Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 53-HĐBT ngày 26-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
- Ban hành tạm thời Thể lệ tín dụng ngắn hạn đối với tư nhân, cá thể và kinh tế gia đình.
Điều 2.
- Thể lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các thể lệ tín dụng liên quan của Ngân hàng Nhà nước đã ban hành trước đây.
Điều 3.
- Tổng Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam hướng dẫn cụ thể đối với từng lĩnh vực kinh tế.
Điều 4.
- Các đồng chí Chánh văn phòng, Tổng Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam, Vụ trưởng, Viện trưởng của Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và chi nhánh Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố, đặc khu hay khu vực chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.
THỂ LỆ
TÍN DỤNG NGẮN HẠN ĐỐI VỚI
TƯ NHÂN, CÁ THỂ VÀ KINH TẾ GIA ĐÌNH
(Ban hành theo Quyết định số 18-NH/QĐ ngày 27-4-1988
của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ).
PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
- Ngân hàng cho các tư nhân, cá thể và người làm kinh tế gia đình (gọi tắt là khách hàng) vay vốn ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm tận dụng mọi tiềm năng về vật tư, thiết bị, lao động và tiền vốn để phát triển sản xuất, tăng thêm sản phẩm xã hội.
Điều 2.
- Tín dụng vốn ngắn hạn phải bảo đảm có hiệu quả kinh tế (có vật tư bảo đảm, sử dụng vốn đúng mục đích), hoàn trả vốn và lãi đúng hạn.
Điều 3.
- Khách hàng muốn vay vốn Ngân hàng phải có đủ các điều kiện:
1. Có đăng ký kinh doanh hợp pháp hoặc được phép hành nghề;
2. Có hộ khẩu thường trú tại địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh) nơi vay vốn;
3. Có vốn tự có theo quy định của Ngân hàng;
4. Có tài sản thế chấp để bảo đảm nợ vay;
5. Chấp nhận thể lệ tín dụng của Ngân hàng.
Điều 4.
- Đối tượng tín dụng vốn ngắn hạn gồm:
- Các chi phí về xây dựng và mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh; mua và sửa chữa thiết bị, công cụ sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, vận tải, xây dựng, nuôi và đánh bắt thuỷ hải sản.
- Các chi phí để dự trữ, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; dịch vụ sản xuất, sửa chữa, xây dựng, vận chuyển.
Điều 5.
- Giá để tính toán và cho vay theo mức giá khách hàng chấp thuận trả cho bên bán.
Khách hàng chịu trách nhiệm hoàn toàn về chấp hành chính sách giá của Nhà nước.
Điều 6.
- Thời hạn tín dụng vốn ngắn hạn nói chung không quá 6 tháng. Thời hạn vay cụ thể do khách hàng và Ngân hàng thoả thuận.
Trường hợp đặc biệt có hướng dẫn riêng, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Điều 7.
- Lãi suất tín dụng vốn ngắn hạn thực hiện theo khung lãi suất do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.
Điều 8.
- Khách hàng vay vốn tại chi nhánh Ngân hàng nơi mở tài khoản tiền gửi. Ngân hàng mở cho khách hàng một tài khoản cho vay thông thường.
PHẦN THỨ HAI
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 9.
- Mỗi lần vay vốn, khách hàng làm "Đơn xin vay" gửi chi nhánh Ngân hàng. Trong phạm vi 3 ngày làm việc, nếu Ngân hàng chấp thuận cho vay thì làm khế ước kiêm kỳ hạn nợ (mỗi tháng một kỳ hạn nợ); nếu không chấp thuận cho vay, phải báo cho khách hàng biết.
Điều 10.
- Mức tiền cho vay cụ thể do khách hàng yêu cầu được Ngân hàng chấp thuận, căn cứ vào kết quả xem xét nhu cầu vay vốn cần thiết, hợp lý của khách hàng sau khi đã tận dụng vốn tự có và trong khả năng nguồn vốn (kể cả bằng tiền mặt) của Ngân hàng.
Điều 11.
- Ngân hàng phát tiền trả thẳng cho bên thụ hưởng theo yêu cầu của khách hàng, không cho vay chuyển vào tài khoản tiền gửi để khách hàng sử dụng dần.
Việc cho vay và trả nợ bằng tiền mặt do khách hàng và Ngân hàng thoả thuận.
Điều 12.
- Lãi suất vay ngắn hạn được ghi vào khế ước kiêm kỳ hạn nợ.
Ngân hàng tính lãi hàng tháng, thu lãi và trả lãi vào một ngày ấn định.
Điều 13.
- Đến hạn trả, khách hàng phải nộp tiền hoặc trích tài khoản tiền gửi để trả nợ Ngân hàng. Nếu khách hàng không trả nợ đúng hạn, Ngân hàng chủ động trích tài khoản để thu hồi nợ.
1. Trường hợp khách hàng không đủ tiền trả nợ, Ngân hàng chuyển sang nợ quá hạn và theo dõi thu hồi hết nợ.
2. Trường hợp khách hàng phá sản hoặc gia nhập các tổ chức kinh tế khác trước hết phải trả đủ vốn và lãi cho Ngân hàng, không phụ thuộc kỳ hạn nợ đã thoả thuận. Nếu khách hàng để thiếu nợ, Ngân hàng thực hiện phong toả tài sản thế chấp.
Điều 14.
- Ngân hàng tiến hành kiểm tra sử dụng vốn vay hàng tháng hoặc đột xuất, ít nhất mỗi tháng một lần. Trường hợp khách hàng vi phạm Thể lệ tín dụng, Ngân hàng áp dụng các chế tài hạn chế hay ngừng cho vay, thu hồi vốn và lãi trước hạn, phong toả tài sản thế chấp, khởi tố.
PHẦN THỨ BA
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15.
- Các Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam, Vụ Kinh tế kế hoạch và Vụ Kế toán - tài vụ chịu trách nhiệm cụ thể hoá, hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Thể lệ này.