Văn bản pháp luật: Quyết định 15/2007/QĐ-BLĐTBXH

Nguyễn Thị Hằng
Toàn quốc
Công báo số 428 & 429/2007;
Quyết định 15/2007/QĐ-BLĐTBXH
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
16/07/2007
29/05/2007

Tóm tắt nội dung

Ban hành mẫu bằng, chứng chỉ nghề

Bộ trưởng
2.007
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Ban hành mẫu bằng, chứng chỉ nghề

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này mẫu bằng, chứng chỉ nghề để cấp cho người tốt nghiệp các khoá đào tạo nghề tương ứng với trình độ đào tạo, bao gồm:

1. Mẫu Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề;

2. Mẫu Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề;

3. Mẫu Chứng chỉ sơ cấp nghề.

Điều 2. Mẫu Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề được quy định như sau:

1. Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề gồm 4 trang: trang 1 và trang 4 có phủ nhựa màu đỏ đậm; trang 2 và trang 3 có nền màu trắng, hoa văn trống đồng màu vàng nhạt, giữa trang 3 có hình Quốc huy in chìm màu đỏ nhạt.

2. Nội dung cụ thể theo mẫu Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề tại Phụ lục I.

3. Các nội dung in trên trang 1 có màu vàng. Dòng chữ "Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề" ở trang 3 in màu đỏ tươi, các nội dung khác trên trang 2 và trang 3 in màu đen.

Điều 3. Mẫu Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề được quy định như sau:

1. Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề gồm 4 trang: trang 1 và trang 4 có phủ nhựa màu xanh lá cây; trang 2 và trang 3 có nền màu trắng, hoa văn trống đồng màu vàng nhạt, giữa trang 3 có hình Quốc huy in chìm màu đỏ nhạt.

2. Nội dung cụ thể theo mẫu Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề tại Phụ lục II.

3. Các nội dung in trên trang 1 có màu vàng. Dòng chữ "Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề" ở trang 3 in màu đỏ tươi, các nội dung khác trên trang 2 và trang 3 in màu đen.

Điều 4. Mẫu Chứng chỉ sơ cấp nghề được quy định như sau:

1. Chứng chỉ sơ cấp nghề gồm 4 trang: trang 1 và trang 4 có phủ nhựa màu xanh nước biển; trang 2 và trang 3 có nền màu trắng, hoa văn trống đồng màu vàng nhạt, giữa trang 3 có hình Quốc huy in chìm màu đỏ nhạt.

2. Nội dung cụ thể theo mẫu Chứng chỉ sơ cấp nghề tại Phụ lục III.

3. Các nội dung in trên trang 1 có màu vàng. Dòng chữ "Chứng chỉ sơ cấp nghề" ở trang 3 in màu đỏ tươi, các nội dung khác trên trang 2 và trang 3 in màu đen.

Điều 5. Mẫu Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, Chứng chỉ sơ cấp nghề quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4 của Quyết định này được áp dụng thống nhất trong cả nước.

Cơ sở dạy nghề được phép in vào bằng, chứng chỉ nghề biểu tượng riêng của cơ sở mình tại góc trên bên phải của trang 2 sau khi đã đăng ký bản quyền với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu tác giả.

Điều 6. Người đứng đầu cơ sở dạy nghề có trách nhiệm:

1. Tổ chức in bằng, chứng chỉ nghề theo mẫu quy định tại Quyết định này.

2. Tổ chức cấp bằng, chứng chỉ nghề cho người học nghề theo đúng thẩm quyền và quy định tại Điều 16, Điều 23, Điều 30 của Luật Dạy nghề.

3. Lập sổ quản lý phôi bằng, chứng chỉ nghề, sổ cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, sổ cấp bằng tốt nghiệp trung cấp nghề và sổ cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.

4. Ghi đầy đủ và chính xác các nội dung trong bằng, chứng chỉ nghề.

5. Ra quyết định và thực hiện việc thu hồi bằng, chứng chỉ nghề trong các trường hợp sau:

a) Người được cấp bằng, chứng chỉ nghề bị phát hiện có hành vi gian lận trong học tập, trong thi cử, tuyển sinh hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp bằng, chứng chỉ nghề;

b) Bằng, chứng chỉ nghề cấp cho người không đủ điều kiện;

c) Bằng, chứng chỉ nghề do người không có thẩm quyền cấp;

d) Bằng, chứng chỉ nghề bị tẩy xoá, sửa chữa;

đ) Người được cấp bằng, chứng chỉ nghề để cho người khác sử dụng bằng, chứng chỉ nghề của mình.

6. Định kỳ hằng quý, hằng năm báo cáo về tình hình cấp bằng, chứng chỉ nghề về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cơ sở dạy nghề đóng trụ sở chính để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo Tổng cục Dạy nghề.

Điều 7. Bằng nghề và Chứng chỉ nghề ban hành kèm theo Quyết định số 1012/1998/QĐ-BLĐTBXH ngày 09 tháng 10 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được tiếp tục sử dụng để cấp cho người học tốt nghiệp các khoá đào tạo theo các chương trình dạy nghề dài hạn, chương trình dạy nghề ngắn hạn đã được tuyển sinh và tổ chức dạy nghề trước ngày Luật Dạy nghề có hiệu lực.

Điều 8. Trách nhiệm của Tổng cục Dạy nghề và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Tổng cục Dạy nghề có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc cấp bằng, chứng chỉ nghề và tổng hợp việc cấp bằng, chứng chỉ nghề trên phạm vi cả nước và báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc cấp bằng, chứng chỉ nghề và tổng hợp việc cấp bằng, chứng chỉ nghề của tất cả các cơ sở dạy nghề trên địa bàn và báo cáo Tổng cục Dạy nghề mỗi Quý một lần.

Điều 9. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 10. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Người đứng đầu cơ quan Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, Giám đốc trung tâm dạy nghề; người đứng đầu trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục khác, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có đăng ký hoạt động dạy nghề; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=13779&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận