Văn bản pháp luật: Quyết định 15/2005/QĐ-BGTVT

Trần Doãn Thọ
Toàn quốc
Công báo số 14 & 15 - 02/2005;
Quyết định 15/2005/QĐ-BGTVT
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
07/03/2005
15/02/2005

Tóm tắt nội dung

Ban hành Quy định về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

Thứ trưởng
2.005
Bộ Giao thông vận tải

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ban hành Quy định về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ


BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/06/2001;

Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông ngày 10 tháng 12 năm 1994;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004 của Chính phủ quy định quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 1362/2000/QĐ-BGTVT ngày 29 tháng 05 năm 2000 và Quyết định số 1280/2002/QĐ-BGTVT ngày 26 tháng 05 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


QUY ĐỊNH

Về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2005/QĐ-BGTVT ngày 15/02/2005

của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

1. Quy định chung

1.1. Phạm vi, đối tượng áp dụng:

a) Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là xe cơ giới) đã có biển số đăng ký hoặc đã qua sử dụng được phép nhập khẩu, trừ các loại mô tô, xe máy, xe lam và xích lô máy.

b) Quy định này không áp dụng đối với việc cải tạo xe cơ giới dùng vào mục đích quân sự của Bộ Quốc phòng và mục đích đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội của Bộ Công an.

1.2. Các thuật ngữ trong quy định này được hiểu như sau:

a) Xe cơ giới là các loại phương tiện được định nghĩa tại TCVN 6211: 2003 "Phương tiện giao thông đường bộ - Kiểu - Thuật ngữ và định nghĩa".

b) Hệ thống được hiểu là:

- Hệ thống truyền lực;

- Hệ thống chuyển động;

- Hệ thống treo;

- Hệ thống phanh;

- Hệ thống lái;

- Hệ thống nhiên liệu;

c) Tổng thành được hiểu là:

- Tổng thành động cơ;

- Tổng thành khung (sát xi);

- Buồng lái, thân xe hoặc thùng hàng, thùng tự đổ.

d) Thay đổi tính năng sử dụng là thay đổi công dụng nguyên thủy của xe cơ giới.

đ) Thay đổi hệ thống là thay đổi một phần hoặc toàn bộ kết cấu của hệ thống nguyên thuỷ bằng một phần hoặc toàn bộ hệ thống khác có tính năng kỹ thuật tương đương.

e) Thay đổi tổng thành là thay thế tổng thành nguyên thuỷ bằng tổng thành khác có tính năng kỹ thuật tương đương.

g) Trọng lượng toàn bộ của xe cơ giới là tổng trọng lượng bản thân xe cơ giới và trọng tải của xe cơ giới.

h) Thời gian sử dụng của xe cơ giới là khoảng thời gian được tính từ năm sản xuất đến thời điểm cải tạo.

i) Hàng nguy hiểm là hàng khi chuyên chở trên đường có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.

k) Xe ôtô chở người là ôtô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở người và hành lý mang theo.

1.3. Mỗi xe cơ giới chỉ được cải tạo, thay đổi một trong hai tổng thành chính là động cơ hoặc khung và không quá ba trong sáu hệ thống, tổng thành sau đây:

a) Hệ thống truyền lực (ly hợp, hộp số, trục các đăng, truyền lực chính).

b) Hệ thống chuyển động (bánh xe, cầu bị động).

c) Hệ thống treo.

d) Hệ thống phanh.

đ) Hệ thống lái.

e) Buồng lái, thân xe hoặc thùng hàng, thùng tự đổ.

1.4. Trọng lượng toàn bộ của xe cơ giới sau khi cải tạo không được vượt quá trọng lượng toàn bộ cho phép lớn nhất theo quy định của nhà sản xuất.

1.5. Không được thay đổi tính năng sử dụng của xe cơ giới đã có thời gian sử dụng hơn 15 năm, trừ trường hợp ôtô khách và ôtô chở người được cải tạo thành ôtô chở hàng (ôtô tải) thông dụng. Cấm cải tạo các xe cơ giới loại khác thành ôtô chở khách. Đối với ôtô chuyên dùng nhập khẩu, không được tiến hành cải tạo trong 5 năm kể từ ngày được cấp biển số, đăng ký.

2. Thiết kế và thẩm định thiết kế

2.1. Đơn vị thiết kế là đơn vị có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh ngành nghề thiết kế xe cơ giới phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

2.2. Hồ sơ thiết kế gồm có:

a) Các bản vẽ kỹ thuật:

- Bản vẽ bố trí chung của xe cơ giới sau khi cải tạo;

- Bản vẽ bố trí chung của xe cơ giới trước khi cải tạo để đối chiếu;

- Bản vẽ lắp đặt tổng thành hệ thống được cải tạo hoặc thay thế;

- Bản vẽ những chi tiết được cải tạo, thay thế bao gồm cả hướng dẫn công nghệ và vật liệu được phép sử dụng khi cải tạo, thay thế.

Các bản vẽ kỹ thuật phải được trình bày theo đúng các Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.

b) Thuyết minh tính toán gồm các nội dung:

- Giới thiệu nhu cầu cải tạo;

- Đặc tính kỹ thuật cơ bản của xe cơ giới trước và sau khi thực hiện cải tạo;

- Nội dung thực hiện cải tạo và các bước công nghệ thi công;

- Tính toán các đặc tính động học, động lực học liên quan tới nội dung cải tạo;

- Tính toán kiểm nghiệm sức bền liên quan tới nội dung cải tạo;

- Những hướng dẫn cần thiết cho việc sử dụng xe cơ giới sau khi cải tạo;

- Kết luận.

2.3. Thẩm định thiết kế

a) Thẩm định thiết kế là việc xem xét, kiểm tra, đối chiếu các nội dung hồ sơ thiết kế với các tiêu chuẩn, quy định hiện hành nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới cải tạo.

Xe cơ giới quá khổ, quá tải đã có biển số đăng ký và đang tham gia giao thông, được phép cải tạo theo hướng dẫn riêng.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo sau đây:

- Ôtô các loại cải tạo thành:

+ Ôtô tải chuyên dùng chở các loại hàng nguy hiểm;

+ Ôtô đầu kéo;

+ Ôtô chuyên dùng;

- Ôtô khách trên 25 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái);

- Sơ mi rơ moóc (nửa rơ moóc) và rơ moóc thông thường cải tạo thành sơ mi rơ moóc, rơ moóc chuyên dùng các loại;

- Ôtô tải thông dụng, ôtô tải chuyên dùng, ôtô chuyên dùng cải tạo thành xe, máy thi công và ngược lại; xe máy thi công cải tạo thành xe, máy thi công loại khác;

- Cải tạo thay đổi hệ thống lái, hệ thống phanh và hệ thống nhiên liệu.

c) Các Sở Giao thông vận tải (GTVT), Giao thông công chính (GTCC) có trách nhiệm thẩm định thiết kế cải tạo có nội dung ngoài các nội dung đã được quy định tại điểm b mục 2.3.

d) Cơ quan thẩm định thiết kế phải có ít nhất 02 kỹ sư cơ khí ôtô, có thâm niên nghề nghiệp từ 05 năm trở lên. Trong trường hợp các Sở GTVT, GTCC không thoả mãn điều kiện trên thì nhiệm vụ thẩm định thiết kế được giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện.

đ) Hồ sơ thiết kế sau khi thẩm định (phải có dấu của Cơ quan thẩm định thiết kế) được lưu tại cơ quan thẩm định thiết kế 1 bộ và được gửi cho các cơ quan sau đây:

- Chủ phương tiện;

- Cơ sở thiết kế;

- Đơn vị thi công cải tạo phương tiện.

e) Thời gian thẩm định thiết kế không quá 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ thiết kế hợp lệ. Trường hợp phải kéo dài thời gian thẩm định do yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ thiết kế, cơ quan thẩm định thiết kế phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đơn vị thiết kế biết để thực hiện.

g) Cơ quan thẩm định thiết kế được thu lệ phí theo quy định hiện hành.

3. Thi công cải tạo

3.1. Việc thi công cải tạo xe cơ giới phải được thực hiện theo đúng thiết kế đã được thẩm định, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh ngành nghề cải tạo xe cơ giới phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

3.2. Cơ sở sản xuất phải tự kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) và phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình.

4. Kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

4.1. Kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới cải tạo là sự xem xét, đánh giá chất lượng xe cơ giới cải tạo theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định; kiểm tra, đánh giá xe cơ giới cải tạo theo các tiêu chuẩn hiện hành. Kết quả kiểm tra được lập thành biên bản làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận chất lượng xe cơ giới cải tạo.

4.2. Hồ sơ kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật gồm:

a) Văn bản đề nghị của cơ sở thi công cải tạo;

b) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở thi công cải tạo;

c) Hồ sơ thiết kế đã được thẩm định;

d) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký của xe cơ giới hoặc bản sao giấy chứng nhận chất lượng xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng được phép nhập khẩu chưa có đăng ký biển số;

đ) Biên bản nghiệm thu xuất xưởng (KCS) của cơ sở thi công sản phẩm đối với sản phẩm cần nghiệm thu.

4.3. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và cấp Giấy chứng nhận chất lượng xe cơ giới cải tạo cho xe cơ giới quy định tại điểm b, mục 2.3.

4.4. Các Sở GTVT, GTCC nơi xe cơ giới được thi công cải tạo có trách nhiệm kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và cấp Giấy chứng nhận chất lượng xe cơ giới cải tạo cho xe cơ giới theo thiết kế do các Sở GTVT, GTCC thẩm định (bao gồm cả các thiết kế do Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định quy định tại điểm d, mục 2.3.), có sự tham gia của đại diện đơn vị Đăng kiểm xe cơ giới tại địa phương đó.

4.5. Đối với các xe cơ giới được thi công cải tạo theo cùng một thiết kế đã được thẩm định, sau khi kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật xe cơ giới phương tiện đầu tiên đạt yêu cầu, Cơ quan kiểm tra chất lượng căn cứ điều kiện cụ thể cho phép có thời hạn cơ sở thi công được tự nghiệm thu xuất xưởng các xe cơ giới tiếp theo do chính cơ sở đó thi công theo đúng thiết kế đã được thẩm định. Sau khi tự nghiệm thu xuất xưởng, cơ sở thi công cải tạo phải gửi Biên bản nghiệm thu xuất xưởng (KCS) tới Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Sở GTVT, GTCC để được cấp Giấy chứng nhận chất lượng cho xe cơ giới cải tạo.

4.6. Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm thống nhất quản lý phôi Giấy chứng nhận chất lượng xe cơ giới cải tạo trên phạm vi toàn quốc.

4.7. Cơ sở thi công cải tạo có trách nhiệm giao cho chủ phương tiện hồ sơ kỹ thuật có liên quan và Giấy chứng nhận chất lượng xe cơ giới cải tạo để làm thủ tục đăng ký biển số và kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

5.2. Thiết kế đã được thẩm định, xe cơ giới cải tạo đã được kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và cho phép tự nghiệm thu không trái với Quy định này được thực hiện theo thời hạn đã quy định.

5.3. Vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm, các Sở GTVT, GTCC có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện công tác thẩm định thiết kế và kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo thuộc thẩm quyền về Cục Đăng kiểm Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=15563&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận