Để thi hành Nghị quyết số 166/UBTVQH ngày 2 tháng 2 năm 1994 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc triển khai thi nhà Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Toà án nhân dân và Chỉ thị số 136-TTg ngày 1-4-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Nghị quyết 166-UBTVQH của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ tư pháp quyết định kế hoạch triển khai thực hiện trong các cơ quan tư pháp và Toà án địa phương như sau:
1- Về việc chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh
Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế có trách nhiệm:
a. Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của trọng tài kinh tế có tính chất xã hội - nghề nghiệp (phi Chính phủ) để Bộ trình Chính phủ vào tháng 4 năm 1994; dự thảo Thông tư của bộ hướng dẫn thi hành Nghị định này khi được ban hành;
b. Phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự thảo thông tư liên ngành của bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế để ban hành vào đầu tháng 5 năm 1994.
c. Dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phá sản doanh nghiệp theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ để Bộ trình Chính phủ vào cuối tháng 5 năm 1994;
d. Chủ trì việc dự thảo Nghị định của chính phủ về án phí và chi phí giải quyết các vụ án kinh tế, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hoàn chỉnh dự án để Bộ trình Chính phủ ban hành vào tháng 5 năm 1994.
2. Về việc kiện toàn tổ chức Toà kinh tế của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, củng cố Toà án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
a. Vụ trưởng Vụ quản lý Toà án địa phương có trách nhiệm:
Theo dõi, đôn đốc các Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Sở tư pháp hoàn thành hồ sơ đề nghị tuyển chọn Thẩm phán xét xử các vụ án kinh tế theo quy trình tuyển chọn Thẩm phán và Công văn số 04/BCS ngày 18 tháng 4 năm 1994 của Ban Cán sự Đảng bộ Tư pháp và Ban Cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao;
Phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự thảo thông tư của Bộ tư pháp hướng dẫn việc bầu Hội thẩm tham gia giải quyết các vụ án kinh tế để ban hành trước ngày 15 tháng 5 năm 1994;
Phối hợp với Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao xác định tổng biên chế của các Toà án nhân dân địa phương để Bộ trình Chính phủ quyết định trong tháng 5 năm 1994;
Phối hợp với Toà án nhân dân, Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ dự thảo Thông tư liên ngành hướng dẫn thực hiện việc tiếp nhận, sắp xếp, bố trí cán bộ của các cơ quan trọng tài kinh tế cấp tỉnh và cấp huyện để ban hành trước ngày 30 tháng 4 năm 1994;
Chuẩn bị trình Bộ ban hành các biểu mẫu hồ sơ giải quyết các vụ án kinh tế trước ngày 30 tháng 5 năm 1994.
b. Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
Bố trí hợp lý cán bộ cho Toà kinh tế, chuẩn bị mọi mặt để thụ lý, giải quyết các vụ án kinh tế, phá sản doanh nghiệp từ ngày 1 tháng 7 năm 1994 (theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật tổ chức Toà án nhân dân thì Toà kinh tế được lập tại các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà không cần quyết định riêng để thành lập nữa);
Báo cáo với Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ lựa chọn nhân sự, hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán xét chọn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán xét xử các vụ án kinh tế trước ngày 30 tháng 5 năm 1994 theo quy trình tuyển chọn Thẩm phán và Công văn số 04/CBS ngày 18 tháng 4 năm 1994 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp và Ban cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao;
Lựa chọn nhân sự trong số Thẩm phán được bổ nhiệm làm nhiệm vụ xét xử các vụ án kinh tế để bổ nhiệm Chánh toà, Phó Chánh toà kinh tế, đồng thời báo cáo danh sách người được bổ nhiệm về Bộ Tư pháp.
c. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm:
Báo cáo với cấp uỷ địa phương và triển khai việc lựa chọn nhân sự cho các Toà án cấp huyện có nhu cầu xét xử các vụ án kinh tế, phối hợp với chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Trọng tài kinh tế cấp tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ để Hội đồng tuyển chọn xem xét, đề nghị bổ nhiệm thẩm phán trước ngày 30 tháng 5 năm 1994;
Phối hợp với Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh liên hệ với Mặt trận Tổ quốc chuẩn bị nhân sự bầu Hội thẩm xét xử các vụ án kinh tế trước ngày 15 tháng 6 năm 1994, theo số lượng, tiêu chuẩn, quy trình do Bộ Tư pháp hướng dẫn.
