Văn bản pháp luật: Quyết định 26/2005/QĐ-BTC

Lê Thị Băng Tâm
Toàn quốc
Công báo số 20 - 05/2005;
Quyết định 26/2005/QĐ-BTC
Quyết định
10/06/2005
13/05/2005

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Quy chế tài chính về quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động

Thứ trưởng
2.005
Bộ Tài chính

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Về việc ban hành Quy chế tài chính về quản lý, sử dụng

Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động


BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bộ Luật Lao động về người lao động Việt - Nam ở nước ngoài;

Căn cứ Quyết định số 163/2004/QĐ-TTg ngày 09/9/2004 của Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Đối ngoại,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế tài chính về quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trưởng ban điều hành Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


QUY CHẾ TÀI CHÍNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG

QUỸ HỖ TRỢ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 26/2005/QĐ-BTC ngày 13/05/2005

của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với hoạt động tài chính của Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động thành lập theo Quyết định số 163/2004/QĐ-TTg ngày 09/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quỹ).

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ

1. Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được miễn nộp thuế, hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước Trung ương.

2. Quỹ thực hiện công khai tình hình huy động, quản lý và sử dụng vốn theo quy định tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân.

3. Quỹ chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính; chấp hành các quy định hiện hành của Nhà nước về thanh tra, kiểm tra tài chính và kiểm toán.

4. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quản lý, sử dụng Quỹ theo quy định tại Quy chế này.

Chương II

NGUỒN THU, CÁC KHOẢN CHI CỦA QUỸ

Điều 3. Nguồn hình thành Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu lao động

1. Ngân sách nhà nước cấp ban đầu là 15 tỷ đồng (trong đó bao gồm 3,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chi trả đền bù Iraq do tiết kiệm và ngân sách cấp trực tiếp 11,5 tỷ đồng);

2. Kinh phí nhà nước cấp bổ sung hàng năm theo dự toán được cấp có thẩm quyển quyết định.

3. Đóng góp 1% từ doanh thu phí dịch vụ của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ và Mục VII, Phần B tại Thông tư Liên tịch số 107/2003/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 07/11/2003 của Liên Bộ Tài chính – Lao động Thương binh và Xã hội.

4. Thu lãi từ tài khoản tiền gửi, các khoản thu hợp pháp khác (tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân, tiền đặt cọc còn lại của người lao động vi phạm hợp đồng sau khi thanh lý phải nộp ngân sách nhà nước).

5. Ngân sách cấp bổ sung trong các trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Số dư Quỹ năm trước được chuyển sang năm sau sử dụng.

Điều 4. Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu lao động được sử dụng để:

1. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp khoảng 10 - 35% chi phí thực tế cho khai thác, phát triển thị trường, cụ thể:

- Mở thị trường lao động mới: hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 35% chi phí thực tế để chi phí cho hoạt động thăm dò, vận động đối tác, khảo sát và tìm hiểu các điều kiện, quy định của thị trường lao động mới, tránh những rủi ro sau này.

- Khai thác, tăng thêm thị phần ở các thị trường đã có: hỗ trợ doanh nghiệp tối đa không quá 10% chi phí thực tế để góp phần quản lý tốt số lao động hiện có, góp phần ổn định và mở rộng thị phần.

Ban điều hành Quỹ có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và lập dự toán chi hỗ trợ; tổng hợp danh mục các thị trường; số kinh phí hỗ trợ từ Quỹ cho từng doanh nghiệp trình Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quyết định.

2. Hỗ trợ cho người lao động trong việc đào tạo đối với những ngành nghề đặc thù đòi hỏi yêu cầu cao về tay nghề, ngoại ngữ; người lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công và những người thuộc đối tượng chính sách xã hội.

Việc hỗ trợ cho người lao động được thực hiện thông qua doanh nghiệp. Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm lập dự toán chi phí học nghề, ngoại ngữ, số lượng lao động thuộc diện chính sách người có công, bộ đội xuất ngũ, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện tham gia các công trình, dự án ở những nơi khó khăn (biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa) đã hoàn thành nhiệm vụ và người lao động thuộc diện hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, đề nghị mức hỗ trợ gửi Ban điều hành Quỹ.

Mức, phương thức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng, ngành nghề do Trưởng ban điều hành Quỹ trình Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quyết định.

3. Hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp để giải quyết rủi ro trong hoạt động xuất khẩu lao động như thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp sử dụng lao động bị phá sản và những trường hợp khác không do lỗi của doanh nghiệp, người lao động. Mức hỗ trợ cụ thể qui định như sau:

- Đối với doanh nghiệp: tối đa không quá 50% tổng chi phí thực tế, hợp lý phát sinh để khắc phục rủi ro.

- Đối với người lao động: mức hỗ trợ tuỳ theo thiệt hại thực tế và trên nguyên tắc thời gian làm việc càng ít thì mức hỗ trợ càng nhiều đảm bảo cho người lao động cùng với thu nhập của họ và phần hỗ trợ của doanh nghiệp, bù đắp một phần chi phí trước khi đi nhưng tối đa không quá 70% tổng chi phí trước khi đi.

Các doanh nghiệp khi có phát sinh rủi ro trong hoạt động xuất khẩu lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình rủi ro, mức độ thiệt hại đối với người lao động và doanh nghiệp; các biện pháp khắc phục rủi ro, đề xuất mức hỗ trợ gửi Ban điều hành Quỹ. Trưởng ban điều hành Quỹ có trách nhiệm kiểm tra, xem xét cụ thể mức độ thiệt hại cho từng trường hợp rủi ro, lập phương án và mức hỗ trợ đối với người lao động, doanh nghiệp trình Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quyết định.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội huớng dẫn chi tiết nội dung này.

4. Thưởng cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cá nhân có thành tích trong hoạt động xuất khẩu lao động theo quy định tại Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ. Mức thưởng đối với các cá nhân và tập thể bằng mức áp dụng tại Thông tư số 25/2001/TT-BTC ngày 16/04/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ khen thưởng thành tích xuất sắc thực hiện những nhiệm vụ kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

5. Chi cho công tác tuyên truyền quảng cáo hoạt động xuất khẩu lao động thông qua phương tiện thông tin đại chúng (mạng Internet, đài truyền hình, đài phát thanh, báo, tủ sách địa phương. Mức chi theo hợp đồng kinh tế do Trưởng ban điều hành Quỹ quyết định đảm bảo tiết kiệm, hợp lý.

6. Hỗ trợ một phần kinh phí cho việc tổ chức, quản lý hoạt động của Quỹ. Mức hỗ trợ không quá 5% dự toán chi hàng năm đã được duyệt của Quỹ (sau khi trừ các khoản chi Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng trong trường hợp đặc biệt).

7. Hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với các trường hợp được Chính phủ quyết định chủ trương hỗ trợ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xác định mức hỗ trợ cụ thể.

- Đối với các trường hợp hỗ trợ khác Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan xem xét cụ thể, xác định mức chi, lập phương án hỗ trợ, duyệt và chi cho các đối tượng.

Những khoản chi nêu tại mục 6 và 7 được ấn định chi theo dự toán. Các khoản chi còn lại (từ mục 1 đến 5) tuỳ từng đặc điểm chi phát sinh thực tế, Trưởng ban điều hành Quỹ được quyển chủ động điều chỉnh các mục chi này để đáp ứng các hoạt động của Quỹ nhưng không vượt quá tổng mức dự toán đã được cấp thẩm quyền giao.

Điều 5. Chi cho hoạt động quản lý Quỹ

1. Chi tiền lương, tiền công, phụ cấp cho bộ máy quản lý Quỹ.

- Chi tiền lương, phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức đựơc điều động làm việc tại Quỹ theo ngạch, bậc quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

- Chi phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức làm việc theo chế độ kiêm nhiệm: tuỳ thuộc khối lượng công việc và mức độ tham gia, Trưởng ban Điều hành Quỹ quyết định mức phụ cấp đối với từng người, nhưng tối đa không vượt quá lương cơ bản theo ngạch, bậc quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

2. Tiền công, tiền lương của cán bộ hợp đồng tuyển dụng theo chế độ hợp đồng của Ban điều hành Quỹ:

a) Về trả lương:

- Đối với lao động hợp đồng làm công tác mang tính chất nghiệp vụ trong Ban điều hành Quỹ, thống nhất thực hiện nguyên tắc trả lương theo mức bằng với lương của người lao động trong biên chế có trình độ đào tạo và trình độ nghiệp vụ công việc tương đương (đã cộng thêm phụ cấp quản lý Quỹ đã nêu tại Khoản 1 Điều 5 trên đây).

- Đối với lao động hợp đồng làm công tác đơn giản, không mang tính chất nghiệp vụ của Ban điều hành Quỹ như lái xe, văn thư, bảo vệ, làm vệ sinh, v.v.. : thực hiện theo nguyên tắc trên nhưng có mức khống chế tối đa không vựơt quá 1,5 lần so với mức lương cơ bản.

b) Chế độ bảo hiểm:

Chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động tuyển dụng theo chế độ hợp đồng được áp dụng theo quy định hiện hành.

3. Các khoản chi công tác phí; chi đoàn ra, đoàn vào phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Quỹ; chi hội thảo, hội nghị áp dụng theo quy định hiện hành. Những trường hợp đặc biệt có thể vượt quá mức quy định chung do Trưởng ban điều hành Quỹ quyết định.

4. Các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn và các khoản chi khác liên quan đến hoạt động của Quỹ như: chi mua sắm, sửa chữa tài sản cố định; chi vật tư văn phòng; chi thanh toán dịch vụ công cộng (tiền điện, nhiên liệu, vệ sinh, môi trường, v.v..) thực hiện theo chế độ hiện hành.

Chương III

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH QUỸ

Điều 6. Lập kế hoạch, báo cáo tình hình thực hiện và quyết tài chính Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu lao động.

1. Hàng năm Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu lao động lập kế hoạch thu, chi tài chính Quỹ, trong đó thuyết minh rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi và kiến nghị phần NSNN cấp, gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét, tổng hợp phần vốn đề nghị NSNN cấp trong năm gửi Bộ Tài chính xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định số bổ sung từ NSNN cho Quỹ.

2. Định kỳ Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu lao động báo cáo nhanh về tình hình thực hiện kế hoạch thu, chi tài chính Quỹ gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Kết thúc niên độ kế toán, Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu lao động lập báo cáo quyết toán tài chính năm gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phê duyệt.

3. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quyết toán chi ngân sách nhà nước hàng năm cho Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu lao động theo qui định hiện hành.

Điều 7. Công tác kế toán và quản lý tài chính.

1. Quỹ phải tổ chức công tác kế toán, quyết toán Quỹ theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật kế toán. Trưởng ban điều hành Quỹ là Chủ tài khoản và chịu trách nhiệm về hoạt động của Quỹ.

2. Đồng tiền sử dụng: Việt Nam đồng (VNĐ); có thể sử dụng Đôla Mỹ (USD) và bản tệ nhưng hạch toán phải quy ra VNĐ. Việc quy đổi tiền tệ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Trường hợp nguồn thu ở nước ngoài bằng bản tệ không chuyển đổi được thì thu vào Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Quản lý và sử dụng theo quy định tài chính hiện hành.

4. Mở sổ theo dõi và thống kê đầy đủ danh sách các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ, phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh.

5. Chịu sự thanh tra, kiểm tra về các hoạt động tài chính Quỹ của cơ quan tài chính; Cung cấp các thông tin cần thiết cho các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=18259&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận