QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc ban hành Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi truờng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Báo tin động đất, cảnh báo sóng thần
(Ban hành kèm theo Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16/11/2006
của Thủ tướng Chính phủ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nội dung công tác báo tin động đất, cảnh báo sóng thần quy định trong Quy chế này bao gồm việc thường xuyên theo dõi, thu thập, xử lý thông tin, ra các thông báo về động đất, cảnh báo sóng thần và việc chuyển các tin đó đến các cơ quan nhà nước có liên quan, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân để phục vụ công tác phòng, tránh, cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra. Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần này được áp dụng trong các trường hợp sau:
a) Những trận động đất có cường độ bằng hoặc lớn hơn 3,5 độ Richter xảy ra trên đất liền và vùng biển Đông gần bờ;
b) Hoạt động núi lửa và những trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter xảy ra ở các vùng biển khác nhưng có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến bờ biển và hải đảo Việt Nam;
c) Những cơn sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến bờ biển và hải đảo Việt Nam.
2. Quy chế này quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác phối hợp báo tin động đất, cảnh báo sóng thần.
3. Trường hợp sóng thần do động đất gần bờ gây ra không áp dụng theo quy định của Quy chế này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Sóng thần là sóng biển chu kỳ dài, lan truyền với vận tốc lớn (có khi đến 800km/giờ). Khi tới bờ, phụ thuộc vào độ sâu của biển và địa hình vùng bờ, sóng thần có thể đạt độ cao lớn, tới hàng chục mét, tràn sâu vào đất liền, gây ra thảm họa. Sóng thần được quy định trong Quy chế này là sóng thần gây ra bởi động đất hoặc hoạt động của núi lửa.
2. Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần là vùng đất liền nằm trong phạm vi sóng thần có thể lan truyền tới và gây thiệt hại (khoảng cách tối đa là 1km tính từ bờ biển).
Các vùng biển Việt Nam có khả năng chịu ảnh hưởng của sóng thần được quy định tại Phụ lục II kèm theo Quy chế này.
3. Động đất (còn gọi là địa chấn) là sự rung động mặt đất, gây ra bởi các dịch chuyển đột ngột của các địa khối theo các đứt gãy địa chất trong lòng đất (gọi là động đất kiến tạo), các vụ nổ núi lửa (gọi là động đất núi lửa), các vụ sụp đổ hang động, các vụ trượt lở đất, thiên thạch và các vụ nổ nhân tạo.
4. Chấn tiêu là nơi phát sinh động đất, nơi năng lượng động đất được giải phóng và truyền ra không gian xung quanh dưới dạng sóng đàn hồi, gây rung động mặt đất.
5. Chấn tâm là hình chiếu theo chiều thẳng đứng của chấn tiêu trên mặt đất.
6. Độ sâu chấn tiêu là khoảng cách từ chấn tiêu đến chấn tâm.
7. Khoảng cách chấn tiêu là khoảng cách từ chấn tiêu đến điểm quan sát.
8. Khoảng cách chấn tâm là khoảng cách từ chấn tâm đến điểm quan sát.
9. Cường độ động đất là đại lượng đo độ lớn động đất về năng lượng mà nó phát ra dưới dạng sóng đàn hồi. Cường độ động đất đo theo thang độ Richter, có giá trị bằng logarit cơ số 10 của biên độ cực đại, đo bằng micron, thành phần nằm ngang của sóng địa chấn trên băng ghi của máy địa chấn chu kỳ ngắn chuẩn Wood Andersen ở khoảng cách 100km từ chấn tâm.
10. Cấp động đất là đại lượng biểu thị cường độ chấn động mà nó gây ra trên mặt đất và được đánh giá theo các thang phân bậc mức độ tác động của động đất đối với các kiểu nhà cửa, công trình, đồ vật, súc vật, con người và biến dạng mặt đất. Cấp động đất được đánh giá bằng thang MSK-64 (Medvedev-Sponheuer-Karnik), chia cường độ chấn động thành 12 cấp và được ghi tóm tắt tại Phụ lục I kèm theo Quy chế này.
Chương II
QUAN TRẮC, THU THẬP THÔNG TIN,
PHÁT VÀ TRUYỀN TIN VỀ ĐỘNG ĐẤT, CẢNH BÁO SÓNG THẦN
Điều 3. Quan trắc, thu thập thông tin về động đất, sóng thần
1. Viện Vật lý Địa cầu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chịu trách nhiệm xây dựng mạng lưới quan trắc địa chấn phục vụ báo tin động đất.
2. Trung tâm Khí tượng, Thuỷ văn quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm xây dựng mạng lưới quan trắc và truyền số liệu mực nước biển phục vụ yêu cầu trao đổi quốc tế và phục công tác cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý Địa cầu.
3. Viện Vật lý Địa cầu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chịu trách nhiệm thu thập, xử lý thông tin trong và ngoài nước để báo tin động đất, cảnh báo sóng thần; cập nhật các thông tin kịp thời để bổ sung, điều chỉnh bản tin về động đất, cảnh báo sóng thần cho phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.
Điều 4. Phát và truyền tin động đất, tin cảnh báo sóng thần
1. Viện Vật lý Địa cầu là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phát tin động đất, tin cảnh báo sóng thần trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Tin động đất được báo ngay cho Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn, hệ thống thông tin đại chúng và các cơ quan có tên tại Phụ lục III kèm theo Quy chế này.
3. Tin cảnh báo sóng thần được báo ngay trên hệ thống báo động trực canh và cho Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn, hệ thống thông tin đại chúng và các cơ quan có tên tại Phụ lục III kèm theo Quy chế này.
4. Khi đưa tin động đất, tin cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu có trách nhiệm kiểm tra để bảo đảm các tin trên đã đến được hệ thống báo động trực canh và các cơ quan đã nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Cơ quan nhà nước, cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức, cá nhân khi truyền tin động đất, tin cảnh báo sóng thần phải theo đúng nội dung tin do Viện Vật lý Địa cầu cung cấp.
Điều 5. Phân loại tin động đất
1. "Tin động đất"
"Tin động đất" được phát khi xảy ra động đất trên đất liền và trên biển Đông. Nội dung "Tin động đất" gồm: thời gian xảy ra động đất (theo giờ Hà Nội), địa điểm xảy ra động đất (chấn tâm), độ sâu chấn tiêu, cường độ động đất, cấp động đất ở chấn tâm và các địa phương lân cận, hậu quả có thể xảy ra, khả năng xảy ra dư chấn.
2. "Tin cuối cùng về động đất"
Khi động đất kết thúc (không còn khả năng gây thiệt hại, không có khả năng gây ra sóng thần cho các vùng ven biển Việt Nam) thì phát "Tin cuối cùng về động đất".
Điều 6. Chế độ báo tin động đất
1. Đối với trận động đất có cường độ nhỏ hơn 5,0 độ Richter, "Tin động đất" được phát tin một lần cho các cơ quan tại Phụ lục III kèm theo Quy chế này. Khi động đất kết thúc thì phát "Tin cuối cùng về động đất".
2. Đối với trận động đất có cường độ bằng hoặc lớn hơn 5,0 độ Richter, "Tin động đất" được thông báo ngay cho Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và phát tin một lần cho các cơ quan tại Phụ lục III kèm theo Quy chế này. Khi động đất kết thúc thì phát "Tin cuối cùng về động đất".
3. "Tin động đất" phải được thông báo kịp thời để phục vụ cho các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả.
Điều 7. Tin cảnh báo sóng thần
Các căn cứ để phát tin cảnh báo sóng thần:
1. Cường độ động đất xảy ra trên biển Đông đã đo được;
2. Tin cảnh báo sóng thần liên quan đến biển Đông do các Trung tâm cảnh báo sóng thần quốc tế cung cấp;
3. Kịch bản cảnh báo sóng thần từ động đất đã được Hội đồng Thẩm định quốc gia thẩm định và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Điều 8. Phân loại tin cảnh báo sóng thần
1. "Tin cảnh báo sóng thần" theo tin động đất trên biển Đông
Khi động đất trên vùng biển Đông có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter, bên cạnh việc phát "Tin động đất", Viện Vật lý Địa cầu phải lập tức xem xét các kịch bản động đất gây sóng thần để đưa ra "Tin cảnh báo sóng thần" theo tin động đất, với 4 mức sau đây:
a) "Không có sóng thần", khi động đất xảy ra nhưng không có khả năng gây ra sóng thần;
b) "Sóng thần yếu", khi động đất có khả năng gây sóng thần và có độ cao tại bờ không quá 0,5m;
c) "Sóng thần mạnh", khi động đất có khả năng gây sóng thần và có độ cao tại bờ từ 0,5m đến 1m;
d) "Sóng thần nguy hiểm", khi động đất có khả năng gây sóng thần và có độ cao tại bờ lớn hơn 1m.
2. "Tin cảnh báo sóng thần" theo tin của các Trung tâm cảnh báo sóng thần quốc tế
Ngay khi nhận được thông tin về sóng thần có ảnh hưởng đến bờ biển Việt Nam từ các trung tâm cảnh báo sóng thần quốc tế, phải phát ngay "Tin cảnh báo sóng thần" theo bản tin nhận được (bằng tiếng Việt). Tuỳ theo độ cao của sóng thần trong bản tin cảnh báo nhận được mà báo tin theo quy định tại các mục a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. "Tin cuối cùng về sóng thần"
Khi không còn khả năng xảy ra sóng thần hoặc sóng thần đã kết thúc hoàn toàn (không còn khả năng ảnh hưởng đến bờ biển Việt Nam) thì phát "Tin cuối cùng về sóng thần".
Điều 9. Nội dung "Tin cảnh báo sóng thần"
Nội dung "Tin cảnh báo sóng thần" bao gồm:
1. Tiêu đề tin, được xác định theo loại tin sóng thần quy định tại Điều 8 Quy chế này.
2. Nhận định về sóng thần:
a) Vị trí và thời gian xảy ra động đất gây ra sóng thần;
b) Nhận định mức độ nguy hiểm của sóng thần và khu vực có thể bị ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần;
c) Nhận định về độ cao sóng thần tại bờ biển và thời gian sẽ ảnh hưởng đến bờ biển gần nhất.
3. Yêu cầu sơ tán, nếu cần thiết.
Mẫu bản "Tin cảnh báo sóng thần" được quy định tại Phụ lục IV kèm theo Quy chế này.
Điều 10. Chế độ báo tin sóng thần
1. Khi phát hiện có khả năng xảy ra sóng thần mạnh hoặc sóng thần nguy hiểm thì phát ngay "Tin cảnh báo sóng thần" cho Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn; phát tin liên tục trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng ở vùng bờ biển có nguy cơ bị ảnh hưởng của sóng thần (phát thanh, truyền hình địa phương, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống phát thanh nội bộ của các cơ quan, đơn vị), các đài phát thanh, truyền hình Trung ương. Khi sóng thần đã thực sự kết thúc hoặc không có khả năng xảy ra sóng thần thì phát "Tin cuối cùng về sóng thần".
2. Khi phát hiện có khả năng xảy ra sóng thần yếu thì phát tin 3 lần liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi sóng thần đã thực sự kết thúc hoặc không có khả năng xảy ra sóng thần thì phát "Tin cuối cùng về sóng thần".
3. Khi có động đất gần bờ xảy ra, tuỳ theo tình hình có sóng thần hoặc không có sóng thần để phát "Tin động đất" hoặc "Tin cuối cùng về sóng thần".
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH
VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC ĐỊA PHƯƠNG VEN BIỂN
Điều 11. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo tin động đất, cảnh báo sóng thần, có trách nhiệm:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật về báo tin động đất, cảnh báo sóng thần;
b) Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về hoạt động báo tin động đất, cảnh báo sóng thần;
c) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định quốc gia các kịch bản cảnh báo sóng thần; quyết định cho phép sử dụng các kịch bản này trong hoạt động cảnh báo sóng thần trong quý I năm 2007;
d) Chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng, trình Chính phủ cơ chế, chính sách nhằm tăng cường năng lực báo tin động đất, cảnh báo sóng thần cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ này;
đ) Chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia tổ chức quan trắc và truyền số liệu mực nước biển phục vụ trao đổi quốc tế và phục vụ công tác cảnh báo sóng thần của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam;
e) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về động đất, sóng thần và hướng dẫn sử dụng tin động đất, sóng thần, nhằm nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu các phương pháp, giải pháp khoa học công nghệ quan trắc động đất và cảnh báo sóng thần.
b) Chủ trì Hội đồng Thẩm định quốc gia thẩm định các kịch bản cảnh báo sóng thần trước khi đưa vào áp dụng.
3. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam:
a) Chỉ đạo Viện Vật lý Địa cầu thực hiện nhiệm vụ báo tin động đất, cảnh báo sóng thần; trong đó có nhiệm vụ xây dựng mạng lưới quan trắc địa chấn, tổ chức thu thập thông tin từ mạng lưới quan trắc địa chấn trong nước và ngoài nước, thu thập thông tin sóng thần từ mạng lưới quan trắc sóng thần quốc tế và mạng lưới quan trắc mực nước biển trong nước phục vụ báo tin động đất, cảnh báo sóng thần;
b) Xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện các hoạt động báo tin động đất, cảnh báo sóng thần nhanh chóng, chính xác;
c) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tăng cường năng lực báo tin động đất, cảnh báo sóng thần;
d) Nghiên cứu các phương pháp, giải pháp khoa học công nghệ trong công tác báo tin động đất, cảnh báo sóng thần.
4. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai kịp thời công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có động đất, sóng thần.
b) Cung cấp kịp thời thông tin thực tế liên quan đến động đất, sóng thần cho Viện Vật lý Địa cầu.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các phương án cứu hộ, cứu nạn cho các vùng có nguy cơ xẩy ra động đất, sóng thần.
5. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương:
a) Phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo việc phòng chống, tổ chức cứu hộ, cứu nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có động đất, sóng thần.
b) Cung cấp kịp thời thông tin thực tế liên quan đến sóng thần cho Viện Vật lý Địa cầu.
c) Chỉ đạo xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ.
6. Các cơ quan thông tin đại chúng:
a) Truyền phát kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng các tin động đất, tin cảnh báo sóng thần do Viện Vật lý Địa cầu cung cấp; các mệnh lệnh hoặc các hướng dẫn phòng, tránh, cứu hộ, cứu nạn động đất, sóng thần của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn gửi đến;
b) Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, tránh động đất, sóng thần, các kinh nghiệm, các điển hình trong công tác phòng tránh và khắc phục hậu quả.
7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi xây dựng các kế hoạch, chính sách phải lưu ý việc phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do động đất, sóng thần.
Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các địa phương ven biển
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển:
a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Ủy ban nhân dân các địa phương ven biển) duy trì hoạt động của hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần tại địa phương;
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các địa phương ven biển chủ động hướng dẫn nhân dân ven biển sơ tán khi có tin cảnh báo về sóng thần mạnh và nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới địa phương;
c) Chỉ đạo Đài Phát thanh, Truyền hình địa phương truyền tin kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân tại địa phương các tin động đất, sóng thần quy định tại Điều 10 và Điều 13 Quy chế này;
d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các địa phương ven biển xây dựng các phương án và tổ chức công tác phòng tránh, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi động đất, sóng thần xảy ra tại địa phương;
đ) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tuyên truyền các kiến thức và kỹ thuật cơ bản phòng tránh động đất, sóng thần, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra;
e) Phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương chỉ đạo việc xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ tại địa phương.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các địa phương ven biển:
a) Duy trì hoạt động của hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần tại địa phương.
b) Truyền kịp thời tin tức đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân tại địa phương các tin động đất, sóng thần quy định tại Điều 9 và Điều 12 Quy chế này.
c) Hướng dẫn nhân dân ven biển sơ tán khi có tin cảnh báo sóng thần mạnh và nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới địa phương.
d) Xây dựng các phương án và tổ chức công tác phòng tránh, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi động đất, sóng thần xảy ra tại địa phương.
đ) Tuyên truyền các kiến thức và kỹ thuật cơ bản phòng tránh động đất, sóng thần, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra.
e) Xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần và các thiên tai ven biển khác cho các vùng có nguy cơ tại địa phương theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương.
g) Thông báo kịp thời đến các cơ quan chỉ đạo cấp trên tình hình thực tế về động đất, sóng thần tại địa phương.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Các phụ lục của Quy chế
Ban hành kèm theo Quy chế này 4 Phụ lục sau:
1. Phụ lục I: thang cấp động đất theo thang động đất quốc tế MSK64.
2. Phụ lục II: sơ đồ khu vực theo dõi cảnh báo sóng thần trên Biển Đông.
3. Phụ lục III: danh sách cơ quan được cung cấp tin động đất, sóng thần.
4. Phụ lục IV: mẫu bản tin cảnh báo sóng thần.
Điều 14. Tổ chức thực hiện Quy chế
1. Quy chế này được thực hiện theo hai bước:
a) Bước I từ khi Quy chế này có hiệu lực thi hành đến tháng 6 năm 2008: thực hiện việc báo tin động đất theo tin từ mạng lưới địa chấn trong nước và quốc tế; cảnh báo sóng thần theo tin cảnh báo từ các trung tâm cảnh báo sóng thần quốc tế thông qua hệ thống thông tin đại chúng;
b) Bước II từ tháng 7 năm 2008 trở đi: bổ sung việc cảnh báo sóng thần (cùng với tin động đất) theo các kịch bản cảnh báo sóng thần và thông qua hệ thống báo động trực canh.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này trong phạm vi cả nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Quy chế và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung khi cần thiết./.