QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ban hành quy định về thẩm định an toàn giao thông đường bộ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 09 năm 2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và hướng dẫn thi hành việc lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về thẩm định an toàn giao thông đường bộ".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Quyết định này bãi bỏ Thông tư số 11/2005/TT-BGTVT ngày 05 tháng 09 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về công tác thẩm định an toàn giao thông đường bộ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Về thẩm định an toàn giao thông đường bộ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BGTVT ngày 07/05/2007
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Văn bản này quy định về thẩm định an toàn giao thông đường bộ (sau đây gọi là thẩm định ATGT) bao gồm: thẩm quyền quyết định; yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định; trình tự và nội dung thực hiện việc thẩm định ATGT.
2. Văn bản này áp dụng đối với các công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và các công trình đường bộ đã đưa vào khai thác không phân biệt nguồn vốn đầu tư.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có liên quan đến công tác thẩm định an toàn giao thông đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Thẩm quyền quyết định thẩm định ATGT
1. Đối với công trình xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo: Người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc cho phép đầu tư quyết định dự án phải thẩm định và giai đoạn của dự án phải thẩm định ATGT.
2. Đối với công trình đường bộ đang khai thác:
a) Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam quyết định thẩm định ATGT đối với quốc lộ và đường cao tốc;
b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thẩm định ATGT đối với đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện;
c) Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định thẩm định ATGT đối với đường xã.
Điều 4. Các giai đoạn thẩm định ATGT
Thẩm định ATGT được thực hiện trong một hoặc một số các giai đoạn sau:
1. Báo cáo đầu tư xây dựng công trình.
2. Dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình.
3. Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công.
4. Trước khi đưa công trình vào khai thác.
5. Trong quá trình khai thác.
Điều 5. Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thẩm định ATGT
1. Tổ chức thẩm định ATGT phải đáp ứng đủ các các điều kiện sau:
a) Độc lập với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu và chủ đầu tư;
b) Đối với dự án nhóm A và nhóm B, tổ chức tham gia thẩm định ATGT phải có ít nhất 10 người là kỹ sư thuộc các chuyên ngành phù hợp với công tác thẩm định ATGT, trong đó ít nhất có 4 kỹ sư đường bộ, 1 kỹ sư vận tải đường bộ và có tối thiểu 2 người đủ điều kiện làm tổ trưởng tổ thẩm định.
Đối với dự án nhóm C, tổ chức tham gia thẩm định ATGT phải có ít nhất 5 người, trong đó có tối thiểu 1 kỹ sư đường bộ, 1 kỹ sư hoặc trung cấp vận tải đường bộ và tổ chức tham gia thẩm định ATGT phải có 1 người đủ điều kiện làm tổ trưởng tổ thẩm định.
c) Tổ chức thẩm định ATGT phải thành lập tổ thẩm định và chỉ định chức danh tổ trưởng thẩm định và chủ nhiệm thẩm định (hai chức danh này có thể do một thành viên đảm nhận) cho mỗi giai đoạn dự án thẩm định ATGT;
Tổ thẩm định phải có ít nhất 5 người đối với các dự án nhóm A, B; có 3 người đối với các dự án nhóm C.
2. Cá nhân tham gia thẩm định ATGT (sau đây gọi là thẩm định viên) phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có sức khoẻ phù hợp với công tác thẩm định tại văn phòng và ở hiện trường;
b) Có trình độ từ đại học trở lên (với dự án nhóm C cho phép một trung cấp vận tải) về chuyên ngành giao thông đường bộ (đường bộ, cầu, giao thông công chính, vận tải đường bộ), có thời gian làm việc về thiết kế công trình đường bộ ít nhất 3 năm hoặc có trình độ từ đại học trở lên đã trực tiếp quản lý giao thông đường bộ ít nhất 5 năm và tham gia thiết kế, trực tiếp xử lý an toàn giao thông từ 3 công trình trở lên;
c) Tham gia chương trình đào tạo thẩm định viên an toàn giao thông do Bộ Giao thông vận tải tổ chức.
3. Cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm thẩm định ngoài đáp ứng các quy định tại điểm a, c của khoản 2 Điều này còn phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a) Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành giao thông đường bộ, có thời gian làm việc về thiết kế công trình đường bộ ít nhất 10 năm;
b) Có trình độ từ đại học trở lên đã trực tiếp quản lý giao thông đường bộ ít nhất 12 năm và tham gia thiết kế, trực tiếp xử lý ATGT từ 3 công trình trở lên;
c) Đã đảm nhận chức danh chủ nhiệm đồ án thiết kế ít nhất 3 dự án có cấp công trình tương đương với cấp công trình cần thẩm định ATGT (cấp công trình theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng).
Điều 6. Các căn cứ làm cơ sở thẩm định ATGT
1. Quyết định của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 3 về việc thực hiện thẩm định ATGT và các giai đoạn cần phải thẩm định ATGT của dự án.
2. Hồ sơ dự án: Báo cáo đầu tư xây dựng công trình, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật (đối với công trình thiết kế 3 bước) hoặc thiết kế bản vẽ thi công (đối với công trình thiết kế 1 bước và 2 bước) và các tài liệu liên quan đến dự án.
Đối với trường hợp thẩm định ATGT trước khi nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác phải có biên bản kiểm tra hiện trường giữa tổ chức thẩm định ATGT với chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát.
3. Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và các tiêu chuẩn liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định sử dụng cho dự án.
4. Đề cương, dự toán thẩm định ATGT do chủ đầu tư lập. Trường hợp thuê tư vấn lập thì chủ đầu tư tổ chức thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 7. Kinh phí thẩm định ATGT
Chi phí thẩm định ATGT được tính trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán công trình giao thông hoặc tính trong chi phí quản lý, bảo trì đường bộ đối với công trình đã đưa vào khai thác theo nguyên tắc sau:
1. Đối với dự án xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp, kinh phí thẩm định ATGT được bố trí trong nguồn vốn đầu tư của dự án.
2. Đối với công trình đang khai thác, kinh phí thẩm định ATGT được xác định trên cơ sở đề cương và dự toán được duyệt và được bố trí trong nguồn vốn bảo trì hàng năm.
Điều 8. Báo cáo thẩm định ATGT
Báo cáo thẩm định ATGT bao gồm các nội dung cơ bản sau:
1. Thông tin chung về dự án:
- Tên của dự án và giai đoạn công tác thẩm định được thực hiện;
- Tên của chủ nhiệm thẩm định và thẩm định viên.
2. Thông tin cơ sở:
- Liệt kê tài liệu đã thu thập dùng cho công tác thẩm định (các báo cáo, các bản vẽ liên quan);
- Mô tả ngắn gọn các đề xuất;
- Các chi tiết khi đi thị sát và đánh giá hiện trường;
- Các phát hiện và khuyến nghị;
- Thông báo về những vấn đề phát hiện được trong các chuyến khảo sát hiện trường và nghiên cứu các tài liệu được cung cấp. Có thể dùng hình ảnh hoặc băng video để hỗ trợ cho việc này;
- Các khuyến nghị (nếu có) về công tác sửa chữa, khắc phục;
- Thông báo chính thức.
Thông báo của Tổ chức thẩm định về việc hoàn thành công tác thẩm định có ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên của chủ nhiệm thẩm định, thẩm định viên.
Chương II
TRÌNH TỰ THẨM ĐỊNH AN TOÀN GIAO THÔNG
Điều 9. Trình tự thẩm định ATGT
Trong mỗi giai đoạn thẩm định ATGT, trình tự thẩm định được tiến hành theo các bước như Bảng 1 dưới đây; tùy theo dự án cụ thể có thể kết hợp hoặc bỏ qua một số bước (hướng dẫn cụ thể xem Phụ lục 1).
Bảng 1. Các bước thẩm định an toàn giao thông
TT các bước | Nội dung công việc | Trách nhiệm thực hiện |
1. | Đề xuất dự án, giai đoạn thẩm định ATGT hoặc công trình đường bộ để trình cấp có thẩm quyền quyết định. | Chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý đường bộ (đối với đường bộ đang khai thác) |
2. | Lập và phê duyệt đề cương thẩm định Tuyển chọn tổ chức thẩm định và thương thảo hợp đồng | Chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý đường bộ (đối với đường bộ đang khai thác) |
3. | Cung cấp tài liệu để thẩm định | Chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý đường bộ (đối với đường bộ đang khai thác) Tư vấn thiết kế Nhà thầu xây dựng (tuỳ theo giai đoạn) Tổ chức thẩm định ATGT |
4. | Nghiên cứu tài liệu | Tổ chức thẩm định ATGT |
5. | Đi hiện trường | Tổ chức thẩm định ATGT |
6. | Báo cáo thẩm định ATGT | Tổ chức thẩm định ATGT |
7. | Tổ chức thẩm tra kết quả báo cáo thẩm định do tư vấn thẩm định ATGT thực hiện | Chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý đường bộ (đối với đường bộ đang khai thác) Tư vấn thiết kế Nhà thầu (tuỳ theo giai đoạn) Tổ chức thẩm định ATGT |
8. | Chỉnh sửa thiết kế hoặc điều chỉnh đặc điểm của đường | Tư vấn thiết kế Nhà thầu (tuỳ theo giai đoạn) |
9. | Xác nhận lần cuối cho những việc đã làm | Chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý đường bộ (đối với đường bộ đang khai thác) |
Điều 10. Trình tự thẩm định ATGT đối với các dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo
1. Quyết định dự án phải thẩm định ATGT và giai đoạn phải thẩm định ATGT của người có thẩm quyền.
2. Chủ đầu tư duyệt đề cương và tuyển chọn tổ chức thẩm định ATGT theo quy định của Luật đấu thầu, hai bên trao đổi các nội dung công việc thẩm định, ký kết hợp đồng về thẩm định ATGT.
3. Chủ đầu tư và tư vấn thiết kế (và nhà thầu cung cấp bản vẽ hoàn công ở giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác) cung cấp hồ sơ dự án và tất cả các thông tin có liên quan khác về dự án cho tổ chức thẩm định ATGT.
4. Tổ chức thẩm định ATGT rà soát các hồ sơ thiết kế dự án và các thông tin liên quan khác, xem xét tất cả các loại đối tượng tham gia giao thông và dự kiến khai thác công trình trong mối tương quan với các khu vực gần kề và mạng lưới đường bộ có liên quan.
5. Tổ chức thẩm định ATGT tiến hành kiểm tra hiện trường để tìm hiểu và phát hiện mối liên hệ giữa dự án với các đối tượng tham gia giao thông sau này và khu vực gần kề; Riêng đối với giai đoạn thẩm định trước khi đưa công trình vào khai thác thì phải kiểm tra cả ban đêm.
6. Tổ chức thẩm định ATGT phối hợp với tư vấn thiết kế và nhà thầu ở giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác xem xét ảnh hưởng của dự án có sự ảnh hưởng đến ATGT và các công trình gần kề.
7. Đối với giai đoạn thẩm định ATGT trước khi đưa công trình vào khai thác, phải có sự tham gia của cơ quan tiếp nhận quản lý đường bộ.
8. Tổ chức thẩm định ATGT lập và gửi báo cáo thẩm định kèm theo văn bản nêu rõ kết luận các tồn tại về an toàn giao thông, các đề xuất và biện pháp khắc phục nhằm nâng cao an toàn cho dự án lên chủ đầu tư và tư vấn thiết kế, nhà thầu ở giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác.
9. Tư vấn thiết kế, nhà thầu ở giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác có trách nhiệm tiếp thu bằng văn bản các đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo thẩm định ATGT và chỉnh sửa hồ sơ dự án. Nếu có những điểm chưa thống nhất với kết luận của tổ chức thẩm định ATGT thì tư vấn thiết kế và nhà thầu phải gửi văn bản lên chủ đầu tư giải thích rõ những đề xuất kiến nghị còn chưa thống nhất. Chủ đầu tư xem xét quyết định trong phạm vi thẩm quyền của mình. Trường hợp chưa thống nhất, phải báo cáo người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét và quyết định.
Điều 11. Trình tự thẩm định ATGT trong quá trình khai thác
1. Công trình đường bộ đang khai thác, việc tuyển chọn tuyến đường thẩm định ATGT tiến hành theo trình tự sau:
a) Đơn vị quản lý trực tiếp tuyến đường đề xuất lên cơ quan quản lý đường bộ những tuyến đường cần thẩm định ATGT;
b) Cơ quan quản lý đường bộ lựa chọn tuyến đường cần thẩm định ATGT. Việc lựa chọn dựa vào những tuyến đường có tiềm ẩn mất ATGT;
c) Quyết định của cơ quan quản lý đường bộ về thẩm định ATGT.
2. Cơ quan quản lý đường bộ duyệt đề cương và tuyển chọn tổ chức thẩm định ATGT theo quy định của Luật đấu thầu. Cơ quan quản lý đường bộ và tổ chức thẩm định ATGT được tuyển chọn trao đổi các nội dung công việc thẩm định, ký hợp đồng kinh tế về thẩm định ATGT.
3. Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm cung cấp hồ sơ dự án và tất cả các thông tin liên quan khác về dự án cho tổ chức thẩm định ATGT.
4. Tổ chức thẩm định ATGT rà soát, xem xét các hồ sơ dự án và các thông tin liên quan khác, cân nhắc xem xét tất cả các loại đối tượng tham gia giao thông và việc khai thác công trình trong mối tương quan dưới góc độ an toàn giao thông.
5. Nếu tuyến đường đang thẩm định ATGT đáp ứng đủ các tiêu chí điểm đen về tai nạn giao thông đường bộ theo quy định khảo sát, xác định và xử lý điểm đen thì cần xem xét thực trạng hiện trường.
6. Tổ chức thẩm định ATGT tiến hành kiểm tra hiện trường (kiểm tra cả ngày lẫn đêm) để xác định rõ những vấn đề mất an toàn hoặc những đặc điểm có khả năng gây ra tai nạn giao thông.
7. Tổ chức thẩm định ATGT phối hợp với cơ quan trực tiếp quản lý đường bộ, Ban ATGT địa phương và cảnh sát giao thông thảo luận xem xét tình hình an toàn của tuyến đường đang được thẩm định.
8. Tổ chức thẩm định ATGT lập và gửi báo cáo thẩm định ATGT kèm theo văn bản nêu rõ kết luận các tồn tại về an toàn giao thông, các đề xuất và biện pháp khắc phục nhằm nâng cao an toàn cho tuyến đường lên cơ quan quản lý đường bộ.
9. Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm xem xét và ra quyết định về những đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo thẩm định ATGT. Nếu kiến nghị được chấp nhận thì cơ quan quản lý đường bộ xác định thứ tự ưu tiên cho các đề xuất và bố trí kế hoạch vốn để thực hiện cải tạo đường.
Chương III
NỘI DUNG THẨM ĐỊNH AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 12. Giai đoạn lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình
Nội dung thẩm định ATGT trong giai đoạn này của các dự án (rất hạn chế) được dựa trên các phương án dự kiến quy mô đầu tư (tổng quát của phương án thiết kế cơ sở) để xem xét, các công việc thẩm định về ATGT tương tự như giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình nêu ở Điều 13 dưới đây, nhưng nội dung chỉ dừng lại ở mức tổng quát.
Điều 13. Giai đoạn dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình
1. Những giải pháp tổng thể về quy mô kỹ thuật của dự án:
a) Sự phù hợp về phương án tuyến đi qua các điểm khống chế, vị trí giao cắt, khoảng cách giữa các nút giao (giao bằng, giao trực thông, giao liên thông...);
b) Sự hợp lý về phương án thiết kế các công trình trên tuyến, hệ thống thoát nước, các điều kiện địa chất, khí hậu thuỷ văn; ảnh hưởng của cảnh quan môi trường, của các công trình dịch vụ, đường vào khu dân cư và các khu vực khác, lối đi cho xe cứu hoả, cứu thương; khả năng mở rộng tuyến trong tương lai.
2. Đặc trưng hình học của bình đồ, trắc dọc, mặt cắt ngang điển hình và thay đổi mặt cắt, tổ chức giao thông, tiêu chuẩn thiết kế.
3. Tầm nhìn, đoạn quá độ, khả năng nhận biết, phản ứng của lái xe.
4. Tầm nhìn khi vào và tầm nhìn tại nút giao, bố trí tổng thể, mặt cắt ngang.
5. Đánh giá ảnh hưởng của các công trình ven đường, các công trình đảm bảo cho người đi bộ, phương tiện thô sơ, xe tải, giao thông công cộng.
6. Công tác an toàn trong thi công được thể hiện qua giải pháp tổng thể bảo đảm ATGT trong quá trình thi công (đường tránh, cầu tạm, bố trí mặt bằng thi công, biển báo hiệu, đèn chiếu sáng, điều khiển giao thông...).
7. Các khía cạnh an toàn giao thông khác chưa được đề cập.
Điều 14. Giai đoạn thiết kế kỹ thuật (đối với công trình thiết kế 3 bước) hoặc thiết kế bản vẽ thi công (đối với công trình thiết kế 1 bước và 2 bước) và trong quá trình xây dựng
1. Những thay đổi so với giai đoạn dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình là những vấn đề về: hệ thống thoát nước, các điều kiện địa chất, khí hậu thuỷ văn; ảnh hưởng của cảnh quan môi trường các công trình dịch vụ, đường qua khu dân cư và các khu vực khác, lối đi cho xe cứu hoả, cứu thương; khả năng mở rộng công trình trong tương lai; hệ số an toàn giao thông, biểu đồ tốc độ xe chạy theo lý thuyết.
2. Các vấn đề cụ thể về đặc trưng hình học của bình đồ, trắc dọc, trắc ngang điển hình và sự thay đổi mặt cắt, bố trí chung, xử lý lề đường, hè đường: lưu ý thẩm định kỹ điều kiện bảo đảm ATGT khi một số chỉ tiêu kỹ thuật thiết kế đường có châm chước về Rmin, Rlồi, Rlõm, thiết kế tầm nhìn, trắc dọc; các vị trí ta luy âm, dương có chiều cao đắp hoặc đào lớn...
3. Các chi tiết định tuyến: đoạn quá độ, khả năng nhận biết, xử lý của lái xe, chi tiết thiết kế hình học, xử lý tại các vị trí cầu, cống.
4. Các nút giao cắt và các điểm đấu nối:
- Tầm nhìn khi xe ô tô đi vào nút và tầm nhìn tại nút giao, bố trí tổng thể của nút giao (nút liên thông và nút trực thông), các đường vào nút, khả năng nhận biết của lái xe, chi tiết thiết kế hình học của nút, đảo giao thông, chiếu sáng...;
- Vị trí các điểm đấu nối, phân tích sự hợp lý hoặc bất hợp lý về các tiêu chuẩn kỹ thuật ATGT như: khoảng cách giữa các nút, vị trí đấu nối, quy mô kết cấu, các yếu tố kỹ thuật về bình đồ, trắc dọc, trắc ngang, độ dốc dọc và khoảng cách vuốt nối.
5. Đánh giá ảnh hưởng của các công trình ven đường, các công trình bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ, phương tiện thô sơ, xe tải, giao thông công cộng:
- Đánh giá sự ảnh hưởng của các công trình đang vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đường bộ theo quy định tại Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ, thống kê đầy đủ các công trình nằm trong phạm vi hành lang trước khi thi công và sau khi thi công (xem kỹ phương án giải phóng mặt bằng để tổng hợp);
- Thẩm định sự ảnh hưởng của các dòng xe khi chạy trộn dòng, sự sút giảm của tốc độ thực tế so với thiết kế và sự mất an toàn giao thông khi cho chạy trộn dòng hỗn hợp.
6. Biển báo hiệu, sơn kẻ đường, đèn chiếu sáng và điều khiển giao thông: Phát hiện sự bất hợp lý của hệ thống an toàn giao thông, đưa ra đề xuất cụ thể (điều chỉnh hoặc bổ sung) để hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông trước khi đưa công trình vào khai thác.
7. Các công trình khác: Dải phân cách, các công trình đặt gần sát với đường xe chạy có tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông như dải phân cách, rào chống va, tường hộ lan, gờ lượn sóng, các giải pháp an toàn mà tư vấn thiết kế đề xuất.
8. Chi tiết thiết kế cầu, hầm, cống; Thẩm định sự hợp lý về vị trí bố trí công trình, độ dốc dọc đường 2 đầu cầu, hầm các đường nối ra vào cầu và quy mô kết cấu công trình cầu, hầm cống.
9. Công tác an toàn giao thông trong thi công: Bố trí thiết bị thi công, các hoạt động trong quá trình thi công, quản lý và điều hành giao thông, các giải pháp cụ thể về an toàn giao thông (các phương án đường tránh, cầu tạm, dây chuyền thi công) đặc biệt lưu ý đối với các tuyến đường cải tạo, nâng cấp.
10. Các vấn đề về an toàn giao thông khác chưa được đề cập.
11. Qua kết quả thẩm định trong bước này, báo cáo kết quả thẩm định phải tổng hợp đánh giá những ảnh hưởng đến an toàn giao thông, từ đó kiến nghị tốc độ tối đa cho phép chạy xe khi hoàn thành dự án.
Điều 15. Giai đoạn trước khi nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác
1. Cơ quan thẩm định ATGT chủ trì, phối hợp với các đơn vị gồm: Chủ đầu tư, cảnh sát giao thông, tư vấn giám sát, đơn vị thi công và đơn vị được giao trực tiếp quản lý khai thác xem xét, kiểm tra các nội dung đã nêu trong báo cáo thẩm định ATGT của các giai đoạn trước đó để đối chiếu với kết quả đã thi công tại hiện trường (đối chiếu giữa hồ sơ thiết kế được duyệt với thực địa và tình trạng thực tế trên đường) chú ý về tổ chức giao thông, điều khiển giao thông cho các phương tiện thô sơ, người đi bộ..., các làn đường rẽ, bến xe, các chướng ngại vật, tình trạng hư hỏng mặt đường, tình hình lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường bộ...
2. Đề xuất kiến nghị các giải pháp bổ sung hoặc điều chỉnh nhằm bảo đảm ATGT tối đa trước khi đưa dự án vào khai thác.
Điều 16. Trong quá trình khai thác đường
Tổ chức được giao thẩm định ATGT chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ xem xét, kiểm tra theo các nội dung trong đề cương thẩm định ATGT được duyệt có sự đối chiếu giữa hồ sơ thiết kế (hồ sơ hoàn công) với thực địa và lưu lượng xe, tình trạng giao thông thực tế trên đường, sự lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ hai bên đường (kể cả hành lang an toàn của công trình cầu, cống...) để phát hiện kịp thời những yếu tố, nguy cơ dẫn đến mất an toàn giao thông, chú ý đến tổ chức và điều khiển giao thông cho các phương tiện thô sơ, người đi bộ, các làn phụ, đường rẽ, bến xe, các chướng ngại vật che mất tầm nhìn, các biển quảng cáo (khu vực đô thị) và tình trạng đấu nối vào đường ưu tiên, sự xuất hiện bất hợp lý về yếu tố kỹ thuật mới nảy sinh trong quá trình khai thác, các hư hỏng mặt đường và những vị trí hành lang đường bộ bị vi phạm.
Điều 17. Danh mục các nội dung xem xét trong quá trình thẩm định an toàn giao thông đường bộ
Danh mục các nội dung được xem xét trong quá trình thẩm định an toàn giao thông đường bộ được quy định tại Phụ lục 2 của Quy định này./.