3. Về việc chuẩn bị thi hành án kinh tế:
a. Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự có trách nhiệm:
Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự thi hành các bản án, quyết định về kinh tế, các quyết định về tuyên bố phá sản doanh nghiệp để ban hành trước ngày 15 tháng 5 năm 1994;
Chuẩn bị trình Bộ ban hành các mẫu hồ sơ thi hành án kinh tế và thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp trước ngày 30 tháng 5 năm 1994;
Lập đề án tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thi hành án dân sự và chuẩn bị thi hành án kinh tế ở một số địa phương trong tháng 6, tháng 7 năm 1994.
b. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm:
Chỉ đạo Phòng thi hành án, Đội thi hành án lập kế hoạch, đề ra các biện pháp cụ thể đẩy mạnh việc thi hành án dân sự, chuẩn bị tốt các mặt để thi hành kịp thời các bản án, quyết định về kinh tế, phá sản doanh nghiệp; Chỉ đạo Phòng thi hành án, Đội thi hành án nắm tình hình thi hành các quyết định của Trọng tài kinh tế ở địa phương, đúc rút kinh nghiệm chuẩn bị thi hành án kinh tế.
4. Về việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ.
a. Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
Phối hợp lập danh sách những người dự kiến được giới thiệu tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán, hoặc cán bộ làm công tác xét xử các vụ án kinh tế tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử các vụ án kinh tế, tuyên bố phá sản doanh nghiệp gửi về Bộ trước ngày 15 tháng 5 năm 1994:
Tổ chức nghiên cứu, thảo luận Luật phá sản doanh nghiệp, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và các văn bản có liên quan cho những người dự kiến được bầu làm Hội thẩm xét xử các vụ án kinh tế, cán bộ Toà án, thi hành án, cán bộ, chuyên biên các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp với các hình thức thích hợp, thiết thực, có kết quả.
b. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo có trách nhiệm:
Tổng hợp danh sách những người tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử vụ án kinh tế, tuyên bố phá sản; phối hợp với trường Đại học Luật Hà Nội, Phân hiệu Đại học Luật tại thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Quản lý Toà án địa phương và Toà án nhân dân tối cao lập kế hoạch mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ từ ngày 10 tháng 5 năm 1994;
Phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Vụ Quản lý Toà án địa phương, Trường Đại học Luật Hà Nội, Văn phòng Bộ tổ chức biên soạn, phát hành các tài liệu thích hợp về nghiệp vụ giải quyết các vụ án kinh tế, giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp trước tháng 8 năm 1994 để phổ biến cho các Toà án, cơ quan thi hành án và tư pháp địa phương.
c. Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội có trách nhiệm:
Phối hợp với Vụ Pháp luật luật dân sự - kinh tế, Toà án nhân dân tối cao lập chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử các vụ án kinh tế, giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, thi hành án kinh tế phù hợp với từng đối tượng trước ngày 10 tháng 5 năm 1994 và tổ chức triển khai thực hiện chương trình đó;
Phối hợp với Viện Khoa học pháp lý, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ nghiên cứu pháp luật của Toà án nhân dân tối cao nghiên cứu xây dựng chương trình giảng dạy về tố tụng kinh tế trong năm 1994.
5. Về một số công tác khác:
a. Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật có trách nhiệm chuẩn bị đề án thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật về hợp đồng kinh tế, xét xử các vụ án kinh tế, tuyên bố phá sản doanh nghiệp, thi hành án kinh tế trình Bộ duyệt trong tháng 5 năm 1994 và tổ chức thực hiện đề án đó;
b. Vụ trưởng Vụ quản lý Toà án địa phương có trách nhiệm phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ và đào tạo đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên ngành Bộ tư pháp, Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao về việc tiếp nhận, sắp xếp, bố trí cán bộ của các cơ quan Trọng tài kinh tế;
c. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo có trách nhiệm làm việc cụ thể với Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ để dự kiến số biên chế bổ sung cần thiết cho cơ quan Bộ, trường Đại học luật và các Sở Tư pháp phù hợp với việc tiếp nhận thực hiện các nhiệm vụ mới để trình Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 1994;
d. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cân đối lại ngân sách của toàn ngành, hướng dẫn các Toà án địa phương, Sở Tư pháp tiếp nhận cơ sở vật chất - kỹ thuật của các cơ quan trọng tài kinh tế được chuyển giao; lập dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ mới, trong đó có vấn đề lương của cán bộ trọng tài kinh tế địa phương chuyển giao Bộ Tư pháp quản lý.
Chánh Văn phòng Bộ có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi tình hình thực hiện Quyết định này, chuẩn bị báo cáo tổng hợp trình Bộ trưởng chậm nhất vào ngày 10 tháng 6 năm 1994./.