UBND Tỉnh Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt NamQUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Về việc ban hành "Quy định về thời hạn và mức trả nợ vốn vay không tính lãi chương trình 327"
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994.
Căn cứ thông tư số 01/TC-KBNN ngày 7/1/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu hồi vốn vay, quản lý, sử dụng vốn vay các dự án thuộc chương trình 327.
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại tờ trình số 1164/TT ngày 7/1/1998.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về thời hạn và mức trả nợ vốn vay không tính lãi, thuộc chương trình 327 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Điều 2: Giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, cùng Kho bạc tỉnh tổ chức hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị, các sở,ban ngành có liên quan, các chủ dự án 327 có trách nhiệm thực hiện các nội dung trong quy định ban hành kèm theo quyết định này.
Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kho bạc tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Vật giá, Cục thuế, các ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, các chủ dự án 327 căn cứ quyết dịnh thi hành.
QUY ĐỊNH
Về thời hạn và mức trả nợ vốn vay không tính lãi chương trình 327
(Ban hành kèm theo QĐ số 227/QĐ-UB ngày 5
tháng 2 năm 1998 của UBND tỉnh Phú Thọ)
I. Quy định chung:
- Thời điểm bắt đầu thu nợ vốn vay không tính lãi chương trình 327 được xác định từ khi vay vốn, tới khi thu nợ phù hợp với khả năng sinh trưởng phát triển của từng loại cây trồng, vật nuôi.
- Mức trả nợ mỗi lần tính theo tỷ lệ % của tổng số vốn đã vay, khuyến khích các đối tượng vay vốn trả hết nợ 1 lần khi đến hạn và trả sớm hơn quy định.
- Quá thời hạn không trả đủ nợ, Kho bạc Nhà nước chuyển sang nợ quá hạn và phạt theo lãi suất quá hạn của chương trình 120 (hiện đang áp dụng 1% tháng), không kể các dự án được xem xét cho khoanh nợ theo quy định tại Thông tư 01/TC-KBNN ngày 7/1/1997 của Bộ Tài chính.
II- Quy định cụ thể:
1- Cây chè, cà phê:
- Thời hạn thu nợ: Bắt đầu thu từ tháng thứ 49, kể từ khi nhận tiền vay để trồng.
- Mức trả nợ tối thiểu:
Từ tháng thứ 49 đến tháng thứ 60 là 20%.
Từ tháng thứ 61 đến tháng thứ 72 là 20%.
Từ tháng thứ 73 đến tháng thứ 84 là 30%.
Từ tháng thứ 85 đến tháng thứ 96 là 30%.
2- Cây sơn:
- Thời hạn thu nợ: Bắt đầu từ tháng thứ 49, kể từ khi nhận tiền vay để trồng.
- Mức trả nợ tối thiểu:
Từ tháng thứ 49 đến tháng thứ 60 là 20%.
Từ tháng thứ 61 đến tháng thứ 72 là 50%.
Từ tháng thứ 73 đến tháng thứ 84 là 30%.
3- Cây quế:
- Thời hạn thu nợ: Bắt đầu từ tháng thứ nhất của năm thứ 10, kể từ khi nhận tiền vay để trồng.
- Mức trả nợ tối thiểu:
Năm thứ 10 là 20%
Năm thứ 12 là 80%.
4- Cây mía, dâu tằm: Đến tháng thứ 24, kể từ khi nhận tiền vay để trồng phải trả hết nợ.
5- Cây ăn quả:
a) Nhãn, vải, hồng, xoài trồng thuần:
- Thời hạn thu hồi nợ: Bắt đầu từ tháng thứ 73 kể từ khi nhận tiền vay để trồng.
- Mức trả nợ tối thiểu:
Tháng thứ 73 đến tháng thứ 84 là 20%.
Tháng thứ 85 đến tháng thứ 96 là 80%.
b) Các loại cây ăn quả hỗn giao (cam, quít, bưởi, na...)
- Thời hạn thu hồi nợ: Bắt đầu từ tháng thứ 49 kể từ khi nhận tiền vay để trồng
- Mức trả nợ tối thiểu:
Tháng thứ 49 đến tháng thứ 60 là 20%.
Tháng thứ 61 đến tháng thứ 72 là 80%.
6- Chăn nuôi:
a) Trâu, bò: Thời hạn thu hồi nợ: Bắt đầu từ tháng thứ 49 kể từ khi nhận tiền vay để chăn nuôi. Từ tháng thứ 49 đến tháng thứ 60, chủ nợ phải trả hết nợ.
b) Dê, cừu: Thời hạn thu hồi nợ: Bắt đầu từ tháng thứ 25 kể từ khi nhận tiền vay để chăn nuôi. Từ tháng thứ 25 đến tháng thứ 36, chủ nợ phải trả hết nợ.
III- Tổ chức thực hiện:
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 2 năm 1998. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề chưa phù hợp, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành, thị và các chủ dự án phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tập hợp báo cáo cho UBND tỉnh xem xét, xử lý./.