QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phê duyệt Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu
cho nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hoá
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 19 tháng 8 năm 1991;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 02 tháng 12 năm 1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầy tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 4392-BKH/VPTĐ ngày 12 tháng 7 năm 2002 và công văn số 8231 BKH/VPTĐ ngày 26 tháng 12 năm 2002), ý kiến của các Bộ : Khoa học, Công nghệ và Môi trường nay là Bộ Khoa học và Công nghệ (công văn số 3211/BKHCNMT-VPTĐ ngày 17 tháng 11 năm 2001), Tài chính (công văn số 11905-TC/ĐT ngày 11 tháng 12 năm 2001), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (công văn số 512/BNN-PTLN ngày 27 tháng 02 năm 2002), Công nghiệp (công văn số 880/CV-KHĐT ngày 14 tháng 3 năm 2002), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (công văn số 214/NHNN-TD ngày 01 tháng 3 năm 2002), Tổng cục Địa chính nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường (công văn số 199/TCĐC-ĐKTK ngày 04 tháng 3 năm 2002),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hoá, gồm các nội dung sau đây :
1. Tên dự án : Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hoá.
2. Chủ đầu tư : Tổng công ty Giấy Việt Nam.
3. Mục tiêu chính của dự án :
Giai đoạn I : Khai thác tre, nứa từ rừng tự nhiên, luồng từ rừng trồng hiện có và từ rừng luồng trồng mới để cung cấp đủ 250.000 tấn nguyên liệu các loại/năm cho nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hoá công suất 50.000 tấn bột giấy/năm.
Giai đoạn II : Sẽ được quyết định sau, căn cứ vào quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hoá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Quy mô diện tích sử dụng cho dự án : Giai đoạn I sử dụng vùng luồng hiện có; trồng mới khoảng 4.700 ha do chủ đầu tư và ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá quy hoạch và bố trí cụ thể.
5. Địa điểm thực hiện dự án gồm các huyện : Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc và Cẩm Thuỷ thuộc tỉnh Thanh Hoá.
6. Nội dung đầu tư :
Đầu tư trồng mới rừng nguyên liệu giấy.
Quản lý bảo vệ rừng nguyên liệu giấy.
Đầu tư xây dựng mạng lưới đường vận chuyển từ bãi I ra bãi II.
Đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Đầu tư khuyến nông, khuyến lâm.
7. Vốn đầu tư và nguồn vốn :
a) Vốn đầu tư dự kiến bao gồm các nguồn sau :
Ngân sách nhà nước : 123. 863,5 triệu đồng.
Vốn vay tín dụng ưu đãi : 844.177,5 triệu đồng.
Vốn tự có của dân : 29. 413,9 triệu đồng.
Giai đoạn từ 2002 đến 2005 đầu tư : 469.555,6 triệu đồng.
Giai đoạn từ 2006 đến 2010 đầu tư : 464.578,0 triệu đồng.
Năm 2011 đầu tư : 63.321,2 triệu đồng.
Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước sử dụng đầu tư cho trồng, chăm sóc kiến thiết cơ bản, bảo vệ rừng đối với rừng trồng; mua sắm thiết bị.
Phần chi phí đầu tư cho khuyến nông, khuyến lâm, nghiên cứu khoa học, đầu tư từ nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Huy động vốn tự có của dân tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vùng nguyên liệu.
b) Tổng vốn đầu tư dự kiến trên đây phải được xác định lại cụ thể sau khi Tổng công ty Giấy Việt Nam đã xác định cụ thể vị trí và diện tích đất, loại cây để trồng mới rừng nguyên liệu giấy cho giai đoạn I và các hạng mục đầu tư của dự án.
8. Tổ chức thực hiện dự án :
Dự án tổ chức thực hiện theo mô hình gắn vùng nguyên liệu với nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hoá thành một công ty chung. Nhà máy có trách nhiệm chăm lo phát triển vùng nguyên liệu, tổ chức tốt mối quan hệ hoặc liên doanh liên kết với các đơn vị và hộ gia đình trồng rừng nguyên liệu giấy thông qua các hợp đồng kinh tế hoặc tổ chức thành Công ty cổ phần, trong đó nhà máy giấy và các đơn vị trồng rừng là các cổ đông nhằm gắn bó lợi ích kinh tế giữa người trồng rừng và nhà máy, bảo đảm cung cấp ổn định lâu dài nguyên liệu cho nhà máy.
Trước mắt, khi nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hoá chưa đi vào sản xuất, thành lập Công ty nguyên liệu giấy Thanh Hoá trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam. Chuyển trung tâm nghiên cứu luồng Ngọc Lặc và 3 lâm trường trong vùng nguyên liệu : Lâm trường Bá Thước, lâm trường Cẩm Thuỷ, lâm trường luồng (huyện Lang Chánh) sang trực thuộc Công ty này.
9. Thời gian thực hiện dự án : Từ năm 2002 đến năm 2011. Trước mắt cho triển khai ngay việc trồng rừng, bảo đảm đủ nguyên liệu cho giai đoạn I và quy hoạch chi tiết đất trồng rừng phục vụ giai đoạn II của nhà máy.
10. Về cơ chế, chính sách đối với dự án trồng rừng nguyên liệu giấy Thanh Hoá :
Các tổ chức, hộ gia đình trồng rừng nguyên liệu giấy (chủ rừng) cho dự án được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để các chủ đất yên tâm đầu tư trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy giấy.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối phần vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc vùng dự án và kinh phí giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá nhận nguồn vốn này và chỉ đạo thực hiện theo nội dung dự án.
Điều 2. Trên cơ sở quyết định phê duyệt dự án khả thi đầu tư phát triển vùng nguyên liệu giấy cho nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hoá, giao Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chỉ đạo chủ đầu tư rà soát và tính toán chi tiết các dự án thành phần, xác định cụ thể quy mô diện tích vùng nguyên liệu, khối lượng cụ thể của các hạng mục đầu tư và tổng mức vốn đầu tư, trên cơ sở bảo đảm tiến độ và hiệu quả của dự án để xem xét và phê duyệt theo quy định hiện hành.
Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá tiến hành công tác quy hoạch, xác định cụ thể, chi tiết diện tích đất chuyên canh trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hoá giai đoạn II theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 98/TB-VPCP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm đủ đất phát triển vùng nguyên liệu giấy cho nhà máy, trên cơ sở bảo đảm năng suất cây trồng và cự ly vận chuyển hiệu quả nhất, xác định lại tổng mức đầu tư hợp lý, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án theo nội dung nêu trong Quyết định này, bảo đảm đủ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hoá hoạt động ổn định.
Điều 4. Giao Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch bảo đảm đủ diện tích đất trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hoá.
Điều 5. Điều khoản thi hành :
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bộ trưởng các Bộ : Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này./.