QUYếT địNHQUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về biện pháp xử lý các vi phạm pháp lệnh vê đê điều ở Hà Nội
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét báo cáo của Bộ Thuỷ lợi, Bộ Nội vụ và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội;
Căn cứ kết quả phiên họp ngày 14/3/1995 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, với sự tham gia của các Bộ, Ban, ngành, địa phương có liên quan;
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoạn đê bảo vệ Hà Nội trong mùa mưa lũ năm 1995 và lâu dài, giữ nghiêm kỷ cương phép nước;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
- Đê điều là vấn đề an toàn của quốc gia, đoạn đê bảo vệ Hà Nội được xếp vào cấp đặc biệt, nếu bị vỡ thì hậu quả không thể lường hết. Việc bảo đảm an toàn cho đê là cực kỳ quan trọng, xử lý nghiêm minh các vi phạm về Pháp lệnh đê điều là nhằm mục đích giữ an toàn tuyệt đối cho đê và giữ nghiêm kỷ cương phép nước.
Điều 2.- Thực hiện phương án xử lý bước 1 các vi phạm Pháp lệnh đê điều ở Hà Nội do Bộ Thuỷ lợi, Bộ Nội vụ, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các ngành có liên quan đề nghị, bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
1/ Phương án xử lý kỹ thuật:
Trả lại mặt đê, mái đê và lưu không ở hai bên thân đê, cụ thể là giữ nguyên mặt đê theo kích thước trung bình hiện có, mái đê đảm bảo độ dốc trung bình hiện tại (m = 1,5 - 2), đảm bảo phạm vi lưu thông từ chân đê ra tối thiểu 5 mét (năm mét) ở cả hai bên chân đê; tiến hành xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để gia cố, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đê trong mùa mưa lũ năm 1995; hình thành đường quản lý hai bên chân đê, tạo điều kiện cho việc kiểm tra đê và tổ chức ứng cứu kịp thời khi đê có sự cố.
Bộ Thuỷ lợi chịu trách nhiệm phê duyệt thiết kế kỹ thuật cụ thể, chủ trì cùng Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các ngành có liên quan xác định mốc giới chân đê, phạm vi lưu không tối thiểu cho đê như đã nêu trên và tiến hành xử lý kỹ thuật gia cố đê xong trước ngày 30/6/1995.
2/ Phương án di chuyển:
Tất cả nhà ở và các công trình hiện có ở mặt đê, mái đê và phạm vi lưu không từ chân đê ra tối thiểu 5 mét (năm mét) đều phải di chuyển đi nới khác, tạo mặt bằng thông thoáng cho việc xử lý kỹ thuật, gia cố đê, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đê và kiểm tra, tổ chức ứng cứu khi đê có sự cố.
Việc di chuyển các hộ gia đình và tháo rỡ các công trình phải kịp với tiến độ gia cố đê. Tập trung giải toả các khu vực xung yếu trước; đối với các công trình thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của đê thì phải xử lý ngay. Đối với di tích lịch sử, văn hoá..., thực hiện theo Điều 19 của Pháp lệnh về đê điều, công bố ngày 16/11/1989 của Hội đồng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khi di chuyển các hộ dân cư ở trong phạm vi trên đây, phải có kế hoạch và phương án chi tiết đến từng nhà, xem xét từng trường hợp cụ thể để có chính sách hỗ trợ công bằng và thoả đáng. Cụ thể là:
a) Đối với hộ dân cư ở lâu đời, hộ sử dụng đất hợp pháp trước ngày ban hành Nghị định số 429/HĐBT ngày 15/12/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thì được Nhà nước xét hỗ trợ một phần kinh phí cho việc di chuyển và được chính quyền địa phương bố trí đất ở ngoài phạm vi bảo vệ đê điều.
b) Đối với những người lấn chiếm đất, sử dụng đất trái phép, xây dựng nhà không được phép hoặc sai phép, phải có hình thức xử lý kiên quyết, buộc trở về nơi ở cũ hoặc rời đi nơi khác, không có hỗ trợ.
Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm lập phương án chi tiết và tổ chức thực hiện. Phải tiến hành khẩn trương, kiên quyết, sử dụng tổng hợp các biện pháp, giáo dục, tuyên truyền, giải thích để mọi người hiểu và làm theo pháp luật, vì lợi ích chung mà tự rỡ bỏ, di chuyển đi nơi khác. Đi đôi với biện pháp tuyên truyền, giáo dục phải áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với những người cố tình không tuân theo pháp luật.
3/ Phương án xử lý theo pháp luật:
Bộ Nội vụ chủ trì cùng các ngành có liên quan thực hiện phương án xử lý theo pháp luật. Những người xây dựng, mở rộng nhà và các công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê kể từ sau ngày công bố Nghị định 429/HĐBT ngày 15/12/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); người cấp phép sai thẩm quyền, người quyết định phạt rồi cho công trình tồn tại, người có trách nhiệm trực tiếp quản lý mà thiếu trách nhiệm đều phải xem xét, xử lý, tuỳ theo mức độ sai phạm.
Để đảm bảo xử lý được nhanh chóng, nghiêm minh, đúng người, đúng pháp luật, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Thuỷ lợi và các ngành có liên quan ở Trung ương xem xét và quyết định xử lý hành chính theo thẩm quyền đối với những trường hợp vi phạm hành chính. Các trường hợp vi phạm tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì Bộ Nội vụ điều tra để xử lý theo quy định của Pháp luật.
4/ Việc thực hiện phương án xử lý bước 1 các vi phạm Pháp lệnh về đê điều nêu trên là biện pháp cấp bách, Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có biện pháp cấp đủ và kịp thời vốn theo dự toán của Bộ Thuỷ lợi (trong kế hoạch vốn đã ghi năm 1995).
Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội làm việc với Bộ Tài chính để tạm giải quyết một phần kinh phí hỗ trợ cho việc tháo rỡ công trình và di chuyển dân.
5/ Bộ Thuỷ lợi và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với các ngành mở đợt tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về Pháp lệnh đê điều và chủ trương, biện pháp giải quyết các vi phạm, để mọi người dân hiểu rõ và cùng thực hiện bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Điều 3.- Đồng thời với việc triển khai thực hiện phương án xử lý bước 1 căn cứ vào các quy định hiện hành Bộ Thuỷ lợi, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cùng các ngành có liên quan xây dựng phương án xử lý bước 2, nhằm giải quyết toàn diện, bảo đảm độ bền vững lâu dài, phù hợp với tình hình đặc điểm của đoạn đê bảo vệ Hà Nội và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định theo 3 loại như tinh thần Nghị định 429/HĐBT ngày 15/12/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quy định như sau:
Loại gây mất ổn đinh nghiêm trọng cho đê điều thì nhất quyết phải phá bỏ và phải gia cố, tu bổ lại đê điều.
Loại có ảnh hưởng tới an toàn của đê điều nhưng chưa nghiêm trọng thì di chuyển dần hoặc có biện pháp hạn chế sự ảnh hưởng đến sự an toàn của đê điều.
Loại ít ảnh hưởng đến an toàn của đê điều có thể tiếp tục cho sử dụng nhưng phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt trong việc bảo vệ đê điều.
Trong khi nghiên cứu xây dựng phương án xử lý bước 2, giao Bộ Thuỷ lợi chủ trì cùng Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét xử lý phần còn lại của các nhà ở và công trình đã tháo rỡ bước 1 theo 3 loại trên.
Điều 4.- Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện có những vấn đề nảy sinh, các Bộ và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo kịp thời để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
-