Văn bản pháp luật: Quyết định 33/2006/QĐ-BNN

Cao Đức Phát
Toàn quốc
Công báo số 27 - 05/2006;
Quyết định 33/2006/QĐ-BNN
Quyết định
08/06/2006
09/05/2006

Tóm tắt nội dung

Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Ngô

Bộ trưởng
2.006
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Ngô


BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 09 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ Thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam;

Xét đề nghị của Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí chức năng

1. Viện Nghiên cứu ngô được thành lập theo điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 09 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ Thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

2. Viện Nghiên cứu Ngô là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về cây ngô và một số cây màu khác trong hệ thống luân canh có ngô.

Tên giao dịch tiếng Anh của Viện là: Maize Research Institute, tên viết tắt là MRI.

3. Viện được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động, được sử dụng con dấu và mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Trụ sở chính của Viện đặt tại huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.

Điều 2. Nhiệm vụ của Viện

1. Xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ dài hạn, năm năm và hàng năm về cây ngô và một số cây màu khác trong hệ thống cây trồng có ngô.

2. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về các lĩnh vực:

a) Nghiên cứu chọn, tạo, khảo nghiệm phát triển giống ngô và một số cây màu khác trong hệ thống luân canh có ngô, phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của các vùng sinh thái nông nghiệp cả nước;

b) Nghiên cứu xây dựng biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng ngô, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại ngô và một số cây màu khác trong hệ thống luân canh có ngô;

c) Thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngô và một số cây màu khác, công nghệ sấy chế biến và bảo quản ngô sau thu hoạch.

3. Tham gia quy hoạch các vùng sản xuất ngô phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo quy định hiện hành.

4. Hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực được giao theo quy định của Nhà nước.

5. Hợp đồng liên doanh, liên kết về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thử nghiệm kỹ thuật mới, đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực được giao với các tổ chức trong nước theo quy định của pháp luật.

6. Sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

7. Quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, kinh phí, tài sản được giao theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Viện

1. Lãnh đạo Viện:

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Ngô có: Viện trưởng và các Phó Viện trưởng.

a) Viện trưởng: do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Viện.

b) Phó Viện trưởng: do Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam bổ nhiệm theo đề nghị của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được Viện trưởng phân công.

2. Các phòng nghiệp vụ giúp Viện trưởng thực hiện nhiệm vụ:

a) Phòng Tổ chức Hành chính;

b) Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế;

c) Phòng Tài chính Kế toán.

Các phòng có Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng.

Tuỳ theo điều kiện cụ thể, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có thể thành lập các phòng cho phù hợp, nhưng không quá 03 phòng.

3. Các Bộ môn nghiên cứu:

a) Bộ môn Chọn tạo giống Ngô;

b) Bộ môn Công nghệ sinh học;

c) Bộ môn Bảo vệ thực vật;

d) Bộ môn Hệ thống canh tác;

đ) Bộ môn Công nghệ hạt giống.

Các Bộ môn có Trưởng Bộ môn và Phó trưởng Bộ môn.

4. Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện:

Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống Ngô Sông Bôi, tại huyện Lạc Thuỷ tỉnh Hoà Bình, được sử dụng con dấu, mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo uỷ quyền của Viện trưởng và quy định của pháp luật.

Trung tâm có Giám đốc và Phó Giám đốc.

5. Công ty Tư vấn và Đầu tư phát triển Ngô:

Công ty là Doanh nghiệp trực thuộc Viện, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Giao Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam quy định nhiệm vụ cụ thể, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô quy định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động cho các tổ chức trực thuộc Viện; đăng ký hoạt động Khoa học và Công nghệ của Viện với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 6. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=16071&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận