UBND tỉnhQUYẾT ĐỊNH
CỦA UBND TỈNH VĨNH PHÚ
Về việc ban hành quy chế tổ chức lễ hội truyền thống
Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND các cấp ban hành ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Nghị định số 69/HĐBT ngày 21 tháng 3 năm 1991 quy định về các hoạt động Tôn giáo;
Xét đề nghị của sở Văn hoá Thông tin- Thể thao;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này quy chế Tổ chức lễ hội truyền thống.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với bản quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành thị, thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành và mọi tổ chức công dân trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
QUY CHẾ TỔ CHỨC LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG
(Ban hành kèm theo QĐ số 142/QĐ-UB ngày 5/1/1994 của UBND tỉnh)
Lễ và Hội là hình thức sinh hoạt văn hóa mang ý nghĩa đạo đức, là sinh hoạt tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Lễ - Hội gắn với tín ngưỡng của nhân dân, là đặc trưng văn hóa và trở thành thuần phong, mỹ tục của dân tộc ta từ xưa đến nay. Để tổ chức những ngày Lễ - Hội đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và kế thừa vốn văn hoá truyền thống của dân tộc, đồng thời phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, dần từng bước đưa lễ hội trở thành nếp sống văn hoá và thống nhất; UBND tỉnh ban hành quy chế tổ chức Lễ hội truyền thống để các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1:
Lễ - Hội truyền thống là những lễ hội gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích cách mạng và kháng chiến được Nhà nước công nhận.
Điều 2: Việc mở Lễ - Hội phải được phép của cơ quan có thẩm quyền và phải đạt được những yêu cầu sau:
a) Giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, những người có công trong việc dựng nước và giữ nước, các danh nhân văn hoá... Từ đó nâng cao lòng tự hào về quê hương đất nước, đồng thời giới thiệu cho khách thập phương thưởng ngoạn các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống và hiện đại; làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần tôn tạo bảo vệ các di tích.
b) Tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, không phô trương hình thức, gây tốn kém lãng phí, đảm bảo an toàn cho di tích, danh lam, thắng cảnh và các cơ sở vật chất nơi lễ hội, an toàn cho người dự hội, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
c) Đối với các di tích, chiến khu cách mạng và kháng chiến, dựa theo ý nghĩa lịch sử của mỗi ngày kỷ niệm để đề ra chương trình hoạt động và mức độ tổ chức cho phù hợp. Các hoạt động phục vụ những ngày kỷ niệm, phải thực hiện theo phương châm thiết thực, hiệu quả, chủ yếu tổ chức tại chỗ mang tính quần chúng rộng rãi.
Điều 3: Các hoạt động tôn giáo thông thường tại nơi thờ tự theo tập quán tôn giáo tại địa phương, phải chấp hành theo Nghị định số 69/HĐBT ngày 21 tháng 3 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Quyết định số 310/QĐ-UB ngày 12 tháng 6 năm 1991 của UBND tỉnh.
Điều 4: Không tổ chức lễ hội ở những di tích thờ tà thần và di tích chưa được công nhận xếp hạng. Mọi hoạt động mê tín dị đoan, mọi hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại nền độc lập dân tộc, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân làm hại đến nền văn hoá lành mạnh của dân tộc, trái với thuần phong mỹ tục của địa phương, cản trở việc lao động sản xuất, học tập và thi hành nghĩa vụ công dân đều bị xử lý theo pháp luật.
CHƯƠNG II
TỔ CHỨC MỞ HỘI VÀ ĐIỀU HÀNH LỄ HỘI
Điều 5:
Chỉ được phép mở lễ hội sau khi đã được chính quyền các cấp có thẩm quyền và theo phân cấp đồng ý. Thủ tục xin phép mở lễ hội gồm:
Tờ trình nêu lý do mở lễ hội.
