Văn bản pháp luật: Quyết định 137/TCCP-CCVC

Phan Ngọc Tường
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Quyết định 137/TCCP-CCVC
Quyết định
...
11/07/1996

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành tiêu chuẩn Vụ trưởng, Phó vụ trưởng và các chức vụ tương đương ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Phó Trưởng ban
1.996
Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

Toàn văn

QUYếT địNH

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG - TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ

Về việc ban hành tiêu chuẩn vụ trưởng, phó vụ trưởng

và các chức vụ tương đương ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

 

BỘ TRƯỞNG - TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định 181/CP ngày 9-11-1994 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản "Tiêu chuẩn Vụ trưởng, Phó vụ trưởng và các chức vụ tương đương ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ".

Điều 2. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành nhiệm vụ này.

Ban tổ chức - Cán bộ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Chính phủ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 1996

 

TIÊU CHUẨN

VỤ TRƯỞNG, PHÓ VỤ TRƯỞNG VÀ CÁC CHỨC VỤ TƯƠNG ĐƯƠNG Ở CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ VÀ CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 137/TCCP-CCVC ngày 11-7-1996
của Bộ trưởng - Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ)

 

I. TIÊU CHUẨN VỤ TRƯỞNG VÀ CÁC CHỨC VỤ TƯƠNG ĐƯƠNG

Điều 1. Chức trách:

Vụ trưởng và các chức vụ tương đương ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (dưới đây gọi chung là Bộ) là công chức lãnh đạo đứng đầu một Vụ, chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Vụ để thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.

Điều 2. Nhiệm vụ:

1. Lãnh đạo điều hành công chức trong vụ thực hiện các nhiệm vụ được giao theo chức năng;

Tổ chức thực hiện việc tham mưu giúp lãnh đạo Bộ xây dựng quy hoạch và kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về phát triển lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành.

Chủ trì hoặc tổ chức phối hợp với các Vụ chức năng của Bộ nghiên cứu xây dựng hoặc kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp quy, các chế độ chính sách có liên quan đến công tác quản lý ngành để Bộ ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành.

Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra trong phạm vi toàn ngành việc thực hiện các văn bản pháp quy, các chế độ, chính sách đã ban hành có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Vụ và kiến nghị xử lý những vi phạm.

Chuẩn bị nội dung tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của chuyên ngành theo chức năng được giao.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Tổ chức nắm tình hình, tổng hợp thông tin, thống kê, lưu trữ số liệu về quản lý nghiệp vụ thuộc lĩnh vực phụ trách.

2. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn đối với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

3. Chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn của Vụ.

4. Quản lý công chức - viên chức và bảo vệ, bảo quản, sử dụng có hiệu quả tài sản cơ quan đã giao cho Vụ theo quy định của Nhà nước.

Điều 3. Phẩm chất:

1. Trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân, tích cực thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thể hiện bằng hiệu quả và chất lượng công tác được giao.

2. Có bản lĩnh vững vàng, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân, dám đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, bảo thủ trì trệ.

3. Đoàn kết nội bộ; xây dựng tập thể vững mạnh, làm việc có hiệu quả. Không vi phạm luật pháp và các quy định của Nhà nước, nội quy quy chế của cơ quan.

4. Phong cách làm việc dân chủ, quan hệ trân tình và bình đẳng với đồng nghiệp, đồng sự; gần gũi quần chúng; chí công vô tư.

Điều 4. Năng lực:

1. Có năng lực quản lý, điều hành các hoạt động của Vụ và năng lực tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành.

2. Có khả năng nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp quy, hoạch định chiến lược quản lý vĩ mô và đề xuất các giải pháp kinh tế - kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho hoạt động của Bộ, ngành.

Điều 5. Hiểu biết:

1. Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của đảng và Nhà nước về lĩnh vực được giao.

2. Nắm vững các luật, các văn bản pháp quy của Nhà nước đã ban hành về lĩnh vực, hoặc có liên quan đến lĩnh vực phụ trách.

3. Hiểu biết sâu về nghiệp vụ quản lý của ngành chuyên môn, có kinh nghiệm tổ chức và xử lý nghiệp vụ.

4. Am hiểu tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của nước ta, các nước trong khu vực và trên thế giới.

Điều 6. Trình độ:

1. Đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ từ ngạch chuyên viên chính trở lên.

2. Trình độ lý luận chính trị cao cấp.

3. Biết một ngoại ngữ thông dụng trình độ C (sơ cấp).

4. Đã học quản lý hành chính Nhà nước (trình độ sơ cấp trở lên).

Điều 7. Các tiêu chuẩn khác:

1. Có 5 năm công tác trở lên trong ngành, trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý hành chính Nhà nước về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.

2. Không quá 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ (khi bổ nhiệm).

3. Có sức khoẻ đảm bảo công tác.

II. TIÊU CHUẨN PHÓ VỤ TRƯỞNG VÀ CÁC CHỨC VỤ TƯƠNG ĐƯƠNG

Điều 8. Chức trách:

Phó Vụ trưởng và các chức vụ tương đương ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (dưới đây gọi chung là Bộ) là công chức lãnh đạo giúp việc Vụ trưởng, được Vụ trưởng phân công phụ trách tổ chức và chỉ đạo thực hiện một phần công việc của lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành mà vụ được giao, thay mặt Vụ trưởng điều hành các hoạt động của Vụ khi Vụ trưởng đi vắng. (Trường hợp Vụ có nhiều Phó Vụ trưởng, thì một phó Vụ trưởng được phân công trực chịu trách nhiệm điều hành).

Điều 9. Nhiệm vụ trong việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện một phần công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành của Vụ được Vụ trưởng phân công:

1. Chủ trì hoặc tổ chức phối hợp với các Vụ chức năng của Bộ nghiên cứu xây dựng hoặc kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp quy, các chế độ chính sách.

2. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra trong phạm vi toàn ngành về việc thực hiện các văn bản pháp quy, các chế độ chính sách đã ban hành.

3. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn đối với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương trong phạm vi quản lý chuyên ngành.

4. Tổ chức nắm tình hình, tổng hợp thông tin, thống kê lưu trữ số liệu về quản lý nghiệp vụ.

5. Chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn của Vụ.

6. Quản lý công chức - viên chức và tài sản cơ quan đã giao cho Vụ khi Vụ trưởng đi vắng.

Điều 10. Phẩm chất:

1. Trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân, tích cực thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thể hiện bằng hiệu quả và chất lượng công tác được giao.

2. Có bản lĩnh vững vàng, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân, dám đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, bảo thủ trì trệ.

3. Đoàn kết nội bộ, xây dựng tập thể vững mạnh, làm việc có hiệu quả. Không vi phạm luật pháp và các quy định của Nhà nước, nội quy chế của cơ quan.

4. Phong cách làm việc dân chủ, bình đẳng với đồng nghiệp, đồng sự; gần gũi quần chúng; chí công vô tư.

Điều 11. Năng lực:

1. Có năng lực quản lý, điều hành các hoạt động của Vụ và năng lực tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành.

2. Có khả năng nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp qui, hoạch định chiến lược quản lý vĩ mô và đề xuất các giải pháp kinh tế - kỹ thuật và chuyên môn phục vụ cho hoạt động của Bộ, ngành.

Điều 12. Hiểu biết:

1. Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phần công việc của Vụ được phân công phụ trách.

2. Nắm vững các luật, các văn bản pháp quy của Nhà nước đã ban hành có liên quan đến phần công việc của Vụ được phân công phụ trách.

3. Hiểu biết sâu về nghiệp vụ, có kinh nghiệm tổ chức quản lý và xử lý nghiệp vụ.

4. Am hiểu tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của nước ta, các nước trong khu vực và trên thế giới.

Điều 13. Trình độ:

1. Đạt tiêu chuẩn ngạch chuyên viên, bậc 6/10 trở lên.

2. Trình độ lý luận chính trị trung cấp.

3. Biết một ngoại ngữ thông dụng trình độ C (sơ cấp).

4. Đã học quản lý hành chính Nhà nước (trình độ sơ cấp trở lên).

Điều 14. Các tiêu chuẩn khác:

Có 5 năm công tác trở lên trong ngành; trong đó có ít nhất 2 năm làm công tác quản lý hành chính Nhà nước về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.

Không quá 45 tuổi đối với nam và 40 tuổi đối với nữ (khi bổ nhiệm).

Có sức khoẻ bảo đảm công tác.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành và được áp dụng thống nhất trong ở tất cả các Bộ để xem xét khi bổ nhiệm Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng đồng thời làm cơ sở để nhận xét đánh giá công chức.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì chưa hợp lý sẽ nghiên cứu bổ sung, sửa đổi.

Điều 16. Đối với những Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng đương nhiệm chưa đạt tiêu chuẩn trong quy định này phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các mặt còn thiếu để đến năm 2000 tất cả đều đạt tiêu chuẩn quy định.

Điều 17. Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành quy định này.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=9175&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận