QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của
Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 88/2003/QĐ-BNN ngày 04 tháng 9 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Bảo vệ thực vật;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam là đơn vị sự nghiệp bảo vệ thực vật trực thuộc Cục Bảo vệ thực vật, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có kinh phí hoạt động, được mở tài khoản theo quy định của Pháp luật.
Trụ sở của Trung tâm đặt tại xã Long Đinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Phạm vi hoạt động của Trung tâm gồm các tỉnh từ Ninh Thuận trở vào.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Giúp Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thực hiện công tác bảo vệ thực vật tại các tỉnh trong vùng phụ trách.
1. Theo dõi, tổng hợp, dự báo, thông báo tình hình diễn biến của sinh vật gây hại, sinh vật có ích đối với tài nguyên thực vật cho Cục Bảo vệ thực vật và các tỉnh trong vùng phụ trách;
2. Tham gia việc chỉ đạo phòng trừ sinh vật hại tài nguyên thực vật; xác minh, tổng hợp tình hình dịch hại trong vùng để báo cáo Cục;
3. Huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ bảo vệ thực vật các tỉnh trong vùng;
4. Thực hiện khuyến nông về bảo vệ thực vật theo phân công của Cục trưởng:
4.1. Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên quản lý dịch hại tổng hợp, phương pháp khuyến nông bảo vệ thực vât;
4. 2. Xây dựng, chuyển giao và tuyên truyền các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ thực vật;
5. Tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy trình và thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu, khảo sát thực nghiệm về bảo vệ thực vật;
6. Nhân nuôi sinh vật có ích, chế phẩm có nguồn gốc sinh học sử dụng trong bảo vệ thực vật;
7. Xác định và phân loại sinh vật gây hại tài nguyên thực vật, sinh vật có ích;
8. Theo dõi, đề xuất việc xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức mạng lưới bảo vệ thực vật cơ sở theo quy định của pháp luật;
9. Thực hiện các dịch vụ về bảo vệ thực vật;
10. Tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về bảo vệ thực vật;
11. Quản lý viên chức, tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được Cục giao;
12. Thực hiện nhiệm vụ khác được Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật giao.
Điều 3. Tổ chức bộ máy
1. Lãnh đạo Trung tâm:
Lãnh đạo Trung tâm có Giám đốc và các Phó Giám đốc do Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật bổ nhiệm theo quy định;
Giám đốc điều hành hoạt động của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về hoạt động của Trung tâm và về nhiệm vụ được giao;
Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công. Số lượng Phó Giám đốc không quá 2 người.
2. Bộ máy giúp việc Giám đốc Trung tâm:
a) Phòng Hành chính tổng hợp;
b) Phòng Kỹ thuật;
c) Phòng Dự báo và Chuyển giao.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật qui định Quy chế làm việc của đơn vị.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo Chính phủ; Quyết định này thay thế Quyết định số 67/NN-TCCB/QĐ ngày 07 tháng 02 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Quyết định này.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ và Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.