Văn bản pháp luật: Quyết định 1271/1998/QĐ-UB

Hồ Xuân Hùng
Nghệ An
STP tỉnh Nghệ An;
Quyết định 1271/1998/QĐ-UB
Quyết định
18/12/1998
03/12/1998

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành quy định hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế quản lý Bảo hiểm xã hội nông dân tỉnh Nghệ An.

Chủ tịch
1.998
UBND tỉnh Nghệ An

Toàn văn

Quyết định

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH NGHỆ AN

Về việc ban hành quy định hệ thống tổ chức,

chức năng, nhiệm vụ và cơ chế quản lý Bảo hiểm xã hội nông dân tỉnh Nghệ An.

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND & UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994.

Căn cứ quyết định 1113/1998/QĐ.UB ngày 28/4/1998 về việc thành lập Bảo hiểm xã hội Nông dân Nghệ An.

Căn cứ Quyết định 1210/1998/QĐ.UB ngày 30/7/1998 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành điều lệ tạm thời BHXH nông dân.

Xét tờ trình số 23 ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Hội đồng quản lý BHXH nông dân Nghệ An. TTLN-TP-HĐQLBHXH.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định "Về hệ thống tổ chức chức năng, nhiệm vụ và cơ chế quản lý Bảo hiểm xã hội nông dân tỉnh Nghệ An".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của UBND tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch Hộ đồng quản lý, Bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

QUY ĐỊNH

Hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ

và cơ chế quản lý Bảo hiểm xã hội nông dân tỉnh Nghệ An.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1271/1998/QĐ.UB ngày 3/12/1998 của UBND tỉnh Nghệ An)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Bản quy định này cụ thể hoá điều lệ Bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế quản lý BHXH nông dân tỉnh Nghệ An.

Điều 2: Bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An là đơn vị sự nghiệp có thu, có con dấu và tài khoản riêng. Thực hiện hạch toán độc lập theo nguyên tắc quản lý tài chính Nhà nước. Bảo hiểm xã hội nông dân được mở tài khoản tiền gửi quỹ BHXH tại hệ thống Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Thương mại Nhà nước.

Điều 3: Hoạt động BHXH nông dân chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giám sát của HĐQL BHXH nông dân tỉnh theo quy định tại điều lệ BHXH nông dân Nghệ An.

 

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ.

MỤC I

Hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của BHXH nông dân Nghệ An

(Trong giai đoạn làm điểm)

Điều 4: Hệ thống tổ chức bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An gồm có:

1. Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An.

2. Bảo hiểm xã hội nông dân tỉnh.

3. Ban chỉ đạo Bảo hiểm xã hội nông dân huyện, thành phố, thị xã (gọi tắt là cấp huyện)

4. Ban chỉ đạo Bảo hiểm xã hội nông dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã).

Điều 5: Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản lý BHXH nông dân Nghệ An.

1. Cơ cấu tổ chức: Gồm 1 Chủ tịch HĐQL và các thành viên theo quy định của điều lệ BHXH nông dân Nghệ An.

2. Chức năng nhiệm vụ:

a) Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội nông dân chịu trách nhiệm giúp chủ tịch Hội nông dân Nghê An trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện điều lệ BHXH nông dân Nghệ An, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước đối với hoạt động BHXH nông dân Nghệ An.

b) chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các chế độ BHXH nông dân.

c) Duyệt kế hoạch tài chính năm, quyết định chỉ quản lý sự nghiệp BHXH, thẩm định phê duyệt quyết toán quỹ BHXH do Giám đốc BHXH nông dân báo cáo xây dựng các cơ chế chính sách hưu nông dân trình UBND tỉnh quyết định.

d) Đề nghị bổ nhiệm miễn nhiệm Giám đốc - Phó giám đốc BHXH nông dân.

Điều 6: Cơ cấu tổ chức chức năng nhiệm vụ của bảo hiểm xã hội nông dân tỉnh.

1. Cơ cấu tổ chức: Gồn có Giám đốc, Phó Giám đốc và một số cán bộ nhân viên phụ trách từng công việc.

2. Chức năng nhiệm vụ:

- thống nhất quản lý BHXH nông dân trong toàn tỉnh.

- Tổ chức tuyên truyền vận động người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội.

- Tổ chức phát hành sổ BHXH, cấp sổ BHXH nông dân.

- Tổ chức xây dựng kế hoạch lao động tiền lương kế hoạch thu chi quỹ BHXH. Dự toán chi ngân sách trình HĐQL - BHXH xem xét trước khi UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

- Tổ chức quản lý, sử dụng quỹ BHXH theo đúng quy định của điều lệ.

- Tổ chức xét duyệt, quyết định chi trả trợ cấp Bảo hiểm xã hội.

- Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ quản lý BHXH nông dân.

- Tổ chức hạch toán, quyết toán báo cáo kế toán về thu chi quỹ BHXH, kinh phí sự nghiệp.

- Thực hiện các biện pháp bảo tồn và tăng trưởng quỹ Bảo hiểm xã hội nông dân.

- Tổ chức thanh tra việc thực hiện chế độ BHXH nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều 7: Cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Bảo hiểm xã hội nông dân cấp huyện.

1. Cơ cấu tổ chức: Gồn Trưởng ban chỉ đạo do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành, thị kiêm Phó ban Thường trực do Chủ tịch Hội Nông dân cấp huyện kiêm, một cán bộ Hội nông dân cấp huyện làm chuyên trách BHXH nông dân.

Một số uỷ viên kiêm nhiệm là đại diện của Ban dân vận. Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên...

2. Chức năng nhiệm vụ:

a) Tham mưu cho cấp Uỷ, Chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH nông dân.

b) Tổ chức tuyên truyền vận động người lao động tham gia BHXH nông dân.

c) Tổ chức thực hiện quản lý thu chi quỹ BHXH trên địa bàn huyện theo quy định của Hộ nông dân tỉnh.

d) Tổng hợp báo cáo quyết toán thu, chi quỹ bảo hiểm trên địa bàn và lập báo cáo quyết toán kinh phí sự nghiệp theo định kỳ gửi BHXH tỉnh phê duyệt.

Điều 8: Cơ cấu tổ chức chức năng nhiệm vụ của Ban chỉ đạo BHXH nhân dân cấp xã.

1. Cơ cấu tổ chức: Trưởng Ban do chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã, phường, thị trấn kiêm. Phó Ban thường trực do chủ tịch Hội nông dân xã kiêm (đối với những phường không có Hội nông dân thì đồng chí Phó chủ tịch phụ trách văn xã kiêm phó Ban thường trực ). Một cán bọ có chuyên môn nghiệp vụ làm chuyên trách BHXH nông dân trực tiếp phụ trách công tác kế toán và một số uỷ viên kiêm nhiệm là đại diện của ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh....

2. Chức năng, nhiệm vụ:

Bảo hiểm xã hội nông dân cấp xã chịu sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của ban chỉ đạo BHXH nông dân cấp huyện đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nghiệp vụ của BHXH nông dân tỉnh và có những nhiệm vụ sau:

- Tham gia cho cấp uỷ chính quyền xã, phường, thị trấn chỉ đạo thực hiện tốt công tác BHXH cấp xã theo chủ trương của cấp trên.

- Tổ chức hạch toán quyết toán báo cáo thu chi BHXH nông dân và kinh phí sự nghiệp theo định kỳ gửi cơ quan quản lý cấp trên.

- Tuyên truyền vận động người lao động tham gia BHXH.

- Lập hồ sơ danh sách đề nghị cấp sổ BHXH và giải quyết chế độ.

- Trực tiếp thu, chi và quản lý quỹ BHXH nông dân.

MỤC II

QUẢN LÝ THU CHI QUỸ BHXH NÔNG DÂN

Điều 9: Nguyên tắc thu tiền BHXH:

1. BHXH nông dân xã, phường, thi trấn trực tiếp tổ chức thu tiền BHXH và nghi vào phiếu thu tiền của BHXH nông dân tỉnh phát hành, đồng thời phải ghi vào sổ BHXH của người tham gia BHXH, phiếu thu gồm 3 liên (một liên để lại cuống, 1 liên giao cho người nộp, 1 liên gửi kèm theo báo cáo thu BHXH).

2. Tiền thu BHXH phải gửi vào quỹ tiết kiệm nơi gần nhất.Thời gian gửi chậm nhất không quá 2 ngày sau khi thu. Nếu gửi chậm cá nhân, Tổ chức đố phải chịu lãi suất ngân hàng theo thời điểm.

Điều 10: Nguyên tắc gửi và rút tiền BHXH

Mỗi phường xã được mở một sổ tiết kiệm dài hạn mức lãi suất cao nhất đứng tên BH nông dân Nghệ an. Sổ tiết kiệm được mở tại quầy tiết kiệm gần nhất do BHXH nông đân tỉnh chỉ định. Tạm thời sổ tiết kiệm giao cho ban chỉ đạo BHXH nông dân, xã, phường, thi trấn quản lý.Khi rút tiền từ quỹ tiết kiệm nhất thiết phải có quyết định kèm theo dự toán chi được duyệt của Giám đốc BHXH nông dân Nghệ An.

Điều 11: Chế độ phụ cấp:

- Cán bộ chuyên trách BHXH nông dân tỉnh trong biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao được hưởng lương theo quy định của công chức, viên chức Nhà nước. Quỹ lương của BHXH nông dân tỉnh do ngân sách Nhà nước cấp. Quỹ lương BHXH nông dân Huyện được cân đối trong quỹ lương của hội nông dân huyện. Cán bộ chuyên trách BHXH nông dân tỉnh, huyện và chuyên trách ở xã được hưởng phụ cấp. Mức phụ cấp cụ thể do Hội đồng quản lý BHXH nông dân quy định.

Điều 12: Trích tỷ lệ % cho chi phí quản lý sự nghiệp BHXH:

1. Hàng tháng BHXH nông dân Nghệ An được trích % trên tổng số thực thu BHXH của tháng đó đã gửi vào sổ tiết kiệm, để phục vụ chi quản lý sự nghiệp BHXH. Mức trích do HĐQL - BHXH nông dân quyết định.

2. Để khuyến khích hoạt động BHXH sau khi quyết toán năm Giám đốc BHXH nông dân tỉnh căn cứ vào tình hình tăng trưởng quỹ BHXH đề ghị HĐQL - BHXH nông dân xem xét trình UBND tỉnh quyết định mức trích lập quỹ khen thưởng từ nguồn quỹ tăng tưởng để khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác BHXH.

Điều 13: Để bảo tồn và tăng trưởng quỹ BHXH nông dân, khi Nhà nước phát hành kỳ phiếu, tín phiếu có lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm, thi Giám đốc BHXH nông dân tỉnh được chuyển tiền gửi tiết kiệm sang mua kỳ phiếu, tín phiếu trường hợp đầu tư quỹ vào kinh doanh, liên doanh phải có đề án thông qua HĐQL - BHXH nông dân tỉnh để trình UBND tỉnh quyết định.

Điều 14: Chế độ thông tin báo cáo:

BHXH nông dân thực hiện công tác kế toán thống kê theo chế độ Nhà nước quy định áp dụng cho các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Định kỳ hàng tháng, quý năm các đơn vị BHXH nông dân cấp dưới phải gửi báo cáo quyết toán thu chi BHXH về BHXH nông dân tỉnh để tổng hợp báo cáo với HĐQL - và UBND xét duyệt.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15: Khen thưởng và xử lý vi phạm

Những đơn vị, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được khen thưởng. Người nào vi phạm những quy định của bản quy chế này thì tuỳ vào tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 16: Giao cho BHXH nông dân Nghệ An phối hợp với các ngành có liên quan phải có văn bản hướng dẫn liên tịch Quy định về việc mở sổ tiết kiệm và quản lý sổ tiết kiệm của quỹ BHXH nông dân.

Điều 17: chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH nông dân Nghệ An, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các Huyện, Thành phố, Thị xã, xã, phường, thị trấn căn cứ các Quy định này tổ chức thực hiện.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc phản ánh về BHXH nông dân tỉnh có phối hợp trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.


Nguồn: vbpl.vn/nghean/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=5235&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận