QUYếT địNHQUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phê chuẩn dự án bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ di tích
lịch sử khu rừng Trần Hưng Đạo, đồn Phai Khắt, đồn Nà Ngần và Phát triển
Kinh tế - Xã hội của hai xã Tam Kim và Hoa Thám thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Xét tờ trình 401-UB/TT ngày 26-10-1993 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng;
Theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thẩm định luận chứng kinh tế kỹ thuật cấp Nhà nước tại công văn số 452-UB/VPTĐ ngày 10-3-1994;
-
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Dự án bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ di tích lịch sử khu rừng Trần Hưng Đạo, đồn Phai Khắt, đồn Nà Ngần và phát triển kinh tế - xã hội của hai xã Tam Kim và Hoa Thám thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng theo những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu dự án:
Bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử cách mạng gồm khu rừng Trần Hưng Đạo, đồn Phai Khắt, đồn Nà Ngần đã được xếp hạng và xây dựng một số cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ cho khu di tích.
Phát triển kinh tế - xã hội ở hai xã vùng cao là Tam Kim và Hoa Thám nhằm từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng ven khu di tích.
Bảo vệ khu rừng đầu nguồn sông Hiến nhằm tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên theo luận chứng Kinh tế kỹ thuật đã được Bộ Lâm nghiệp phê duyệt.
2. Phạm vi Dự án : Bao gồm toàn bộ khu di tích và hai xã Tam Kim và Hoa Thám thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
3. Nội dung Dự án:
a) Về bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ các di tích lịch sử Cách mạng gồm:
Hoạch định ranh giới xây dựng cột mốc, khu rừng Trần Hưng Đạo, tiến hành bảo vệ, tu bổ, cải tạo và trồng cây theo qui hoạch; Xây dựng hệ thống bia, biển, biểu tượng để giới thiệu các dấu ấn lịch sử tại khu rừng; Xây dựng đường nội bộ và đường từ khu rừng đến đồn Phai Khắt.
Tu bổ, bảo vệ đồn Phai Khắt, sưu tập và phục chế các hiện vật, dựng sa bàn, nhà làm việc của Ban quản lý và tiếp khách tham quan du lịch và một số công trình cơ sở hạ tầng thật cần thiết khác.
Khôi phục đồn Nà Ngần, dựng một số bia, biển nhằm giới thiệu những địa danh có ý nghĩa lịch sử.
b) Về phát triển kinh tế - xã hội của hai xã vùng cao Tam kim và Hoa Thám gồm:
Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; Thực hiện các chính sách ưu tiên thích hợp nhằm từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, văn hoá - xã hội của đồng bào các dân tộc hai xã vùng cao ven khu di tích.
Trước mắt cải tạo và nâng cấp các tuyến đường liên xã liên thôn, đặc biệt là tuyến đường từ thị trấn Nguyên Bình đến đồn Phai Khắt.
Cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới một số công trình thuỷ lợi, điện thắp sáng, hệ thống cấp nước sinh hoạt với quy mô hợp lý và có hiệu quả.
Xây dựng cụm văn hoá - thông tin với trang thiết bị thích hợp phục vụ đồng bào các dân tộc.
4. Các giải pháp chủ yếu:
Các giải pháp về kinh tế - kỹ thuật sẽ được quyết định khi xem xét phê duyệt từng dự án cụ thể với sự tham gia của Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật đó và của các ngành chức năng liên quan. Riêng đối với các thiết kế cải tạo, tôn tạo, phục hồi các di tích cần được sự thoả thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ Xây dựng khi phê duyệt. Các Dự án phát triển kinh tế - xã hội phải luận chứng rõ các biện pháp thực hiện cụ thể để đảm bảo tính khả thi.
5. Về nguồn vốn đầu tư:
Cần kết hợp các nguồn vốn để thực hiện cho Dự án như chương trình lâm nghiệp, chương trình văn hoá thông tin miền núi, chương trình giáo dục đào tạo, chương trình chống xuống cấp các di tích lịch sử, chương trình phát triển giao thông, thuỷ lợi miền núi... đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ vốn của các ngành cho sự phát triển dự án, kể cả viện trợ, đầu tư nước ngoài.
Vốn thuộc ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ các di tích, xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi công cộng theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội hai xã vùng cao ven khu di tích và xây dựng các khu rừng phòng hộ.
Trên cơ sở dự án tổng thể này được duyệt, cần xác định trình tự ưu tiên đầu tư. Trước mắt tập trung ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ cho kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1994). Song phải đầu tư theo đúng nội dung được duyệt, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
6. Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng bằng chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Dự án theo quy chế Quản lý xây dựng cơ bản hiện hành.
Điều 2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao bằng, Bộ trưởng các Bộ Văn hoá - Thông tin, Quốc phòng, Xây dựng, Tài chính, Lâm nghiệp, Giao thông Vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.