QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển ngành
Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đến năm 2010
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 05 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Xây dựng; Thương mại; Ngân hàng Nhà nước;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Tiêu dùng và Thực phẩm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đến năm 2010, với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu tổng quát
- Xây dựng ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam thành một ngành kinh tế mạnh. Khuyến khích sử dụng nguyên liệu trong nước, phát triển sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có uy tín, thương hiệu hàng hoá mạnh trên thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng hoá về chủng loại, cải tiến bao bì, mẫu mã; phấn đấu hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới;
- Khuyến khích hình thành các doanh nghiệp mạnh, tập đoàn kinh tế trên cơ sở góp vốn liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất bia - rượu - nước giải khát thuộc mọi thành phần kinh tế.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2005 sản xuất 1.530 triệu lít bia, 83 triệu lít rượu và 911 triệu lít nước giải khát;
- Đến năm 2010 sản xuất 3.500 triệu lít bia, 145 triệu lít rượu và 1.650 triệu lít nước giải khát.
2. Quy hoạch phát triển sản phẩm và bố trí quy hoạch
a) Quy hoạch sản phẩm
- Sản xuất bia: Tập trung đầu tư các nhà máy có công suất lớn thiết bị hiện đại, sản xuất kinh doanh hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về môi trường theo quy chuẩn của nhà nước. Sản phẩm bia phải tuân thủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng và giá thành được người tiêu dùng chấp nhận;
- Sản xuất rượu: Đầu tư các nhà máy sản xuất rượu có công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng các loại rượu đặc sản, truyền thống để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hợp tác, liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài để sản xuất các loại rượu có chất lượng cao, sử dụng nguyên liệu trong nước. Có biện pháp thích hợp để giảm dần rượu nấu bằng phương pháp thủ công, nhiều độc hại đối với sức khoẻ người tiêu dùng;
- Sản xuất nước giải khát: Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất nước giải khát từ nguồn nguyên liệu trong nước, trong đó ưu tiên sản xuất nước giải khát từ hoa quả.
b) Quy hoạch theo vùng và lãnh thổ
Bố trí các nhà máy sản xuất bia, rượu và nước giải khát trên toàn quốc được xác định thành 6 vùng (có phụ lục kèm theo). Thực hiện sự phát triển cân đối theo vùng lãnh thổ, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương.
3. Nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư
Tổng vốn đầu tư cho ngành Bia - Rượu - Nước giải khát giai đoạn 2005 đến 2010 là:
34.690 tỷ đồng (có phụ lục kèm theo)
Trong đó:
- Vốn cho sản xuất bia: 31.809 tỷ đồng;
- Vốn cho sản xuất rượu: 807 tỷ đồng;
- Vốn cho sản xuất nước giải khát: 2.074 tỷ đồng.
Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước huy động vốn để đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất bia, rượu, nước giải khát nhằm thực hiện các mục tiêu của quy hoạch.
4. Hệ thống các giải pháp và chính sách để thực hiện Quy hoạch
a) Các giải pháp về công nghệ
- Đối với các dự án đầu tư nhà máy mới: Chú trọng đầu tư các nhà máy có công suất lớn, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến;
- Đối với các dự án đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu: Thực hiện triệt để việc hiện đại hoá công nghệ, thay thế công nghệ và thiết bị lạc hậu hiện có bằng công nghệ và thiết bị hiện đại, tiên tiến của thế giới;
- Khuyến khích các doanh nghiệp thông qua liên doanh, liên kết thực hiện chuyển giao công nghệ để sản xuất thiết bị (thiết bị sản xuất bia, rượu, nước giải khát) trong nước đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật hiện đại. Khuyến khích sử dụng thiết bị chế tạo trong nước tương đương chất lượng thiết bị nhập khẩu cho các dự án đầu tư;
- Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu (đại mạch, hoa quả...) thông qua việc liên kết với nông dân và các địa phương để xây dựng các trang trại trồng cây ăn quả và cây nguyên liệu khác. Khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học trong việc chọn giống, trồng và sơ chế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đại mạch, hoa quả đáp ứng được yêu cầu nguyên liệu cho sản xuất.
b) Giải pháp về vốn và đầu tư
- Tập trung đầu tư các nhà máy có công suất lớn trên 100 triệu lít/năm, phát huy tối đa và mở rộng năng lực sản xuất của các nhà máy có thiết bị và công nghệ tiên tiến, đẩy nhanh việc cải tạo, mở rộng và hiện đại hoá các nhà máy có quy mô nhỏ thiết bị lạc hậu;
- Đa dạng hoá hình thức đầu tư và phương thức huy động vốn, khuyến khích huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thông qua việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu, liên doanh, liên kết;
Đẩy mạnh việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước kể cả các tổng công ty nhà nước. Khuyến khích các công ty cổ phần thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán;
c) Giải pháp về khoa học và đào tạo
- Quy hoạch và xây dựng các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm có đủ điều kiện triển khai nghiên cứu thực nghiệm, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất;
- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của ngành phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nước. Tổ chức kiểm tra thường xuyên việc chấp hành tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Kết hợp đào tạo ngắn hạn với đào tạo chính quy, kết hợp giữa đào tạo mới và đào tạo lại.
d) Giải pháp về tổ chức quản lý
- Tiến hành cổ phần hoá Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn theo từng giai đoạn và giảm dần vốn thuộc sở hữu nhà nước;
- Sắp xếp lại các nhà máy sản xuất bia, rượu, nước giải khát thuộc sở hữu nhà nước hoạt động không hiệu quả theo các hình thức sáp nhập, cổ phần hoá, chuyển hướng sản xuất kinh doanh, bán, khoán, cho thuê và các hình thức khác;
- Tăng cường kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, nghĩa vụ nộp ngân sách, tăng cường quản lý thông qua việc đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng và thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo phát triển ngành theo Quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt.
2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hoá Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam trên địa bàn tỉnh, thành phố; tham gia với các Bộ, ngành kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quy hoạch này để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
3. Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam phối hợp với Bộ Công nghiệp, các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy hoạch; hướng dẫn các doanh nghiệp trong Hiệp hội chấp hành Quy hoạch và các quy định khác của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.