Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong công tác quản lý thị trường chống buôn lậu và kinh doanh trái phép.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã; chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quy chế
Về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan
quản lý Nhà nước trong công tác quản lý thị trường chống buôn lậu và kinh doanh trái phép
(Ban hành theo Quyết định số 2572/QĐUB ngày 02/10/1995 của UBND tỉnh Nghệ An)
Chương I
Những quy định chung
Điều 1: Quy chế này nhằm cụ thể hoá quy chế của Chính phủ về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý thị trường (QLTT), chống buôn lậu và kinh doanh trái phép (Ban hành kèm theo Quyết định số 96/TTg ngày 18/02/1995 của Thủ tướng Chính phủ). Xác định nguyên tắc và trách nhiệm trong công tác QLTT, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trên địa bàn tỉnh.
Điều 2: Các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác QLTT trong phạm vi ngành, địa phương mình theo chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định. Thủ trưởng các cơ quan ban ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các quy định sau:
Thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn về công tác QLTT, chống buôn lậu và và kinh doanh trái phép.
Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của UBND tỉnh về QLTT chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trong ngành và địa phương.
Những phạm vi pháp luật xảy ra trên lĩnh vực QLTT trong ngành, địa phương mình.
Điều 3: Các cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường có trách nhiệm chủ động tổ chức phối hợp hoạt động với các cơ quan hữu quan để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành công tác QLTT trên phạm vi toàn tỉnh. Việc phối hợp được tiến hành trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, theo pháp luật quy định và yêu cầu công tác QLTT chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trong từng thời gian địa bàn và lĩnh vực cụ thể.
Điều 4: Sở Thương mại có trách nhiệm chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về QLTT chống buôn lậu và kinh doanh trái phép theo quy chế này trên phạm vi toàn tỉnh.
Chương II
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước
trong công tác quản lý thị trường chống buôn lậu và kinh doanh trái phép.
Điều 5: Các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về thị trường trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm như sau:
Hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra các cơ quan Nhà nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các đôí tượng trong việc chấp hành đúng pháp luật và quy định của UBND tỉnh về QLTT chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao.
Theo chức năng nhiệm vụ quyền hạn được quy định tiến hành xử lý nghiêm đối với các hoạt động chống buôn lậu và kinh doanh trái pháp luật phát hiện được hoặc kiến nghị với các cơ quan pháp luật xử lý những vụ việc có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Điều 6: Trách nhiệm của các Sở, Ban ngành có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra chống buôn lậu và kinh doanh trái phép như sau:
1. Sở Thương mại có trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các hoạt động Thương mại (bao gồm XNK, kinh doanh vật tư, hàng tiêu dùng, dịch vụ thương mại) thuộc mọi thành phần kinh tế. Kể cả hoạt động thương mại của các tổ chức và cá nhân người nước ngoài được Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý hiện hành, tổ chức chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức và cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường chống các hoạt động kinh doanh trái phép; cùng với các cơ quan của Nhà nước chống hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu lưu thông trên thị trường xem xét và xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thuộc thẩm quyền của Sở.
2. Cục Hải quan tỉnh tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu, thu thuế xuất nhập khẩu, chống các hành vi vi phạm Pháp lệnh hải quan. Chủ trì tổ chức phối hợp với các ngành, các địa phương để chống buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hành hoá, tiền tệ qua biên giới. Thực hiện quyền hạn kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm Pháp lệnh Hải quan theo pháp luật.
3. Cục Thuế chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, thực hiện công tác thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên thị trường, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các luật thuế, chống trốn thuế, lậu thuế, chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng có chức năng khác ở các ngành, các cấp chống trốn lậu thuế, xử lý các hành vi vi phạm chính sách thuế theo luật định.
4. Ngân hàng Nhà nước tỉnh chịu trách nhiệm cung ứng kịp thời và lưu thông tiền tệ, quản lý tốt hoạt động của các thị trường vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước liên quan như Sở Thương mại, Hải quan, Công an, Cục thuế... trên địa bàn để tăng cường kiểm tra kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ hợp pháp; xử lý nghiêm minh các đối tượng kinh doanh trái pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý và tiền tệ.
5. Sở Khoa học công nghệ và Môi trường có trách nhiệm thực hiện kiểm định phương tiện đo, tham gia giám định chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường (kể cả hàng hoá xuất nhập khẩu) tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng phương tiện đo, chất lượng, nhãn hiệu hàng hoá, vệ sinh môi trường; có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ cho các ngành, các địa phương trong việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng, sử dụng phương tiện đo, nhãn hiệu hàng hoá và bản quyền trái phép.
6. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thanh tra các ngành, các cấp thực hiện việc chấp hành pháp luật của các cơ quan đơn vị doanh nghiệp để phát hiện những trường hợp buôn lậu, kinh doanh trái phép và thanh tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước, các lực lượng có chức năng quản lý thị trường chống buôn lậu kinh doanh trái phép để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động trái với pháp luật troing các cơ quan và lực lượng này; Kiến nghị các biện pháp, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách nhằm khắc phục cơ sở lệch lạc.
7. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị Quân đội chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và Quân đội, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị Quân đội để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ buôn lậu và kinh doanh trái phép xảy ra trong quân đội hoặc liên quan đến Quân đội, phối hợp tham gia, bắt giữ các vụ buôn lậu và kinh doanh trái phép khi có yêu cầu của Chủ tịch UBND.
8. Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng cảnh sát nhân dân phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý theo pháp luật các vụ buôn lậu và kinh doanh trái phép; đồng thời phối hợp hỗ trợ các lực lượng có chức năng chống buôn lậu để bắt giữ kịp thời các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ... xử lý nghiêm minh các hành vi chống người thi hành công vụ.
9. Bộ độ biên phòng tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng biên phòng tổ chức kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các vụ buôn lậu ở biên giới, các cửa khẩu và trên biển. Phối hợp với các ngành các lực lượng khác để phòng chống buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới ở khu vực biên giới, ven biển, hải đảo nơi không có tổ chức hải quan.
10. Sở Văn hóa thông tin chịu trách nhiệm quản lý thị trường văn hóa phẩm, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, in ấn và xuất bản. Chống các hoạt động buôn lậu và kinh doanh trái phép các mặt hàng văn hóa phẩm, chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền đấu tranh và phát hiện các vụ buôn lậu và kinh doanh trái phép kiểm soát chất lượng tuyên truyền quảng cáo.
11. Sở y tế tổ chức chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, thanh tra công tác khám chữa bệnh, dịch vụ y tế, sản xuất kinh doanh thuốc chữa bệnh và dụng cụ y tế, quản lý doanh mục dược liệu, thuốc chữa bệnh được sản xuất và lưu thông trong địa bàn tỉnh.
12. Sở Tư pháp phối hợp các cơ quan Nhà nước rà soát văn bản pháp quy được ban hành trong tỉnh để phát hiện sơ hở trong quản lý Nhà nước về quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy quản lý Nhà nước theo thị trường theo pháp luật và quy chế của Chính phủ.
13. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, tổ chức công tác vận tải, chống các hoạt động buôn lậu và kinh doanh trái phép trên các phương tiện vận tải (đường bộ, đường sông, đường biển và hàng không). Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu trên các loại phương tiện, xử lý nghiêm người và phương tiện vi phạm.
14. Chi cục kiểm lâm và cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý rừng và bảo vệ rừng ở địa phương, đồng thời là cơ quan thừa hành pháp luật về quản lý rừng và bảo vệ rừng; kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển tàng trữ kinh doanh trái phép lâm sản, đặc sản và động thực vật rừng.
15. Các Sở, ngành sản xuất khác căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức tốt công tác quản lý sản xuất kinh doanh, chống các hành vi sản xuất hàng giả hàng kém chất lượng chống buôn lậu và kinh doanh trái phép nhằm ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển mở rộng giao lưu hàng hoá.
Điều 7: Trách nhiệm của UBND huyện, thành phố, thị xã trong lĩnh vực quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép.
1. Tổ chức chỉ đạo công tác quản lý thị trường trên địa bàn theo pháp luật để mở rộng giao lưu hàng hoá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không gây ách tắc cho lưu thông hàng hoá.
2. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác quản lý thị trường chống buôn lậu và kinh doanh trái phép, không ban hành những quy định hoặc chỉ đạo thực hiện những việc làm trái pháp luật, chính sách, chế độ tạo cơ sở cho bọn tham nhũng buôn lậu lợi dụng.
3. Kịp thời kiến nghị với UBND tỉnh, các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh để sửa đổi, bổ sung các quy chế, biện pháp có liên quan đến công tác QLTT chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trên địa bàn.
4. Chỉ đạo các lực lượng có chức năng ở địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật và quy chế này, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động buôn lậu và kinh doanh trái phép.
5. Thực hiện nhiệm vụ làm đầu mối phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường của Trung ương và của Tỉnh trong việc quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trên địa bàn
Chương III
Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường
Điều 8: Nguyên tắc phối hợp.
1. Các ngành, các cấp, các lực lượng có chức năng quản lý Nhà nước về thị trường có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức quản lý thị trường chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trong từng lĩnh vực. Hoạt động về quản lý thị trường liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của ngành nào thì ngành đó chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện phối hợp.
2. Sở Thương mại cùng với các Sở, Ban, ngành liên quan hướng dẫn chi tiết về quan hệ phối hợp trong từng ngành, lĩnh vực liên quan.
Điều 9: Theo yêu cầu cụ thể của từng thời gian, từng địa bàn và chức trách, các cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường chủ động xác lập quan hệ phối hợp hoạt động về quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép như sau:
1. Phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch, phương án công tác, các biện pháp quản lý trong ngành, lĩnh vực, địa bàn, những vấn đề có liên quan đến các cơ quan khác hoặc các địa phương khác thì khi xây dựng kế hoạch phương án có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất với các cơ quan có liên quan trước khi Quyết định theo thẩm quyền, trình cấp trên Quyết định cũng như trong tổ chức thực hiện.
2. Phối hợp trong việc cung cấp thông tin về dự báo thị trường, công tác quản lý thị trường trong ngành và trên địa bàn. Về tình hình buôn lậu và kinh doanh trái phép kết quả công tác chống buôn lậu và kinh doanh trái phép của ngành, địa phương trong từng thời gian.
3. Phối hợp trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp về hành chính kinh tế giáo dục tuyên truyền và tổ chức để đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép có hiệu quả.
4. Phối hợp chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra phát hiện bắt giữ và xử lý các vụ việc về buôn lậu và kinh doanh trái phép. Việc phối hợp này bao gồm từ cung cấp thông tin về đối tượng vi phạm, tổ chức lực lượng, phương tiện để bắt giữ. Khi xử lý có bàn bạc thống nhất giữa các bên tham gia. Khi cần thiết thì có thể tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát liên ngành để phối hợp kiểm tra, cơ quan Nhà nước chủ trì sự phối hợp kiểm tra liên ngành có trách nhiệm chính trong việc kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra theo thẩm quyền.
Điều 10: Sở Thương mại là cơ quan giúp UBND tỉnh chỉ đạo công tác QLTT và chủ trì sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
1. Về trách nhiệm.
a. Chủ trì tổ chức phối hợp hoạt động chung giữa các cơ quan Nhà nước về QLTT ở địa phương theo nội dung phối hợp nói ở điều 8 và điều 9 trên đây để tạo ra sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành công tác QLTT chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trong phạm vi tỉnh.
b. Theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác QLTT, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép và quy định của UBND tỉnh.
c. Tổng hợp tình hình thị trường, hoạt động QLTT, chống buôn lậu về kinh doanh trái phép trong tỉnh để báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh và Bộ thương mại, đồng thời thông báo cho các ngành, địa phương biết.
d. Thẩm tra, xem xét trình UBND tỉnh Quyết định xử lý những vụ việc về buôn lậu và kinh doanh trái phép thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
e. Xác định sự cần thiết về bố trí các trạm kiểm soát liên ngành trên một cơ tuyến đường thủy, bộ, ra vào biên giới, đề xuất với UBND tỉnh để UBND tỉnh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ thương mại quy định thành lập.
2. Về quyền hạn.
a. Được yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố, thị xã cung cấp thông tin, báo cáo kịp thì về tình hình thị trường, công tác QLTT, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép cho từng ngành, lĩnh vực địa bàn phụ trách.
b. Kiến nghị các cơ quan Nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp cần thiết để bổ cứu, chấn chỉnh những lệch lạc tạo ra sự thống nhất, đồng bộ kịp thời trong chỉ đạo thực hiện công tác. Nếu kiến nghị của Sở không được các cơ quan Nhà nước hữu quan chấp thuận thì Sở có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh đẻ giải quyết đồng thời thông báo cho cơ quan hữu quan biết.
c. Chủ trì tổ chức sự phối hợp kiểm tra liên ngành khi cần thiết, trường hợp khẩn cấp có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ các vụ buôn lậu và kinh doanh trái phép.
d. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức các cuộc hội nghị bao gồm cơ quan Nhà nước có chức năngQLTT, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trên địa bàn tỉnh để tổng kết, rút kinh nghiệm bàn biện pháp tổ chức phối hợp công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép.
Điều 11: Các cơ quan Nhà nước có chức năng QLTT, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp công tác với sở Thương mại như sau:
a. Phân công 1 đồng chí lãnh đạo của đơn vị mình phụ trách chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QLTT, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép của ngành và địa phương, đồng thời làm đầu mối quan hệ phối hợp công tác với Sở Thương mại.
b. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất với Sở Thương mại theo quy định chung của UBND tỉnh và Chính phủ về tình hình thị trường, công tác QLTT, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép của ngành và của địa phương Sở Thương mại tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Bộ Thương mại và thông báo cho các ngành, các cấp biết.
c. Tham dự các phiên họp do Sở Thương mại tổ chức và chuẩn bị các tài liệu cần thiết trong phiên họp theo yêu cầu của Sở Thương mại.
d. Cử cán bộ, chuyên viên các cơ quan mình tham gia giải quyếtcác công việc chung khi phối hợp công tác về quản lý thị trường theo yêu cầu của Sở Thương mại.
Chương IV
Tổ chức thực hiện
Điều 12: Sở thương mại có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và thực hiện quy chế này cho các cấp, các nganh liên quan về QLTT trên vi phạm toàn tỉnh.
Điều 13: Các ngành có chức năng QLTT, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể, phối hợp với Sở thương mại và các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện tốt quy chế này.
Điều 14: UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ QLTT, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép theo quy định của quy chế này.
Điều 15: Các cơ quan đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc QLTT, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép thì được khen thưởng. Tất cả mọi hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý thị trường chống buôn lậu và kinh doanh trái phép và bản quy chế này đều bị xử theo đúng pháp luật hiện hành./.