Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy chế quản lý, nhằm bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2: Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây về quản lý, bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh trái với quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở văn hoá thông tin, Giám đốc các Sở, các Thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quy chế
Về việc quản lý bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá
và danh lam thắng cảnh tỉnh Nghệ An
(Ban hành theo Quyết định số 320/QĐUB ngày 29/11/1997 của UBND tỉnh Nghệ An)
Chương I
Quy định chung
Điều 1:
1. Bản quy chế này cụ thể hoá một số điểm được quy định trong pháp lệnh của HĐNN và Nghị định của Chính phủ về việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Mọi hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh của tổ chức và cá nhân trên phạm vi địa bàn tỉnh Nghệ An đều phải tuân theo pháp lệnh của HĐNN, Nghị định của Chính phủ về việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh và nội dung của bản quy chế này.
Điều 2: Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh nói trong quy chế này bao gồm: Những công trình xây dựng, địa điểm, đồ vật, tài liệu, tác phẩm có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học nghệ thuật vá các giá trị văn hoá khác hoặc những sự kiện lịch sử, quá trình phát triển văn hoá - xã hội.
Danh lam thắng cảnh là những khu vực thiên nhiên có cảnh đẹp độc đáo hoặc có công trình xây dựng đẹp nổi tiếng được quy định trong điều 2 của Nghị định số 288/HĐBT ngày 21/12/1985.
Điều 3: Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, quản lý và sử dụng có hiệu quả các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh đó. Các cấp chính quyền, các cơ quan có trách nhiệm ở trong tỉnh phải tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đối với các đối tượng này.
Điều 4: Nghiêm cấm các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và cá nhân mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép hoặc làm hư hỏng, huỷ hoại, chiếm giữ trái phép di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước công nhận xếp hạng.
Chương II
Đăng ký, kiểm kê và công nhận
di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh
Điều 5:
1. Tất cả những đố tượng có dấu hiệu được coi là di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh không kể thuộc sở hữu của ai đều phải được đăng ký, kiểm kê và đặt dưới quyền quản lý Nhà nước của UBND tỉnh và Bộ Văn hoá thông tin.
2. Giám đốc Sở Văn hoá thông tin chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh tổ chức đăng ký, kiểm kê đối với những đối tượng được coi là "di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh".
3. Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, phường xã, thị trấn có trách nhiệm kê khai đăng ký với Sở Văn hoá thông tin những đối tượng được coi là di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh trong địa phương mình.
Điều 6: Căn cứ vào kết quả phân loại, xếp hạng để tiến hành biên soạn hồ sơ khoa học di tích theo quy định như sau:
- Tờ trình của đơn vị có di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh, được chính quyền địa phương xác nhận.
- ý kiến đồng ý của Sở Văn hoá thông tin.
- Hồ sơ khoa học biên soạn đúng hướng dẫn củ Bộ Văn hoá thông tin và được Hội đồng khoa học bảo tồn bảo tàng tỉnh thẩm định mới được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sau khi được Bộ Văn hoá thông tin hoặc UBND tỉnh quyết định công nhận và cấp bằng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh và chính quyền địa phương tổ chức lễ đón nhận quyết định công nhận và bằng di tích lịch sử văn hoá.
Điều 7:
1. Đối với các đối tượng có dấu hiệu được coi là di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh mới được phát hiện bất kỳ ở đâu mà không xác định được quyền sở hữu của ai thì đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
2. Cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tập thể và cá nhân khi phát hiện được các đối tượng có dấu hiệu được coi là di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh phải có trách nhiệm bảo vệ nguyên trạng đối tượng và báo cáo ngay với UBND xã, phường, thị trấn cấp sở tại để có biện pháp khẩn cấp bảo quản và báo cáo cho Sở Văn hoá thông tin trình UBND tỉnh xử lý kịp thời.
Điều 8: Đối với những danh lam thắng cảnh, những di tích lịhc sử văn hoá đã bị tàn phá hoàn toàn do thiên nhiên và con người gây ra mà qua giám định khoa học chứng minh các di tích, danh lam thắng cảnh đó nay không còn nữa hoặc di tích đã chuyển vĩnh viễn ra nước ngoài, thì Giám đốc Sở Văn hoá thông tin làm tờ trình lên UBND tỉnh và Bộ Văn hoá thông tin đề nghị xoá di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh đó trong danh mục và đăng ký hoặc xếp hạng lại.
Chương III
Quản lý, bảo vệ, tu bổ và sử dụng
di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh
Điều 9: Căn cứ vào giá trị của di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh để phân cấp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ như sau:
- Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh thuộc tỉnh quản lý.
- Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh thuộc tỉnh và huyện, thành phố, thị xã đồng quản lý.
- Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh thuộc xã, phường, thị trấn quản lý.
Danh mục phân cấp quản lý, bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh do Sở Văn hoá thông tin đề nghị, UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 10: Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh dù cấp nào quản lý đều đặt dưới sự quản lý của Nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ của ngành văn hoá thông tin. Các đơn vị được phân công quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh thuộc tỉnh quản lý trực tiếp dù nằm trên địa phương nào thì địa phương ấy phải có trách nhiệm bảo vệ.
Điều 11:
1. Giám đốc Sở văn hoá thông tin chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh quản lý Nhà nước toàn diện các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện những hoạt động bảo tồn bảo tàng thuộc địa phương mình quản lý dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hoá thông tin.
3. Chủ tịch UBND các xã, phường thị trấn quản lý, bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh theo sự phân cấp và hướng dẫn của Sở Văn hoá thông tin.
3. Sở Văn hoá thông tin và chính quyền các cấp có trách nhiệm khai thác phát huy giá trị lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, tổ chức các hoạt động văn hoá, danh lam thắng cảnh để phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.
Điều 12: Các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được thành lập tổ bảo vệ. Tổ có trách nhiệm quản lý, bảo vệ các động sản và bất động sản, hướng dẫn các sinh hoạt văn hoá, danh lam thắng cảnh.
Nơi nào có điều kiện thì thành lập "Hội bảo vệ di tích".
Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh thuộc cấp nào quản lý thì UBND cấp đó ra quyết định thành lập tổ bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh.
Điều 13: Các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh nằm trong quy hoạch tổng thể thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó làm dự án hoặc kế hoạch trùng tu tôn tạo.
Dự án và kế hoạch trùng tu tôn tạo phải được Sở Văn hoá thông tin và các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nguồn vốn chống xuống cấp di tích gồm có:
- Kinh phí Nhà nước đầu tư hàng năm.
- Đóng góp của tập thể hoặc cá nhân có hảo tâm.
- Vận động nhân dân địa phương tự gnuyện đóng góp.
- Một phần tiền lệ phí tham quan di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh.
- Các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài.
Điều 14:
1. Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh phải được khai thác tích cực hợp lý để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hoá lành mạnh của nhân dân, phát huy truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng đất nước.
2. Việc tổ chức các lễ hội ở các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, lịch sử của di tích, phù hợp với thuần phong mỹ tục và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời phải được phép của Sở Văn hoá thông tin.
Điều 15:
1. Tất cả các hình thức hoạt động khai thác, sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh như cắm trại, biểu diễn nghệ thuật, quay phim, chụp ảnh, xuất bản, du lịch... đều phải theo sự hướng dẫn của Sở Văn hoá thông tin và chính quyền địa phương sở tại.
2. Mọi khoản tiền thu được từ việc khai thác sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh đều phải được quản lý chặt chẽ theo chế độ quản lý tài chính hiện hành nhằm tu bổ, bảo quản tốt di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh.
Điều 16:
1. Chủ sở hữu di tích và tập thể, cá nhân khi muốn nhượng bán di tích thì UBND tỉnh được ưu tiên mua trước.
2. Việc khai quật khảo cổ học chỉ được tiến hành khi có giấy phép của Bộ Văn hoá thông tin và phải được sự đồng ý của UBND tỉnh.
Chương IV
Điều khoản thi hành
Điều 17: Giao cho Giám đốc Sở Văn hoá thông tin, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBNd các huyện, thành phố, thị xã, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nội dung bản quy chế này.
Điều 18:
1. Nghiêm cấm các tổ chức và cá nhân lợi dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh trái phép, hoạt động văn hoá đồi trụy và các hoạt động vi phạm luật khác.
2. Những tổ chức cá nhân có công phát hiện, nghiên cứu khoa học làm sáng tỏ và phong phú của các giá trị của các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh hoặc so công bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh thì được khen thưởng.
3. Những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp lệnh, nghị định và nội dung của quy chế này thì tuỳ mức độ vi phạm mà xử lý theo pháp luật hiện hành.