Văn bản pháp luật: Quyết định 258/2001/QĐ-UB

Bùi Quang Vinh
Tỉnh Lào Cai
Quyết định 258/2001/QĐ-UB
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
01/01/2001
13/08/2001

Tóm tắt nội dung

V/v huy động lao động công ích hàng năm trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Chủ tịch
2.001
Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÀO CAI

V/v huy động lao động công ích hàng năm trên địa bàn tỉnh Lào Cai

_____________________________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích số 15/1999/PL-UBTVQH10 ngày 03/9/1999;

Căn cứ Nghị định số 81/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích;

Căn cứ Nghị quyết số 15/2001/NQ-HĐND ngày 17/01/2001 của HĐND tỉnh về việc bãi bỏ quy định huy động các nguồn lực tham gia xây dựng trường lớp và đầu tư phát triển đường giao thông nông  thôn, triển khai thực hiện Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích trên địa bàn tỉnh Lào Cai;

Xét đề nghị của Sở Tài chính vật giá tại tờ trình số 315/TT-TC ngày 02/8/2001 về việc thực hiện huy động lao động công ích trên địa bàn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay quy định cụ thể việc huy động lao động công ích hàng năm trên địa bàn tỉnh Lào Cai như sau:

1. Đối tượng huy động:

Công dân Việt Nam, nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 35 tuổi, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm (kể cả các trường hợp có hộ khẩu tạm trú đăng ký tại địa phương từ 6 tháng trở lên).

2. Chính sách miễn giảm:

2.1. Những đối tượng sau đây được miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm:

+ Cán bộ, chiến sĩ thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.

+ Công nhân quốc phòng, công chức quốc phòng, công nhân Công an và công chức công an nhân dân làm việc ở xã biên giới, huyện biên giới, vùng sâu, hải đảo, ở các xã, huyện, tỉnh được công nhận là miền  núi, vùng cao, công nhân Quốc phòng, công chức quốc phòng thuộc các đội sửa chữa lưu động chuyên nghiệp.

+ Quân nhân xuất ngũ đang đăng ký ở ngạch dự bị hạng một.

+ Thương binh, bệnh binh và những người hưởng chính sách như thương binh.

+ Cha, mẹ, vợ hoặc chồng của liệt sỹ, người có công nuôi liệt sỹ.

+ Người giữ chức sắc tôn giáo chuyên nghiệp theo quy định của Ban Tôn giáo chính phủ.

+ Người mắc bệnh tâm thần, động kinh hoặc có nhược về thể chất được bác sỹ chuyên khoa của bệnh viện huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh (bệnh viện cấp huyện), bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bệnh viện tỉnh), bệnh viện Trung ương hoặc bệnh viện ngành kết luận không còn khả năng lao động.

+ Người bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên.

2.2. Những người thuộc diện thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm nhưng tại thời điểm huy động thuộc một trong các trường hợp sau thì tạm thời được miễn thực hiện:

+ Người đang điều trị tại trạm y tế, bệnh viện, cơ sở y tế được cấp giấy phép hoạt động hoặc điều trị ngoại trú theo đơn của thầy thuốc, đang điều dưỡng tại các cơ sở điều dưỡng, người duy nhất trong gia đình đang trực tiếp chăm sóc nhân thân bị ốm nặng.

+ Cha, mẹ, vợ hoặc chồng của quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn được UBND cấp xã chứng nhận.

+ Phụ nữ có thai, phụ nữ trong thời gian nghỉ do sẩy thai, do thai chết lưu, do con chết sau khi sinh, hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

+ Người đang trực tiếp nuôi dưỡng hoặc phục vụ thương binh nặng, bệnh binh nặng, người tàn tật bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên ở các cơ sở nuôi dưỡng tập trung. Trường hợp các đối tượng này sống ở gia đình thì một người trong gia đình được tạm miễn.

+ Người đang tham gia lực lượng dân quân, tự vệ nòng cốt quy định tại Pháp lệnh về dân quân tự vệ.

+ Cán bộ, công chức nhà nước được điều động đến làm việc có thời hạn ở các xã, huyện, tỉnh được công nhận là miền núi, vùng cao, ở xã biên giới, huyện biên giới, hải đảo, vùng sâu.

+ Thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện đang làm nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

+ Người là lao động duy nhất trong gia đình đang trực tiếp nuôi người khác không có khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động.

+ Người trong hộ gia đình được UBND cấp xã xác nhận thuộc diện hộ đói theo chuẩn mực do Bộ Lao động – Thương binh và xã hội quy định.

+ Trưởng, phó công an xã, công an viên, trưởng thôn, xóm hoặc tương đương.

+ Nghiên cứu sinh, học viên cao học, thực tập sinh, sinh viên, học sinh học tập trung dài hạn tại các trường đại học, học viện, trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường đào tạo của các tôn giáo, học sinh phổ thông, người đang dạy và người đang học để xóa mù chữ.

+ Người đang công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

2.3. Thời gian quân nhân dự bị hạng hai và dân quân tự vệ thuộc lực lượng rộng rãi tập trung huấn luyện, hội thảo, thao diễn, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu được trừ vào thời gian thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm.

3. Mức huy động.

Số ngày công nghĩa vụ lao động công ích hàng năm của mỗi công dân là 10 ngày.

Người trực tiếp lao động thực hiện nghĩa vụ lao động công ích phải hoàn thành định mức lao động hoặc khối lượng công việc do đơn vị sử dụng lao động công ích giao, nếu hoành thành sớm thì được nghỉ trước thời gian quy định.

Người được huy động thực hiện nghĩa vụ lao động công ích nếu không trực tiếp đi lao động thì phải có người làm thay hoặc đóng tiền nhưng phải báo với UBND cấp xã ít nhất 3 ngày trước ngày thực hiện nghĩa vụ:

+ Người làm thay phải từ đủ 18 tuổi đến hết 60 tuổi đối với nam, từ đủ 18 tuổi đến hết 55 tuổi đối với nữ và đủ sức khỏe hoàn thành định mức lao động hoặc khối lượng công việc được giao.

+ Mức đóng tiền thay cho mỗi ngày lao động: 9.500đồng/ngày.

4. Lao động công ích được sử dụng vào các công việc sau đây:

- Xây dựng, tu bổ đường trong thôn, xóm, đường ra đồng ruộng, đường đi lại trong khu dân cư, đường do cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh quản lý.

- Xây dựng, tu bổ các công trình thủy lợi nội đồng, các công trình thủy lợi do cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh quản lý (trừ đê, kè).

- Xây dựng, tu bổ trạm y tế, nhà trẻ, trường, lớp mẫu giáo, trưởng phổ thông.

- Xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ.

- Xây dựng, tu bổ các công trình công ích có tính chất xã hội khác như di tích lịch sử, di tích văn hóa, các công trình vui chơi giải trí, thể dục thể thao không vì mục đích kinh doanh.

5. Quản lý quỹ lao động công ích:

Quỹ lao động công ích phải được phản ánh vào ngân sách Nhà nước. Việc phản ánh quỹ lao động công ích vào ngân sách phải thực hiện theo đúng Luật ngân sách nhà nước và các quy định của Bộ Tài chính.

Nguồn lực từ nghĩa vụ lao động công ích hàng năm được phân bổ tối đa 30% cho cấp huyện, tối thiểu 70% cho cấp xã.

6. Chế độ đối với người bị tai nạn lao động khi thực hiện nghĩa vụ lao động công ích và quy định về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm hành chính về nghĩa vụ lao động công ích thực hiện theo các quy định tại chương III và chương V của Nghị định số 81/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ.

Điều 2. Giao cho Sở Lao động thương binh xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính – vật giá và các ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn và các cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2001 và thay thế Quyết định số 143/QĐ-UB ngày 17/7/1997 và Quyết định số 148/QĐ-UB ngày 21/7/1997.


Nguồn: vbpl.vn/laocai/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=28781&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận