QUYếT địNHQUYẾT ĐỊNH
CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Ban hành quy định về quản lý quỹ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước công bố tại lệnh số 37/LCT-HĐNN8 ngày 24-5-1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Quyết định số 105-CT ngày 10-4-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thành lập quỹ dự trữ điều hòa ngoại tệ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về quản lý quỹ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01-8-1995.
Điều 3. Các Ông Chánh Văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối, vụ Nghiên cứu kinh tế, vụ Kế toán tài chính, Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, thủ trưởng các đơn vị có liên quan ở Ngân hàng Nhà nước Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ QUỸ NGOẠI TỆ
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo quyết định số 208/QĐ-NH7 ngày 26-7-1995
của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
I- Quy định chung
Điều 1. Quỹ Ngoại tệ tại Ngân hàng Nhà nước bao gồm:
Quỹ kinh doanh ngoại tệ (bao gồm ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước và các nguồn ngoại tệ khác gửi tại Ngân hàng Nhà nước).
Quỹ điều hoà ngoại tệ tập trung của Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quản lý.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý Quỹ ngoại tệ:
Bảo toàn vốn ngoại tệ.
Đảm bảo khả năng thanh toán.
Tạo được lợi nhuận.
Điều 3. Quỹ ngoại tệ được giữ chủ yếu bằng các loại: USD, JPY, DEM, FFr, BGBP, SFR, SDR và một số loại ngoại tệ khác. Tỷ trọng từng loại ngoại tệ trong Quỹ do Thống đốc quyết định.
Điều 4. Cơ sở xác định tỷ trọng các loại ngoại tệ trong Quỹ:
4.1- Tỷ trọng các ngoại tệ trong cơ cấu thanh toán quốc tế của Việt Nam (thanh toán xuất nhập khẩu, trả nợ, nhu cầu thanh toán của Chính phủ...).
4.2 - Xu hướng biến động của từng ngoại tệ trên thị trường tiền tệ quốc tế.
4.3. - Sự ổn định về kinh tế, chính trị của các nước có đồng tiền được giữ trong quỹ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 5. Các tiêu chuẩn lựa chọn Ngân hàng để gửi hoặc đầu tư ngoại tệ, mua trái phiếu do các Chính phủ hoặc các Tổ chức tài chính quốc tế phát hành:
5.1 - Lựa chọn ngân hàng trung ương:
Có dự trữ ngoại tệ lớn, thuộc danh sách những ngân hàng lớn trên thế giới.
Có chính sách quản lý ngoại hối tự do.
5.2 - Lựa chọn ngân hàng thương mại:
Có vốn tự có lớn.
Được xếp hạng về hệ số tín nhiệm từ AA trở lên trên thị trường tài chính quốc tế, theo sự xếp hạng của một trong hai công ty của Mỹ xác định hệ số tín nhiệm được công nhận rộng rãi nhất là: Moody Investor, Inc và Standard and Poors Co.
Lãi xuất tiền gửi cao.
5.3- Lựa chọn trái phiếu chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế.
Trái phiếu do các chính phủ có nền kinh tế phát triển cao, hoặc các Tổ chức quốc tế phát hành và người phát hành được xếp hạng mức tín nhiệm cao.
Trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Trái phiếu có khả năng mua bán dễ dàng trên thị trường tài chính quốc tế.
Lãi xuất cao.
II- Quy định về quản lý quỹ kinh doanh ngoại tệ:
Điều 6. Mục đích sử dụng:
Mua bán ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng trong nước nhằm thực hiện chính sách tỷ giá của Ngân hàng Trung ương.
Kinh doanh ngoại tệ trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Điều 7. Nguồn vốn đồng Việt Nam để mua ngoại tệ cho Quỹ kinh doanh ngoại tệ lấy từ các nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 8. Định mức ngoại tệ dự trữ tại quỹ kinh doanh:
Định mức ngoại tệ tại quỹ kinh doanh do Thống đốc quyết định trong từng thời kỳ (Định mức này không tính các khoản tiền gửi ngoại tệ tại Ngân hàng Nhà nước của các tổ chức tín dụng). Trường hợp Quỹ kinh doanh ngoại tệ vượt định mức do Thống đốc quy định sẽ chuyển bán ngoại tệ sang quỹ điều hoà ngoại tệ.
Điều 9. Ngoại tệ của quỹ kinh doanh chỉ gửi hoặc đầu tư ngắn hạn (thời hạn không quá một năm), việc đầu tư hoặc gửi tại mỗi ngân hàng cũng như hạn mức đầu tư vào từng ngân hàng do Thống đốc quy định trong từng thời kỳ.
III- Quy định về quản lý quỹ điều hoà ngoại tệ.
Điều 10. Mục đích sử dụng quỹ Điều hoà ngoại tệ:
10.1 - Đảm bảo giá trị đồng Việt Nam, bình ổn tỷ giá hối đoái và can thiệp thị trường ngoại tệ trong nước khi cần thiết.
10.2 - Đáp ứng nhu cầu chi ngoại tệ của Chính phủ.
10.3 - Kinh doanh trên thị trường tài chính quốc tế.
Điều 11. Nguồn vốn đồng Việt Nam để mua ngoại tệ cho quỹ điều hoà ngoại tệ được lấy từ nguồn tiền cung ứng tăng thêm trong kế hoạch cung ứng tiền hàng năm đã được Chính phủ phê duyệt.
Điều 12. Ngoại tệ bổ sung cho Quỹ điều hòa ngoại tệ mua từ nguồn ngoại tệ của Quỹ kinh doanh, các Ngân hàng thương mại.
Điều 13. Một phần lượng ngoại tệ của Quỹ điều hoà ngoại tệ được gửi ngắn hạn tại các ngân hàng hoặc đầu tư ngắn hạn. Phần còn lại đầu tư dài hạn theo hình thức: tiền gửi ngân hàng, trái phiếu hoặc uỷ thác đầu tư, nhưng thời hạn không quá 5 năm. Việc lựa chọn các ngân hàng gửi tiền hoặc lựa chọn loại trái phiếu của Chính phủ, Tổ chức quốc tế, hoặc các tổ chức để uỷ thác đầu tư do Thống đốc quyết định.
IV- Tổ chức thực hiện
Điều 14. - Vụ quản lý ngoại hối chịu trách nhiệm:
14.1 - Nghiên cứu đề xuất chủ trương, chính sách và các biện pháp quản lý Quỹ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.
14.2 - Phối hợp với các Vụ nghiên cứu kinh tế, Quan hệ quốc tế và Sở giao dịch trình Thống đốc dự kiến gửi ngoại tệ tại các Ngân hàng, hạn mức gửi ngoại tệ từng ngân hàng, loại trái phiếu Chính phủ và tổ chức quốc tế, uỷ thác đầu tư, tỷ trọng từng loại ngoại tệ trong Quỹ.
14.3 - Trừ trường hợp có biến động đột xuất, định kỳ 3 tháng một lần, Vụ Quản lý ngoại hối phối hợp với Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước trình Thống đốc đánh giá lại các ngân hàng gửi ngoại tệ và hạn mức từng ngân hàng, cơ cấu ngoại tệ dự trữ hiện tại, thời hạn của tiền gửi ngoại tệ và trái phiếu.
14.4 - Tham mưu cho Thống đốc trong việc: mua, bán ngoại tệ cho quỹ điều hòa, chi ngoại tệ từ Quỹ điều hòa theo lệnh Chính phủ.
14.5 - Định kỳ hàng tháng báo cáo Thống đốc tình hình Quỹ điều hòa ngoại tệ, ba tháng một lần báo cáo tình hình chung về dự trữ ngoại tệ và đồng thời gửi cho các vụ có liên quan.
Điều 15. Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện các nghiệp vụ cụ thể về quản lý và kinh doanh quỹ ngoại tệ theo quy định của Thống đốc:
15.1 - Mua bán ngoại tệ của quỹ kinh doanh trên thị trường ngoại tệ Liên ngân hàng trong nước.
15.2 - Thực hiện kinh doanh ngoại tệ của quỹ kinh doanh trên thị trường tiền tệ quốc tế.
15.3 - Mua bán ngoại tệ hoặc trái phiếu của quỹ Điều hòa ngoại tệ trên thị trường quốc tế.
15.4 - Mở tài khoản ngoại tệ trong nước và nước ngoài, thực hiện hạch toán kế toán của hai quỹ theo quy định hiện hành.
15.5 - Định kỳ hàng tháng báo cáo Thống đốc tình hình tiền gửi ngoại tệ dự trữ theo từng đồng tiền, từng kỳ hạn và số đầu tư trái phiếu theo tổ chức phát hành trái phiếu và kỳ hạn. Đồng thời thông báo cho Vụ Quản lý ngoại hối, vụ Nghiên cứu kinh tế, vụ Kế toán tài chính biết.
Điều 16. Vụ Nghiên cứu kinh tế có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng tiền trong đó có dành cho mục tiêu mua ngoại tệ bổ sung cho quỹ điều hòa ngoại tệ. Thường xuyên phối hợp với các Vụ chức năng trong việc theo dõi, giám sát việc sử dụng đồng Việt Nam cho mua ngoại tệ, đảm bảo đưa tiền ra một cách hợp lý, phù hợp với mục tiêu yêu cầu đặt ra của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Điều 17. Vụ Quan hệ quốc tế có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin có liên quan đến tình hình các ngân hàng đại lý, tình hình tiền tệ có liên quan đến quản lý dự trữ và tham gia ý kiến với Vụ Quản lý Ngoại hối trong quá trình soạn thảo các kiến nghị trình Thống đốc xem xét quyết định.
Điều 18. Vụ Kế toán tài chính chịu trách nhiệm:
Hướng dẫn việc hạch toán kế toán về hoạt động của các quỹ ngoại tệ trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo dõi, kiểm tra việc hạch toán quỹ ngoại tệ của Ngân hàng nhà nước tại Sở giao dịch đảm bảo phù hợp với các nguồn vốn hạch toán tại vụ Kế toán tài chính./.
-