Văn bản pháp luật: Quyết định 1416/QĐ-UBND

Trịnh Quang Sử
Quyết định 1416/QĐ-UBND
Quyết định
Chưa xác định
...
02/08/2007

Tóm tắt nội dung

Về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận Lê Chân đến năm 2020.

Chủ tịch
2.007
UBND thành phố Hải Phòng

Toàn văn

UỶ BAN NHÂN DÂN 
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

 

Số: 1416/QĐ-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hải Phòng, ngày 02 tháng 08 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển

kinh tế-xã hội quận Lê Chân đến năm 2020.

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 2505/QĐ-UB, ngày 20/9/2004 của Uỷ ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Đề cương Đề án: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận Lê Chân đến năm 2020;

Xét đề nghị của Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển các ngành kinh tế - xã hội thành phố tại Tờ trình số 105/TTr-HĐTĐQH ngày 18/5/2007 đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận Lê Chân đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận Lê Chân đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

a) Phát triển kinh tế - xã hội quận Lê Chân phải phù hợp với định hướng, chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, quy hoạch phát triển các ngành, gắn với lộ trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố.

b) Phát triển kinh tế - xã hội quận Lê Chân dựa trên sơ sở phát huy tối đa và sử dụng có hiệu quả các yếu tố nội lực cũng như các nguồn lực từ bên ngoài vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, hiệu quả và bền vững.

c) Ưu tiên phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, tạo điều kiện hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn quận phát triển. Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị với lộ trình chặt chẽ và tuân thủ đầy đủ các quy hoạch đã được phê duyệt (nhất là khu vực mới của quận).

d) Phát triển kinh tế xã hội theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững đi đôi với phát triển văn hoá, xã hội giữ gìn bản sắc dân tộc với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

2. Mục tiêu phát triển.

a) Mục tiêu tổng quát.

Xây dựng quận Lê Chân trở thành một quận văn minh, hiện đại, hài hoà và thống nhất trong quy hoạch phát triển chung của thành phố (đô thị loại I - đô thị trung tâm cấp quốc gia), thể hiện đậm nét bản sắc văn hoá lịch sử, là một trung tâm giáo dục- đào tạo, y tế, dịch vụ thương mại và du lịch văn hoá của thành phố, có công nghiệp sạch, công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, kết cấu hạ tầng hiện đại, có hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh vững mạnh, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

b) Mục tiêu cụ thể.

Tốc độ tăng trưởng:

- Tốc độ tăng trưởng GDP (bình quân/năm) giai đoạn 2006-2010 là 14,11%, giai đoạn 2011-2015 là 14,74% và 2016-2020 là 14,94%.

- Cơ cấu GDP đến năm 2010 ngành công nghiệp - xây dựng là 35,36%, dịch vụ là 64,64%; tương ứng đến năm 2015 là 33,39% và 66,61%; năm 2020 là 30% và 70%.

- GDP bình quân đầu người đạt 2.038 USD vào năm 2010; 3.101 USD vào năm 2015 và 5.734 USD vào năm 2020.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% vào năm 2010; 80% vào năm 2015 và 90% vào năm 2020.

- Tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 95% vào năm 2010, và đạt 100% sau năm 2010.

- Phấn đấu đạt mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trước 2020 khoảng từ 2 đến 3 năm.

3. Quy hoạch phát triển các ngành kinh tế:

a) Đối với ngành công nghiệp - xây dựng:

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của ngành công nghiệp, xây dựng trên địa bàn quận giai đoạn 2006-2010 đạt 13,5%; 2011-2015 là 13,5% và 13,0% cho giai đoạn 2016-2020.

- Chuyển dần sản xuất công nghiệp, xây dựng truyền thống sang phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, có hàm lượng chất xám cao. Chú trong nâng cấp và hiện đại hoá công nghiệp vừa vừa và nhỏ hiện có, đầu tư xây dựng một số sơ sở công nghiệp phần mềm. Thực hiện di dời các sơ sở công nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn theo lộ trình của thành phố.

b) Các ngành thương mại, dịch vụ.

- Tốc độ tăng trưởng thương mại - dịch vụ trên địa bàn thời kỳ 2006-2010 là 14,5%, 2011-2015 là 15,5% và 16% cho giai đoạn 2016-2020.

- Khai thác tổng hợp các loại hình dịch vụ, chú trọng phát triển nhanh, bền vững các loại hình dịch vụ chủ lực có thế mạnh tạo mũi nhọn kinh tế trên địa bàn quận. Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp sơ sở hạ tầng của kinh tế dịch vụ để sớm trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại của thành phố.

c) Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

- Về giao thông:

+ Quy hoạch lại mạng lưới giao thông nội đô, nhất là 3 phường mới (Dư Hàng Kênh, Vĩnh Niệm và Kênh Dương), mở rộng các nút giao thông và mặt cắt ngang ở những tuyến đường cũ quá nhỏ hẹp. Thực hiện các dự án phát triển đường của thành phố (Hồ Sen - Cầu Rào II, khu đô thị mới và đường nối Lạch Tray - Hồ Sen, cầu Rào II). Mở rộng thêm một số tuyến nối từ các điểm dân cư ra đường Nguyễn Văn Linh và nối với đường vành đai II đi qua phường Dư Hàng Kênh.

+ Phối hợp và tổ chức thực hiện quy hoạch cải tạo đường sắt đoạn đi qua quận (qua 7 phường và 3 nút giao cắt).

+ Quy hoạch chi tiết hệ thống đường liên phường, xây dựng hệ thống giao thông tĩnh (nhất là các bãi đỗ xe ở các khu cao ốc, trung tâm thương mại).

- Về cấp điện: tiếp tục nâng cấp lưới điện trung áp (22 KV) đạt cấp chuẩn đi ngầm kết nối với các trạm biến áp 22/0,4 KV kín hoặc trạm kiốt. Xây dựng lưới hạ áp ngầm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và mỹ quan đô thị. Đầu tư nâng cấp, mở rộng lưới điện cấp cho khu vực đô thị mới, khu vực ven sông Lạch Tray và khu công nghiệp.

- Về thông tin liên lạc: mở thêm bưu cục ở những nơi trọng yếu, nhất là ở 3 phường mới, xây dựng hệ thống viễn thông hiện đại đồng bộ, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, phấn đấu đưa số máy cố định trên 100 dân đạt 24 máy vào 2010.

- Về cấp nước: duy tu, cải tạo, mở rộng hệ thống cấp nước cho người dân đô thị (nhất là ở 3 phường mới) và phục vụ khu công nghiệp, khu đô thị mới... Nâng mức cung cấp nước sinh hoạt bình quân đầu người từ 100 lít/người/ngày hiện nay lên 120-150 lít/người/ngày vào năm 2010 và 180-250 lít/người/ngày vào năm 2020.

- Về thoát nước: cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nhất là 3 phường mới). Tập trung triển khai thực hiện các dự án thoát nước trên địa bàn (Dự án thoát nước mưa, nước thải và xử lý chất thải rắn JICA).

d) Quy hoạch phát triển văn hoá - xã hội.

+ Giáo dục - đào tạo: Trọng tâm của khối mầm non và giáo dục phổ thông là xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng thời triển khai đồng bộ thực hiện phổ cập trung học phổ thông và đào tạo nghề trước năm 2008. Phấn đấu đến năm 2010 có 70%, 2015 có 80% và năm 2020 có 90% lao động qua đào tạo.

+ Về phát triển dân số: khống chế tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng 0,50-0,55%/năm. Dự báo dân số toàn quận khoảng 220.000 người vào năm 2020.

+ Lao động, việc làm và xoá đói giảm nghèo: phấn đấu hàng năm tạo việc làm cho khoảng 6.000-7.000 lao động. Phấn đấu hàng năm giảm được 25% số hộ nghèo (theo chuẩn mới).

+ Về các vấn đề môi trường: phấn đấu đạt tiêu chí về diện tích cây xanh trên đầu người của đô thị loại I trên 10m2 trước năm 2020. Đến măn 2010 có 100% hộ dân cư trong quận sử dụng hố xí tự hoại hợp vệ sinh. Đến năm 2015 về cơ bản chất thải sản xuất, chất thải sinh hoạt đều được xử lý.

+ Quốc phòng - an ninh: gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh, tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị và an toàn xã hội nhằm xây dựng Lê Chân cùng với các quận khác của thành phố trở thành khu vực phòng thủ vững chắc đối phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra.

đ) Quy hoạch phát triển không gian lãnh thổ: toàn bộ lãnh thổ quận được phân thành 3 vùng:

+ Vùng nội quận: gồm 12 phường cũ, trọng tâm là chỉnh trang đô thị hiện có và phát triển theo hướng hiện đại hoá.

+ Vùng mới của quận: gồm 3 phường mới là Dư Hàng Kênh, Vĩnh Niệm và Kênh Dương, vùng này được tổ chức theo hướng xây dựng và phát triển đô thị mới, tổ chức lại không gian sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

+ Vùng dọc theo sông Lạch Tray: vùng này phát triển các cao ốc, văn phòng cho thuê, phát triển các trung tâm dịch vụ du lịch ven sông Lạch Tray.

4. Danh mục các dự án ưu tiên giai đoạn 2006-2020 (kèm theo Quyết định này)

5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch.

a) Huy động vốn đầu tư: dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư thời kỳ 2006-2020 là 13.000 tỷ đồng, trong đó 2006-2010 khoảng 4.800 tỷ đồng. Để huy động được nguồn vốn đầu tư trên cần đẩy mạnh việc huy động tối đa nội lực, đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, tạo vốn, chú trọng thu hút các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh (thuế, đấu giá quyền sử dụng đất...)

b) Tăng cường quản lý đô thị: chú trọng công tác quản lý tài nguyên, trước hết tập trung quản lý sử dụng có hiệu quả quỹ đất hiện có trên địa bàn (nhất là quỹ đất di dời doanh nghiệp nội đô, ở 3 phường mới và khu đô thị mới). Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, đẩy mạnh công tác cấp phép xây dựng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định, phấn đấu đến năm 2010 có 100% hộ gia đình có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

c) Phát triển nguồn nhân lực: đào tạo nghề và tạo việc làm bằng khuyến khích phát triển ngành nghề trên địa bàn. Mở rộng thị trường lao động, chú trọng công tác đào tạo lao động và cán bộ quản lý.

d) Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống.

e) Thực hiện các chương trình hội nhập quốc tế của nhà nước và của thành phố. Mở rộng công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại, nở rộng thị trường trong và ngoài thành phố.

f) Tổ chức thực hiện quy hoạch.

Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Uỷ ban nhân dân quận Lê Chân tổ chức tuyên truyền, công bố quy hoạch để các cơ quan, đơn vị và nhân dân được biết; cụ thể hoá các nội dung của quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế thành các kế hoạch hàng năm và 5 năm; có biện pháp giám sát, đánh giá việc thực hiện đầu tư phát triển quy hoạch và trong kỳ kế hoạch 5 năm; xây dựng chương trình hành động và các chương trình phát triển ngành từng thời kỳ theo định hướng của quy hoạch. Thường xuyên cập nhật, tổng kết đánh giá sự phù hợp và không phù hợp với thực tế để kịp thời trình Uỷ ban nhân dân thành phố điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Điều 2. Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực, các dự án đầu tư trên địa bàn theo quy định.

Điều 3. Giao Uỷ ban nhân dân quận Lê Chân chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch đã được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Xây dựng, Giao thông Công chính và các sở, ban, ngành thành phố có liên quan hướng dẫn quận Lê Chân trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về chương trình, dự án đầu tư giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của quận với quy hoạch từng ngành, từng lĩnh vực và Quy hoạch chung của thành phố.

Điều 4. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các ban, ngành thành phố và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân nhân quận Lê Chân có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

CHỦ TỊCH

 

 

Trịnh Quang Sử

 


Nguồn: vbpl.vn/haiphong/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=36657&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận