QUYếT địNHQUYẾT ĐỊNH
Về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hoá nghệ thuật
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30/9/1992;
Nhằm xây dựng, đổi mới một bước hoạt động văn hoá nghệ thuật và khuyến khích toàn dân đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp phát triển văn hoá dân tộc;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
- Phát triển văn hoá nghệ thuật mang bản sắc dân tộc Việt Nam là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân. Nhà nước tạo điều kiện, xây dựng cơ sở hạ tầng và trang bị phương tiện cho việc phát triển văn hoá nghệ thuật mang bản sắc dân tộc.
Bắt đầu từ năm 1993 và những năm sau, hàng năm ngân sách Nhà nước dành kinh phí đầu tư cho các hoạt động văn hoá nghệ thuật, xây dựng các công trình văn hoá quy mô lớn, không nhằm mục đích kinh doanh mà nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.
Điều 2: - Việc đầu tư vào các chương trình cụ thể như sau:
1. Đối với việc sưu tầm, gìn giữ các di sản văn hoá:
Đầu tư 100% kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích cách mạng, những di tích gắn với quá trình hoạt động của Đảng và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Hỗ trợ một phần kinh phí và huy động mọi nguồn lực, kể cả thu hút viện trợ và vốn đầu tư của nước ngoài để gìn giữ tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá khác, kể cả các công trình mang tính chất tôn giáo đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá.
Đầu tư 100% cho việc sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn, bảo quản lâu dài, phổ biến các sản phẩm văn hoá tinh thần như văn học dân gian, các điệu múa, các làn điệu âm nhạc của các dân tộc, gìn giữ các nghề thủ công truyền thống, các loại nhạc dân tộc...
Bộ Văn hoá thông tin chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ tài chính xây dựng các chương trình tu bổ di tích và sưu tầm các di sản văn hoá để đưa vào kế hoạch hàng năm.
Sắp xếp lại hệ thống các bảo tàng trên phạm vi cả nước tránh trùng lắp chức năng và không phân tán thành nhiều bảo tàng chuyên đề. Trước mắt, Bộ Văn Hoá Thông tin xác định mối quan hệ giữa Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống các nhà lưu niệm Bác Hồ, định hướng cho việc xây dựng nhà lưu niệm các nhà hoạt động cách mạng và danh nhân văn hoá.
2. Đối với các đơn vị nghệ thuật:
Đầu tư 100% kinh phí cho việc xây dựng tiết mục, luyện tập thường xuyên và trang bị của các đơn vị nghệ thuật dân tộc bao gồm tuồng, chèo, dân ca, cải lương, múa rối và của các đơn vị nghệ thuật: Nhạc vũ kịch, nhạc giao hưởng, xiếc của Trung ương và các địa phương.
Đối với các tập thể hoặc gia đình tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật và truyền dạy trên cơ sở khai thác và phổ biến nghệ thuật truyền thống, các loại nhạc cụ cổ truyền, Nhà nước khuyến khích và dành một khoản kinh phí để hỗ trợ.
3. Đối với hoạt động thư viện, xuất bản sách, báo và đưa sách tới những vùng xa xôi, hẻo lánh:
Sắp xếp lại hệ thống các thư viện khoa học Tổng hợp và các Thư viện chuyên ngành. Nhà nước dành kinh phí bằng ngoại tệ cho thư viện Quốc gia để bổ sung về sách, báo.
Trước mắt, Nhà nước hỗ trợ kinh phí để cung cấp sách, báo tập trung cho một số thư viện ở những vùng khó khăn, cung cấp sách, báo cho các trường phổ thông ở những vùng xa xôi hẻo lánh.
Thực hiện chế độ đặt hàng đối với một số tác phẩm viết cho thiếu nhi, một số tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, về các cuộc chiến tranh cách mạng, các tuyển tập chọn lọc về văn học nghệ thuật cách mạng của các văn nghệ sĩ tiêu biểu, hồi ký của các nhà cách mạng lão thành, những sách phổ biến và giải thích pháp luật của Nhà nước. Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Tư pháp là cơ quan đặt hàng và chịu trách nhiệm về nội dung các tác phẩm đặt hàng, phát hành các tác phẩm đó tới hệ thống thư viện và phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa sách tới các thư viện trường.
Bộ tài chính bố trí kinh phí hàng năm cho việc này và giám sát việc thực hiện đặt hàng sách hàng năm.
Hỗ trợ kinh phí cho việc hiện đại hoá phương tiện làm việc cho một số cơ quan báo chí: báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công báo.
4. Đối với các nghệ sĩ hoạt động biểu diễn trong các đơn vị nghệ thuật của Nhà nước:
Nhà nước hỗ trợ ngoài lương một khoản phụ cấp do đặc thù của hoạt động biểu diễn nghệ thuật bao gồm phụ cấp luyện tập thường xuyên, phụ cấp thanh sắc, phụ cấp biểu diễn cho những buổi phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phục vụ đồng bào ở vùng nông thôn hẻo lánh và vùng núi, hải đảo. Bộ Văn hoá thông tin cùng Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh Xã hội quyết định cụ thể về các khoản phụ cấp này.
Điều 3: - Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo như khôi phục các nhà sáng tác, phụ cấp cho các đợt đi tìm hiểu thực tế, bảo trợ cho các nhà hoạt động văn hoá và nghệ thuật lão thành, khuyến khích các nghệ sĩ trẻ.
Điều 4: - Thành lập Quỹ giải thưởng văn học nghệ thuật của chính phủ.
1. Hàng năm, các Hội Văn học - nghệ thuật tổ chức tuyển chọn và khen thưởng các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình.
2. Bộ Văn hoá thông tin chủ trì và cùng với các Hội Văn học - nghệ thuật tổ chức việc tuyển chọn các tác phẩm, các công trình về văn học nghệ thuật xuất sắc để Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng.
Chuẩn bị ngay đợt tặng thưởng của Thủ tướng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh.
3. Đối với những người có công sưu tầm các giá trị văn học dân gian, các hiện vật bảo tàng có giá trị, những người có công bảo tồn các giá trị văn hoá tinh thần, bao gồm cả các bí quyết ngành nghề thủ công truyền thống được xét khen thưởng xứng đáng.
4. Bộ Tài chính bố trí một khoản ngân sách cho Quỹ giải thưởng của Thủ tướng Chính phủ và các Hội văn học - nghệ thuật.
Điều 5: - Bộ Văn hoá Thông tin chủ trì cùng các Bộ có liên quan và các Hội văn học - Nghệ thuật xây dựng các hình thức, tiêu chuẩn và quy chế khen thưởng cho các đối tượng quy định tại Điều 4 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời hướng dẫn chi tiết để thực hiện các quy định tại Điều 4.
Điều 6: - Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm thi hành quyết định này./.