2025, ngày 23 tháng 10 năm 2000QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Về việc ban hành Quy định tạm thời về tổ chức và
hoạt động của Viện Quy hoạch thành phố Hải Phòng
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ 1360/QĐ-UB ngày 12/7/2000 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý hành chính Nhà nước về quy hoạch - xã hội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 111/TT-SXD ngày 18/9/2000 và đề nghị của Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền thành phố,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của Viện Quy hoạch thành phố Hải Phòng.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định của Uỷ ban nhân dân thành phố trước đây trái với nội dung bản Quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền thành phố; Giám đốc Sở Xây dựng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thủ trưởng các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
Về tổ chức và hoạt động của Viện Quy hoạch thành phố Hải Phòng
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2025/QĐ-UB ngày 25/10/2000 của Uỷ ban nhân dân thành phố)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Viện Quy hoạch thành phố Hải Phòng được thành lập theo Quyết định số 1360/QĐ-UB ngày 12 tháng 7 năm 2000 của Uỷ ban nhân dân thành phố về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý hành chính Nhà nước về quy hoạch - xây dựng.
Trụ sở của Viện đặt tại số 34 Lý Tự Trọng, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.
Điện thoại giao dịch: 031.842885 Fax: 84.031.810818
Điều 2: Viện Quy hoạch là đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học về quy hoạch, hoạt động có thu, trực thuộc Sở Xây dựng Hải Phòng, có tư cách pháp nhân, có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước thành phố và được sử dụng con dấu theo mẫu quy định.
Điều 3: Biên chế của Viện Quy hoạch là biên chế sự nghiệp nghiên cứu khoa học do Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng và Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền thành phố.
Chương II
CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ
Điều 4: Chức năng của Viện Quy hoạch:
Nghiên cứu khoa học, thiết kế về quy hoạch kiến trúc và các hoạt động có thu liên quan đến thiết kế quy hoạch kiến trúc.
Tham mưu để Sở Xây dựng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc đô thị.
Điều 5: Nhiệm vụ của Viện Quy hoạch:
a- Đối với công tác nghiên cứu quy hoạch - kiến trúc đô thị:
1- Tổ chức điều tra, khảo sát, đo đạc, thiết kế các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, các thị trấn huyện lỵ, thị xã, các vùng đầu tư tập trung ... theo kế hoạch được giao.
2- Theo định kỳ quy định của Nhà nước và yêu cầu cụ thể của địa phương, tổ chức nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng phát triển đô thị và nông thôn của địa phương cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3- Tham mưu cho Sở Xây dựng duyệt hoặc trình Uỷ ban nhân dân thành phố:
Định hướng kiến trúc cảnh quan đô thị trên địa bàn thành phố phù hợp với chính sách chung của Nhà nước và quy hoạch xây dựng cụ thể ở địa phương;
Giới thiệu địa điểm xây dựng, lập hồ sơ chứng chỉ quy hoạch, phê duyệt tuyến các công trình kỹ thuật đô thị và thoả thuận các đồ án quy hoạch không phải do Viện lập.
Đề xuất định hướng lập các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Công bố các đồ án quy hoạch xây dựng Uỷ ban nhân dân thành phố duyệt theo chỉ đạo của Sở Xây dựng để các tổ chức, công dân trong thành phố hiểu thực hiện và cùng tham gia giám sát trong quá trình thực hiện.
4- Lưu trữ và quản lý các hồ sơ hoàn công các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố do Viện Quy hoạch thoả thuận, Sở Xây dựng cấp phép và được quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ.
b- Đối với công tác tư vấn thiết kế quy hoạch-kiến trúc đô thị:
1- Theo quy định cung cấp tài liệu của Uỷ ban nhân dân thành phố, Viện thực hiện dịch vụ cung cấp tài liệu, số liệu cho các chủ đầu tư để lập dự án đầu tư xây dựng, cập nhật tài liệu quy hoạch theo định kỳ.
2- Thiết kế các đồ án quy hoạch chung, chi tiết về tổng mặt bằng, mô hình không gian đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân thông qua các hợp đồng kinh tế.
3- Lập dự án đầu tư theo hợp đồng kinh tế.
c- Công tác nghiên cứu khoa học:
1- Tổ chức nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực quy hoạch-kiến trúc đô thị theo các đề tài được duyệt hoặc theo hợp đồng nghiên cứu.
2- Nghiên cứu, phổ biến thiết kế mẫu các công trình kiến trúc cho các vùng đô thị, nông thôn Hải Phòng.
d- Các công tác khác:
1- Thực hiện công tác tổ chức - cán bộ, quản lý công chứng, công tác tài chính, kế hoạch, thống kê, lưu trữ, quản lý hồ sơ theo quy định của Nhà nước.
2- Cung cấp các thông tin, tài liệu và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của Sở Xây dựng để trình các cơ quan có thẩm quyền.
Chương III
QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM
Điều 6: Viện Quy hoạch có những quyền hạn sau:
1- Được yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang cung cấp các số liệu, tài liệu cần thiết, các quy hoạch ngành (trừ tài liệu bí mật quốc gia có quy định riêng) để phục vụ cho công tác chuyên môn được giao.
2- Cung cấp các thông tin quy hoạch về yêu cầu kiến trúc cảnh quan yêu cầu kỹ thuật cho các chủ đầu tư có nhu cầu xây dựng trên địa bàn thành phố.
3- Tham mưu cho Sở Xây dựng thực hiện nhiệm vụ được giao (về quản lý quy hoạch kiến trúc).
4- Chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Viện.
5- Trực tiếp báo cáo, đề xuất những vấn đề chuyên môn của Viện với các cấp có thẩm quyền.
Điều 7: Viện Quy hoạch có trách nhiệm:
1- Chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ, pháp luật và chịu trách nhiệm trước Nhà nước, Uỷ ban nhân dân thành phố, Sở Xây dựng về các hoạt động của Viện.
2- Sử dụng đúng, có hiệu quả nguồn vốn ngân sách cấp và các trang thiết bị để phục vụ nhiệm vụ được giao.
3- Báo cáo tình hình hoạt động của Viện với các cơ quan có trách nhiệm theo định kỳ bảo đảm đúng nội dung và thời gian quy định.
Báo cáo Sở Xây dựng những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng mà Viện đề xuất tham mưu.
4- Phục vụ các tổ chức và công dân trong việc giải quyết các công việc liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của Viện kịp thời và có chất lượng.
Chương IV
NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA VIỆN
Điều 8:
Viện Quy hoạch được hoạt động theo chế độ quy định của Nhà nước và thành phố đối với đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học, hoạt động có thu.
Tổ chức bộ máy của Viện:
Là lãnh đạo Viện gồm: Viện trưởng và 1 đến 2 Viện phó.
Phòng chức năng gồm:
1- Phòng Tổng hợp.
2- Phòng Quy hoạch I.
3- Phòng Quy hoạch II.
4- Phòng Quy hoạch kỹ thuật.
5- Phòng Lưu trữ hồ sơ.
6- Phòng Tư vấn quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể từng thời gian, Viện trưởng Viện Quy hoạch nghiên cứu đề xuất việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức của Viện, báo cáo Sở Xây dựng, Ban Tổ chức chính quyền thành phố thoả thuận để thành lập, chia tách, sát nhập các Phòng chức năng theo quy định phân cấp của Uỷ ban nhân dân thành phố.
Điều 9:
Viện trưởng Viện Quy hoạch quy định chế độ hoạt động và bố trí biên chế cho các phòng phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Tuỳ theo điều kiện cụ thể, Viện trưởng có thể sử dụng lao động hợp đồng ngắn hạn để phục vụ cho công tác của Viện.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10: Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, thay thế, Viện trưởng Viện Quy hoạch báo cáo Giám đốc Sở Xây dựng và Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền thành phố trình Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định./.