QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Về việc ban hành Quy chế đào tạo bác sĩ nội trú
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế đào tạo bác sĩ nội trú".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định số 1635/2001/QĐ-BYT ngày 25/5/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quy chế đào tạo bác sĩ nội trú bệnh viện. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các vụ: Khoa học và Đào tạo, Tổ chức cán bộ, Kế hoạch - Tài chính của Bộ Y tế, Hiệu trưởng các trường đại học y - dược và Trưởng các khoa y trong các trường đại học, Thủ trưởng các cơ sở đào tạo bác sĩ nội trú chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Đào tạo bác sĩ nội trú
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BYT
ngày 04/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Chương I
MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG VÀ HÌNH THỨC ĐÀO TẠO
Điều 1. Mục tiêu
Đào tạo bác sĩ nội trú (sau đây gọi tắt là BSNT) là loại hình đào tạo sau đại học đặc thù của ngành y tế, nhằm mục đích đào tạo các bác sĩ chuyên khoa có kiến thức khoa học cơ bản vững, kiến thức chuyên ngành hệ thống, kỹ năng thực hành cao, chủ động giải quyết thành thạo những vấn đề chuyên môn cơ bản thuộc chuyên ngành đào tạo.
Đào tạo BSNT là một trong những phương thức đào tạo những chuyên gia giỏi, nhân tài trẻ của ngành y tế áp dụng cho các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và y học dự phòng.
Điều 2. Đối tượng
1. Đào tạo BSNT chỉ dành cho các bác sĩ vừa mới tốt nghiệp hệ chính quy các chuyên ngành y ở một trường đại học y, đại học y - dược hoặc các cơ sở đào tạo khác của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nguyện vọng được học BSNT, tự nguyện làm đơn xin dự thi và chỉ được dự thi một lần ngay sau khi tốt nghiệp đại học.
2. Người nước ngoài muốn học bác sĩ nội trú phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 3 của Quy chế này và phải được Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam giới thiệu.
Điều 3. Điều kiện dự thi tuyển
1. Các học viên có đủ các điều kiện sau đây được dự thi tuyển BSNT:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học thuộc ngành học tương ứng với chuyên ngành xin dự thi và đạt loại khá trở lên.
b) Trong các năm học đại học không bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, không bị dừng học tập (trừ lý do sức khoẻ).
c) Tuổi đời không quá 27.
d) Có đủ sức khoẻ phục vụ lâu dài trong ngành y tế theo quy định tại Thông tư liên Bộ Y tế - Đại học, THCN và DN số 10/TT-LB ngày 18/8/1989 và công văn hướng dẫn số 2445/TS ngày 20/5/1990 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Một số ngành có yêu cầu riêng về sức khoẻ sẽ do cơ sở đào tạo quy định.
3. Học viên tốt nghiệp đại học đạt loại xuất sắc, nếu có đủ các điều kiện được nêu trong điểm b), c) và d) khoản 1 và khoản 2 của Điều 3 được xét miễn thi tuyển.
Điều 4. Hồ sơ dự thi
1. Đơn xin dự thi tuyển BSNT ghi rõ chuyên ngành xin học, môn ngoại ngữ xin dự thi và cam kết chấp hành phân công công tác sau khi tốt nghiệp.
2. Bảng điểm các năm đại học và điểm thi tốt nghiệp.
3. Bản sao bằng tốt nghiệp đại học có công chứng, khi được nhập học phải xuất trình bản gốc để đối chiếu.
4. Lý lịch có xác nhận của trường đại học.
5. Các giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Điều 5. Hình thức đào tạo
Đào tạo BSNT chỉ có một hình thức đào tạo chính quy tập trung, thời gian đào tạo là 3 năm, học viên phải thường trú tại bệnh viện hoặc cơ sở thực hành khác phù hợp với yêu cầu của từng chuyên ngành để học tập, làm việc thường xuyên (trừ những buổi học tại trường do nhà trường quy định).
Chương II
TỔ CHỨC VÀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Điều 6. Cơ sở đào tạo
1. Cơ sở đào tạo BSNT là các trường đại học y, đại học y - dược, học viện y - dược, hoặc các trường đại học khác được phép đào tạo chuyên ngành y (sau đây gọi chung là trường đại học), kết hợp với bệnh viện, viện nghiên cứu hoặc các cơ sở thực hành khác được Bộ Y tế giao nhiệm vụ.
2. Tiêu chuẩn của một cơ sở đào tạo BSNT:
a) Có chương trình đào tạo được Bộ Y tế phê duyệt.
b) Có đủ đội ngũ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II. Số lượng tối thiểu 3 giảng viên chuyên ngành cho mỗi chuyên ngành đào tạo, và không quá 1/3 là giảng viên thỉnh giảng.
Mỗi học viên học BSNT phải có một giảng viên đủ tiêu chuẩn nói trên phụ trách trực tiếp. Mỗi giảng viên cùng lúc phụ trách không quá 3 học viên.
c) Có bệnh viện và cơ sở thực hành đủ các chuyên khoa; đối với các chuyên ngành lâm sàng phải có ít nhất 30 giường bệnh cho mỗi học viên tính chung cho các khoá đào tạo, được Bộ Y tế thẩm định và công nhận.
d) Có cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ dạy học: phòng thí nghiệm, phương tiện giảng dạy, thư viện có tạp chí chuyên môn, giáo trình, sách giáo khoa.
Điều 7. Thi tuyển
1. Việc thi tuyển thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.
2. Trường đại học được phép đào tạo BSNT xây dựng chỉ tiêu cho từng chuyên ngành, kế hoạch thi tuyển, các môn thi, báo cáo Bộ Y tế và công bố rộng rãi ít nhất 3 tháng trước ngày thi.
3. Mỗi năm chỉ tổ chức thi tuyển một lần.
Điều 8. Các môn thi tuyển
1. Môn Khoa học cơ bản;
2. Môn Khoa học cơ sở;
3. Môn ngoại ngữ trình độ B: thí sinh được chọn một trong các ngoại ngữ: Anh, Đức, Nga, Pháp, Trung văn;
4. Môn chuyên ngành: do cơ sở đào tạo quy định, thuộc chương trình đại học.
5. Chủ tịch Hội đồng thi quyết định nội dung các môn thi cụ thể, báo cáo Bộ Y tế.
Điều 9. Hội đồng tuyển sinh
Hội đồng tuyển sinh BSNT do Hiệu trưởng các trường đại học được phép đào tạo quyết định thành lập.
Điều 10. Điều kiện trúng tuyển
1. Các môn thi đều phải đạt 5 điểm trở lên, riêng môn chuyên ngành phải đạt 7 điểm trở lên (thang điểm 10, làm tròn đến 0,5).
2. Môn ngoại ngữ được dùng để xét chọn khi có những thí sinh bằng điểm nhau, không tính vào tổng điểm.
3. Tổng điểm 3 môn (trừ môn ngoại ngữ) được xếp theo thứ tự từ trên xuống theo từng chuyên ngành để xét tuyển theo chỉ tiêu đã công bố.
4. Nếu số thí sinh đạt ít hơn số chỉ tiêu đào tạo thì cũng không lấy thêm.
Điều 11. Công nhận trúng tuyển
Cơ sở đào tạo đề nghị danh sách trúng tuyển BSNT, Bộ Y tế duyệt và ra quyết định công nhận trúng tuyển.
Điều 12. Chương trình đào tạo BSNT
Khung chương trình gồm 150 đơn vị học trình (ĐVHT), trong đó phần thực hành không ít hơn 50% cụ thể như sau:
1. Các môn chung (triết học, ngoại ngữ, tin học, phương pháp giảng dạy, phương pháp nghiên cứu khoa học chiếm khoảng 15%.)
2. Các môn cơ sở và hỗ trợ chiếm khoảng 14%.
3. Các môn chuyên ngành không ít hơn 50%.
4. Luận văn khoảng 18%.
Điều 13. Đánh giá các môn học/học phần
1. Các môn học có cả lý thuyết và thực hành: Căn cứ vào tỷ lệ từng phần để tổng hợp thành điểm chung.
2. Các môn chuyên ngành: Điểm lý thuyết và thực hành tính độc lập.
3. Điểm lý thuyết và thực hành phải đạt từ 6, riêng môn chuyên ngành phải từ 7 điểm trở lên thang điểm 10, làm tròn đến 0,5 điểm.
4. Học viên có ít hơn hoặc bằng 1/3 số chứng chỉ không đạt, được thi lần hai; có quá 1/3 chứng chỉ không đạt hoặc có bất kỳ chứng chỉ nào thi lần 2 không đạt, buộc phải thôi học.
Điều 14. Luận văn
1. Người hướng dẫn BSNT làm luận văn tốt nghiệp do Thủ trưởng cơ sở đào tạo xem xét và quyết định.
2. Luận văn tốt nghiệp BSNT có tối thiểu 15.000 từ (khoảng 50 trang không kể bảng biểu, đồ thị, hình vẽ, danh mục tài liệu tham khảo).
Điều 15. Thi tốt nghiệp
1. Điều kiện thi tốt nghiệp: Học viên được dự thi tốt nghiệp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo BSNT quy định tại Điều 12 và đạt điểm kết thúc các môn học/học phần quy định tại Điều 13, không vi phạm kỷ luật trong quá trình học tập.
2. Thi tốt nghiệp gồm bảo vệ luận văn, môn chuyên ngành, môn ngoại ngữ:
a) Bảo vệ luận văn: Luận văn được trình bày trước hội đồng chấm luận văn trong 20 phút.
b) Môn thi chuyên ngành: thi lý thuyết và thực hành. Điểm của mỗi phần được giữ độc lập.
c) Môn ngoại ngữ (trình độ C, có phần ngoại ngữ chuyên ngành).
Các điểm thi tốt nghiệp đều phải đạt từ 7 điểm trở lên (thang điểm 10).
3. Hội đồng thi tốt nghiệp:
a) Hội đồng thi tốt nghiệp gồm 5 thành viên do Hiệu trưởng các trường đại học đào tạo BSNT quyết định thành lập.
b) Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp thành lập hội đồng chấm luận văn, hội đồng chấm môn chuyên ngành và hội đồng chấm môn ngoại ngữ.
c) Hội đồng chấm luận văn gồm 5 thành viên có 2 người nhận xét và có ít nhất 2 thành viên không thuộc cơ sở đào tạo.
Điều 16. Công nhận tốt nghiệp
1. Danh sách học viên tốt nghiệp BSNT phải trình Bộ Y tế duyệt và quyết định công nhận.
2. Học viên tốt nghiệp được cấp bằng Bác sĩ nội trú, bằng Chuyên khoa cấp I và được đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng Thạc sĩ.
3. Hiệu trưởng các trường đại học đào tạo BSNT ký bằng tốt nghiệp.
Chương III
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA HỌC VIÊN
Điều 17. Nhiệm vụ của học viên
1. Học viên phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy chế, quy định về đào tạo BSNT, các quy định và quy chế của trường đại học và cơ sở thực hành.
2. Học viên phải hoàn thành kế hoạch học tập và thi tốt nghiệp đúng thời gian quy định. Học viên có lý do chính đáng có thể được tạm dừng học tập một lần và được bảo lưu kết quả học tập một năm.
3. Học viên phải thường trú tại viện, bệnh viện hoặc các cơ sở thực hành khác để học tập và làm việc trừ thời gian lên lớp do nhà trường quy định.
4. Tham gia hướng dẫn thực tập cho các lớp sinh viên khi được phân công.
5. Sau khi tốt nghiệp học viên phải chấp hành sự điều động công tác của Bộ Y tế theo Điều 87 Luật Giáo dục.
Điều 18. Quyền lợi của học viên
1. Học viên được sử dụng thư viện, các tài liệu khoa học, phòng thí nghiệm để phục vụ học tập, nghiên cứu và làm luận văn tốt nghiệp.
2. Học viên được hưởng học bổng ưu đãi và các khoản phụ cấp khác trong thời gian học tập, được cấp phát phương tiện bảo hộ lao động, được bố trí chỗ ở tại bệnh viện hoặc cơ sở thực hành.
3. Học viên tốt nghiệp loại xuất sắc được đề đạt nguyện vọng công tác, được xem xét miễn thi tuyển chuyên khoa cấp II nếu có nhu cầu.
Chương IV
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA GIẢNG VIÊN
Điều 19. Nhiệm vụ
1. Giảng viên có trách nhiệm tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo và biên soạn tài liệu giảng dạy theo nhiệm vụ được phân công.
2. Hướng dẫn, theo dõi và giúp đỡ học viên học tập theo đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng.
Điều 20. Quyền lợi
Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có quy định quyền lợi tương đương của các giảng viên sau đại học (chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, BSNT, thạc sĩ và tiến sĩ) thuộc lĩnh vực y tế.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ ĐÀO TẠO
Điều 21. Trách nhiệm của trường đại học
1. Trường đại học có đủ điều kiện đào tạo BSNT quy định tại Điều 6 Quy chế này đăng ký mã số đào tạo theo quy định mở ngành đào tạo mới. Trong vòng 45 ngày kể từ khi nhận được đủ hồ sơ đăng ký của cơ sở, Bộ Y tế tổ chức thẩm định và giao nhiệm vụ đào tạo.
2. Trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo BSNT quản lý toàn bộ quá trình đào tạo theo đúng quy chế.
3. Trường đại học có trách nhiệm phối hợp với các viện, bệnh viện và cơ sở thực hành khác trong quá trình đào tạo, đảm bảo việc thực hành cho học viên.
Điều 22. Trách nhiệm của viện, bệnh viện và cơ sở thực hành khác
1. Các viện, bệnh viện và cơ sở thực hành khác tham gia đào tạo được trường đại học đề nghị và Bộ Y tế công nhận có trách nhiệm cùng tham gia đào tạo với trường đại học đảm bảo kế hoạch nhiệm vụ được phân công.
2. Các viện, bệnh viện và cơ sở thực hành khác có thể là cơ quan phối hợp với trường đại học trong việc giảng dạy chuyên môn cho học viên khi được yêu cầu.
Điều 23. Kinh phí đào tạo
1. Các trường đại học đào tạo BSNT được phép quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo và các nguồn thu khác theo quy định.
2. Các trường đại học và các viện, bệnh viện và cơ sở thực hành khác tham gia đào tạo BSNT được Bộ Y tế ưu tiên xem xét đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Điều khoản thi hành
1. Bộ Y tế quản lý thống nhất việc đào tạo BSNT, giám sát tuyển sinh, quá trình đào tạo và đánh giá các khoá học.
2. Các trường đại học căn cứ vào Quy chế này có thể cụ thể hoá bằng một số quy định nhưng không được trái với Quy chế và phải được Bộ Y tế phê duyệt trước khi thực hiện./.