Quyết địnhQUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành "Quy chế kiểm tra Nhà nước về
chất lượng đối với thực phẩm nhập khẩu"
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Điều 7 Chương II Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân và Điều lệ vệ sinh ban hành kèm theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24/01/1997 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 68/CP ngày 11 tháng 10 năm 1993 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy của Bộ Y tế;
Căn cứ điểm 1, Điều 4 của Nghị định 86/CP ngày 08/12/1995 về việc phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với chất lượng hàng hoá, giao cho Bộ Y tế chức quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh thực phẩm;
Căn cứ Thông tư liên Bộ Y tế - Khoa học Công nghệ và Môi trường số 07/TTLB ngày 01/07/1996 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 86/CP ngày 8/12/1995;
Được sự nhất trí của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường tại Công văn số 127 ngày 28 tháng 02 năm 1997 và Công văn số 249/TĐC-THPC ngày 12/4/1997;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng - Bộ Y tế;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.-
Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với thực phẩm nhập khẩu".
Điều 2.- Các tổ chức và cá nhân nhập khẩu thực phẩm thuộc Danh mục phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng, ban hành theo Quyết định của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường vào cuối quý III hàng năm phải chịu sự kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với thực phẩm nhập khẩu theo quy định tại Quy chế ban hành theo Quyết định này.
Điều 3.- Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng - Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 4.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 08 năm 1997. Các quy định trước đây trái với quy định trong Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 5.- Các ông Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Y tế dự phòng, Kế hoạch, Tài chính - Kế toán và các Vụ liên quan của Bộ Y tế. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI
THỰC PHẨM NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1370/BYT-QĐ ngày 17 tháng 7 năm 1997
của Bộ trưởng Bộ Y tế)
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.-
Quy chế này căn cứ vào "Quy định về việc kiểm tra Nhà nước đối với chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu", ban hành kèm theo Quyết định số 2578/QĐ-TĐC ngày 28 tháng 10 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) để quy định cụ thể nội dung, thủ tục kiểm tra Nhà nước và quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan trong kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với thực phẩm nhập khẩu.
Tất cả các tổ chức và cá nhân nhập khẩu (dưới đây gọi tắt là cơ sở) khi nhập khẩu các thực phẩm thuộc "Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng" do Bộ KHCNMT công bố theo từng thời kỳ phải đăng ký kiểm tra và chịu sự kiểm tra của cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng theo Quy chế này.
Điều 2.- Quy chế này được áp dụng đối với các thực phẩm thuộc "Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng" do Bộ KHCNMT công bố theo từng thời kỳ; không áp dụng đối với các thực phẩm không mang tính chất kinh doanh, như: hàng mang theo hành lý cá nhân, quà biếu, hàng của các ngoại giao Đoàn và của các tổ chức quốc tế ở Việt Nam, hàng mẫu hội chợ, mẫu để thử nghiệm hoặc nghiên cứu,...
Điều 3.- Thực phẩm nhập khẩu thuộc danh mục phải qua kiểm tra Nhà nước về chất lượng (gồm cả thực phẩm tái nhập khẩu do không đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu) được cơ quan Hải quan làm thủ tục thông quan và lưu thông, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam sau khi được cơ quan kiểm tra Nhà nước cấp một trong các văn bản sau:
1. Giấy xác nhận đạt chất lượng nhập khẩu của cơ quan kiểm tra Nhà nước;
- 2. Giấy xác nhận đạt chất lượng thực phẩm sau khi tái chế;
3. Thông báo miễn kiểm tra nếu có một trong các điều kiện nêu tại Điều 7.
Thông báo miễn kiểm tra chỉ có giá trị khi các điều kiện vận chuyển, bảo quản, bốc xếp,... không làm ảnh hưởng tới chất lượng hàng hoá.
Điều 4.- Căn cứ để xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với thực phẩm nhập khẩu bao gồm:
1. Các Tiêu chuẩn Việt Nam bắt buộc áp dụng về chất lượng thực phẩm.
2. Quy định của Bộ Y tế về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
3. Quyết định số 23/TĐC-QĐ ngày 20 tháng 2 năm 1995 của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng về ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn.
4. Các quy định của quốc tế (codex) hoặc khu vực trong trường hợp chưa có quy định của Việt Nam.
Điều 5.- Việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với thực phẩm thuộc Danh mục hàng hoá xuất, nhập khẩu phải kiểm tra Nhà nước do cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với thực phẩm nhập khẩu thực hiện (dưới đây viết tắt là Cơ quan KTNN).
1. Cơ quan KTNN là các đơn vị kỹ thuật được chỉ định tại phụ lục A, kèm theo quyết định này hoặc được công bố bổ sung theo từng thời kỳ, bao gồm: Các Viện chức năng thuộc Bộ Y tế chiu trách nhiệm chính và các Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp tổ chức cùng thực hiện theo khu vực. Tuỳ theo yêu cầu quản lý, các Trung tâm Y tế dự phòng, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có đủ điều kiện kỹ thuật và năng lực hoặc các tổ chức giám định chất lượng hợp pháp được công nhận cũng có thể được uỷ quyền thực hiện chức năng kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với thực phẩm nhập khẩu.
2. Cơ quan KTNN có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đúng các quy định tại Quy chế này.
Điều 6.- Trường hợp thực phẩm nhập khẩu bị tổn thất, hư hỏng trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ phải lập biên bản để đòi phía nước ngoài bồi thường theo thông lệ quốc tế thì chấp nhận chứng thư giám định của Vinacontrol về chất lượng cũng như các điều khoản quy định trong hợp đồng; Cơ quan Hải quan làm thủ tục thông quan sau khi có đầy đủ kết quả giám định, không cần phải có các văn bản của cơ quan KTNN được quy định tại Điều 3 của Quy chế này.
Điều 7.- Thực phẩm nhập khẩu có thể được miễn kiểm tra Nhà nước khi có một trong các điều kiện sau đây:
1. Có giấy xác nhận đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan kiểm tra có thẩm quyền tại nước xuất đã kiểm tra tại bến đi theo Hiệp định đã ký với nước ngoài.
2. Đã được chứng nhận và mang dấu phù hợp tiêu chuẩn của nước xuất khẩu hoặc của khối thị trường chung khu vực.
3. Có giấy phép miễn kiểm tra Nhà nước của Bộ Y tế đối với các trường hợp sau:
a. Lịch sử chất lượng của thực phẩm được cơ quan KTNN xác nhận là ổn định qua các lần kiểm tra trước và được Bộ Y tế cấp giấy phép miễn kiểm tra.
b. Được Bộ Y tế cấp giấy phép miễn kiểm tra sau ít nhất 2 lần nhập khẩu từ cùng một nguồn được xác nhận đạt chất lượng nhập khẩu nếu khi đăng ký chất lượng thực phẩm có đủ các điều kiện và hồ sơ kèm theo sau:
Mẫu chào hàng đã được kiểm nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của phòng kiểm nghiệm được chỉ định của Việt Nam.
Có giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP) của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.
Có Giấy chứng nhận sản xuất theo Hệ thống kiểm tra, kiểm soát các trọng điểm ô nhiễm thực phẩm (HACCP) của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.
CHƯƠNG II
QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN
KIỂM TRA NHÀ NƯỚC
Điều 8.-
Quyền hạn:
1. Yêu cầu cơ sở cung cấp tài liệu liên quan nêu tại Điều 11 của Quy chế này.
2. Ra vào nơi lưu giữ, bảo quản và phương tiện vận chuyển thực phẩm để kiểm tra và lấy mẫu.
3. Tiến hành kiểm tra thực phẩm theo quy định tại Chương III của Quy chế này.
4. Căn cứ vào tình hình chất lượng thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn hiệu thực phẩm để quyết định nội dung, phương thức kiểm tra đối với lô thực phẩm cụ thể.
5. Cấp giấy xác nhận đạt chất lượng nhập khẩu, thông báo miễn kiểm tra hoặc thông báo đạt chất lương đối với thực phẩm đã kiểm tra.
6. Thu phí kiểm tra theo quy định.
7. Kiến nghị các biện pháp xử lý đối với các lô thực phẩm không đạt chất lượng.
Điều 9.- Trách nhiệm:
1. Thực hiện việc kiểm tra Nhà nước trong phạm vi được chỉ định.
2. Đảm bảo trình độ chuyên môn, tính chính xác, trung thực và khách quan khi kiểm tra, xác nhận chất lượng các lô hàng thực phẩm nhập khẩu. Tuân thủ chặt chẽ các quy định của Quy chế này.
3. Chịu sự chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn về tổ chức và nghiệp vụ của Bộ Y tế.
4. Đăng ký danh sách những người có thẩm quyền ký các chứng từ liên quan đến việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng.
5. Báo cáo tình hình xác nhận thực phẩm đạt chất lượng, thông báo miễn kiểm tra và thông báo lô hàng không đạt chất lượng cho cơ sở và Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng).
6. Tiếp nhận và giải quyết thắc mắc của cơ sở đối với việc kiểm tra và xác nhận chất lượng do mình tiến hành. Chịu trách nhiệm về những sai sót của mình gây ra trong việc kiểm tra và xác nhận chất lượng thực phẩm nhập khẩu. Tuỳ theo mức độ thiệt hại, mức bồi thường có thể từ hoàn trả một phần đến tối đa 10 lần phí kiểm tra đã thu. Trong trường hợp cơ sở không nhất trí về mức bồi thường của cơ quan KTNN thì có thể khởi kiện tại Toà án kinh tế.
7. Lưu trữ hồ sơ kiểm tra trong thời hạn 3 năm và xuất trình khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
8. Hàng quý gửi báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng) theo các nội dung sau:
a. Danh sách các cơ sở và loại thực phẩm nhập khẩu đã qua kiểm tra;
b. Số lượng, khối lượng, giá trị hàng hoá được kiểm tra;
c. Số lượng, khối lượng các lô thực phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng;
d. Tình hình khiếu nại của cơ sở (nếu có);
e. Đề xuất danh mục các thực phẩm có thể được xét cấp giấy phép miễn kiểm tra.
9. Xin phép Bộ Y tế khi:
a. Thay đổi phạm vi kiểm tra;
b. Thay đổi, bổ sung trụ sở làm việc;
c. Tạm thời ngừng hoặc chấm dứt hoạt động.
CHƯƠNG III
PHƯƠNG THỨC VÀ THỦ TỤC KIỂM TRA
Điều 10.-
Phương thức kiểm tra:
1. Kiểm tra chặt: kiểm tra, lấy mẫu xác suất và thêm các điểm nghi ngờ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a. Thực phẩm thuộc loại có nguy cơ cao, đòi hỏi điều kiện bảo quản đặc biệt mà khi cơ quan KTNN phát hiện thấy các dấu hiệu nghi ngờ bị ô nhiễm do bao bì bị hư hỏng, thấm nhiễm hoặc khi hệ thống duy trì điều kiện bảo quản thực phẩm trên phương tiện vận chuyển không hoạt động;
b. Khi thực phẩm được nhập từ một cơ sở chế biến mà cơ quan KTNN được thông báo là nằm trong khu vực có nguồn nguyên liệu bị ô nhiễm hoặc có dịch nguy hiển có thể lây sang người;
c. Lần nhập trước đó không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu.
2. Kiểm tra thông thường: kiểm tra và lấy mẫu xác suất của từng lô hàng nếu thực phẩm không thuộc các tường hợp nêu tại khoản 1 của Điều này.
3. Kiểm tra giảm: Chỉ kiểm tra cảm quan, ghi nhãn, tính đồng nhất của lô hàng và đối chiếu với hồ sơ nếu:
a. Thực phẩm thuộc loại nguy cơ thấp;
b. Thực phẩm có chất lượng ổn định qua các lần kiểm tra trước nhưng chưa được Bộ Y tế cấp giấy phép miễn kiểm tra mặc dù có đủ các điều kiện tại khoản 3, Điều 7;
c. Thực phẩm đã qua kiểm tra mẫu chào hàng đạt yêu cầu chất lượng nhập khẩu.
Điều 11.- Đăng ký kiểm tra:
Khi nhập khẩu thực phẩm thuộc danh mục ghi tại Điều 2, cơ sở phải đăng ký kiểm tra chất lượng tại một trong các cơ quan KTNN nói tại Điều 5 (theo phụ lục A), ít nhất 5 ngày trước khi hàng về đến cảng (cửa khẩu). Hồ sơ đăng ký bao gồm:
1. Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng thực phẩm nhập khẩu (2 bản, theo mẫu ở Phụ lục 1);
2. Bản sao hợp đồng ngoại thương hoặc L/C;
3. Vận đơn (Bill of Ladding);
4. Hoá đơn hàng hoá (Invoice);
5. Liệt kê hàng hoá (Packing list);
6. Các tài liệu liên quan đến lô hàng và chất lượng lô hàng như giấy chứng nhận xuất xứ, bản chào hàng, bản đăng ký chất lượng thực phẩm, kết quản thử nghiệm hàng hoá, giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá của tổ chức có thẩm quyền (nếu có),...;
7. Các giấy chứng nhận liên quan việc miễn kiểm tra Nhà nước, nói ở Điều 7;
8. Đăng ký điểm tập kết hàng có đủ điều kiện bảo quản thực phẩm để cơ quan KTNN đến tiến hành kiểm tra chất lượng theo kế hoạch đã quy định.
Giấy đăng ký kiểm tra được lập theo từng loại hàng hoá ghi trong hợp đồng ngoại thương hoặc văn bản tương đương.
Điều 12.- Cơ quan KTNN sẽ xem xét hồ sơ để dự kiến trước phương thức kiểm tra đối với lô hàng. Việc xem xét này sẽ vó kết quả chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày nộp đơn.
1. Nếu lô hàng thuộc diện miễn kiểm tra, cơ quan KTNN sẽ cấp thông báo miễn kiểm tra (theo mẫu ở phụ lục 3) để cơ sở làm thủ tục thông quan và được phép tiêu thụ sản phẩm trên thị trường Việt Nam.
2. Nếu lô hàng thuộc diện miễn kiểm tra, sau khi lô hàng đã hoàn thành thủ tục kiểm hoá của Hải quan, cơ sở được phép vận chuyển về kho riêng có đủ điều kiện bảo quản thực phẩm đã đăng ký trước đó tại khoản 8 Điều 11 để cơ quan KTNN tiến hành kiểm tra, lấy mẫu và có thể niêm phong lô hàng nếu thấy cần thiết. Khi có kết quả kiểm nghiệm chất lượng của lô hàng, cơ quan KTNN trực tiếp kiểm tra lập biên bản xác nhận chất lượng lô hàng này đạt hay không đạt, đồng thời gửi cho cơ sở và cơ quan Hải quan nơi hàng đến mỗi nơi một bản để hoàn tất thủ tục thông quan.
Trong thời hạn chờ kết quả kiểm tra và giấy xác nhận đạt chất lượng nhập khẩu để hoàn tất thủ tục thông quan, cơ sở không được phép tiêu thụ và phân tán lô hàng khỏi điểm tập kết có đủ điều kiện bảo quản đã đăng ký.
3. Trong quá trình kiểm tra và lấy mẫu, cơ quan KTNN phải lập biên bản. Các biên bản kiểm tra này phải có đầy đủ chữ ký của các bên có liên quan và được lưu vào hồ sơ kiểm tra chung của lô hàng.
4. Cơ quan KTNN phải lưu mẫu thực phẩm trong thời hạn quy định trong tiêu chuẩn hoặc văn bản tương tự đối với thực phẩn đó để thử nghiệm lại khi có yêu cầu. Hết thời hạn nói trên, cơ quan KTNN thông báo cho cơ sở đến nhận lại mẫu hoặc lập biên bản thanh lý đối với các thực phẩm đã hết thời hạn lưu.
Điều 13.- Kết luận sau khi kiểm tra:
1. Nếu lô hàng nhập khẩu có chất lượng đạt yêu cầu theo quy định, cơ quan KTNN cấp giấy xác nhận đạt chất lượng nhập khẩu (theo mẫu ở phụ lục 2);
2. Nếu lô hàng nhập khẩu có chất lượng không đạt yêu cầu theo quy định, cơ quan KTNN gửi thông báo lô hàng không đạt chất lượng (theo mẫu ở phụ lục 4) cho cơ sở và cơ quan hải quan nơi hàng đến mỗi nơi một bản, trong đó nêu:
a. Nội dung vi phạm;
b. Báo cáo về để xuất biện pháp xử lý với Thanh tra Nhà nước chuyên ngành Vệ sinh - Bộ Y tế. Trong vòng 15 ngày, Thanh tra Nhà nước chuyên ngành Vệ sinh - Bộ Y tế phải ra quyết định xử lý thích hợp với lô hàng trên.
3. Cơ sở có thể đề nghị tái kiểm tra hoặc đưa ra các chứng cớ chứng tỏ lô hàng đạt yêu cầu chất lượng bởi giấy xác nhận phân tích lô hàng của ít nhất hai phòng thử nghiệm được công nhận khác, trong đó kết quả phù hợp với mức chất lượng quy định nêu ở Điều 4.
Sau khi tái kiểm tra, kết quả kiểm tra cho thấy lô hàng vẫn không đạt hoặc các chứng cớ không giải thích được tình trạng lô hàng, cơ quan KTNN sẽ báo cáo và kiến nghị các biện pháp xử lý lô hàng với Thanh tra Nhà nước chuyên ngành Vệ sinh - Bộ Y tế.
4. Cơ sở có thể đề nghị bằng văn bản một trong các biện pháp xử lý sau:
a. Tái chế.
b. Chuyển không sử dụng làm thực phẩm sau khi sửa lại nội dung ghi nhãn.
c. Tái xuất.
d. Huỷ bỏ.
5. Sau khi tái xuất, huỷ bỏ lô hàng không đạt yêu cầu chất lượng, cơ sở phải nộp chứng từ tái xuất, huỷ bỏ cho cơ quan KTNN để hoàn tất hồ sơ.
6. Nếu tái chế, cơ sở phải báo cáo biện pháp tái chế và địa chỉ cơ sở tái chế cho cơ quan KTNN và chỉ tiến hành tái chế khi có sự chấp thuận của cơ quan KTNN. Sau khi tái chế, cơ sở làm công văn đề nghị cơ quan KTNN kiểm tra lô hàng đã được tái chế.
a. Nếu lô hàng đạt yêu cầu chất lượng sau khi tái chế, cơ quan KTNN sẽ cấp giấy xác nhận đạt chất lượng nhập khẩu, trong đó ghi rõ lô hàng đạt yêu cầy chất lượng nhập khẩu sau khi tái chế để được tiêu thụ trên thị trường Việt Nam.
b. Nếu lô hàng vẫn không đạt yêu cầu chất lượng sau khi tái chế, cơ quan KTNN sẽ ra thông báo lô hàng không đạt chất lượng sau khi tái chế và đề nghị cơ sở phải huỷ bỏ lô hàng, hoặc chuyển không sử dụng làm thực phẩm.
CHƯƠNG IV
PHÍ KIỂM TRA
Điều 14.-
Cơ sở phải nộp một khoản phí kiểm tra cho cơ quan KTNN. Phí kiểm tra bằng 0,1% giá trị lô hàng được kiểm tra (tính theo giá CIF hoặc giá áp thuế do cơ quan Tài chính quy định) nhưng không thấp hơn 300.000 đồng Việt Nam (ba trăm nghìn đồng) và không lớn hơn 10. 000.000 đồng Việt Nam (mười triệu đồng).
Điều 15.- Việc quản lý phí kiểm tra được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước (Thông tư liên Bộ Tài chính - Khoa học Công nghệ và Môi trường số 65/TTLB ngày 19/8/1995).
CHƯƠNG V
KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
Điều 16.-
Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo lô hàng không đạt chất lượng nhập khẩu, cơ sở có thể đề nghị cơ quan KTNN đã tiến hành kiểm tra chất lượng hàng hoá của mình xem xét lại kết quả kiểm tra hoặc tái kiểm tra.
1. Nếu kết quả tái kiểm tra trái với kết quả kiểm tra lần đầu, cơ sở không phải trả chi phí cho việc tái kiểm tra đó.
2. Nếu kết quả tái kiểm tra phù hợp với kết quả kiểm tra lần đầu, cơ sở phải chịu chi phí cho việc tái kiểm tra đó.
Điều 17.- Cơ sở có thể khiếu nại về kết luận của cơ quan KTNN đối với hàng hoá của mình. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
CHƯƠNG VI
THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 18.-
Nếu cơ sở nhập những thực phẩm thuộc danh mục hàng hoá phải kiểm tra Nhà nước có vi phạm các quy định của văn bản này thì bị xử phạt theo Nghị định số 57/CP ngày 31 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá".
Điều 19.- Cơ quan KTNN chịu sự thanh tra và xử lý vi phạm của Thanh tra Bộ Y tế hoặc Thanh tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá.
