quyết địnhQUYẾT ĐỊNH
CỦA LIÊN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - NỘI VỤ SỐ 176/QĐ-LBGTVT-NV NGÀY 9 THÁNG 12 NĂM 1989 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TRẬT TỰ,
AN TOÀN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ
- Để tăng cường công tác trật tự, an toàn giao thông vận tải đường bộ nhằm từng bước góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân;
- Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Giao thông vận tải và ông Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông trật tự Bộ Nội vụ.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Nay ban hành Điều lệ trật tự, an toàn giao thông vận tải đường bộ.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành thống nhất trong cả nước kể từ ngày ký. Những quy định về trật tự, an toàn giao thông vận tải đường bộ đã ban hành trước đây trái với Điều lệ này đều bãi bỏ.Điều 3.
Các ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương; Chánh văn phòng hai Bộ; Vụ trưởng Vụ pháp Chế, Vụ quản lý giao thông thuỷ bộ (Bộ Giao thông vận tải); Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông - trật tự (Bộ Nội vụ); Tổng giám đốc các Liên hiệp xí nghiệp quản lý đường bộ; Giám đốc các Sở giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
ĐIỀU LỆ
TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ
( Ban hành kèm theo Quyết định Liên bộ số 176 - QĐ/LBGTVT - NV
ngày 9 tháng 12 năm 1989 của Liên bộ Giao thông vận tải và Nội vụ)
CHƯƠNG I
QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Đối tượng phạm vi áp dụng. Những người điều khiển các loại xe có động cơ hay không có động cơ; người dẫn dắt hoặc điều khiển súc vật; người cưỡi súc vật (lừa, ngựa...); người đi bộ hoặc làm những công việc khác trên các đường giao thông công cộng và chuyên dùng phải nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ này.
Điều 2.
Khi xảy ra tai nạn giao thông.Mỗi khi xảy ra tai nạn giao thông xe phải giữ nguyên ở hiện trường, các dấu vết của tai nạn phải được bảo vệ. Người bị thương phải đưa đi cấp cứu ngay, hàng hoá phải được bảo vệ chu đáo; người có liên quan trực tiếp đến tai nạn phải có mặt tại chỗ chờ nhà chức trách đến lập biên bản.
Cấm mọi hành vi gây nguy hại cho người và xe đã gây ra tai nạn.
Trừ xe của các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, còn các xe khác khi qua nơi xảy ra tai nạn nếu có người bị thương đều có nhiệm vụ chở người bị thương đó đến nơi cấp cứu và báo ngay cho cơ quan công an gần nhất biết. Người trốn tránh tải thương sẽ bị xử phạt theo pháp luật hiện hành.
Điều 3.
Hệ thống báo hiệu đường bộ.Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm có:
a) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
b) Tín hiệu đèn, cờ, còi.
c) Các biển báo hiệu, các dấu hiệu kẻ trên mặt đường và trên các công trình giao thông khác.
Trong trường hợp cùng có các tín hiệu khác nhau thì phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Cấm dùng những loại báo hiệu khác trái với những báo hiệu đường bộ do Bộ Giao thông vận tải quy định.
CHƯƠNG II
ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT, THIẾT BỊ AN TOÀN CỦA CÁC LOẠI XE
A. ĐỐI VỚI XE CƠ GIỚI Điều 4.
Giới hạn khích thước xe cơ giới.a) Tất cả các loại xe cơ giới (kể cả rơ moóc) và các loại xe chuyên dùng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông... khi chạy trên đường giao thông không được quá 2,5m theo chiều ngang (kể cả những chỗ nhô ra) và 3,5m chiều cao (kể cả hàng chở) tính từ mặt đất trở lên.
Kích thước trên đây là giới hạn tối đa ngành Giao thông vận tải có thể hạn chế thấp hơn tuỳ theo kích thước của cầu và đường hiện có.
b) Bề dài tối đa và tổng trọng lượng từng trục xe của các loại xe chạy trên đường giao thông do ngành Giao thông vận tải quy định cụ thể căn cứ vào tình hình giao thông vận tải và sức chịu đựng của cầu, đường, phà, phao.
Điều 5.
Bộ phận hãm.
a) Các loại xe khi chạy trên đường phải có đầy đủ hệ thống hãm chân và hãm tay có hiệu lực theo tiêu chuẩn của từng loại xe.
b) Các loại xe rơ moóc nào cũng phải có một bộ phận hãm điều khiển từ xe kéo có hiệu lực trên tất cả các bánh xe và bộ phận hãm dừng khi đỗ, trừ những rơ moóc có tổng trọng lượng không quá 750kg hoặc không vượt quá 1/2 trọng lượng của xe kéo (xe không).
c) Các loại xe ô tô và rơ moóc mà tổng trọng lượng toàn bộ lớn hơn 3,5 tấn phải có thêm cục chèn (cục cản).
Điều 6.
Đèn xe.a) Xe ô tô phải được trang bị:
- Phía trước: Hai đèn chiếu sáng ở hai bên xe có đủ hệ thống chiếu xa, chiếu gần. Độ sáng phải bảo đảm ít nhất là 100m đối với hệ thống chiếu xa và 50m đối với hệ thống chiếu gần.
- Phía sau: Một đèn soi biển số. Hai đèn đỏ ở hai hai bên và một đèn đỏ bật sáng khi sử dụng bộ hãm.
- Hệ thống đèn báo hiệu khi chuyển hướng.
b) Tuyệt đối cấm không cho xe chạy ban đêm không có đèn hoặc với một đèn chiếu sáng phía bên phải xe.
c) Những xe chữa cháy, xe công an nhân dân, xe quân sự khi đi làm nhiệm vụ khẩn cấp phải bố trí trên mui xe phía trước một đè báo hiệu đặc biệt (màu đỏ hoặc xanh).
d) Rơ moóc phải có:
- Phía trước: Hai kính phản chiếu ánh sáng màu xanh ở hai bên
- Phía sau: Hai kính phản chiếu ánh sáng màu đỏ ở hai bên.
e) Xe mô tô, xích lô máy phải có:
- Phía trước: Một đèn sáng có đủ hệ thống chiếu xa ít nhất là 100m và chiếu gần ít nhất là 50m.
- Phía sau: Một đèn đỏ và một đèn đỏ bật sáng khi sử dụng bộ phận hãm chân.
g) Xe gắn máy: Phải có một đèn sáng phía trước có thể chiếu xa 50m và một đèn đỏ phía sau.
Điều 7.
Còi, bộ phận giảm thanh - giảm khói.a) Các loại xe cơ giới đều phải có còi, âm thanh phát ra từ xa 100m có thể nghe thấy và phát đồng giọng. Xe chữa cháy, xe cứu thương, xe công an nhân dân, xe quân sự khi đi làm nhiệm vụ khẩn cấp được sử dụng loại còi có âm thanh đặc biệt.
b) Xe ô tô chỉ được sử dụng còi một cách hạn chế. Trong thành phố, thị xã, thị trấn ban ngày chỉ được sử dụng còi khi cần thiết và không được dùng còi hơi; ban đêm bằng cách nhấp nháy đèn thay còi.
c) Không được dùng còi khi xe dừng, đỗ, qua đoàn xe tang, đến gần đoàn người hoặc đàn súc vật.
d) Các loại xe cơ giới phải có bộ phận giảm thanh, giảm khói theo đúng qui định.
Điều 8.
Tầm nhìn, hệ thống chuyển hướng, hệ thống điều khiển.a) Các loại xe phải đảm bảo đủ tầm nhìn cho người lái, có gương chiếu hậu ( trừ xe đặc chủng).
c) Kính gắn vào xe phải trong suốt và không làm biến đổi hình dáng những vật trông thấy khi nhìn qua kính.
c) Kính chắn gió phía trước xe phải có thiết bị gạt nước có hiệu lực.
d) Hệ thống chuyển hướng của các xe phải có hiệu lực và đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.
e) Cấm sử dụng các loại xe ô tô có hệ thống điều kiển bên phải xe.
Điều 9.
Bánh lốp xe.Bánh lốp xe phải đảm bảo đúng kích cỡ, tiêu chuẩn kỹ thuật qui định cho từng loại xe.
Cấm sử dụng những lốp bị rạn, nứt, mòn quá tiêu chuẩn qui định.
Điều 10.
Thiết bị an toàn của xe điện ( bánh sắt và bánh lốp ).Đầu máy xe điện phải có bộ phận hãm điện, có chuông hoặc còi báo hiệu .
Toa xe phải có bộ phận thu lôi, bình chữa cháy. Các toa xe móc nối với nhau phải chắc chắn và có xích bảo hiểm.
Xe điện (bánh sắt) phải có đèn sáng ở phía trước và hai bên màu đỏ ( hoặc kính đỏ phản chiếu đặt ở hai bên ) phía sau toa cuối cùng. Xe chạy ban đêm trong mỗi toa phải có đủ đèn sáng.
Xe điện ( Bánh lốp ) phải có đủ đèn và sử dụng còi như xe ô tô.
Lối lên xuống các toa xe đều phải có cánh cửa đóng chắc chắn.
B. ĐỐI VỚI XE THÔ SƠ
Điều 11.
Bộ phận hãm của xe thô sơa) Xe thô sơ do người kéo đẩy hoặc do súc vật kéo phải có sẵn cục chèn để đề phòng khi lên xuống dốc bị trôi.
b) Cấm dùng bộ phận hãm cọ sát vào mặt đường.
c) Xe đạp 2 bánh, 3 bánh, xe xích lô đạp phải có bộ phận hãm có hiệu lực.
Điều 12.
Đèn và bánh lốp xe thô sơ.
a) Các loại xe do người kéo, đẩy hoặc do súc vật kéo; xe xích lô đạp đi lại ban đêm trên đường phải có đèn sáng phía trước và có đèn đỏ hoặc kính đỏ phản chiếu ở phía sau.
b) Trên đường rải nhựa cấm lưu thông những xe thô sơ có bánh sắt do người kéo, đẩy hoặc do súc vật kéo. Trên những đường không rải nhựa, xe thô sơ bánh sắt có thể qua lại nhưng phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Áp suất trên mặt đường không vượt quá 60kg/cm2 cho mỗi phân ngang của bánh xe(nếu quá áp suất này bánh xe phải bọc cao su).
- Bề rộng tối thiểu của bánh sắt hoặc bánh cao su chạm mặt đường là 60mm.
- Bề mặt lăn của bánh sắt phải tròn, nhẵn không có cạnh và không được đứt đoạn.
CHƯƠNG III
QUY TẮC GIAO THÔNG
Điều 13.
Những yêu cầu đối với người lái xe khi điều khiển xe.
Khi điều khiển các loại xe, người lái xe luôn làm chủ tốc độ và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định sau đây:
a) Trước khi cho xe chuyển bánh, chuyển hướng, dừng hoặc đỗ phải kịp thời báo hiệu bằng còi, đèn hoặc bằng tay cho các xe khác và mọi người trên đường biết; đảm bảo an toàn cho người và hàng hoá trên xe.
b) Phải luôn luôn chú ý đến tình trạng mặt đường, các báo hiệu giao thông, tình hình mật độ giao thông và các chướng ngại vật trên đường để cho xe chạy với tốc độ phù hợp với điêù kiện của xe mình (phanh hãm, trọng lượng xe, người hoặc hàng hoá trên xe v.v...) đề phòng mọi nguy hiểm có thể xảy ra.
c) Các loại xe có động cơ hay không có động cơ chạy trên đường giao thông đều phải đi về phía bên phải chiều đi của phần đường loại xe mình.
Nếu trên đường có chia thành nhiều làn xe thì các loại xe phải chấp hành nghiêm chỉnh việc đi trên từng làn xe đã quy định cho từng loại xe đó.
Điều 14.
Giảm tốc độ.
Người lái xe phải giảm tốc độ đến mức không nguy hiểm trong các trường hợp sau đây:
- Khi có biển báo hiệu hạn chế tốc độ hoặc có chướng ngại vật trên đường.
- Khi tầm nhìn bị hạn chế.
- Khi qua đường giao nhau, đường ngang, đường vòng, đường hẹp; đoạn đường gồ ghề, trơn trượt, cát bụi.
- Khi qua cầu cống hẹp và khi lên gần đỉnh dốc.
- Khi qua trường học, chợ, chỗ tụ tập đông người, nơi đông dân, có nhà cửa gần đường hoặc có chướng ngại vật trên đường.
- Khi vượt đoàn bộ hành, đoàn xe đang đỗ, súc vật đi trên đường hoặc ở gần đường.
- Khi tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi đã cho xe sau vượt.
- Khi đến gần bến xe điện, xe buýt có hành khách đang lên xuống.
Điều 15.
Tốc độ.
Người lái xe phải thực hiện việc giới hạn tốc độ như sau:
+ Tốc độ tối đa:
a) Trong thành phố, thị xã, thị trấn (khi không có biển báo hiệu hạn chế tốc độ) không được cho xe chạy quá tốc độ sau đây:
- Các loại xe con, xe tắc xi đến 9 chỗ ngồi: 50km/giờ.
- Xe mô tô 2-3 bánh, xe vận tải dưới 3,5 tấn: 40km/giờ.
- Xe vận tải từ 3,5 tấn trở lên, xe chở khách có 10 chỗ ngồi trở lên: 35km/giờ.
- Xích lô máy, xe gắn máy: 30km/ giờ.
- Xe ô tô chở hàng quá dài, xe kéo rơ moóc hay kéo xe khác bị hỏng: 20km/giờ.
b) Ngoài vùng dân cư (khi không có biển báo hạn chế tốc độ) không đuợc cho xe chạy quá tốc độ sau đây:
- Các loại xe con, xe tắc xi đến 9 chỗ ngồi: 80 km/giờ.
- Xe mô tô 2-3 bánh, xe vận tải dưới 3,5 tấn: 60 km/giờ.
- Xe vận tải từ 3,5 tấn trở lên, xe chở khách có 10 chỗ trở lên; Xe ô tô chở hàng quá dài, xe kéo rơ moóc hay kéo xe khác bị hỏng: 50km/giờ.
- Xe gắn máy: 40km/giờ.
- Xe xích lô máy: 30km/giờ.
Trường hợp cần thiết do tình hình cầu đường, phà thì ngành giao thông vận tải có thể quy định những tốc độ tối đa thấp hơn những giới hạn trên đây.
c) Tốc độ tối đa đối với xe xích, xe có trọng tải lớn, xe có kích thước qúa khổ giới hạn của cầu đường bộ, do Bộ Giao thông vận tải quy định.
+ Tốc độ tối thiểu:
Khi trên đường có biển báo Tốc độ tối thiểu thì lái xe không được để xe chạy với tốc độ thấp hơn tốc độ tối thiểu đã quy định.
Điều 16.
Chuyển hướng xe chạy.
a) Khi muốn cho xe chuyển hướng, người lái xe phải:
- Giảm tốc độ.
- Làm tín hiệu báo trước.
- Nhường đường cho người đi bộ đang đi trên phần đường dành riêng cho người đi bộ đi ngang qua đường.
- Cho xe đi sát về bên phải nếu định rẽ phía tay phải; nếu rẽ phía tay trái cho xe chuyển dần sang bên trái tim đường và chú ý nhường đường cho xe bên phải.
- Khi chắc chắn không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người đi bộ và các xe khác mới được cho xe chuyển hướng.
b) Trong khu vực đông dân, người lái xe chỉ được cho xe quay đầu ở đường giao nhau và những chỗ có biển cho phép quay đầu xe.
c) Cấm quay đầu xe trong các trường hợp sau đây:
- Trên phần đường dành riêng cho người đi bộ qua đường.
- Trên cầu, gầm cầu chui, đường ngầm hay trong khu vực đường ngang.
- Nơi có biển cấm quay đầu xe.
Điều 17.
Lùi xe. Khi lùi xe người lái xe phải:
a) Quan sát phía sau và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi. Đối với các loại xe lớn phải có người đứng ở phía sau xe làm tín hiệu cho xe lùi.
b) Cấm lùi xe trong các trường hợp sau đây:
- Ở
khu vực đã cấm dừng và trên phần đường dành riêng cho người đi bộ qua đường.- Trong khu vực đường giao nhau, đường ngang.
- Nơi tầm nhìn bị che khuất.
- Trên cầu, gầm cầu chui, trên bờ rãnh, trên lề đường không chắc chắn.
Điều 18.
Khoảng cách an toàn giữa các xe chạy nối đuôi nhau.
Các xe chạy nối đuôi nhau phải giữ một khoảng cách an toàn tối tiểu 20m.
Điều 19.
Xe vượt nhau.
a) Điều kiện khi vượt xe khác.
Muốn vượt xe khác người lái xe phải quan sát:
- Không có chướng ngại vật ở phía trước.
- Không có xe chạy ngược chiều đến.
- Xe chạy trước không có báo hiệu định vượt một xe khác.
- Có đủ khoảng cách an toàn để vượt qua.
Khi xe trước đã tránh về bên phải và làm hiệu cho vượt mới được cho xe mình vượt lên về bên trái của xe ấy.
b) Khi biết có xe sau xin vượt.
- Cho xe tránh về bên tay phải mình, giảm tốc độ và ra hiệu cho xe sau vượt. Nếu có chướng ngại vật phía trước hoặc thiếu điều kiện an toàn chưa thể cho vượt được phải ra hiệu cho xe sau biết.
- Cấm người lái xe bị vượt gây trở ngại cho xe xin vượt.
c) Trường hợp vượt bên phải.
Người lái xe có thể vượt lên bên tay phải xe khác đang chạy phía trước trong các trường hợp sau đây:
- Khi xe đó rẽ trái hoặc đã ra hiệu rẽ trái.
- Trên đường có phân chia làm hai hay nhiều làn xe cho mỗi chiều xe chạy.
- Khi xe điện chạy trên đường ray đặt giữa lòng đường (kể cả xe điện bánh lốp có hệ thống dây điện giữa đường).
d) Cấm vượt:
Cấm xe vượt nhau trong các trường hợp sau:
- Có biển báo hiệu cấm vượt.
- Trên cầu hẹp ( có một làn xe).
- Dưới gầm cầu chui, đường vòng, đầu dốc và những nơi mà tầm nhìn bị hạn chế.
- Khi có xe chạy ngược chiều đến.
- Khi xe phía trước đang ra tín hiệu xin vượt xe khác.
- Khi điều kiện an toàn về thời tiết hoặc đường sá không đảm bảo.
- Ở đường ngang, đường giao nhau.
- Khi gặp đoàn xe hành quân mà phía sau có cắm cờ đỏ hoặc đoàn xe có cảnh sát đi hộ tống.
- Khi xe điện đang đỗ có người lên xuống.
Điều 20.
Xe tránh nhau.Khi hai xe đi ngược chiều gặp nhau thì cả hai người lái xe phải điều khiển xe tránh nhau về phía bên phải chiều chạy của xe mình.
Ở
chỗ đường hẹp phải giảm tốc độ, nếu cần một xe phải dừng lại để cho xe kia đi.Nếu chỗ đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và bố trí chỗ tránh thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí ấy nhường đường cho xe kia đi.
Ban đêm các xe cơ giới đi ngược chiều nhau thì phải chuyển từ đèn chiếu xa sang đèn chiếu gần và trong khu đông dân cư chỉ được dùng đèn chiếu gần.
Điều 21.
Dừng xe, đỗ xe.a) Khi muốn dừng và đỗ xe, người lái xe phải ra hiệu kịp thời cho xe dừng hay đỗ dọc sát theo lề đường hoặc vỉa hè bên phải, bánh xe gần nhất không được cách xa vỉa hè lề đường quá 0,25 m và không gây trở ngại hay nguy hiểm giao thông.
b) Những nơi có biển cấm đỗ người lái xe có thể dừng lại theo quy định ở điểm a trên đây, nhưng người lái xe phải giữ tay lái và không được tắt máy.
c)
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân tỉnh) quy định cấm hoặc giới hạn việc dừng, đỗ xe trên những đoạn đường cần thiết trong phạm vi lãnh thổ của tỉnh, thành phố.d) Những xe vận tải muốn dừng hay đỗ ở những địa điểm đã có lệnh cấm để xếp dỡ hàng hoá thì phải có giấy phép của lực lương cảnh sát giao thông trật tự.
e) Xe chở khách công cộng phải dừng, đỗ đúng trạm bến đã quy định của
Ủy ban nhân dân tỉnh để hành khách lên xuống.g) Khi đỗ, người lái xe phải quan sát phía trước, phía sau cẩn thận mới được mở cửa để không gây nguy hiểm cho người và xe khác. Sau khi đỗ xe người lái xe phải tiến hành các biện pháp an toàn cho xe mới được rời khỏi xe.
h) Cấm dừng, đỗ xe trong các trường hợp sau đây:
- Bên trái của đường một chiều.
- Khi phần mặt đường chỉ đủ cho một làn xe đi.
- Gần các biển báo hiệu đường bộ có thể làm che khuất các báo hiệu đó.
- Trên những đoạn đường cong và gần đầu dốc nếu tầm nhìn cả hai phía bị che khuất trong vòng 50 m.
- Trong những đường giao nhau và trong khoảng 5 m trước khi vào đường giao nhau.
- Trên phần đường dành cho người đi bộ băng qua đường.
- Trên đường ngang và cách chắn đường ngang dưới 10 m, hoặc cách ray ngoài cùng dưới 20 m nơi không có cổng chắn (trừ trường hợp phải dừng hoặc đỗ xe khi chờ xe lửa đi qua).
- Trong khoảng 5 m cách đường vào cơ quan, xí nghiệp...
- Trên đường xe điện và chỗ xe điện đỗ.
Trên các ô kẻ trên mặt đường dành làm chỗ đậu cho xe chở khách công cộng.
- Trên miệng các cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế... ngầm, các chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước
- Trên vỉa hè đương phố; trong công viên, vườn hoa.
- Trên cầu, gần đầu cầu, trong đường hầm, dưới cầu chui.
- Song song với một xe khác đang dừng hay đỗ (ở những đường phố hẹp phải dừng hoặc đỗ xa xe bên kia đường tối thiểu là 20 m)
i) Các loại xe cơ giới khi dừng (máy vẫn nổ) người lái xe không được rời khỏi xe.
k) Khi xe bị hỏng hoặc để rơi hàng hoá xuống đường ảnh hưởng đến giao thông, thì người lái xe phải tìm mọi biện pháp đưa xe vào sát lề đường bên phải (chỗ không có biển cấm đỗ xe) và thu dọn ngay hàng hoá rơi vãi.
Điều 22.
Qua đường giao nhau.
Khi gần đến đường giao nhau, người lái xe phải giảm bớt tốc độ và báo hiệu các xe khác biết.
Khi nhiều xe đến đường giao nhau cùng một lúc, thì người lái xe phải nhường đường cho xe từ bên phải đến; trừ các trường hợp sau đây:
a) Khi đến đường giao nhau có vòng xuyến, quyền ưu tiên dành cho xe đi ở bên trái trong vòng xuyến.
b) Khi gặp báo hiệu dừng lại (Stop) người lái xe phải dừng lại về phía bên phải đường của mình trước vạch dừng lại hoặc trước vạch sơn hay hàng đinh thứ nhất của phần đường dành cho người đi bộ.
c) Tại những đường giao nhau giữa một đường ưu tiên với một đường không ưu tiên hoặc một đường chính với một đường phụ thì quyền ưu tiên dành cho các xe đang chạy trên đường ưu tiên và trên đường chính bất kỳ hướng nào tới.
d) Những xe ô tô có quyền ưu tiên, quy định ở Điều 24 dưới đây, được quyền ưu tiên khi qua đường giao nhau bất kể đi từ hướng nào tới.
Điều 23.
Qua đường ngang (đường xe lửa).
a) Tại các đường ngang quyền ưu tiên thuộc về các phương tiện vận tải chạy trên đường ray.
b) Trên các đường ngang có cổng chắn khi đèn tín hiệu đã bật sáng màu đỏ hoặc cổng chắn đường ngang đã đóng thì tất cả các loại xe cộ kể cả những xe có quyền ưu tiên đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và cách tối thiểu là 3 m.
c) Ở các đường ngang không có phòng vệ, ngưới lái xe phải chú ý quan sát nếu thấy xe lửa sắp tới đường ngang thì phải dừng xe lại về bên phải đường của mình và cách đường ray ngoài cùng trở ra, tối thiểu là 5 m.
Điều 24.
Quyền ưu tiên của một số xe khi qua đưòng giao nhau.
a) Những xe ô tô sau đây được quyền ưu tiên đi trước các loại xe khác khi qua đường giao nhau:
1. Xe chữa cháy đi đến nơi cháy để làm nhiệm vụ.
2. Xe quân sự, xe công an nhân dân đi làm nhiệm vụ đặc biệt khẩn cấp.
3. Xe cứu thương đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu (ngoài 2 trường hợp này xe cứu thương không được quyền ưu tiên).
4. Đoàn xe có cảnh sát đi trước dẫn đường.
b) Những loại xe quy định ở điểm 1, 2, 3 Mục a của Điều này khi làm nhiệm vụ khẩn cấp không bắt buộc hạn chế tốc độ; có thể đi vào đường ngược chiều và bất cứ đường nào mà xe có thể đi được để ứng phó kịp thời với tình hình xảy ra; xe phải phát tín hiệu riêng quy định ở Điều 6, Điều 7.
Điều 25.
Cấm cắt ngang đoàn xe, đoàn người.Cấm các loại xe chạy cắt ngang một đoàn xe, một đoàn tang hay một đoàn người có tổ chức đi theo hàng ngũ.
Điều 26.
Xe ô tô đi thành đoàn.a) Trên đường giao thông công cộng, các xe ô tô khi chạy thành từng đoàn có tổ chức thì mỗi đoàn không được dài quá 250 m xếp theo hàng một, nếu có nhiều đoàn thì đoàn nọ cách đoàn kia 100 m và xe nọ cách xe kia 20 m.
(Điều này không áp dụng với đoàn xe cảnh sát dẫn đường).
b) Xe thô sơ do người kéo, đẩy hoặc súc vật kéo đi thành đoàn phải chia thành từng tốp, một tốp không quá 4 xe, tốp nọ cách tốp kia 25 m theo hàng một và xe nọ cách xe kia ít nhất là 5 m.
Điều 27.
Xe qua phà, qua cầu phao.
a) Khi đến bến phà, bến cầu phao, các loại xe phải xếp hàng có trật tự đúng nơi quy định, không làm cản trở giao thông.
b) Khi xe qua phà mọi người trên xe phải xuống xe, trừ người lái và những người mắc bệnh nặng không thể đi được.
c) Các loại xe cơ giới phải xuống phà trước rồi mới đến hành khách và xe cơ giới chỉ được lên bến khi hành khách lên bến hết (trừ loại phà có bố trí cho hành khách lên xuống phà và chỗ ngồi trên phà riêng biệt với các loại xe).
Điều 28.
Những xe ưu tiên qua phà trước.Các loại xe sau đây khi cấp giấy được ưu tiên qua phà trước các loại xe khác theo thứ tự sau:
1. Các loại xe ghi ở điểm 1, 2, 3 của Điều 24 Điều lệ này.
2. Xe hộ đê khi có báo động số 2 trở lên.
3. Xe chở các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
4. Đoàn xe có xe cảnh sát đi trước dẫn đường.
5. Đoàn xe tang.
6. Xe đi làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông khẩn cấp ở phía trước.
7. Xe chở thư báo.
8. Xe phục vụ những yêu cầu đột xuất có tính chất khẩn cấp như cứu mùa màng, chống dịch v.v...và xe chở thực phẩm tươi sống.
9. Xe chở khách công cộng.
Nếu các xe cùng một loại ưu tiên như nhau đến bến phà cùng một lúc thì xe nào đến trước sẽ qua phà trước.
Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể nội quy ưu tiên qua phà và cấp giấy "ưu tiên qua phà" cho các loại xe.
Điều 29.
Kéo xe khác theo sau, kéo rơ moóc.
a) Một xe ô tô chỉ được kéo theo sau một xe khác khi xe này không còn tự động chạy được.
Việc buộc nối giữa xe kéo và xe được kéo phải đảm bảo thật chắc chắn.
Xe kéo nhau trên đường đèo dốc hoặc qua phà, cầu phao, cầu treo nếu bộ phận hãm của xe được kéo đã mất hiệu lực hoặc là loại hãm hơi thì không được dùng dây cáp để kéo mà phải dùng thành cứng làm càng kéo.
b) Trên xe hỏng được xe khác kéo phải có ngưới cầm lái, hệ thống lái của xe đó phải còn có hiệu lực. Cấm chở người trên xe được kéo.
c) Xe đã kéo rơ moóc (kể cả sơ mi rơ moóc) không được kéo thêm xe khác.
d) Đằng trước của xe kéo phải có biển báo hiệu kéo xe.
đ) Xe ô tô không được kéo xe cơ giới 2-3 bánh hay kéo lê một vật gì trên đường.
e) Cấm các loại xe 2-3 bánh có hay không có động cơ kéo nhau hoặc vật gì khác trên đường.
Điều 30.
Tập lái xe cơ giới.Khi tập lái xe ô tô trên đường giao thông công cộng, người lái xe phải có giấy phép và phải có giáo viên dạy lái ngồi bên cạnh.
Những xe tập lái chạy trên đường giao thông công cộng phải có biển tập lái "tập lái" gắn phía trước và phía sau xe theo quy định của Bộ Nội vụ.
Các xe ô tô chuyên dùng vào việc dạy lái phải trang bị thêm bộ phận hãm phụ và gương phản chiếu hậu để giáo viên sử dụng khi cần thiết.
Điều 31.
Điều khiển xe súc vật kéo.Người điều khiển xe súc vật kéo đi trên đường giao thông công cộng phải luôn luôn đi bên cạnh xe. Cấm nằm hoặc ngồi trên xe để điều khiển xe (trừ xe ngựa chuyên chở khách) hoặc rời khỏi xe. Khi xe súc vật kéo đi trong thành phố, thị xã, thị trấn phải có dụng cụ hứng phân súc vật; không được làm mất vệ sinh đường phố.
Nghiêm chỉnh chấp hành các biển báo hiệu trên đường bộ. Khi dừng hay đỗ xe phải sát lề đường hoặc vỉa hè không quá 0,25 m, súc vật kéo phải buộc cẩn thận trên lề đường hoặc vỉa hè.
Điều 32.
Người điều khiển xe đạp.Người điều khiển xe đạp phải chấp hành các quy định sau đây:
a) Không được đi xe đạp trên hè phố, vườn hoa, công viên và những nơi có biển cấm đi xe đạp.
b) Khi điều khiển xe đạp trên đường không được buông thả cả hai tay, hoặc kéo xe khác, không được phóng bừa, vượt ẩu hoặc có hành động khác gây nguy hiểm trên đường, không được đi hàng ngang từ 3 xe trở lên. Cấm rẽ trái, rẽ phải trước đầu xe cơ giới.
c) Chỉ được dừng, đỗ xe khi đã ở vị trí sát lề đường hay vỉa hè hoặc đến đường giao nhau có đèn đỏ (hay có người điều khiển giao thông chưa cho qua) và phải dừng trước hàng đanh (hay vạch sơn kẻ) thứ nhất, không được đẻ nghênh ngang giữa phần đường của xe chạy làm cản trở giao thông.
d) Không được chở từ ba người trở lên; người chở cũng như người được chở không được mang vác các vật cồng kềnh và kéo theo vật gì hay dắt súc vật chạy theo.
e) Trẻ em dưới 12 tuổi không được đi loại xe đạp người lớn.
Điều 33.
Nghiêm cấm người điều khiển các loại xe.
a) Do tình trạng sức khoẻ không làm chủ được tốc độ xe.
b) Người lái xe đang làm nhiệm vụ điều khiển xe trên đường không được uống rượu, bia và các chất kích thích khác.
c) Không có đủ giấy tờ đã quy định như:
- Bằng lái xe loại xe đó (nếu lái loại xe phải có bằng) và phiếu kiểm soát lái xe.
- Giấy đăng ký xe.
- Giấy phép lưu hành xe (nếu là loại xe phải có giấy phép lưu hành), phí giao thông, bảo hiểm v.v...
- Đối với xe ô tô chuyên chở hàng hoá hoặc hành khách còn phải có các giấy tờ liên quan đến việc chuyên chở hàng hoá hoặc hành khách như: giấy đi đường, giấy vận chuyển, giấy phép chạy nội tỉnh hoặc liên tỉnh theo luật lệ hiện hành.
Điều 34.
Việc vận chuyển hành khách.a) Các loại xe cơ giới và thô sơ chở khách công cộng phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về vận tải hành khách:
- Không được chở quá số hành khách đã quy định ghi trong giấy phép.
- Cấm chở các chất độc hại, dễ nổ, dễ bắt cháy hoặc những chất có ảnh hưởng đến sức khoẻ của hành khách.
- Phải chạy đúng tuyến đường cho phép và chỉ được dừng xe, đỗ xe để hành khách lên xuống ở các bến, trạm do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành quy định.
- Xe chỉ được chuyển bánh khi hành khách trong xe đã ổn định chỗ ngồi, các cửa lên xuống đã đóng chắc chắn, không được để người đứng, người ngồi ở bậc lên xuống hay trên nóc xe, bám vào thành xe (kể cả nhân viên phục vụ trên xe) hoặc thò đầu, thò tay ra ngoài cửa sổ xe.
Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép hoạt động và quy định luồng, tuyến chạy đối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng.
b) Xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy ngoài người lái chỉ được chở một người ngồi ở phía sau . Nếu có ghế ngồi chắc chắn có thể chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi (trường hợp không có ghế ngồi riêng thì người ngồi phía sau bế hoặc ngồi giữa người lái và người ngồi phía sau).
Điều 35.
Việc dùng xe ô tô vận tải hàng hoá để chở hành kháchViệc dùng xe ô tô vận tải hàng hóa để chở hành khách phải đúng các quy định sau đây:
a) Phải có giấy phép của cảnh sát giao thông trật tự cấp tỉnh trở lên.
b) Người lái xe phải có bằng lái xe ô tô chở khách có từ 10 chỗ ngồi trở lên hoặc bằng lái xe vận tải hàng hoá có tổng trọng lượng từ 3,5 tấn hoặc bậc 2 trở lên.
c) Xe phải có mui bạt và ghế ngồi chắc chắn gắn vào sàn xe, không được để người ngồi trên thành bên.
d) Các quy định trong Điều này không áp dụng đối với xe quân sự, xe công an khi chở cán bộ, chiến sỹ đi làm nhiệm vụ, xe chở người bị nạn, xe phục vụ chống thiên tai- địch phá hoại...
Điều 36.
Những trường hợp xe ô tô vận tải hàng hoá không được chở người
Xe vận tải hàng hoá không được dùng để chở người trong các trường hợp sau đây:
a) Thùng xe không có thành hoặc trong thùng xe dỡ hàng tự động và trên các xe chuyên dùng khác.
b) Trên rơ moóc dùng để chở hàng hoá theo ô tô hoặc máy kéo.
c) Trên xe có hàng hoá các loại và xe có kéo theo rơ moóc
Điều 37.
Xe chở hàng hoá
a) Các loại xe cơ giới và thô sơ không được chở hàng hoá quá trọng tải quy định đối với từng loại xe. Hàng hoá chở trên xe phải được xếp đặt gọn gàng để không gây cản trở cho việc điều khiển xe và phải chằng buộc cẩn thận không để rơi vãi dọc đường hoặc kéo lê trên mặt đường.
b) Hàng hoá xếp trên xe thô sơ do người hoặc súc vật kéo đẩy, không được để chồm ra phía trước, phía sau xe hoặc ra ngoài hai bên thành xe.
c) Khi hàng chở chồm ra khỏi thùng xe (phía sau) dù chưa tới mức tối đa, thì ban ngày phải có một lá cờ đỏ treo ở điểm cuối cùng của hàng hóa nhô ra phía sau xe; ban đêm hoặc khi tối trời phải có đèn soi rõ báo hiệu này.
d) Việc xếp dỡ hàng hoá lên xuống xe vào ban đêm từ 22 giờ đến 4 giờ sáng trong khu đông dân cư không được gây tiếng động lớn.
e) Những xe chở hàng rời (vôi, cát, đất, than, rác...) phải áp dụng các biện pháp để không làm rơi vãi ra đường và gây bụi khi xe chạy.
Điều 38.
Người đi bộ
Người đi bộ phải tuân theo các quy định sau đây:
a) Phải đi trên vỉa hè, lề đường. Người đi bộ có thể đi trên lòng đường nơi không có vỉa hè, lề đường nhưng phải đi sát mép đường về bên tay phải của mình.
b) Tại các đường giao nhau có đèn báo hiệu hoặc có người chỉ huy giao thông, người đi bộ muốn sang qua đường phải sử dụng lối đi dành riêng và theo báo hiệu bằng đèn màu hay hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông.
Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường phải có người lớn dẫn dắt.
c) Không được nhảy lên, nhảy xuống hoặc bám vào tàu, xe đang chạy. Không được đặt ngổn ngang, mang vác hay gồng gánh trên lòng đường. Nếu mang vác những vật dài (tre, nứa...) phải đi dọc và sát lề đường về bên tay phải của mình; khi quay trở phải quan sát để không gây trở ngại cho các phương tiện và người ở xung quanh.
d) Khi qua đường ngang phải nhanh chóng vượt qua, nếu đường ngang mà cổng chắn đã đóng thì phải đi trên cầu vượt (nếu có) hoặc phải dừng lại cách xa cổng chắn ít nhất là 1m. Ở nơi không có cổng chắn phải quan sát thận trọng, nếu có xe lửa sắp tới thì phải dừng lại cách ray ngoài cùng ít nhất là 5m.
Điều 39.
Dẫn dắt súc vật, cưỡi lừa, ngựa...a) Súc vật đi từng đàn trên đường giao thông công cộng phải có người coi dẫn, phải cho súc vật đi sát vào lề đường bên tay phải mình.
b) Trong thành phố, thị xã chỉ được dẫn đàn súc vật đi theo những đường và vào những giờ quy định. Người coi dẫn phải có dụng cụ hứng phân súc vật.
c) Cấm cưỡi lừa, ngựa, trâu, bò trong thành phố, thị xã và thả rông súc vật hoặc buộc súc vật trên đường kể cả súc vật dùng vào việc kéo xe, thồ hàng hay để cưỡi
CHƯƠNG IV
XỬ LÝ NHỮNG VI PHẠM TRẬT TỰ AN TOÀN
GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 40.
Phạt tiền, bồi thường, giữ xe, ghi lỗi và cắt ô phiếu kiểm soát lái xe
a) Phạt tiền (theo pháp luật hiện hành quy định).
b) Phạt bồi thường: Người điều khiển xe phải bồi thường những thiệt hại về tài sản của Nhà nước hoặc của nhân dân do mình gây ra.
c) Giữ xe: Đình chỉ lưu hành xe và tuỳ từng trường hợp tạm giữ xe từ 1 ngày đến 30 ngày, nhưng không được để ảnh hưởng đến sự vận chuyển hàng hoá hợp pháp trên xe. Những xe bị tạm giữ, người điều khiển xe phải trả tiền trông coi.
d) Ghi lỗi và cắt ô phiếu kiểm soát lái xe
Điều 41:
Thu hồi bằng lái xe và phiếu kiểm soát lái xe
Người lái xe bị thu bằng trong những trường hợp sau đây:
a) Gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy.
b) Gây tai nạn nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến tài sản xã hội chủ nghĩa, đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
c) Lái ẩu gây nguy hiểm hoặc lấn át khi vượt hay cố ý không chịu nhường đường.
d) Sử dụng xe vào trong những hoạt động trái pháp luật.
đ) Đã bị cắt cả 3 ô phiếu ghi vi phạm trong phiếu kiểm soát lái xe.
e) Không đủ điều kiện để lái xe
Thời hạn thu hồi bằng lái xe sẽ tuỳ theo tính chất, mức độ số lần vi phạm để quyết định. Khi đã thu hồi bằnglái xe thì đồng thời thu hồi cả phiếu kiểm soát lái xe
Bộ Nội vụ quy định cụ thể từng mức thời hạn thu hồi bằng lái xe.
Điều 42.
Thu hồi giấy phép lưu hành xeNếu người lái xe vi phạm một trong những điểm dưới đây thì xe có thể bị tạm giữ và cơ quan có xe hoặc chủ xe có thể bị thu hồi có thời hạn giấy phép lưu hành xe.
a) Xe chạy không có đủ thiết bị an toàn hoặc có nhưng đã mất hiệu lực.
b) Giao xe cho người không có bằng lái xe hoặc có nhưng không hợp lệ để lái.
c) Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ Nội vụ quy định cụ thể việc thu hồi giấy phép lưu hành xe.
Điều 43.
Quyền xử lý của lực lượng cảnh sát giao thông trật tự.
Chỉ lực lượng cảnh sát giao thông trật tự được quyền xử lý những vi phạm Điều lệ này với các hình thức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền và các hình thức phạt khác theo luật lệ hiện hành.
b) Cắt ô phiếu ghi vi phạm trong phiếu kiểm soát lái xe.
c) Thu hồi bằng lái, giấy phép lưu hành xe, phiếu kiểm soát lái xe, giấy đăng ký xe.
Bộ Nội vụ quy định cụ thể quyền xử lý của các cấp trong lực lượng cảnh sát giao thông trật tự đối với những vi phạm trên đường bộ.
Điều 44.
Quyền xử lý của các cấp giao thông vận tải.Các cán bộ nhân viên giao thông vận tải được uỷ nhiệm làm nhiệm vụ: Kiểm tra bảo vệ cầu đường cùng các công trình khác thuộc đường bộ, hành lang bảo vệ cầu đường, kiểm tra các xe ô tô vận tải hành khách, hàng hoá công cộng, xe bánh xích, xe chở quá nặng, quá khổ giới hạn không có giấy phép, không chạy đúng luồng tuyến do Bộ Giao thông vận tải quy định có quyền:
- Lập biên bản các vụ vi phạm
- Phạt tiền theo quy định của luật lệ hiện hành
- Đòi bồi thường đối với những vi phạm gây thiệt hại cho các công trình giao thông .
- Đình chỉ các xe chở hành khách, hàng hoá công cộng, xe bánh xích, xe chở quá nặng, quá khổ giới hạn nếu không có giấy phép, không chạy đúng luồng tuyến đã quy định.
Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể quyền hạn, nhiệm vụ, giấy uỷ nhiệm cho các cấp trong ngành.
Điều 45.
Thực hiện những nhiệm vụ khẩn cấp để ngăn ngừa tai nạn.Người điều khiển phương tiện vi phạm luật lệ giao thông vận tải có thể dẫn đến tai nạn nguy hiểm, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến cầu đường thì cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông và cán bộ giao thông vận tải quy định ở Điều 43, Điều 44 của Điều lệ này có quyền áp dụng những biện pháp cấp bách như sau:
a) Lập biên bản về việc tạm giữ các giấy tờ của phương tiện, biên bản cần gửi tới cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện này để làm thủ tục xử lý theo kiến nghị của cán bộ có trách nhiệm đã lập biên bản. Trong vòng 3 ngày kể từ khi lập biên bản thu giữ giấy tờ, cơ quan công an phải xem xét và khẩn trương xử lý ngay ( chậm nhất là 5 ngày phải giải quyết xong).
b) Không cho tiếp tục điều khiển xe khi thấy người điều khiển phương tiện do uống rượu, bia hoặc dùng các chất kích thích khác không đảm bảo an toàn.
c) Không cho phương tiện chạy tiếp tục trên đường khi thấy thiết bị an toàn chủ yếu của phương tiện đã bị hỏng, mất hiệu lực hoặc xe bánh xích, xe quá khổ, quá nặng chở hành khách hàng hoá công cộng chạy trái phép trên đường giao thông công cộng.
d) Yêu cầu các cơ quan, xí nghiệp và người đã để chướng ngại vật choán mặt đường hoặc làm bất cứ việc gì trên đường đang gây nguy hiểm hay cản trở giao thông phải thu dọn ngay những chướng ngại vật đó.
Trường hợp cần thiết những cán bộ có trách nhiệm trên đây có quyền vận động lực lượng, phương tiện đến thu dọn các chướng ngại vật đó để kịp thời ngăn ngừa tai nạn và đảm bảo cho giao thông thông suốt. Mọi phí tổn do cơ quan, xí nghiệp và người vi phạm phải trả.
CHƯƠNG V
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT VÀ KHIẾU NẠI
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 46.
Những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, cán bộ, nhân viên ngành giao thông vận tải làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, kiểm tra các phương tiện vận tải thi hành tốt Điều lệ này sẽ được khen thưởng. Nếu không chấp hành đúng Điều lệ này hoặc lợi dụng quyền hạn để làm những việc trái pháp luật thì tuỳ theo tính chất mức độ của sự vi phạm mà xử lý: kỷ luật hành chính hoặc truy tố trước pháp luật; trong khi thừa hành nhiệm vụ để xử phạt không nghiêm minh với các hành vi sai phạm thì tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ mà xử lý theo luật hành chính hoặc truy tố trước pháp luật.
QUYỀN KHIẾU NẠI VÀ PHÁT GIÁC
Điều 47.
Mọi cơ quan và công dân có quyền khiếu nại hoặc phát giác những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông và cán bộ công nhân viên ngành giao thông vận tải khi thi hành nhiệm vụ không đúng quy định của Điều lệ. Các cơ quan quản lý cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông và cán bộ nhân viên ngành giao thông vận tải đã vi phạm Điều lệ phải giải quyết và trả lời cho người khiếu nại chậm nhất là 30 ngày.
Điều 48.
Các lực lượng cảnh sát giao thông - trật tự và lực lượng kiểm tra giao thông vận tải khi làm nhiệm vụ phải mặc sắc phục có đầy đủ phù hiệu, biển số đeo trước ngực, có giấy uỷ nhiệm của cấp có thẩm quyền (hoặc chứng minh thư công an) cấp. Khi xử phạt phải ghi, xuất biên lai đầy đủ, rõ ràng và giữ gìn cẩn thận những giấy tờ tạm giữ (có giấy biên nhận cụ thể) của người vi phạm, chịu mọi trách nhiệm khi để thất lạc giấy tờ. Trong giao tiếp với người bị vi phạm, tác phong phải hoà nhã lịch sự; nghiêm túc, đảm bảo đúng quyền bình đẳng trước pháp luật.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 49.
Những điều quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước đây trái với Điều lệ này đều bãi bỏ.