ubnd tỉnhQUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHÚ THỌ
Về việc phê duyệt kế hoạch 5 năm (2001-2005) của ngành lao động - Thương binh xã hội Phú Thọ
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Công văn số 1934/LĐTBXH-KHTC ngày 16/6/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về xây dựng kế hoạch 5 năm 2001-2005.
Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại văn bản số 445/LĐ-TBXH ngày 29/9/2000.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt kế hoạch 5 năm (2001-2005) của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu sau:
- Giải quyết việc làm: 65.000 người
Đào tạo nghề: 16.096 người
Xoá đói giảm nghèo: 20.312 hộ
Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công: 60.943 người
Chữa trị, cai nghiện dạy nghề cho các đối tượng 05,06: 1345 người
(có kế hoạch kèm theo)
Điều 2: Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành có liên quan cụ thể hoá kế hoạch hàng năm để thực hiện.
Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị căn cứ quyết định thực hiện.
KẾ HOẠCH 5 NĂM (2001-2005)
CỦA NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
(Kèm theo Quyết định số 3053/QĐ-UB ngày 30/10/2000 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ)
Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII; Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ khoá 14, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2001-2005, 2001-2010, kết quả thực hiện kế hoạch lao động - thương binh và xã hội trong những năm qua và định hướng phát triển công tác lao động - thương binh và xã hội trong những năm tới, xây dựng kế hoạch của ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh Phú Thọ 5 năm (2001-2005) như sau:
Phần I
Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 1996-2000
I. Những khó khăn, thuận lợi
A. Tác động thuận lợi:
Trong 5 năm qua, tiếp tục phát huy những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách mới trong công tác Lao động - Thương binh và Xã hội như Bộ Luật lao động, các Pháp lệnh ưu đãi người có công, phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Nghị quyết 05/CP, 06/CP về phòng chống mại dâm, ma tuý, chương trình quốc gia về xoá đói giảm nghèo, chương trình quốc gia về giải quyết việc làm... Qua quá trình thực hiện, các chính sách trên đã từng bước hoàn chỉnh, cụ thể hoá và có những tác dụng tích cực góp phần giải quyết được nhiều chỗ việc làm mới, đẩy nhanh tốc độ xoá đói giảm nghèo, chăm sóc tốt người có công phòng chống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội....
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định và phát triển, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước triển khai trên địa bàn (đặc biệt là những chủ trương chính sách liên quan đến công tác lao động - thương binh và xã hội) đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Công tác lao động - thương binh và xã hội trong những năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tạo điều kiện, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cấp trong qt phối hợp công tác; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức viên chức; sự đoàn kết gắn bó trong công việc nên đã xác định đúng mục đích, yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Sở đã duy trì tốt chế độ làm việc theo kế hoạch, có chương trình công tác; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả công tác; chế độ đi cơ sở, mối qaun hệ giữa các phòng ban của sở với các đơn vị và các huyện, thành thị được tăng cường, điều kiện vật chất phục vụ cho công tác ở cơ quan được cải thiện.
- Nhận thức của nhân dân đã được nâng lên, nhân dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia thực hiện các chính sách về giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, chăm sóc người có công và phòng chống các tệ nạn xã hội, những chính sách này từng bước đã mang tính xã hội hoá. Những thuận lợi đó đã tạo nội lực cho ngành hoàn thành nhiệm vụ.
B. Tác động khó khăn
- Phú Thọ là tỉnh miền núi, tỷ lệ đói nghèo còn cao, thu nhập của dân cư còn thấp, những năm vừa qua thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng không sử dụng hết thời gian lao động ở nông thôn còn phổ biến, thất nghiệp ở thành thị còn nhiều, lao động và việc làm vẫn đang là vấn đề hết sức bức súc.
- Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh trong những năm qua được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới: xoá đói giảm nghèo, đào tạo nghề, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... trong khi biên chế không được tăng tương xứng, đặc biệt đội ngũ cán bộ cấp huyện thiếu, một số bị sáo trộn, cán bộ cấp xã phường phần lớn không chuyên trách, phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực và không ổn định đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của ngành.
- Nhận thức của nhân dân trong một số lĩnh vực còn chưa sâu, còn trông chờ vào Nhà nước như: chưa tự tìm, tạo việc làm, chưa có phương hướng tự xoá đói giảm nghèo, chưa chịu tự tìm tòi hướng đi trong phát triển kinh tế hộ, chưa tự vươn lên trong cuộc sống để thoát khỏi đói nghèo.
II. Kết quả thực hiện kế hoạch:
1. Chương trình giải quyết việc làm:
Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết việc làm, trong điều kiện cụ thể của địa phương, Tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp tích cực về giải quyết việc làm thông qua phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, trong tất cả các lĩnh vực nhằm tạo ra nhiều chỗ làm việc mới và tạo thêm việc làm cho người lao động như: hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, tư vấn việc làm, tạo môi trường thuận lợi cho người lao động tự tìm, tự tạo việc làm.... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và thông qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh "Chương trình giải quyết việc làm đến năm 2000", đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả và đạt được mục tiêu là giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Từ 1996 đến nay, thông qua các chương trình tỉnh Phú Thọ đã giải quyết việc làm được 63.122 người, so với kế hoạch đạt 97,93% (63.122/64.450); trong đó giải quyết việc làm mới được 15.866 người. Kết quả trên đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị từ 4,75% (năm 1996) xuống còn 4,0% (năm 2000), tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 73,2% (năm 1996) lên 75,15% (năm 2000), cụ thể là đã giải quyết được một bước về yêu cầu việc làm và tạo thêm thu nhập cho người lao động.
Thực hiện Bộ Luật lao động, Sở đã triển khai đến các đơi vị, cơ sở, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các điều khoản của Bộ luật. Công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động trong các doanh nghiệp đã được chú trọng, ngành đãc kiểm tra uốn nắn kịp thời các đơn vị làm chưa tốt; công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn được làm thường xuyên và có hiệu quả thiết thực, số vụ tai nạn lao động chết người ngày càng giảm, 98% số lao động trong doanh nghiệp Nhà nước đã được ký kết hợp đồng lao động; trên 90% doanh nghiệp Nhà nước đã xây dựng Nội quy lao động và Thoả ước lao động tập thể duyệt qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giám đốc các doanh nghiệp đã cam kết thực hiện những điều khoản quy định của Bộ Luật như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động yên tâm làm việc và bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp cho người lao động. Góp phần ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trên địa bàn.
2. Công tác đào tạo nghề:
Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đào tạo nghề từ ngành Giáo dục và Đào tạo chuyển sang (8/1998), Sở chỉ đạo sắp xếp, ổn định về tổ chức, khảo sát nắm tình hình hoạt động của các cơ sở dạy nghề. Sở đã tham mưu với Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, đề án thành lập trường dạy nghề Tỉnh Phú Thọ. Thực hiện quản lý Nhà nước về đào tạo nghề thông qua hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định về dạy nghề, cấp giấy phép dạy nghề...
Trong 5 năm qua, các trường, các cơ sở dạy nghề của tỉnh đã đào tạo gần 35 ngàn người, trong đó đào tạo công nhân kỹ thuật và tương đương 26 ngàn (Trung ương 10 ngàn, địa phương 16 ngàn); kèm cặp tay nghề, truyền nghề khoảng 9 ngàn người. Ngoài ra tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông, lâm, tiểu thủ công nghiệp cho gần 70 ngàn lượt người. Quy mô đào tạo và số cơ sở dạy nghề tăng từ 8 ( năm 1996) lên 13 (năm 1999) và 16 (năm 2000). Chương trình, nội dung đào tạo từng bước được đổi mới; chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề được nâng lên.
Tuy nhiên trong những năm qua tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề vẫn chưa đạt kế hoạch (11,1%/12,0% năm 1999 và 12,26% năm 2000).
3. Công tác xoá đói giảm nghèo và bảo trợ xã hội:
a. Công tác xoá đói giảm nghèo:
Là một công việc lớn mới nhận bàn giao từ Hội nông dân tỉnh, trong điều kiện rất khó khăn do thiếu cán bộ (không được tăng thêm biên chế) và không có đủ tài liệu đánh giá tình hình đói nghèo của tỉnh. SongSở đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh từ việc thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức điều tra nắm tình hình, xây dựng chương trình xoá đói giảm nghèo và triển khai thực hiện chương trình trên phạm vi toàn tỉnh.
Qua điều tra, đã xác địnhđược hộ đói nghèo ở từng xã, thiết lập hệ thống sổ sách theo dõi, quản lý hộ đói nghèo làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách xoá đói giảm nghèo. Từ năm 1996 đến nay, toàn tỉnh đã huy động tổng hợp các nguồn lực và hình thành nên nguồn vốn xoá đói giảm nghèo được trên 500 tỷ đồng, tập trung vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã khó khăn, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, khuyến nông - lâm - ngư, định canh định cư, di dân - kinh tế mới. Thực hiện tín dụng ưu đãi cho người nghèo đã cho trên 134 ngàn hộ vay với số vốn hơn 120 tỷ đồng; trong đó, riêng Ngân hàng người nghèo là 110 tỷ; cấp được 11.560 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cấp giấy miễn giảm một phần học phí cho một số con em đối tượng nghèo đang đi học, góp phần giảm số hộ đói nghèo từ năm 1997 đến nay là 25.534 hộ, mỗi năm 6,3 ngàn hộ (bằng 10,44% so với tổng số hộ đói nghèo).
Xây dựng chương trình xoá đói giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 1999-2000-2005 được Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Hiện nay đang tổ chức triển khai tới các huyện và xã, phường.
b. Công tác bảo trợ và cứu trợ xã hội:
Thực hiện các chính sách Bảo trợ, cứu trợ xã hội, ngành đã nhanh chóng nắm bắt chủ trương, triển khai thực hiện chương trình điều tra rà soát đối tượng thuộc diện được bảo trợ, cứu trợ xã hội; điều tra nắm số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị nhiễm chất độc hoá học trong chiến tranh để thực hiện chế độ trợ cấp. Tổ chức nuôi dưỡng gần 40 đối tượng tại trung tâm Bảo trợ xã hội, trợ cấp tiền theo chế độ cho 3.300 đối tượng tại cộng đồng.
Hoàn thiện một đề án Quốc tế về nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa "SOS - Làng trẻ em Việt Trì", đại diện cho khu vực miền núi phía Bắc, được Nhà nước, Chính phủ phê duyệt cho xây dựng. Hiện nayđã đi vào hoạt động, nuôi dưỡng, dạy dỗ 120 cháu mồ côi, không nơi nương tựa của các tỉnh miền núi phía Bắc gửi đến.
Trong 5 năm qua đã xảy ra nhiều vụ bão lốc, mưa đá đã làm cho 17 người bị chết, 1.050 người bị thương, 21.000 nhà bị hư hại nặng, phá hủy hàng chục ngàn ha hoa màu, tổng số tiền thiệt hại ước tính khoảng 107.500 triệu đồng; Sở đã đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh và Trung ương hỗ trợ đột xuất cho 94.500 hộ với trên 3,29 tỷ đồng.
4. Công tác thương binh liệt sĩ và người có công:
Trong những năm qua, ngành đã thường xuyên quan tâm, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công được tăng cường thêm một bước, có chiều sâu bằng các hình thức phong phú như xây dựng "Quỹ đền ơn đáp nghĩa", nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa và tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng.... Từ năm 1996 đến nay đã vận động xây dựng "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" được trên 4 tỷ đồng, xây tặng 45 nhà tình nghĩa với số tiền 1,11 tỷ đồng, sửa chữa 786 ngôi nhà với số tiền 586,6 triệu đồng, tặng 6.952 sổ tiết kiệm với số tiền 957,9 triệu đồng. Công tác xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang, nhà bia ghi tên liệt sĩ và một liệt sĩ được quan tâm đúng mức; tổ chức đi thăm viếng mộ liệt sĩ ở tỉnh ngoài, tiếp nhận hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào do các Quân khu chuyển giao về các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh.
Từ những kết quả trên, đã thể hiện ngày càng rõ nét đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", của dân tộc ta đối với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, từ đó đã động viên được thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công chấp hành tốtmọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt các phong trào thi đua ở địa phương và tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho xã hội.
5. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội:
Thực hiện Nghị quyết số 05, 06/CP của Chính phủ và hai nhiệm vụ chính của Bộ và UBND tỉnh giao cho là chủ trì công tác phòng chống tệ nạn mại dâm và cai nghiện phục hồi cho những đối tượng nghiện ma tuý. Sở đã xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Đề án tổng thể và kế hoạch chi tiết hàng năm; phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo và thực hiện các biện pháp như tuyên truyền giáo dục, điều tra, triệt phá ổ nhóm, cai nghiện, chữa trị cho các đối tượng tại các trung tâm và cộng đồng, xây dựng phong trào xã phường trong sạch lành mạnh; thường xuyên kiểm tra, quản lý địa bàn thực hiện tốt Nghị định số 87/CP của Chính phủ.
Trong những năm qua, công tác phòng chống tệ nạn xã hội đã được củng cố và tăng cường sự phối kết hợp giữa cơ quan thường trực với các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền đã tương đối đồng bộ. Thực hiện công tác tuyên truyền giaó dục cơ bản, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ và nhân dân về tác hại của các tệ nạn xã hội và trách nhiệm trong phòng chống tệ nạn xã hội; đã triệt phá được 166 vụ tổ chức hành nghề mại dâm và hơn 400 vụ tổ chức hút chích ma tuý; chữa trị cho 270 lượt gái mại dâm, tổ chức cai nghiện cho 696 con nghiện; tạo việc làm cho 383 đối tượng sau chữa trị cai nghiện; từng bước xây dựng và hoàn thiện mô hình cai nghiện, chữa trị theo đề án về "Tổ chức cai nghiện, chữa trị, dạy nghề và bố trí việc làm cho đối tượng 0,5,06"; quản lý chặt chẽ về quan hệ lao động tại các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, karaôkê trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hạn chế phát sinh và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
(Kết quả chi tiết có phụ lục kèm theo)
III. Những tồn tại và nguyên nhân:
1. Những tồn tại:
- Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm chậm (4,12% năm 1999 còn 4,0% năm 2000); tỷ lệ sử dụng thời gian lao động trong nông thôn tăng chậm (74,99% năm 1999 lên 75,5% năm 2000). Số lao động được giải quyết việc làm mới chưa được nhiều (9.217người /5 năm).
- Công tác đào tạo nghề đạt tốc độ thấp (11,1%/12,0% năm 1999) nâng lên 12,26%/12,5% năm 2000, so kế hoạch chưa đạt; trong số đào tạo 5 năm qua, chủ yếu lại là đào tạo ngắn hạn 15.500/15.682.
- Việc quản lý hồ sơ, theo dõi đối tượng thương - bệnh binh, người hoạt động kháng chiến ở cấp huyện, xã còn hạn chế.
- Xây dựng chương trình xoá đói giảm nghèo ở một số huyện, xã còn chậm; công tác tư vấn, hướng dẫn nhân dân cách làm ăn còn hạn chế.
- Tỷ lệ đối tượng được cai nghiện còn thấp, tỷ lệ tái nghiện còn cao (90%); công tác tổ chức cai nghiện tại trung tâm tỉnh chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (trong 5 năm 454 lượt ngươì cai / 1.350 người nghiện).
2. Nguyên nhân:
- Trong công tác giải quyết việc làm, chưa thường xuyên theo dõi sự biến động và thực trạng của tình hình lao động việc làm. Việc triển khai chương trình việc làm của tỉnh hiện nay ở cấp huyện, xã còn chậm. Tình trạng thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn vẫn có chiều hướng gia tăng do: trong cơ chế thị trường, một số doanh nghiệp tuyển chọn lại lao động, một số doanh nghiệp liên doanh cần lao động có trình độ kỹ thuật cao nên số lao động đã tham gia làm việc bị gián việc hoặc bị thất nghiệp hoàn toàn; hàng năm có khoảng trên 20 ngàn học sinh vào tuổi lao động cần việc làm; chất lượng lao động thấp, cơ cấu lao động chưa hợp lý, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng chậm (16% năm 1997, nâng lên 20% năm 2000); sự chuyển biến nhận thức về lao động, việc làm chưa đồng bộ giữa các ngành, các cấp; một bộ phận nhân dân còn trông chờ vào Nhà nước, nên trong những năm qua mới chỉ giải quyết việc làm được 10-15% số lao động cần việc làm.
- Công tác đào tạo nghề vừa mới từ ngành Giáo dục đào tạo chuyển sang, với kết quả đào tạo còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chưa cao (11,1% năm 1999 tăng lên 12,26% năm 2000); sự đầu tư về cơ sở vật chất, tài chính, trang thiết bị phục vụ đào tạo còn hạn chế; mức sống kinh tế của nhân dân còn thấp kém nên không có điều kiện cho con em đi học; sự tự giác đi học nghề chưa cao; hoặc đi học nhưng không có đầu ra cũng là nỗi băn khoăn của gia đình và người đi học cơ cấu dạy nghề theo ngành chưa hợp lý; công tác tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề còn hạn chế chưa khai thác hết tiềm năng và nguyện vọng trong dân.... do đó trước mắt, công tác đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn.
- Công tác quản lý hồ sơ, theo dõi và quản lý đối tượng thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công hiện nay ở cấp huyện, xã còn hạn chế do đội ngũ cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội được biên chế ít lại không ổn định do đó việc giải quyết chính sách cho đối tượng ở một ó huyện, xã còn chậm và có khi sai sót.
- Trong điều kiện biên chế không tăng, ngành mới được giao thêm một số nhiệm vụ, đặc biệt là chương trình xoá đói giảm nghèo; đến nay, còn một số huyện, thành thị chưa xây dựng trong chương trình xoá đói giảm nghèo của địa phương và việc triển khai thực hiện chương trình còn chậm, kết quả xoá đói giảm nghèo chưa được nhiều. Còn nhiều hộ nghèo chưa được vay vốn và nhiều hộ nghèo không biết vay vốn để làm gì vì thiếu sự giúp đỡ của chính quyền địa phương trong sự phối kết hợp, trong hướng dẫn, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
- Tệ nạn xã hội nói chung, tệ nạn mại dâm, ma tuý nói riêng vẫn có chiều hướng gia tăng. Số đối tượng được cai nghiện chưa nhiều mỗi năm chỉ được trên 100 lượt người; tỷ lệ đối tượng được cai nghiện bắt buộc còn thấp so với tổng số đối tượng; sau khi cai nghiện, tỷ lệ tái nghiện còn cao (hiện còn khoảng 90%). Hệ thống mạng lưới cai nghiện, chữa trị, dạy nghề cho đối tượng từ tỉnh đến cơ sở chậm được hình thành. Phong trào phòng chống tệ nạn xã hội ở xã phường chưa có chiều sâu và chưa có tính xã hội hoá cao; ở cấp huyện hầu như chưa được quan tâm; ở cấp tỉnh tuy đã chú trọng, nhưng còn thiếu nhiều biện pháp đồng bộ và công tác chữa trị, cai nghiện ở Trung tâm cai nghiện tỉnh hiệu quả còn thấp do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế; dụng cụ y tế, thuốc đặc trị còn thiếu; cán bộ phần lớn là mới nên chưa thực sự tâm huyết với nghề; ở cấp huyện, xã và các cơ sở cai nghiện chữa trị điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho công tác cai nghiện, chữa trị hầu như chưa có.
Phần II
Kế hoạch lao động - thương binh và xã hội 5 năm (2001-2005)
I. Một số nhân tố tác động ảnh hưởng:
1.Tác động thuận lợi:
- Các chế độ, chính sách, luật pháp của Đảng, Nhà nước thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội ngày càng hoàn thiện, tình hình an ninh chính trị xã hội ngày một ổn định và phát triển.
- Sự hội nhập của tỉnh Phú Thọ trong khu vực kinh tế phía Bắc ngày càng được mở rộng, sự liên doanh liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp trên địa bàn với các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng nhiều.
- Điều kiện kinh tế, mức sống của nhân dân ngày một nâng lên do các chính sách đầu tư của Nhà nước, do kết quả hoạt động của các chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo... mang lại. Nền kinh tế của tỉnh dự kiến tăng gấp 2,5 lần so với kế hoạch 5 năm trước.
- Trình độ, năng lực công tác của cán bộ, công chức viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong những năm tới sẽ ngày càng đổi mới, hoàn thiện, phát triển mạnh kể cả về số và chất; phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác từng bước được trang bị hiện đại...
Những thuận lợi cơ bản nêu trên tạo điều kiện cho ngành hoàn thành nhiệm vụ.
2. Tác động khó khăn:
- Là tỉnh miền núi khó khăn trong việc đi lại triển khai chính sách chế độ, cơ sở hạ tầng còn hạn chế (đặc biệt là các huyện, xã miền núi, vùng cao); thiên tai, mất mùa vẫn là vấn đề báo động, chưa khắc phụcđược. Bên cạnh đó khả năng thu hút lao động vào các doanh nghiệp còn hạn hẹp, số lao động vào tuổi hàng năm không tìm được việc và số không có việc làm dồn lại lên tới hơn 100 ngàn người.
- Do tác động mặt trái của hội nhập kinh tế - xã hội khu vực nên một số tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tệ nạn ma tuý, mại dâm. Từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, sự hoạt động của ngành nói riêng...
II. Mục tiêu đến năm 2005
A. Mục tiêu tổng quát:
Thực hiện tốt công tác lao động - thương binh và xã hội trên địa bàn là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng với nhịp độ cao và bền vững (GDP tăng bình quân 7%/năm trở lên); từ đó có tác động lớn đến sự chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; giải quyết các vấn đề xã hội bức súc về việc làm (tạo việc làm mới cho 35 ngàn người), cơ bản xoá hết đói, giảm mạnh số hộ nghèo (còn 5% vào năm 2005), ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội (trên 25% xã phường đạt trong sạch lành mạnh không có các tệ nạn xã hội); áp dụng đầy đủ hệ thống tiền lương, từng bước mở rộng vững chắc hệ thống bảo hiểm và an ninh xã hội; ổn định và cải thiện hơn đời sống nhân dân trong tỉnh. ... áp dụng chính sách, bước đi phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của địa phương; thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội như "Chương trình xoá đói giảm nghèo", "Chương trình chăm sóc thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công". "Chương trình phòng chống các tệ nạn xã hội".
B. Mục tiêu cụ thể:
1- Triển khai chương trình việc làm của tỉnh, nhằm giải quyết việc làm cho 64.000 người (chương trình 120 là 19.000 người, chương trình xoá đói giảm nghèo 21.800, chương trình khác 13.600 người, xuất khẩu lao động 1.500 người, dịch vụ việc làm 9.1000 người), bình quân mỗi năm giải quyết việc làm được 13.000 người; trong đó tạo việc làm mới cho 35.000 người (bằng quỹ quốc gia giải quyết việc làm 5.000 người thông qua các Trung tâm dịch vụ việc làm 9.1000, thông qua cho vay từ các nguồn khác 19.400 người, xuất khẩu lao động 1.500 người), bình quân mỗi năm 7.000 người. Phấn đấu đến hết năm 2005 giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 3% và tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 80%; cơ cấu lao động đạt được là: Nông lâm nghiệp là 60%, công nghiệp xây dựng 20-22%, thương nghiệp dịch vụ 18-20%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 21,5%-29%.
2- Tiếp tục triển khai đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bình quân mỗi năm đào tạo 11,4 ngàn người (riêng đào tạo tại các trường, cơ sở đào tạo nghề là 4,8 ngàn người), đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo 29%-30% vào năm 2005. Nâng cơ cấu lao động có chuyên môn kỹ thuật là: 1 đại học; 2,4 trung học chuyên nghiệp; 6,8 công nhân kỹ thuật và tương đương.
3- Giảm tỷ lệ hộ đói nghèo đến hết năm 2000 còn dưới 12% (bình quân mỗi năm giảm 2-2,5%). Triển khai thực hiện tốt dự án thành phần, đào tạo cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo. Phấn đấu đến năm 2005 xoá cơ bản hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5% (tương đương 14.500 hộ) và không còn xã nghèo (xã có tỷ lệ đói trên 40%). Làm tốt công tác bảo trợ, cứu trợ xã hội thể hiện tình thương, tính nhân đạo của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đối với những gia đình, cá nhân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Huy động đầy đủ, kịp thời nguồn nhân lực để phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, phục vụ các chương trình văn hoá, phúc lợi công cộng....
4- Thực hiện tốt các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người lao động thông qua việc nâng cao hiệu lực của Bộ luật lao động, làm cho Bộ luật lao động thực sự đi vào đời sống xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của người lao động. Đồng thời phải thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công; giải quyết dứt điểm số còn tồn đọng về chính sách sau chiến tranh. Phối hợp với các ngành, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội và các tầng lớp nhân dân làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Làm tốt công tác xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các phần mộ và nghĩa trang, nhà bia ghi tên liệt sĩ. Phấn đấu xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa đạt 3.500 triệu đồng, xây tặng 18 nhà tình nghĩa, 5.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa; đạt 100% xã, phường, thị trấn không còn hộ chính sách đòi nghèo và 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.
5- Xoá bỏ cơ bản các tụ điểm hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh, giảm tỷ lệ tốt đa hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, những đối tượng mại dâm bị phát hiện được giáo dục, chữa trị, dạy nghề, giải quyết việc làm tại Trung tâm tỉnh trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm (395 lượt đối tượng); cai nghiện cho 950 lượt người, giảm tỷ lệ tái nghiện từ 90% hiện nay xuống còn 40-50%. Xây dựng một công trường lao động cấp huyện cho đối tượng 05,06; các huyện và các xã, phường chủ động tổ chức cai nghiện, chữa trị tại cộng đồng theo Nghị định số 19/CP của Chính phủ. Duy trì những xã, phường làm điểm trong sạch, lành mạnh, đồng thời mỗi năm nhân rộng thêm từ 5 đến 10 xã, phường. Làm tốt công tác tuyên truyền, giải quyết, quản lý tốt các vấn đề sau cai.
(Dự kiến kế hoạch có phụ lục kèm theo)
III.Các giải pháp thực hiện
1. Giải pháp về chính sách Lao động - Thương binh và Xã hội:
Kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chế độ, chính sách về lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội; Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề ra như: Giải quyết việc làm, Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, Xoá đói giảm nghèo -Bảo trợ xã hội, Chăm sóc thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công và phòng chống các tệ nạn xã hội; cụ thể là:
a- Chương trình giải quyết việc làm:
- Tổ chức điều tra nắm tình hình lao động việc làm dôi dư trên địa bàn người thiếu việc làm, người thất nghiệp. Tổ chức cho người thiếu việc làm, người thất nghiệp đăng ký tìm việc làm tại các Trung tâm dịch vụ việc làm, giới thiệu việc làm miễn phí đối với người thất nghiệp.
- Thâm canh 66-67 ngàn ha lúa, 18 ngàn ha ngô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có năng suất lao động cao như: sinh hóa đàn bò, nạc hoá đàn lợn, chú trọng đầu tư phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình trên cơ sở tiếp tục thực hiện giao đất, giao rừng, xây dựng các dự án nhỏ vay vốn lồng ghép chương trình giải quyết việc làm với xoá đói giảm nghèo để giải quyết được việc làm và xoá được đói, giảm được nghèo. Tập trung chủ yếu vào 8 ngàn ha chè, 7,4 ngàn ha cây ăn quả, trồng rừng tập trung; mở rộng các làng nghề trong nông thôn như tiểu thủ công nghiệp, mây tre đan, nuôi trồng nấm hương, mộc nhĩ ... nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động trong nông thôn.
- Phát triển công nghiệp chế biến hàng nông-lâm sản trong nông thôn, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ sản xuất, dịch vụ hàng hoá phục vụ cho tiêu dùng của nhân dân, tiến tới xuất khẩu, nhằm giải quyết việc làm mới và tạo thêm việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế hộ, thoát khỏi đói nghèo. Đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn như: thuỷ lợi, giao thông, các công trình phúc lợi công cộng... ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ để tăng hệ số sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 80%.
- Sắp xếp, củng cố lại các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, kiên quyết xử lý hoặc chuyển đổi hình thức sở hữu những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho cơ sở sản xuất, nhất là vốn, thị trường tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu... Củng cố và ưu tiên phát triển, mở rộng các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có hiệu quả kinh tế cao nhằm thu hút số đông lao động có tay nghề làm việc.
- Xây dựng và phát triển khu công nghiệp phía Bắc Việt Trì (nhà máy đèn huỳnh quang, tinh bột ngô). Có chính sách khuyến khích thu hút các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn. Khuyến khích phát triển công nghiệp ngoài quốc doanh, kinh tế tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thác, sử dụng tốt nguồn lao động, tiềm năng, thế mạnh như: cây chè, nguyên liệu giấy, dệt, may, sản xuất vật liệu xây dựng. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia; tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: bưu điện, vận tải, ngân hàng, thương mại - du lịch (đầm Ao Châu, Đền Hùng, Công viên Văn Lang) để thu hút vốn đầu tư và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trong vùng.
- Giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động bằng cách: Tiếp tục khuyến khích 3 doanh nghiệp đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép chuyên doanh tích cực làm công tác xuất khẩu lao động. Trong 5 năm tới phấn đấu đưa trên 1.500 người sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Li Bi, Đài Loan (bình quân mỗi năm là 300 người).
- Đào tạo nghề gắn với dịch vụ việc làm cho người lao động, tạo điều kiện để người lao động được vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120, xoá đói giảm nghèo để người lao động có cơ hội tìm được việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập và tự vươn lên trong cuộc sống.
Thực hiện tốt các chương trình trên sẽ giải quyết việc làm mới cho 35.000 người và tạo thêm việc làm cho 30.000 người.
b. Công tác đào tạo nghề:
- Triển khai đề án đào tạo nghề và quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo nghề. Tiếp tục hướng dẫn sắp xếp các trung tâm xúc tiến việc làm thành trung tâm dạy nghề; tính toán cân đối ngành nghề đào tạo, đặc biệt chú trọng đào tạo các nghề trong nông nghiệp - nông thôn như bảo vệ thực vật, thú y, giảm bớt đào tạo các nghề như cơ khí, gò, hàn, điện, lái xe... Chỉ đạo Trường dạy nghề tỉnh triển khai xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tuyển dụng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình nội dung đào tạo để đủ sức đảm nhận nhiệm vụ dạy nghề tỉnh giao, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xuất khẩu lao động. Phấn đấu đưa số trường, cơ sở dào tạo nghề lên 18-26 cơ sở, bình quân mỗi năm đào tạo 4,8 ngàn người.
- Đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở tư nhân đủ điều kiện mở cơ sở dạy nghề. Chỉ đạo các huyện có điều kiện thành lập Trung tâm dạy nghề đào tạo, bồi dưỡng nghề tại chỗ cho thanh, thiếu niên và nhân dân lao động; phối hợp với các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp, thương nghiệp dịch vụ .... đào tạo bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật cho người lao động để thực hiện đạt hiệu quả cao các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, phủ xanh đất trống đồi núi chọc, tiểu thủ công nghiệp, duy trì và phát triển các nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ bằng kỹ thuật và nguyên vật liệu sẵn có phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Phấn đấu đào tạo, đào tạo lại tại các doanh nghiệp và trong nông thôn được 6,6 ngàn người.
c. Công tác xoá đói giảm nghèo và bảo trợ xã hội:
+ Công tác xoá đói giảm nghèo:
- Nắm chắc tình hình thực tế hộ đói nghèo, tìm ra nguyên nhân, số liệu điều tra phải khách quan, khoa học (tránh tư tưởng báo cáo phục vụ mục đích chủ quan: Tỷ lệ đói nghèo giảm khi xây dựng thành tích hoặc tăng khi xin kinh phí). Thông qua việc điều tra nắm số hộ, nguyên nhân đói nghèo để từ đó tập trung đầu tư đúng địa chỉ, có trọng điểm và giao chỉ tiêu kế hoạch giảm tỷ lệ đói nghèo của từng địa phương. Làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng đảng bộ cơ sở; giáo dục truyền thống, tinh thần tự trọng của mỗi người dân, mỗi địa phương đối với công tác xoá đói giảm nghèo; hướng dẫn người nghèo cách làm ăn.
- Tập trung khai thác mọi nguồn lực, phát huy nội lực; Thực hiện tốt các dự án thành phần; các dự án khuyến nông - khuyến lâm ; lồng ghép các chương trình, tiếp tục triển khai thực hiện 9 dự án, đặc biệt là chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Ngân hàng thế giới (WB) để tập trung đầu tư, giải quyết dứt điểm về cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã nghèo, trước hết là đường, thủy lợi, chợ, điện, trường học, trạm xá, nước sinh hoạt, trung tâm cụm xã, đường giao thông, điện.
- Xây dựng các mô hình, tổ chức học tập, tham quan, nhân rộng các điển hình làm tốt, có hiệu quả về xoá đói giảm nghèo; Dành nguồn ngân sách thoả đáng cho việc đào tạo, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, phương hướng sản xuất kinh doanh.
- Cung cấp các dịch vụ xã hội, nhất là dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, dân số kế hoạch hoá gia đình, nước sạch....) cho người nghèo nhất là đồng bào dân tộc.
- Vận động và phân công các cơ quan, doanh nghiệp giúp đỡ các xã nghèo nằm ngoài chương trình 135. Thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội, phòng chống thiên tai, giảm rủi ro cho nhóm yếu thế.
- Tổ chức tốt công tác kiểm tra giám sát nâng cao hiệu quả đầu tư cho chương trình; cải cách thủ thục thông thoáng, đơn giản nhưng phải đảm bảo chặt chẽ trong đầu tư, cho vay và thu hồi vốn vay.
+ Công tác bảo trợ xã hội:
Triển khai chương trình hành động chăm sóc cho 10.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quản lý, theo dõi và thực hiện giải quyết chính sách cho 5.000 đối tượng nhiễm chất độc hoá học trong chiến tranh. Thành lập hội người mù của tỉnh. Đồng thời tổ chức tốt việc nuôi dưỡng 40 đối tượng tại Trung tâm bảo trợ xã hội, trên 120 trẻ em mồ côi lại SOS - Làng trẻ em Việt Trì; trợ cấp đầy đủ chế độ cho 3.200 đối tượng tại cộng đồng; giải quyết kịp thời chính sách cứu trợ đột xuất cho nhân dân ở các vùng bị thiên tai gây ra.
d. Công tác chăm sóc thương binh, liệt sỹ và người có công:
- Giải quyết tốt các chế độ, chính sách cho trên 60 ngàn đối tượng thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người hưởng có công với nước. Phấn đấu hoàn thành việc giải quyết những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh trong năm 2001.
- Hướng dẫn các chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước, kiểm tra việc thực hiện chính sách và chi trả trợ cấp cho các đối tượng; duy trì việc chi trả trợ cấp hàng tháng kịp thời đúng đối tượng.
- Thực hiện tốt 5 chương trình chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công, chỉ đạo và vận động nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội xây dựng được 3.500 triệu đồng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", xây dựng 18 "Nhà tình nghĩa", tặng 5.000 "Sổ tiết kiệm tình nghĩa"... Phấn đấu đưa công tác chăm sóc người có công trở thành công việc mang tính xã hội hoá cao ở tất cả các cấp và ngày càng tăng về quy mô, phong phú về hình thức.
e. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội:
- "Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 05, 06 /CP, Nghị định 87/CP và 20/CP của Chính phủ. Thực hiện Quyết định số 1037/QĐ-UB của ủy ban nhân dân tỉnh và đề án số 1152/QĐ-UB của ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức cai nghiện, chữa trị, dạy nghề và giải quyết việc làm cho đối tượng 05, 06 ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã phường.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý, giúp đỡ và cảm hoá đối tượng 05, 06 tại gia đình và cộng đồng dân cư. Phấn đấu chữa trị, giáo dục cho 395 lượt đối tượng gái mại dâm; cai nghiện được trên 959 lượt đối tượng nghiện hút ma tuý; phấn đấu giảm tỷ lệ tái nghiện từ 90% hiện nay xuống còn 40-50 % vào năm 2005. Đi đôi với vận động, phải gắn trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân trong việc tham gia công tác phòng chống tệ nạn xã hội; từng bước đưa công tác này ngày càng có tính xã hội hoá cao.
- Chỉ đạo Trung tâm cai nghiện chữa trị của tỉnh tích cực tư vấn cho gia đình và xã, phường phương pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ những đối tượng hết thời gian chấp hành quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh; định kỳ kiểm tra, xét nghiệm để ngăn chặn tỷ lệ tái nghiện.
- Phối hợp với ngành Công an có kế hoạch triệt phá các ổ nhóm mại dâm; phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện Nghị định 87/CP của các cơ sở dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, karaokê. Củng cố công trường lao động của Trung tâm tỉnh, đồng thời có kế hoạch xây dựng một công trường lao động cho đối tượng 05, 06 của cấp huyện làm thí điểm vào năm 2002.
2. Giải pháp huy động nguồn lực để đảm bảo thực hiện kế hoạch:
a- Tập trung khai thác mọi nguồn lực, phát huy nội lực trong dân như: quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, quỹ đào tạo nghề, nguồn vốn vay từ Ngân hàng người nghèo, nguồn vốn cho vay của các tổ chức kinh tế, nguồn đầu tư từ nước ngoài (FDI), nguồn vốn vay của các tổ chức phi chính phủ (ODA), nguồn tích luỹ của các doanh nghiệp; huy động vốn trong dân, nguồ tích luỹ (tự có) của các hộ gia đình...
b- Tổng kinh phí cần htiết chi cho thực hiện các chương trình, đề án lên tới trên 1.325,5 tỷ đồng (trong đó: kinh phí TW là 883,4 tỷ, kinh phí địa phương là 137,7 tỷ, huy động từ các nguồn khác và từ cộng đồng dân cư là 304,4 tỷ). Số kinh phí nói trên bố trí cho chương trình giải quyết việc làm là 38,7 tỷ, chăm sóc người có công là 281,3 tỷ, xoá đói giảm nghèo và bảo trợ xã hội là 868,1 tỷ, phòng chống tệ nạn mại dâm và cai nghiện ma tuý là 3,1 tỷ, đào tạo nghề là 134,3 tỷ đồng.
3. Giải pháp về tổ chức, quản lý:
a- Thường xuyên củng cố tổ chức bộ máy làm công tác lao động - thương binh và xã hội từ tỉnh đến xã, phường. Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; bồi dưỡng kiến thức khoa học trong quản lý, điều hành công việc; nâng cao tinh thần trách nhiệm và chọn những cán bộ có tâm huyết trong công tác; kiên quyết loại ra khỏi ngành những cán bộ tha hoá, biến chất, cố tình làm sai chế độ chính sách, trục lợi cá nhân; làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong công tác Lao động - Thương binh và Xã hội thời kỳ đổi mới.
b- Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác lao động - thương binh và xã hội; quán triệt đầy đủ những văn bản thuộc lĩnh vực ngành; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chính sách lao động - TB&XH. Thường xuyên thanh kiểm tra việc thực hiện Bộ Luật lao động tại các doanh nghiệp, chú trọng khâu an toàn lao động - vệ sinh lao động; thanh tra việc thực hiện chính sách cho vay vốn giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo; thanh tra việc tính toán, chi trả chế độ trợ cấp cho các đối tượng... kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc đối với những đơn vị, cá nhân cố tình làm sai chính sách, chế độ của Nhà nước; đảm bảo phương châm xét duyệt đúng đối tượng, chi trả đủ tiêu chuẩn trong thực hiện chính sách lao động - thương binh và xã hội.
c- Đẩy mạnh xã hội hoá về công tác lao động - thương binh và xã hội; tuyên truyền đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội trong nhân dân; làm cho nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người trong thực hiện chính sách, chế độ; đồng thời cùng tham gia tuyên truyền, bảo vệ, phát huy những nét đẹp trong thực hiện chính sách, ngăn chặn kịp thời những tư tưởng xấu, lợi dụng chế độ chính sách để mưu lợi cá nhân... làm cho công tác lao động - thương binh và xã hội thực sự trở thành công việc của toàn dân, với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân trong thực hiện chính sách lao động - thương binh và xã hội, tích cực tham gia các chương trình đào tạo, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, chăm sóc người có công và phòng chống các tệ nạn xã hội.
IV. Tổ chức thực hiện:
a. Sự phối hợp từ tỉnh đến cơ sở:
- Phối hợp với các cấp, các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội ở cấp huyện, xã phường, các đơn vị doanh nghiệp; phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.
- Tổ chức điều tra, nắm vững toàn bộ số lượng lao động, số người thất nghiệp, số lao động thiếu việc làm, số lao động vào tuổi đang cần việc làm; tổ chức thông tin về thị trường lao động cho các ngành sản xuất kinh doanh, các đơn vị, doanh nghiệp; cung ứng, giới htiệu việc làm cho các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động. Chỉ đạo, quản lý tốt vốn vay theo các chương trình 120, Việt Tiệp, Việt Đức, xoá đói giảm nghèo... để giải quyết việc làm và tạo thêm việc làm cho người lao động.
- Chỉ đạo các trường, cơ sở dạy nghề hoạt động có hiệu quả, bằng các hình thức đào tạo dài hạn, ngắn hạn, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, điều kiện của người lao động. Đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, chủ động nắm bắt nhu cầu về lao động có tay nghề, sau đó đào tạo nghề và cung cấp cho các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và tiến tới xuất khẩu.
- Chỉ đạo các huyện, thành, thị phối hợp với các ngành xây dựng kế hoạch, cụ thể hoá các chỉ tiêu về xoá đói giảm nghèo hàng năm, có chương trình hành động cụ thể, thiết thực; nhằm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cơ sở trong thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo của tỉnh. Đồng thời tích cực kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và quản lý việc sử dụng các nguồn quỹ cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo; Thực hiện lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội với xoá đói giảm nghèo trên địa bàn từng huyện, từng xã. Nắm chắc tình hình các đối tượng cần cứu trợ trên địa bàn, chủ động đề xuất với Tỉnh, với Bộ các phương thức cứu trợ khi có thiên tai, bão lụt, mất mùa, đói giáp hạt xảy ra... Phối hợp với các Hội bảo trợ thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, tuân chỉ mục đích đã quy định trong đề án thành lập Hội.
- Chỉ đạo các huyện, thành, thị, các xã, phường làm tốt việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng, điều chỉnh kịp thời các chế độ chính sách bổ sung; tăng cường thanh kiểm tra tài chính nhằm ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện chế độ chính sách. Hàng năm tổ chức vận động xây dựng "Quỹ đền ơn đáp nghĩa", xây tặng nhà tình nghĩa, tặng nhà tình nghĩa; thường xuyên chú ý đến việc sửa chữa, nâng cấp nhà, trợ cấp khó khăn đột xuất cho các đối tượng.
- Phối hợp với ngành Công an, Văn hoá Thông tin kiểm tra, rà soát, triệt phá ổ nhóm mại dâm bằng các hình thức như kiểm tra hộ khẩu, hợp đồng lao động, giấy phép kinh doanh, lao động vị thành niên... lập danh sách đối tượng là chủ chứa, là gái bán dâm để xử lý; tổ chức khám, chữa bệnh cho số gái mãi dâm và có các biện pháp quản lý, cải tạo lao động tại các trung tâm, cơ sở chữa bệnh. Chỉ đạo Trung tâm cai nghiện, chữa trị, dạy nghề của tỉnh tổ chức cai nghiện có hiệu quả; phối hợp với ngành Công an vận động số đối tượng cai nghiện tự nguyện và kiên quyết đưa đối tượng phải cai nghiện bắt buộc vào trung tâm. Cử cán bộ theo dõi quản lý sau cai, để số đã cai không bị tái nghiện.
- Thường xuyên củng cố bộ máy tổ chức, chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chỉ đạo thanh kiểm tra cơ sở thực hiện Bộ Luật lao động và thực hiện chính sách lao động - thương binh và xã hội. Hàng quý Sở chủ trì họp giao ban với các huyện, thành, thị, các đơn vị trực thuộc để nắm bắt tình hình cơ sở và có hướng chỉ đạo sát thực.
b- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành, thị:
- Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh, báo cáo cấp ủy, Chính quyền huyện, thành, thị; phối hợp với các ngành chức năng của huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch trên địa bàn huyện, thành thị và tổ chức thực hiện kế hoạch, các chương trình có hiệu quả, đảm bảo đạt và vượt kế hoạch đề ra.
- Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra các xã, phường việc thực hiện chính sách, chế độ thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.
c- Các đơn vị trực thuộc:
Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh, xây dựng kế hoạch cho đơn vị mình theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo kế hoạch về đào tạo, giới thiệu việc làm, nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng...
V. Kiến nghị và đề xuất:
Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung chế độ phụ cấp cho cán bộ bán chuyên trách xã, phường./.