Điều 20.- Bộ Y tế có thể đình chỉ tạm thời hoặc bãi bỏ quyền kiểm tra Nhà nước về chất lượng nếu cơ quan KTNN đó không thực hiện đầy đủ hoặc đúng thẩm quyền được giao trong việc kiểm tra Nhà nước theo quy chế này và các văn bản liên quan.
Điều 21.- Cá nhân của cơ quan KTNN có các hành vi trái pháp luật hoặc gây cản trở trong khi thi hành nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý hành chính, truy cứu theo trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật.
PHỤ LỤC A
DANH SÁCH CƠ QUAN ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI THỰC PHẨM NHẬP KHẨU
I. TÀI CÁC CỬA KHẨU THUỘC KHU VỰC MIỀN BẮC:
(TỪ HÀ TĨNH TRỞ RA)
1. Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế
- Địa chỉ: 48A Tăng Bạt Hổ - Hà Nội
Điện thoại: 048.257090 - Fax: 048.257885
2. Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực I - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng
Địa chỉ: Đường Hoàng Quốc Việt - Nghĩa Đô - Hà Nội
Điện thoại: 04.8344532 - Fax: 04.8361199
II. TẠI CÁC CỬA KHẨU THUỘC KHU VỰC MIỀN TRUNG:
(TỪ QUẢNG BÌNH ĐẾN BÌNH THUẬN)
1. Viện Pasteus Nha Trang - Bộ Y tế
Địa chỉ: Số 8 đường Trần Phú - Nha Trang
Điện thoại: 058.823934 - Fax: 058.824058
2. Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực II - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Địa chỉ: Số 97 đường Lý Thái Tổ - Đà Nẵng
Điện thoại: 051.821113 - Fax: 051.820868
-
III. TẠI CÁC CỬA KHẨU THUỘC KHU VỰC MIỀN NAM:
(TỪ ĐỒNG NAI TRỞ VÀO)
1. Viện Vệ sinh Y tế công cộng - TP . HCM
Địa chỉ: 59 đường Hưng Phú - Quận 8 - TP . HCM
- Điện thoại: 08.8559503/8563165
Fax: 08.8563164
2. Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực III - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng
Địa chỉ: Số 49 đường Pasteur - Quận I - TP . HCM
Điện thoại: 08.8294274 - Fax: 08.8293012
-
IV. TẠI CỬA KHẨU KHU VỰC TÂY NGUYÊN:
(ĐẮC LẮC, GIA LAI, KON TUM, LÂM ĐỒNG)
1. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên
Địa chỉ: 60 Hai Bà Trưng
- Điện thoại: 050.859182 - Fax: 050.852423
PHỤ LỤC 1
TÊN CƠ QUAN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG
INSPECTION BODY
GIẤY ĐĂNG KÝ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG
HÀNG XUẤT KHẨU/NHẬP KHẨU
REGISTRATION OF QUALITY INSPECTION
FOR EXPORT/IMPORT GOODS
Người xuất khẩu (nhập khẩu)/Exporter (Importer) Địa chỉ, điện thoại, fax/Address, phone, fax | Số hợp đồng ngoại thương Contract number/L/C number Bến đi/Shipment port: |
Người nhập khẩu (xuất khẩu)/Importer (Exporter) Địa chỉ, điện thoại, fax/Address, phone, fax: | Bến đến/Port of discharge: Thời gian xuất/nhập dự kiến Exporting/Importing date |
Mô tả hàng hoá/Description of goods Tên hàng hoá/Name of goods: Ký mã hiệu/Goods marking: Xuất xứ/Country of origin: | Số lượng/khối lượng: Quantity/volum |
Giá trị hàng hoá/Value of goods: | Địa điểm tập kết hàng hoá: Location of goods |
1. Thời gian kiểm tra/Date: 2. Địa điểm kiểm tra/Location: |
Đại diện của Tổ chức XNK ký tên và đóng dấu Exporter/Importer's representative (signature, stamp) | Đại diện của cơ quan kiểm tra ký tên và đóng dấu Inspection body representative (signature, stamp) |
Địa điểm/Location: Ngày/Date: | Địa điểm/Location: Ngày/Date: |
PHỤ LỤC 2
TÊN CƠ QUAN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG
INSPECTION BODY
GIẤY XÁC NHẬN ĐẠT CHẤT LƯỢNG NHẬP KHẨU
CERTIFICATE OF QUALITY CONFORMITY FOR IMPORT GOODS
Người nhập khẩu / Importer Địa chỉ, điện thoại, fax/Address, phone, fax | Số hợp đồng ngoại thương Contract number/L/C number Bến đến/ Port of discharge: |
Người xuất khẩu / Exporter Địa chỉ, điện thoại, fax/Address, phone, fax: | Bến đi/Shipment port: Thời gian xuất/nhập dự kiến Exporting/Importing date |
Mô tả hàng hoá nhập khẩu/Description of goods: | Số lượng/khối lượng: Quantity/volum |
Số vận đơn/B/L number: Ngày/Date: | Giá trị/Value: |
Kết luận: Lô hàng hoá đạt yêu cầu chất lượng nhập khẩu Conclusion: The goods are found conformed with quality requirements for import |
Giấy xác nhận này có hiệu lực đến ngày: This certificate is valid until | Đại diện của cơ quan kiểm tra ký tên và đóng dấu Inspection body representative (signature, stamp) |
Nơi nhận: - Người nhập khẩu - Hải quan cửa khẩu: | Địa điểm/Location: Ngày/Date: |
PHỤ LỤC 3TÊN CƠ QUAN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG
INSPECTION BODY
THÔNG BÁO MIỄN KIỂM CHẤT LƯỢNG
EXEMPTION FROM QUALITY INSPECTIO
nNgười xuất khẩu (nhập khẩu)/Exporter (Importer) Địa chỉ, điện thoại, fax/Address, phone, fax | Số hợp đồng ngoại thương Contract number/L/C number Bến đi/Shipment port: |
Người nhập khẩu (xuất khẩu)/Importer (Exporter) Địa chỉ, điện thoại, fax/Address, phone, fax: | Bến đến/Port of discharge: Thời gian xuất/nhập dự kiến Exporting/Importing date |
Mô tả hàng hoá/Description of goods | Số lượng/khối lượng: Quantity/volum |
Giá trị hàng hoá/Value of goods: | Số Giấy chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn/Certificate of conformity with Standard No |
Kết luận: Lô hàng này được miễn kiểm tra chất lượng Conclusion: These goods are exempted from quality inspection |
Giấy này có hiệu lực đến ngày: This exemption is valid until | Đại diện của cơ quan kiểm tra ký tên và đóng dấu Inspection body representative (signature, stamp) |
Nơi nhận: - Người nhập khẩu (xuất khẩu)/Importer (Exporter) - Hải quan cửa khẩu/Customs office: | Địa điểm/Location: Ngày/Date: |
PHỤ LỤC 3
TÊN CƠ QUAN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG
INSPECTION BODY
THÔNG BÁO LÔ HÀNG KHÔNG ĐẠT CHẤT LƯỢNG
NON-CONFORMITY OF GOODS QUALITY
Người xuất khẩu (nhập khẩu)/Exporter (Importer) Địa chỉ, điện thoại, fax/Address, phone, fax | Số hợp đồng ngoại thương Contract number/L/C number Bến đi/Shipment port: |
Người nhập khẩu (xuất khẩu)/Importer (Exporter) Địa chỉ, điện thoại, fax/Address, phone, fax: | Bến đến/Port of discharge: Thời gian xuất/nhập dự kiến Exporting/Importing date |
Mô tả hàng hoá/Description of goods | Số lượng/khối lượng: Quantity/volum |
Giá trị hàng hoá/Value of goods: | Địa điểm kiểm tra: Location of inspection Thời gian kiểm tra: Date of inspection |
Kết luận: Lô hàng này không đạt chất lượng để xuất khẩu/nhập khẩu Conclusion: The goods are not found conformed with quality requirements for export/import |
Nơi nhận/Sent to: - Người xuất khẩu (nhập khẩu) /Exporter/Importer: - Hải quan cửa khẩu/Customs office: - Tổng cục TCĐLCL và/hoặc Cơ quan | Đại diện của cơ quan kiểm tra ký tên và đóng dấu Inspection body representative (signature, stamp) |
chức năng thuộc Bộ quản lý chuyên ngành. | Địa điểm/Location: Ngày/Date: |