Lương thực là loại hàng chiến lược quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tình hình lương thực nước ta trước mắt còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được đầy đủ mọi nhu cầu của xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là sản xuất lương thực còn tăng chậm, thiếu vững chắc, việc quản lý, phân phối, lưu thông, tiêu dùng còn nhiều khuyết điểm.
Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 (khoá VI) và kết luận của Bộ Chính trị ngày 24 tháng 6 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng quyết định chuyển hoạt động của ngành lương thực sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
I. Nguyên tắc, yêu cầu của việc kinh doanh lương thực
Kinh doanh lương thực phải bảo đảm những nguyên tắc và yêu cầu sau đây:
1. Thực hiện việc Trung ương thống nhất quản lý lương thực và Nhà nước phải có chính sách nắm cho được tuyệt đại bộ phận lương thực hàng hoá và tổ chức việc phân phối, lưu thông, tiêu dùng lương thực hợp lý, tiết kiệm, gắn với việc từng bước thay đổi hợp lý cơ cấu bữa ăn của người và cơ cấu sử dụng lương thực cho chăn nuôi (tăng ăn màu và các loại thực phẩm, giảm bớt ăn gạo, cấm dùng gạo nấu rượu lậu, không nên dùng gạo để chăn nuôi...); đồng thời, thực hiện các biện pháp nhằm ổn định giá cả, thị trường về lương thực, tiến tới Nhà nước độc quyền kinh doanh lương thực.
2. Tổ chức hợp lý bộ máy kinh doanh lương thực, xoá bỏ trung gian, giảm phí lưu thông, thực hiện kinh doanh tổng hợp (mua, bán, chế biến, xuất nhập khẩu gạo, màu, và phụ phẩm v.v...), giảm hao hụt, mất mát trong quá trình vận tải, bảo quản, chế biến, lưu thông lương thực. Tổ chức kinh doanh lương thực tự bù đắp đủ mọi chi phí, ngân sách Nhà nước không bù lỗ. Triệt để bài trừ bọn đầu cơ tích trữ lương thực.
3. Góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất lương thực, tổ chức tốt việc thu mua, quản lý phân phối và sử dụng lương thực nhằm bảo đảm vững chắc nhu cầu của nhân dân bằng nguồn lương thức sản xuất trong nước, không phải nhập khẩu lương thực cho tiêu dùng (trừ trường hợp đổi hàng), và kiên quyết tạo cho được dự trữ để chủ động khi cần thiết.
II. Chính sách và phương thức kinh doanh lương thực
1. Về mua lương thực.
a) Tổng Công ty lương thực Trung ương và Công ty lương thực các tỉnh, thành phó, đặc khu mua lương thực từ nguồn thuế nông nghiệp, từ nguồn lương thực của nông dân trả công cho các cơ sở dịch vụ sản xuất nông nghiệp (thuỷ lợi phí, công cày máy, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, v.v. ..), mua lương thực theo hợp đồng kinh tế, mua lương thực ngoài hợp đồng theo giá thoả thuận để kinh doanh theo chính sách của Nhà nước.
b) Toàn bộ số thóc thuế nông nghiệp do Trung ương quản lý và sử dụng. Phần thóc thuế nông nghiệp trích để lại cho ngân sách xã, huyện, tỉnh thì để bằng tiền với giá cả hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ngành tài chính và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu có trách nhiệm thu đủ số thuế nông nghiệp bằng lương thực theo pháp lệnh và bán lại cho ngành lương thực Trung ương (giao nhận tay ba) theo giá cả quy định của Nhà nước.
c) Lương thực thu từ các dịch vụ sản xuất (thuỷ lợi phí, công cày máy. ..) do các ngành dịch vụ phối hợp với Uỷ ban Nhân dân địa phương có trách nhiệm thu và bán lại trực tiếp cho ngành lương thực (giao nhận tay ba) theo giá cả quy định của Nhà nước.
d) Lương thực mua theo hợp đồng kinh tế và mua ngoài hợp đồng do ngành lương thực phối hợp với Uỷ ban Nhân dân địa phương và trực tiếp mua của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và nông dân.
- Về mua theo hợp đồng kinh tế. Hàng năm, Nhà nước dành một quỹ vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp như xăng dầu, phân bón há học... giao cho Tổng công ty lương thực Trung ương; Tổng công ty lương thực mua số vật tư này từ các tổ chức kinh doanh vật tư và căn cứ vào kế hoạch sản xuất và hợp đồng kinh doanh mà giao lại cho các Công ty lương thực địa phương để ký hợp đồng kinh tế với các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và nông dân; đối với các vật tư, hàng hoá khác thì tuỳ theo yêu cầu cụ thể của nông dân từng vùng, từng vụ và khả năng thực tế của Nhà nước mà đưa vào hợp đồng.
Ngành lương thực có trách nhiệm mua về đủ số lương thực tương ứng với số vật tư được giao để ký hợp đồng mua lương thực của nông dân. Giá cả mua, bán, thanh toán phải theo đúng chính sách của Nhà nước.
Về phương thức hợp đồng, cần vận dụng rộng rãi nhiều hình thức linh hoạt bảo đảm thu được số lương thực tương ứng với vật tư đưa ra như mua, bán, thanh toán ngay theo tỷ giá đã thoả thuận ghi trong hợp đồng; hoặc có thể áp dụng phương thức ký hợp đồng ứng trước vật tư, dịch vụ cho người sản xuất và đến thời vụ sẽ nhận lương thực sau; hoặc ngược lại mua lương thực trước bán vật tư hàng hoá sau, phù hợp với tập quán và điều kiện cụ thể ở từng nơi.
Đối với những nơi sản xuất lương thực còn khó khăn, người sản xuất không có lương thực hàng hoá để ký hợp đồng bán cho Nhà nước, thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm bán vật tư nông nghiệp (theo kế hoạch và định mức kinh tế - kỹ thuật) và mua lại nông sản khác hoặc thu bằng tiền.
- Về mua ngoài hợp đồng. Ngành kinh doanh lương thực mua số lương thực hàng hoá còn lại của nông dân theo giá thỏa thuận để đáp ứng các đối tượng và nhu cầu xã hội khác, bao gồm cả nhu cầu của tiểu thủ công nghiệp, nghề muối, nghề cá, nghề rừng, sản xuất cây công nghiệp, v.v... Phần lương thực này, ngành lương thực cần thực hiện ngay nguyên tắc kinh doanh tự bù đắp chi phí, Nhà nước không bù lỗ.
e) Trên nguyên tắc bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nông nghiệp và các hợp đồng bán lương thực đã ký với tổ chức kinh tế của Nhà nước, người dân được tự do lưu thông lương thực còn lại. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm hướng dẫn việc lưu thông này theo đúng nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý lương thực.
g) Bộ Tài chính và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, huyện phải hướng dẫn kịp thời việc giảm, miễn thuế theo Pháp lệnh thuế nông nghiệp để thu được thuế ngay sau khi thu hoạch, không để chậm trễ hoặc nợ dây dưa.
2. Về bán lương thực cho người tiêu dùng.
a) Về nguyên tắc, ngành lương thực có trách nhiệm bán lương thực cho mọi nhu cầu lương thực ăn của xã hội.
b) Bảo đảm đủ lương thực cho lực lượng vũ trang và bán cho cán bộ, công nhân, viên chức, người ăn theo (theo quy định của Nhà nước); thân nhân liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng ở thành phố, thị xã (nếu ở nông thôn thì do hợp tác xã điều hoà), những người thuộc diện cứu tế xã hội. Về giá cả, định lượng lương thực bán cho các đối tượng này do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định.
Việc cung cấp lương thực cho lực lượng vũ trang do Tổng cục Hậu cần trực tiếp phụ trách, Ngành lương thực ở Trung ương cũng như ở địa phương có trách nhiệm bảo đảm cung ứng kịp thời và đủ số lượng lương thực cho Tổng cục Hậu cần theo định lượng và giá cả do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Quốc phòng và Bộ tài chính hướng dẫn cụ thể.
3. Việc xuất khẩu, nhập khẩu lương thực chủ yếu nhằm cải tiến cơ cấu tiêu dùng lương thực trong nước, điều hoà lương thực Nam - Bắc, và tăng dự trữ lương thực quốc gia, Tổng Công ty Lương thực Trung ương thống nhất quản lý việc xuất khẩu, nhập khẩu lương thực trong cả nước.
Toàn bộ hoạt động kinh doanh của ngành lương thực phải phấn đấu sớm thực hiện nguyên tắc hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, tự bù đắp chi phí không để Nhà nước phải bù lỗ.
III. Tổ chức bộ máy kinh doanh và quản lý Nhà nước về lương thực
1. Về bộ máy kinh doanh lương thực.
Lập Tổng Công ty Lương thực Trung ương và các Công ty Lương thực ở các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương để kinh doanh lương thực và cung ứng lương thực cho các đối tượng Nhà nước quy định; bỏ Tổng Công ty Lương thực khu vực và các Công ty Lương thực ở các huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh.
a) Thành lập Tổng Công ty Lương thực Trung ương trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Tổng Công ty hoạt động theo cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và những quyết định cụ thể của Hội đồng Bộ trưởng. Để bảo đảm điều kiện ban đầu cho Tổng Công ty hoàn thành được nhiệm vụ Nhà nước giao, Nhà nước cấp một số vốn ngân sách đầu tư ban đầu cho Tổng Công ty để xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến, phương tiện vận tải chuyên dùng, sản xuất bao bì...
b) Thành lập Công ty Lương thực tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu. Công ty này hoạt động theo cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, và chịu sự chỉ đạo hướng dẫn về nghiệp vụ kinh doanh và kỹ thuật, sự điều hoà lương thực giữa các vùng trong cả nước của Tổng Công ty Lương thực Trung ương. Theo sự hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu ra quyết định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công ty Lương thực tỉnh, thành phố, đặc khu và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của Công ty này.
c) Tổ chức các cửa hàng, trạm hoặc đại lý trực thuộc Công ty tỉnh làm nhiệm vụ thu mua, bán lẻ lương thực ở các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Các đơn vị này không hạch toán độc lập.
d) Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm rà soát và quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới phục vụ kinh doanh lương thực từng vùng và trong cả nước,
nhằm tổ chức và quản lý hợp lý, đạt hiệu quả cao, thuận tiện cho việc mua bán lương thực, định rõ phần nào do địa phương quản lý, phần nào chuyển giao lại cho Tổng Công ty.
2. Quản lý Nhà nước về kinh doanh lương thực:
a) Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm quản lý Nhà nước về các mặt chỉ đạo việc lập quy hoạch, kế hoạch (5 năm, hàng năm) về cân đối lương thực trong phạm vi cả nước (bao gồm cả kế hoạch xuất khẩu và nhập khẩu); nghiên cứu đề nghị Hội đồng Bộ trưởng ban hành các chính sách về huy động, phân phối, lưu thông, tiêu dùng lương thực, quản lý thị trường; các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về kinh doanh và chế biến lương thực; đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý, đào tạo bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ ngành lương thực; kiểm tra, giám sát hoạt động của ngành lương thực về mọi mặt trong phạm vi cả nước.
b) Căn cứ quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, và theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, của liên Bộ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác lương thực trên địa bàn lãnh thổ. Giải thể Sở Lương thực ở tỉnh, thành phố, đặc khu và Phòng Lương thực ở cấp huyện, quận và tương đương. Giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm giúp Uỷ ban Nhân dân thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác lương thực ở địa phương.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo về mọi mặt việc thực hiện chuyển mọi hoạt động của ngành lương thực sang hạch toán kinh doanh xã hộ chủ nghĩa, kể từ ngày 1-1-1988.
2. Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, trước hết là Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và xã hội, Quốc phòng, Nội vụ, Nội thương, Vật tư, Ngọi thương, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Ban tổ chức của Chính phủ... có trách nhiệm cùng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các vướng mắc, thực hiện nghiêm túc Quyết định này.
3. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cùng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, các ngành có liên quan khác chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức thực hiện ở địa phương theo nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
Việc đổi mới và chuyển hướng hoạt động trên đây có nhiều khó khăn và phức tạp. Chỉ có làm được việc này thì mới giải quyết tốt vấn đề lương thực trên cơ sở tích cực phát triển nông nghiệp toàn diện. Yêu cầu các cấp uỷ lãnh đạo thực hiện chặt chẽ để đưa công tác lương thực đi vào nề nếp.
Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.