với các Văn phòng đại diện.

3. Trình tự xin giấy phép và cơ quan có thẩm quyền xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện:

3.1. Bên nước ngoài xin cấp Giấy phép đặt Văn phòng đại diện về lĩnh vực Ngân hàng tài chính tại Việt Nam phải tự làm đơn theo mẫu thống nhất của Ngân hàng Nhà nước (mẫu A kèm theo Quy định này). Gồm hai (2) bộ chính, 1 bộ gửi cho Ngân hàng Nhà nước, 1 bộ gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố bằng tiếng Việt và tiếng Anh cộng với 3 bộ sao, và phải thực hiện theo đúng các quy định của Điều 4 và Điều 5 Quy chế. Đơn xin cấp Giấy phép đặt Văn phòng đại diện kèm theo các giấy tờ quy định tại Điều 5 quy chế trong đó có một số giấy tờ liên quan khác bao gồm: các dự án hợp đồng thoả thuận đã ký hoặc sẽ ký với các tổ chức kinh tế có thẩm quyền của Việt Nam và bản tự giới thiệu tóm tắt của bên nước ngoài theo mẫu D kèm theo quy định này (gọi là hồ sơ xin cấp giấy phép) được gửi Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (dưới đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) nơi bên nước ngoài xin đặt trụ sở Văn phòng đại diện.

3.2. Khi nhận được hồ sơ xin cấp Giấy phép đặt Văn phòng đại diện do bên nước ngoài gửi đến:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quan hệ quốc tế) có văn bản hỏi ý kiến các cơ quan hữu quan (Bộ Thương mại, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư, Bộ Nội vụ) trước khi quyết định cấp hay không cấp giấy phép cho bên nước ngoài.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, nơi bên nước ngoài xin đặt trụ sở Văn phòng đại diện, một mặt thông báo cho Ngân hàng Nhà nước về việc đã nhận được hồ sơ, mặt khác trên cơ sở xem xét hồ sơ do bên nước ngoài gửi đến, có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận hồ sơ về mở Văn phòng đại diện của bên nước ngoài.

3.3. Trong thời gian không quá 60 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, bên nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước thông báo bằng văn bản về kết quả của việc xin đặt Văn phòng đại diện.

4. Giấy phép đặt Văn phòng đại diện và việc nộp lệ phí

4.1. Giấy phép đặt Văn phòng đại diện (mẫu B kèm theo Quy định này) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp cho bên nước ngoài có quy định rõ phạm vi hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam và chỉ có hiệu lực kể từ ngày đăng ký hợp lệ tại Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi Văn phòng đại diện đóng trụ sở.

4.2. Bên nước ngoài khi nộp đơn xin cấp Giấy phép đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam phải nộp một khoản phí theo biểu phí do Bộ Thương nghiệp và Bộ Tài chính Việt Nam quy định.

Khoản phí nói trên là lệ phí chính chính thức mà Nhà nước Việt Nam thu về việc cho phép bên nước ngoài đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam. Ngoài lệ phí chính thức đó Nhà nước Việt Nam không thu thêm một phụ phí nào khác.

4.3. Văn phòng đại diện chỉ thực hiện những nhiệm vụ trong phạm vi đã được quy định tại giấy phép. Mọi trường hợp Văn phòng đại diện vi phạm các quy định tại giấy phép đều bị xử lý theo quy chế.

5. Việc thuê nhà, thuê công nhân Việt Nam (nếu có) làm việc tại Văn phòng đại diện:

Việc thuê nhà, thuê công nhân Việt Nam (nếu có) làm việc tại Văn phòng đại diện thực hiện theo quy chế cho thuê nhà, thuê lao động đối với người nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài lưu trú tại Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 389/HĐBT ngày 10-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 03/TTLB ngày 8-4-1991 của Liên Bộ Xây dựng - Lao động Thương binh và Xã hội - Nội vụ - Tài chính hướng dẫn thi hành quy chế nói trên.

6. Về việc đăng ký hoạt động của Văn phòng đại diện:

6.1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép đặt Văn phòng đại diện, bên nước ngoài phải giải quyết xong các thủ tục thuê nhà, thuê công nhân Việt Nam (nếu có) theo đúng các quy định hiện hành của Việt Nam, đồng thời phải gửi cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố bản tóm tắt lý lịch của người đại diện trưởng, các nhân viên người nước ngoài và người Việt Nam sẽ làm việc tại Văn phòng đại diện và phải làm thủ tục đăng ký hoạt động với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi Văn phòng đại diện đóng trụ sở.

6.2. Quá thời hạn quy định trên, nếu chưa làm xong thủ tục đăng ký hoạt động. Bên nước ngoài phải thông báo bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố biết lý do và dự kiến thời gian hoàn thành các thủ tục đăng ký hoạt động của Văn phòng đại diện.

6.3. Sau khi cấp giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng đại diện tại Việt Nam, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố gửi 1 bản sao về Ngân hàng Nhà nước để theo dõi thực hiện.

6.4. Mọi trường hợp Văn phòng đại diện hoạt động tại Việt Nam không có giấy phép và không có đăng ký đều coi là bất hợp pháp và bị xử lý theo pháp luật của Việt Nam.

7. Về việc mở tài khoản tiền Việt Nam và ngoại tệ tại Ngân hàng:

7.1. Văn phòng đại diện phải mở tài khoản tiền Việt Nam (có gốc ngoại tệ) và tài khoản ngoại tệ (nếu có) tại Ngân hàng Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này phục vụ cho hoạt động hành chính của Văn phòng đại diện. Nghiêm cấm việc sử dụng tài khoản nói trên vào mục đích kinh doanh trái với giấy phép đặt Văn phòng đại diện.

8. Việc nhập khẩu và tái xuất khẩu các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của Văn phòng đại diện:

Văn phòng đại diện các Ngân hàng nước ngoài và công ty tài chính tại Việt Nam không được hưởng quy chế ưu đãi miễn trừ ngoại giao, do đó việc nhập khẩu và tái xuất khẩu các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của Văn phòng đại diện được thực hiện theo Điều 8 Nghị định số 131/HĐBT ngày 27-8-1987 của Hội đồng Bộ trưởng. Văn phòng đại diện được nhập khẩu vào Việt Nam và tái xuất khẩu khi kết thúc hoạt động tại Việt Nam ô tô, và các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của Văn phòng đại diện theo danh mục, lượng tiêu chuẩn đối với cơ quan đại diện ngoại giao ban hành theo Nghị định 131/HĐBT nói trên, phải nộp thuế nhập khẩu và các lệ phí khác theo quy định hiện hành của hải quan Việt Nam.

9. Về việc thay đổi, gia hạn và chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện:

9.1. Việc thay đổi tên, trụ sở Văn phòng đại diện:

Sau khi được cấp giấy phép hoạt động trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, bên nước ngoài muốn thay đổi tên Văn phòng đại diện (trong trường hợp bên nước ngoài thay đổi tên gọi), thay đổi nơi (tỉnh, thành phố) đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh của Văn phòng đại diện tại Việt Nam. Bên nước ngoài phải báo cáo bằng văn bản với Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở trước 30 ngày và chỉ được thay đổi tên, thay đổi nơi đặt trụ sở hoặc kéo dài thời hạn hoạt động khi có văn bản chấp nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

9.2. Việc thay đổi người đại diện trưởng và nhân viên người nước ngoài:

Sau khi đã đăng ký hoạt động, trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, bên nước ngoài muốn thay đổi đại diện trưởng hoặc nhân viên người nước ngoài kể cả người Việt Nam làm việc tại Văn phòng đại diện theo số lượng quy định trong giấy phép, bên nước ngoài phải báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở, và chỉ được thay đổi khi có văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.

9.3. Việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện:

Trong các trường hợp chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện theo quy định của Điều 17 Quy chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản thông báo cho bên nước ngoài 30 ngày trước khi chấm dứt hoạt động. Riêng đối với các trường hợp Văn phòng đại diện vi phạm giấy phép và giấy đăng ký hoạt động, tuỳ theo lỗi nhẹ hoặc nặng, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi Văn phòng đại diện đóng trụ sở có thể lưu ý, khiển trách, cảnh cáo, phạt tiền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền trục xuất người vi phạm ra khỏi Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước ra quyết định chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

10. Về chế độ kiểm tra và báo cáo định kỳ:

10.1. Về chế độ kiểm tra:

10.1.1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm chính về mặt quản lý Nhà nước đối với mọi hoạt động của Văn phòng đại diện đã đăng ký hợp lệ và hợp đồng tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước có quyền kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của các Văn phòng đại diện Ngân hàng và Công ty tài chính nước ngoài tại Việt Nam.

10.1.2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi văn phòng hoặc chi nhánh Văn phòng đại diện đóng trụ sở là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra các hoạt động của Văn phòng đại diện và các thành viên làm việc tại Văn phòng đại diện để có biện pháp xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm giấy phép và hoặc giấy đăng ký, đồng thời thông báo ngay với Ngân hàng Nhà nước về tình hình cụ thể và các biện pháp xử lý đã được thực hiện đối với Văn phòng đại diện tại địa phương.

10.2. Về chế độ báo cáo:

10.2.1. Định kỳ 6 tháng một lần, Văn phòng đại diện phải gửi báo cáo bằng tiếng Việt Nam và bằng tiếng Anh về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở về các hoạt động nghiệp vụ của mình căn cứ vào giấy phép được cấp (báo cáo 6 tháng phải gửi trước ngày 5-7 và báo cáo năm gửi trước ngày 5-1 năm tiếp theo).

11. Quy định về thực hiện:

11.1. Các Văn phòng đại diện Ngân hàng, Công ty tài chính nước ngoài đã được Bộ Thương mại cấp trước đây không phải đổi giấy phép, nhưng phải thi hành theo các quy định này và chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động của Văn phòng đại diện, đã quy định trong giấy phép.

Việc sửa đổi bổ sung quy định này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định.

11.2. Những quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

MẪUA

Tên Ngân hàng (Công ty)

Ngày ... tháng .... năm 199

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP

ĐẶT VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI

Kính gửi: Ngài Thống đốc Ngân hàng

Nhà nước Việt Nam

Thưa Ngài Thống đốc,

Chúng tôi, trân trọng xin Ngài Thống đốc cho phép Ngân hàng (công ty) chúng tôi là:

Tên Ngân hàng (công ty):...

Quốc tịch:........

Địa chỉ nơi đóng trụ sở chính:

Phạm vi hoạt động chủ yếu:

Vốn pháp định: được đặt Văn phòng đại diện thường trú (hoặc chi nhánh Văn phòng đại diện thường trú) tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

Nơi xin đặt Văn phòng đại diện (tỉnh, thành phố):

........

........

Phạm vi hoạt động của Văn phòng đại diện:...

...........

............

...........

Số nhân viên trong Văn phòng đại diện .... người, trong đó:

Số người nước ngoài: ...

Số người tuyển dụng tại Việt Nam: ....

Họ tên trưởng Văn phòng đại diện: ....

Quốc tịch:.....

Thời gian hoạt động của Văn phòng đại diện .... năm

Tài sản có chủ yếu của Văn phòng đại diện:

Chúng tôi xin cam kết trong thời gian hoạt động tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn phòng đại diện thường trú và các nhân viên của Văn phòng đại diện sẽ tuân thủ pháp luật của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hoạt động đúng với nội dung đăng ký.

Xin gửi tới Ngài Thống đốc lời chào trân trọng./.

Chủ tịch Ngân hàng

Ký tên (đóng dấu nếu có)

Các giấy tờ kèm theo đơn:

1. Điều lệ thành lập Ngân hàng (Công ty)

2. Giấy đăng ký hoạt động ở nước sở tại.

3. Giấy xác định vốn pháp định của cấp có thẩm quyền.

4. Bản tóm tắt giới thiệu Ngân hàng (tự giới thiệu)

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=10614&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận