QUYếT địNHQUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành quy trình làm thủ tục Hải quan chuyển nhượng xe ôtô, xe gắn máy của tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Điều 6, Điều 12 Pháp lệnh Hải quan ngày 20-2-1990;
Căn cứ Điều 3, Điều 4 Bản quy định thủ tục hải quan và lệ phí hải quan ban hành kèm theo Nghị định số 7171/HĐBT ngày 27-5-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);
Căn cứ Nghị định 16/CP ngày 7-3-1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Tổng cục Hải quan;Xét đề nghị của đồng chí Cục trưởng Cục Giám sát - quản lý về Hải quan;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình làm việc thủ tục hải quan chuyển nhượng xe ôtô, xe gắn máy của tổ chức, cá nhân nước mgoài tại Việt Nam.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 3: Các ông Cục trưởng Cục Giám sát - quản lý về hải quan; thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục; Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY TRÌNH
THỦ TỤC HẢI QUAN CHO VIỆC CHUYỂN NHƯỢNG XE ÔTÔ, XE GẮN MÁY CỦA CƠ QUAN VÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo quyết định số 188/TCHQ-GSQL
ngày 7 tháng 10 năm 1994)
I- HỒ SƠ GỒM:
1. Đơn xin bán của người bán.
2. Đơn xin mua của người mua.
3. Giấy xác nhận của Cục phục vụ Ngoại giao đoàn đề nghị Tổng cục Hải quan cho chuyển nhượng.
4. Giấy đăng ký lưu hành bản sao công chứng (có kèm bản chính để đối chiếu).
5. Giấy xoá sổ đăng ký lưu hành xe (bản chính).
6. Xác nhận của Bộ ngoại giao về việc hết nhiệm kỳ công tác (trường hợp chưa đủ thời hạn để chuyển nhượng nhưng xin chuyển nhượng vì lý do chủ xe hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam).
7. Xác nhận của cơ quan Công an về việc xe bị hư hỏng do tai nạn (trường hợp xin chuyển nhượng do xe bị tai nạn).
8. Văn bản giám định chất lượng xe do bị tai nạn (của cơ quan giám định hoặc của cơ quan Công an).
Riêng đối với xe gắn máy, chỉ cần có các giấy tờ quy định tại điểm 1,2,3,4,5,6,7 trên đây.
-
II- QUY TRÌNH THỦ TỤC HẢI QUAN:
1. Tiếp nhận hồ sơ: Do bộ phận chuyên trách làm. Nếu đủ hồ sơ, đúng thì tiếp nhận và hẹn ngày trả lời (chậm nhất không quá 3 ngày làm việc). Nếu không đủ, đúng thì giải thích cho khách.
2. Tra cứu lưu trữ: Do cán bộ chuyên trách (của Phòng) làm.
3. Làm đề xuất: Do cán bộ chuyên trách và Lãnh đạo Phòng Giám quản làm.
4. Lãnh đạo Cục duyệt.
5. Làm giấy phép: (do bộ phận "làm đề xuất" làm). Nếu không được chuyển nhượng thì bộ phận "làm đề xuất" chuyển bộ phận "tiếp nhận hồ sơ" để giải thích cho khách.
6. Vào sổ đăng ký giấy phép: Do bộ phận lưu trữ làm.
7. Kiểm hoá: Do lãnh đạo phòng phân công.
Hướng dẫn khách làm 3 tờ khai mẫu HQ7... (1 tờ trả khách, 1 tờ lưu bộ phận thu thuế xuất, nhập khẩu, 1 tờ lưu hồ sơ cấp giấy phép).
Ghi rõ kết quả kiểm hoá trên 3 tờ khai: nhãn hiệu xe, đời xe, số khung, số máy, tình trạng (chất lượng xe...).
8. Chuyển bộ phận thu thuế xuất nhập khẩu để thu thuế (nếu phải nộp thuế): Bộ phận kiểm hoá chuyển.
9. Nhận lại hồ sơ từ bộ phận thu thuế xuất, nhập khẩu (Bộ phận kiểm hoá nhận) giao bộ phận tiếp nhận hồ sơ, để:
Đóng dấu đã làm thủ tục Hải quan (lên giấy phép, tờ khai, biên lai thu thuế).
Trả phần hồ sơ cho khách.
Giao phần hồ sơ lưu cho bộ phận lưu trữ (của Phòng).
10. Phúc tập hồ sơ: kiểm tra lại toàn bộ các khâu trên xem có sai sót gì thì yêu cầu sửa. Nếu không thì ghi "đã phúc tập" và chuyển hồ sơ cho bộ phận lưu trữ theo phân công của Cục trưởng Hải quan tỉnh.
-
III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý:
1. Các khâu công tác nghiệp vụ trên đây do từng bộ phận chuyên trách hay kiêm nhiệm làm do Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố quy định (bằng văn bản) cho phù hợp với tình hình thực tế đơn vị mình.
2. Việc giao nhận hồ sơ giữa các bộ phận phải được ký nhận để xác định rõ trách nhiệm từng bộ phận, từng người./.