Văn bản pháp luật: Quyết định 1801/QĐ-UB

 
Hải Phòng
STP Hải Phòng;
Quyết định 1801/QĐ-UB
Quyết định
22/09/2000
22/09/2000

Tóm tắt nội dung

Về việc thi hành Qui chế quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn thành phố Hải Phòng

 
2.000
 

Toàn văn

Quyết định

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Về việc thi hành Qui chế quản lý đầu tư và xây dựng

trên địa bàn thành phố Hải Phòng

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc ban hành Qui chế quản lý đầu tư và xây dựng; các Thông tư, Quyết định hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn số 215/SXD ngày 18/7/2000,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Qui định về việc thi hành Qui chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hải Phòng".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các qui định trước đây của Uỷ ban nhân dân thành phố trái với qui định ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính - Vật giá, Giao thông công chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Địa chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố và thủ trưởng các ngành, cấp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUI ĐỊNH

Về việc thi hành Qui chế quản lý đầu tư và xây dựng

ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP

của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hải Phòng

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1801/QĐ-UB ngày 22/9/2000

của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

Điều 1. Quyết định đầu tư.

a- Đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước (vốn ngân sách, vốn tín dụng đầu tư do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước) của các tổ chức trực thuộc thành phố, theo phân cấp Uỷ ban nhân dân thành phố được quyết định đầu tư các dự án nhóm B và C.

Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Uỷ ban nhân dân thành phố theo qui định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Riêng các dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng, sau khi được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch vốn hàng năm, Uỷ ban nhân dân thành phố uỷ quyền phê duyệt báo cáo đầu tư như sau:

a.1- Dự án do các Sở quản lý vó mức vốn:

Từ 300 đến 500 triệu đồng, uỷ quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt.

Dưới 300 triệu đồng, uỷ quyền cho Giám đốc Sở chủ quản phê duyệt.

a.2- Dự án do quận, huyện, thị xã quản lý có mức vốn dưới 500 triệu đồng, uỷ quyền cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã phê duyệt.

b- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã được quyết định đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách do Hội đồng nhân dân thành phố phân cấp. Riêng đối với các dự án thuộc nguồn vốn do Hội đồng nhân dân thành phố phan cấp có xã (phường) thì giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã căn cứ vào tình hình thực tế hướng dẫn qui định cụ thể thẩm quyền quyết định đầu tư theo đúng tinh thần Nghị định 52/1999/NĐ-CP.

c- Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước do các doanh nghiệp trực thuộc thành phố làm chủ đầu tư thì các doanh nghiệp căn cứ vào quy hoạch hoặc kế hoạch phát triển ngành đã xác định để quyết định đầu tư các dự án nhóm B, C.

d- Đối với các công trình có quy mô lớn, cao tầng hoặc xây dựng ở những vị trí quan trọng (do Hội đồng Kiến trúc qui hoạch thành phố đề xuất báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định), phương án kiến trúc phải được Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố thông qua trước khi trình Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư.

e- Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã, phường, thị trấn bằng nguồn vốn đóng góp tự nguyện của nhân dân được thực hiện theo Nghị định số 24/1999/NĐ-CP.

Điều 2. Giám định đầu tư.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ các Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân thành phố triển khai công tác giám định đầu tư trên địa bàn thành phố.

Điều 3.

1- Thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật.

Uỷ ban nhân dân thành phố uỷ quyền thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật theo chuyên ngành như sau:

Sở Xây dựng đối với công trình công nghiệp, dân dụng và các công trình khác.

Sở Giao thông công chính đối với công trình giao thông và kỹ thuật đô thị.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với công trình thuỷ lợi, xây dựng đồng ruộng và trồng rừng.

Sở Công nghiệp đối với công trình đường dây tải điện và trạm biến thế.

Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật các công trình xây dựng thuộc dự án do địa phương được uỷ quyền quyết định đầu tư. Riêng những công trình có kỹ thuật phức tạp vượt quá khả năng giải quyết của địa phương, phải được các Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định trước khi phê duyệt thiết kế. Giao cho Giám đốc các Sở có xây dựng chuyên ngành hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật các công trình xây dựng theo chuyên ngành.

2- Thẩm định và phê duyệt tổng dự toán:

a- Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt tổng dự toán các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước có mức vốn từ 01 tỷ đồng trở lên, các dự án quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, các dự án mua sắm máy móc thiết bị không cần lắp đặt có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.

Giao Sở Xây dựng chủ trì cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá và cơ quan duyệt thiết kế kỹ thuật thẩm định tổng dự toán các dự án có xây dựng trình Uỷ ban nhân dân thành phố dueyẹt (riêng dự án nhóm C Sở Xây dựng mời các cơ quan có liên quan tham gia thẩm định nếu xét thấy cần thiết).

Giao Sở Tài chính - Vật giá chủ trì cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở chủ quản thẩm định tổng dự toán các dự án mua sắm máy móc thiết bị không cần lắp đặt trình thành phố duyệt (nếu xét thấy cần thiết Sở Tài chính - Vật giá có thể mời Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tham gia).

b- Uỷ quyền phê duyệt tổng dự toán các dự án dưới mức nói tại phần (a):

Giám đốc các Sở Xây dựng, Giao thông công chính, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với dự án có xây dựng thuộc chuyên ngành như nói ở phần (1) của Điều này.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đối với các dự án được uỷ quyền quyết định đầu tư.

Giám đốc Sở Xây dựng đối với các dự án quy hoạch đô thị và nông thôn; khảo sát lập bản đồ.

Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá đối với dự án mua sắm máy móc thiết bị không cần lắp đặt.

c- Đối với công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước thì doanh nghiệp tự quyết định hình thức thẩm định thiết kế và tổng dự toán và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 4. Quản lý chi phí công trình xây dựng.

Tất cả các dự án sử dụng vốn Nhà nước (bao gồm vốn Trung ương và vốn địa phương) đều phải thực hiện theo Nghị định 52/CP, Nghị định số 12/CP của Chính phủ và các qui định hiện hành về quản lý chi phí công trình xây dựng.

1- Giao cho Giám đốc Sở Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện các qui định của Nhà nước về quản lý chi phí công trình xây dựng trên địa bàn.

2- Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành liên quan xây dựng, lấy ý kiến thoả thuận của Bộ Xây dựng và trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt đơn giá xây dựng cơ bản thành phố Hải Phòng để làm cơ sở xác định giá dự toán xây lắp công trình phục vụ cho công tác lập kế hoạch, quản lý vốn đầu tư các công trình xây dựng cơ bản thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Đối với công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù phải lập đơn giá xây dựng cơ bản riêng, Sở Xây dựng báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố xin chủ trương lập đơn giá mới. Quy trình lập đơn giá riêng cho các công trình nói trên tương tự như lập đơn giá xây dựng cơ bản thành phố Hải Phòng.

Giao cho Sở Xây dựng thẩm định và phê duyệt những đơn giá chưa có trong đơn giá xây dựng cơ bản thành phố Hải Phòng.

3- Về giá vật liệu xây dựng:

Giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính - Vật giá khảo sát và thông báo giá vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố. Mức giá vật liệu xây dựng thông báo chưa tính thuế giá trị gia tăng đầu vào theo Nghị định của Chính phủ qui định để phù hợp với hướng dẫn lập dự toán và thanh quyết toán công trình.

Giao cho Giám đốc Sở Xây dựng duyệt giá vật liệu xây dựng đến chân công trình đối với những loại vật liệu chưa có trong thông báo giá và các công trình xây dựng ở ngoại thành.

Điều 5. Đấu thầu, chỉ định thầu:

Thực hiện theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 04/2000/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các qui định hiện hành khác.

Điều 6. Quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu công trình.

Sở Xây dựng và các Sở quản lý chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện qui định quản lý chất lượng công trình do Bộ Xây dựng ban hành. Thủ trưởng các cơ quan đơn vị sau phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình: Cơ quan thiết kế, thi công, chủ đầu tư, tư vấn, thẩm định thiết kế ... theo qui định của pháp luật.

Sở Xây dựng là cơ quan giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, có trách nhiệm phối hợp với các Sở có xây dựng chuyên ngành hướng dẫn và tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, giám định Nhà nước và báo cáo định kỳ theo qui định về chất lượng công trình trên địa bàn thành phố.

Sở Xây dựng theo dõi, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện việc nghiệm thu công trình theo qui định của Bộ Xây dựng.

Điều 7. Thanh toán vốn đầu tư.

Việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước được thực hiện theo các qui định của Bộ Tài chính.

Căn cứ vào kế hoạch được giao và tiến độ thực hiện dự án, chủ đầu tư lập kế hoạch vốn hàng quí theo qui định gửi Kho bạc Nhà nước thành phố; Kho bạc Nhà nước thành phố có trách nhiệm lập kế hoạch chi hàng quí gửi Sở Tài chính - Vật giá.

Căn cứ vào kế hoạch từng nguồn vốn đầu tư hàng năm, khả năng ngân sách và tiến độ thực hiện dự án Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm bố trí kế hoạch vốn hàng quí thông báo với Kho bạc Nhà nước thành phố và chuyển vốn kịp thời sang Kho bạc Nhà nước thành phố để thanh toán vốn cho các chủ đầu tư.

Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát các thủ tục và thanh toán kịp thời các khối lượng công việc đủ điều kiện thanh toán.

Điều 8. Thẩm tra, phê duyệt quyết toán công trình.

Tất cả các dự án sử dụng vốn Nhà nước đều phải thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán, theo qui định như sau:

1- Đối với dự án do Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt tổng dự toán thì Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt quyết toán. Sở Tài chính - Vật giá chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, cơ quan duyệt thiết kế kỹ thuật thẩm tra và trình duyệt theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đối với các dự án do các Sở chuyên ngành phê duyệt tổng dự toán (theo Điều 3 của bản Qui định này). Giao Sở Tài chính - Vật giá chủ trì thẩm tra và phê duyệt quyết toán.

2- Đối với các dự án do quận, huyện, thị xã quyết định đầu tư, giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phê duyệt quyết toán. Giao cho Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn thực hiện.

3- Đối với các dự án đầu tư bằng nguồn "Vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp" chủ đầu tư tự quyết định hình thức thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Sở Tài chính - Vật giá (cơ quan quản lý vốn của doanh nghiệp), các tổ chức hỗ trợ cho vay vốn chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện quyết toán vốn đầu tư của doanh nghiệp.

4- Giao Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn các chủ dự án thực hiện việc lập kế hoạch vốn, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư; Thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư theo phân cấp quản lý từng nguồn vốn do Bộ Tài chính qui định.

Điều 9.

Đối với các công trình duy tu sửa chữa cải tạo có mức đầu tư dưới 500 triệu đồng bằng các nguồn vốn sự nghiệp, vốn cho thuê nhà giao liên ngành Tài chính - Vật giá, Xây dựng hướng dẫn thực hiện.

Điều 10.

Việc giao đất xây dựng công trình, cấp giấy phép xây dựng, giấy phép khai thác tài nguyên thực hiện theo qui định hiện hành.

Giao cho các cơ quan: Sở Công nghiệp, Sở Địa chính, Sở Xây dựng trong năm 2000 trình Uỷ ban nhân dân thành phố sửa đổi các qui định hiện hành cho phù hợp với các Nghị định 52/1999/NĐ-CP và 12/2000/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ và cơ quan Trung ương.

Điều 11.

Thủ trưởng các Ban, Ngành và các đơn vị thuộc thành phố có trách nhiệm thực hiện các Nghị định số 52/1999/NĐ-CP và số 12/2000/NĐ-CP của Chính phủ, những qui định liên quan của các Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và của nội dung của bản Quy định này.

Giám đốc các Sở Xây dựng, Tài chính - Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư và các ngành chức năng liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và xử lý những vi phạm trong quá trình thực hiện các qui định về quản lý đầu tư và xây dựng theo chức năng quản lý Nhà nước của từng ngành.

Điều 12. Trong quá trình thực hiện qui định này nếu có những vấn đề vướng mắc phát sinh các ngành, ban, cơ quan, đơn vị cần báo cáo kịp thời vê Uỷ ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Xây dựng để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân thành phố) xem xét bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/haiphong/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=4775&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận