QUYẾT ĐỊNH CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Về việc Thành lập và tổ chức, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tỉnh Ninh Thuận
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi);
Căn cứ Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10-9-1999 và Nghị định số 49/2002/NĐ-CP ngày 24-4-2002 của Chính phủ về giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 174/2002/QĐ-TTg ngày 02-12-2002 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước;
Xét nội dung Tờ trình số 317/TTr-STCVG/TCDN ngày 20-02-2003 của Sở Tài chính Vật giá "V/v: Thành lập và tổ chức, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tỉnh Ninh Thuận",
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Thành lập Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tỉnh Ninh Thuận để giải quyết chế độ cho người lao động, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình sắp xếp lại và chuyển đổi sở hữu (sau đây gọi tắt là Quỹ sắp xếp doanh nghiệp).
Điều 2. Quỹ sắp xếp doanh nghiệp sử dụng để:
1. Hỗ trợ cho doanh nghiệp thanh toán trợ cấp theo quy định tại Bộ luật Lao động đối với người lao động thôi việc, mất việc tại thời điểm chuyển đổi nhưng không thuộc đối tượng áp dụng Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11-4-2002 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước.
2. Hỗ trợ Công ty cổ phẩn được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thanh toán trợ cấp cho người lao động thôi việc, mất việc sau khi đã chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang làm việc tại Công ty cổ phần theo quy định khoản 6 Điều 27 Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19-6-2002 của Chính phủ.
Trường hợp người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện chuyển đổi theo Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29-6-1998 và Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10-9-1999 của Chính phủ bị mất việc, thôi việc trước thời điểm Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19-6-2002 của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì được Quỹ sắp xếp doanh nghiệp cấp để thanh toán cho thời gian người lao động đã làm việc trong khu vực Nhà nước nhưng chưa được hưởng trợ cấp theo quy định của Bộ luật Lao động.
3. Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động dôi dư tại thời điểm chuyển đổi để bố trí việc làm mới trong Công ty cổ phần.
4. Bổ sung vốn cho doanh nghiệp đã cổ phần hóa để đảm bảo đủ tỷ trọng vốn Nhà nước trong cơ cấu vốn điều lệ của Công ty cổ phần.
5. Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Nhà nước có khó khăn về khả năng thanh toán để xử lý các khoản nợ quá hạn, nợ bảo hiểm xã hội trước khi thực hiện chuyển đổi.
6. Hỗ trợ thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp khi Nhà nước bán doanh nghiệp có số thu từ việc bán doanh nghiệp không đủ để thanh toán.
7. Hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp.
Điều 3. Nguồn vốn hình thành của Quỹ:
1. Các khoản thu của Nhà nước khi thực hiện sắp xếp và chuyển đổi sở hữu toàn bộ doanh nghiệp hoặc đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp Nhà nước bao gồm:
a. Thu từ bán phần vốn thuộc sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi hình thức sở hữu.
b. Thu từ thanh lý tài sản khi doanh nghiệp Nhà nước giải thể, phá sản (nếu còn);
c. Thu từ nhượng bán tài sản và công nợ khó đòi thu hồi được đã loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu.
d. Lợi tức được chia và số vốn Nhà nước thu hồi ở các Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn có vốn Nhà nước góp. Nguồn thu này được xử lý theo quy định tại Điều 12 và Điều 14 Nghị định số 73/2000/NĐ-CP ngày 6-12-2000 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý phần vốn Nhà nước ở doanh nghiệp khác.
2. Tiền thu từ nhượng bán, cho thuê tài sản thuộc sở hữu Nhà nước của các tổ chức, cá nhân.
3. Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân cho việc sắp xếp và chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp Nhà nước.
4. Tiền ngân sách Nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm (nếu có).
Điều 4. Tổ chức và quản lý Quỹ sắp xếp doanh nghiệp tỉnh:
1. Quỹ sắp xếp doanh nghiệp tỉnh được tập trung vào một tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý. Giám đốc Sở Tài chính Vật giá giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý và điều hành Quỹ.
2. Quỹ sắp xếp doanh nghiệp được chi trả theo đúng các quy định tại Điều 2 của Quyết định này. Mọi hoạt động thu, chi của Qũy phải được hạch toán riêng và có đủ chứng từ hợp pháp.
Điều 5. Trách nhiệm của các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp và chuyển đổi sở hữu:
1. Nộp đầy đủ, kịp thời các khoản phải nộp vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tỉnh theo hướng dẫn của Sở Tài chính Vật giá.
2. Lập phương án hỗ trợ và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định (Sở Tài chính Vật giá, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Quản lý ngành) trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Tiếp nhận kinh phí để giải quyết chính sách cho người lao động, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ; thực hiện việc quyết toán kinh phí được hỗ trợ với Sở Tài chính Vật giá.
Điều 6. Trách nhiệm của Giám đốc các Sở, ngành được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền quản lý các doanh nghiệp Nhà nước:
1. Phối hợp với Sở Tài chính Vật giá kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp Nhà nước được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền quản lý thực hiện chuyển đổi sở hữu nộp đầy đủ và kịp thời các khoản thu của Nhà nước từ hoạt động sắp xếp, chuyển đổi sở hữu vào tài khoản tiền gởi của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp tỉnh.
2. Tham gia ý kiến về phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp quy định tại Điều 2 quyết định này trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt.
Điều 7. Giám đốc Sở Tài chính Vật giá có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh:
1. Quản lý Nhà nước về hoạt động của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp tỉnh.
2. Hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp nộp đầy đủ, kịp thời các khoản phải nộp theo quy định vào Quỹ sắp xếp doanh nghiêp tỉnh. Tổ chức kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong việc thực hiện chế độ báo cáo, quyết toán và sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp tỉnh đã cấp phát. Đảm bảo sử dụng Quỹ đúng mục đích, có hiệu quả trong việc chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.
3. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh điều hòa nguồn vốn của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp ở địa phương khi xét thấy cần thiết.
4. Tổ chức công tác kế toán và quyết toán thu, chi Qũy sắp xếp doanh nghiệp theo quy định hiện hành; tổng hợp, đánh giá và báo cáo theo định kỳ tình hình quản lý, sử dụng Quỹ sắp xếp doanh nghiệp tỉnh.
Điều 8. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính Vật giá để hướng dẫn việc sử dụng Quỹ trong việc đào tạo, đào tạo lại lao động để giải quyết việc làm mới và trợ cấp cho số lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động, bị mất việc khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp Nhà nước nhưng không thuộc đối tượng áp dụng Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11-4-2002 của Chính phủ.
Điều 9. Quyết định này thay thế Quyết định số 807/2000/QĐ-CT ngày 20-3-2000 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban và các thành viên Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.