Kế hoạch mở lễ hội nêu rõ: Phạm vi địa điểm, thời gian phương án tổ chức lễ hội
Thủ tục xin phép phải được lập và nộp trước khi mở hội ít nhất là 60 ngày, khi được chính quyền cấp trên một cấp cho phép mới được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và mở lễ - hội. Chính quyền địa phương các cấp khi nhận được đơn, có trách nhiệm trả lời cho cơ sở sau 20 ngày kể từ khi nhận được thủ tục.
a. Đối với hội làng:
Do UBND xã hoặc phường quyết định mở hội và thành lập ban tổ chức điều hành công việc. Chủ tịch UBND xã (phường) làm trưởng ban, UB Mặt trận Tổ quốc xã, các ngành liên quan và các vị bô lão có uy tín trong xã (phường) tham gia ban tổ chức.
b. Đối với các lễ hội có quy mô và phạm vi ảnh hưởng đến nhiều làng, nhiều xã hoặc khu vực, do UBND huyện, thành thị quyết định việc mở hội và thành lập ban tổ chức do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành thị làm trưởng ban, UB Mặt trận Tổ quốc huyện, thành thị, phòng Văn hoá Thông tin, Tài chính, Công an và một số ban ngành liên quan làm thành viên ban tổ chức.
c. Riêng lễ hội đền Hùng được tổ chức hàng năm, UBND tỉnh có quy định riêng.
Điều 6: Ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và điều hành mọi hoạt động diễn ra trước, trong và sau các ngày lễ hội, chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc tổ chức và đảm bảo an toàn trong thời gian mở lễ hội.
Điều 7: Thời gian tổ chức lễ hội.
Phần lễ tưởng niệm: Căn cứ vào lễ truyền thống của di tích kết hợp với quy định của ban tổ chức, nên tổ chức phần lễ và tế trong thời gian từ 60’ đến 120’.
Phần hội căn cứ vào tình hình cụ thể, UBND các cấp tạo điều kiện, thời gian thích hợp cho nhân dân và khách thập phương đến dự hội nhưng không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Những nơi gặp thiên tai, bệnh dịch, mất mùa không nên tổ chức lễ hội.
Điều 8: Nghi thức lễ hội
Chủ lễ hội và các đại biểu dự lễ phải mặc trang phục phù hợp với truyền thống dân tộc đúng quy định của ban tổ chức. Khi làm lễ không nên câu nệ hoài cổ song cũng không sơ sài làm giảm đi ý nghĩa của lễ tưởng niệm.
Lễ hội nào có nhiều đoàn khách ở xa đến dự, ban tổ chức cần hướng dẫn khách để đảm bảo trật tự và tôn trọng tập quán, tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Nơi nào có tổ chức ban tế phải có trang phục phù hợp không mặc tuỳ tiện, thời gian tế không quá 60’; Nơi nào không có ban tế thì không tổ chức, chỉ làm lễ dâng hương, hoa tưởng niệm.
Thay văn tế chữ Hán bằng văn tế chữ Việt, nội dung văn tế phải được chính quyền địa phương, ban tổ chức bảo đảm có tác dụng giáo dục.
Các nghi lễ truyền thống trong lễ hội như rước kiệu, diễn voi, rước nước... được phép tái hiện nhưng phải lựa chọn những nội dung, hình thức phù hợp đảm bảo tính lịch sử có ý nghĩa giáo dục truyền thống. Đi đôi với việc tái hiện các nghi lễ truyền thống cần tổ chức các hình thức văn hoá, thể thao dân tộc có sức hấp dẫn quần chúng.
Điều 9: Trang trí lễ hội
Tổ chức lễ hội cần được trang trí trang nghiêm để tạo không khí thiêng liêng và thuận tiện cho việc hành lễ, treo cờ để tạo không khí tưng bừng, náo nhiệt trong ngày lễ hội: Cờ ngũ sắc, cờ phướn, cờ chuối... các panô, khẩu hiệu có nội dung thiết thực phục vụ lễ hội.
Điều 10: Nghi thức đón bằng công nhận di tích
Nếu tổ chức đón bằng công nhận di tích không trùng với lễ hội thì chỉ tổ chức trong khu vực di tích với nội dung giới thiệu giá trị di tích, công bố quyết định và trao bằng công nhận di tích cho chính quyền địa phương, phát động toàn dân nêu cao trách nhiệm bảo vệ di tích.
Nếu tổ chức đón bằng công nhận di tích trùng với thời gian tổ chức lễ hội thì khi trao bằng sẽ được kết hợp với nghi thức các lễ hội truyền thống.
Bằng công nhận di tích của Bộ Văn hoá Thông tin, UBND tỉnh uỷ nhiệm cho Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin thể thao trao.
Bằng công nhận di tích của UBND tỉnh uỷ nhiệm cho Chủ tịch UBND huyện, thành, thị trao.
Việc tổ chức đón bằng công nhận di tích giao Sở Văn hoá Thông tin Thể thao phối hợp với UBND các huyện, thành, thị, hướng dẫn thực hiện, đảm bảo yêu cầu: Trang trọng, không phô trương hình thức, không thương mại hoá di tích.
Điều 11: Tổ chức lễ hội phải đảm bảo an toàn cho nhân dân và khách thập phương đến dự. Lễ hội nào có hoạt động dễ xảy ra tai nạn như vật, võ, đánh đu, đốt pháo, bơi chải..., chính quyền địa phương và ban tổ chức phải có phương án phòng ngừa và sử lý cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân và khách dự hội; phải có tổ y tế lưu động phục vụ các thuốc thông thường và cấp cứu khi có tai nạn xảy ra, có hệ thống dịch vụ đảm bảo vệ sinh đáp ứng nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt cho khách đến dự hội.
Điều 12: Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hoá phẩm, chiếu phim, chiếu video, quay phim, chụp ảnh. Trong lễ hội phải tuân theo những quy định của Nhà nước và của ban tổ chức.
Điều 13: Việc bán vé thu tiền của khách đến dự hội do chính quyền địa phương và ban tổ chức quyết định chủ trương, cơ quan tài chính các cấp tham mưu về mức thu phát hành vé và bán vé. Tuỳ điều kiện cụ thể và phải được chính quyền cấp trên cho phép, có thể vận dụng các hình thức thu khác như: Phát hành sổ số, dịch vụ giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô, bán hàng lưu niệm... Để tăng nguồn thu phục vụ cho tổ chức lễ hội. Chỉ áp dụng hình thức vận động quyên góp bằng các hòm công đức để tại di tích cho khách thập phương tự nguyện đóng góp.
Điều 14: Nguồn tài chính sau lễ hội bao gồm các khoản thu công đức, bán vé, kinh doanh dịch vụ... phải được kiểm tra và quyết toán công khai, nguồn thu được dùng vào việc chi và phục vụ lễ hội một cách tiết kiệm, phần còn lại đưa vào quỹ tôn tạo di tích. Chính quyền các cấp và ban tổ chức lễ hội phải đảm bảo chế độ thu chi tài chính đối với quy định hiện hành.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15:
Uỷ ban Nhân dân các cấp, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các đoàn thể quần chúng và mọi công dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phú có trách nhiệm thực hiện theo quy chế này. Đề nghị UB mặt trận tổ quốc tỉnh, các đoàn thể phối hợp với chính quyền các cấp, phổ biến rộng rãi quy chế này trong nhân dân. Các cơ quan thông tin đại chúng cần đưa tin kịp thời, chính xác, biểu dương gương tốt, đồng thời lên án, phê phán các địa phương, cơ sở, cá nhân có những hành vi ép buộc, ngăn cản hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, làm hại đến nền văn hoá lành mạnh của dân tộc.
Điều 16: Sở Văn hoá thông tin - Thể thao là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh cụ thể hoá quy chế về tổ chức và hoạt động lễ hội: có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra theo chức năng của ngành, báo cáo UBND tỉnh kịp thời những vấn đề mới phát sinh./.